Việt Nam: Cần thận trọng với ảnh hưởng của nhóm lợi ích

Lê Hồng Hiệp [*]
Điều dễ nhận thấy là trong đa số các trường hợp lợi ích của các nhóm lợi ích sẽ mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng, thậm chí là lợi ích quốc gia. Ví dụ như chính sách hạn chế phát triển phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm sức ép lên hạ tầng giao thông, giảm kẹt xe sẽ đụng chạm lợi ích của các nhà sản xuất ô-tô, xe máy; áp thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh chứng khoán sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của các thành viên VAFI... Hay trong cuộc tranh luận năm 2009 về việc có nên cho phép tiến hành các dự án khai thác tài nguyên ở Tây Nguyên hay không chúng ta có thể thấy thấp thoáng ít nhiều trong đó sự mâu thuẫn giữa mối quan tâm của cộng đồng về môi trường - sinh thái khu vực Tây Nguyên với lợi ích kinh tế của các nhà khai thác khoáng sản.

Trong một số trường hợp còn có thể tồn tại một liên minh không chính thức giữa các nhóm lợi ích của Việt Nam với các nhóm lợi ích ở nước ngoài. Ví dụ trong dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam được đề xuất và đang gây tranh cãi thời gian gần đây người ta có thể thấy các nhà thầu Việt Nam, những người trong tương lai có thể được hưởng lợi từ việc triển khai dự án này, đã nhận được sự hậu thuẫn lớn từ các đồng nghiệp Nhật Bản.

Điều đáng nói là trong những trường hợp như vậy các công ty nước ngoài sẽ thường chỉ quan tâm tới việc các dự án có được thông qua hay không mà không quan tâm thực sự tới hiệu quả của các dự án đó. Thậm chí họ còn có thể đưa ra các báo cáo, dữ liệu không thực sự đáng tin cậy để vận động cho việc thông qua dự án mà không quan tâm tới hiệu quả, tác động của dự án sau khi được hoàn thành. Trong trường hợp này nạn nhân tiềm tàng sẽ chính là Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Lê Hồng Hiệp



Trên thế giới, đặc biệt ở các nền dân chủ phát triển, các nhóm lợi ích đã tồn tại từ lâu và ngày càng có ảnh hưởng lớn tới chính sách của các quốc gia. Các nhóm lợi ích là một trong số các chủ thể tham gia vào môi trường chính trị trong nước của một quốc gia; cũng chính là tập hợp các cá nhân và tổ chức chia sẻ những lợi ích nhất định, hoạt động với mục đích thông qua nhiều biện pháp khác nhau tác động tới chính quyền nhằm tạo ra các quyết định chính sách có lợi nhất cho họ.

Các nhóm lợi ích thường sử dụng biện pháp vận động hành lang (lobby) để tác động tới các chính sách của chính quyền. Trên thế giới, các hoạt động vận động hành lang phổ biến bao gồm điều trần trước một phiên họp của các nhà lập pháp để kiến nghị những chất vấn chính thức và không chính thức, gửi những kết quả nghiên cứu hay thông tin kỹ thuật tới các quan chức có liên quan, tìm cách quảng bá một chủ đề, soạn thảo những dự luật có thể được đệ trình lên cơ quan lập pháp, tổ chức chiến dịch viết thư gửi các nhà lập pháp, và tất nhiên là cả tài trợ tài chính cho các ứng cử viên tranh cử vào các cơ quan lập pháp cũng như các cơ quan tham mưu chính sách có ảnh hưởng.

Từ câu chuyện nước Mỹ

Trên thế giới, đặc biệt là ở các nền dân chủ phát triển, các nhóm lợi ích đã tồn tại từ lâu và ngày càng có ảnh hưởng lớn tới chính sách của các quốc gia. Ví dụ, ngày nay ở Mỹ tồn tại hơn 22.000 nhóm lợi ích có tổ chức[1] được hình thành trên cơ sở lợi ích về kinh tế, sắc tộc, tôn giáo, giới tính... và hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại, nghiệp đoàn, tiêu dùng, nhân quyền, bảo vệ môi trường...

Một ví dụ tiêu biểu về các nhóm lợi ích ở Mỹ chính là cộng đồng người Do Thái tại nước này[2]. Với sức mạnh tài chính và khả năng ảnh hưởng rộng lớn thông qua các giới chức gốc Do Thái trong chính quyền, cộng đồng Do Thái đã tác động mạnh mẽ tới chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông nói chung và Israel nói riêng.


Các nhóm lợi ích là một trong số các chủ thể tham gia vào môi trường chính trị trong nước của một quốc gia.
Cộng đồng Do Thái đã thành công trong việc đảm bảo một chính sách Trung Đông của Mỹ có lợi cho Israel từ việc viện trợ quân sự và kinh tế đến giải quyết cuộc xung đột giữa người Ảrập và người Israel. Ví dụ, mặc dù là một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhưng năm 2005 Israel vẫn là quốc gia đứng thứ hai trong danh sách các nước nhận nhiều viện trợ kinh tế và quân sự nhất từ Mỹ, chỉ sau quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá là Iraq[3].

Các nhóm lợi ích về kinh tế cũng có tầm ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ đối với các chính sách của Mỹ. Ngày nay các công ty Mỹ đang bành trướng hoạt động của mình ra toàn cầu nhằm tối đa hóa lợi ích. Tuy nhiên nhiều khi lợi ích của các công ty lại không trùng hợp với lợi ích của chính quyền Mỹ, cụ thể như việc Mỹ cấm vận kinh tế Việt Nam, hay không cấp quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Trung Quốc trước đây đã từng ảnh hưởng tới cơ hội đầu tư, kinh doanh của các công ty Mỹ. Chính vì vậy giới doanh nghiệp Mỹ đã từng vận động hành lang đòi chính quyền Mỹ chấm dứt cấm vận kinh tế đối với Việt Nam và cấp quy chế PNTR cho Trung Quốc, đồng thời ủng hộ nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ngoài ra trong nhiều trường hợp các nhóm lợi ích này cũng là người châm ngòi cho các tranh chấp thương mại giữa Mỹ với các nước khác, mà một ví dụ quen thuộc với người Việt Nam chính là việc Hiệp hội các chủ trang trại cá da trơn Mỹ tiến hành chiến dịch vận động áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng cá da trơn của Việt Nam cách đây gần 10 năm.

Nhìn chung, sức mạnh của các nhóm lợi ích nằm ở khả năng tài chính cũng như mối liên hệ của các nhóm này với giới chức trong chính quyền. Sức mạnh tài chính càng lớn thì các nhóm lợi ích càng có nhiều khả năng tác động lên chính sách của chính quyền bởi việc cung cấp tài chính cho các chiến dịch tranh cử vào Quốc hội, thậm chí bầu cử Tổng thống, luôn đảm bảo cho các nhóm lợi ích có được một ảnh hưởng nhất định đối với lập trường của các ứng cử viên thành công.

Mặt khác, các nhóm lợi ích, đặc biệt là các nhóm về kinh tế, càng có nhiều cơ hội thành công hơn trong việc vận động chính sách nếu như họ có mối quan hệ với các nhân vật trong chính quyền. Theo Luật về Xung đột lợi ích của Mỹ thì khi tham gia vào chính quyền, các quan chức phải từ bỏ vị trí trong các công ty của mình nhằm đảm bảo thái độ khách quan trong công việc và không bị các động cơ tư lợi thúc đẩy đưa ra những chính sách sai trái.

Tuy nhiên hầu hết các quan chức này vẫn giữ một mối liên hệ nhất định với các công ty nơi mình từng làm việc, đại diện bởi các nhóm lợi ích, thông qua các mối quan hệ cũ cũng như các lợi ích tài chính (nhiều quan chức hay người thân vẫn nắm giữ cổ phiếu của các công ty). Vì vậy việc các viên chức trong chính quyền có xu hướng ủng hộ những chính sách có lợi cho các công ty mà họ có mối liên hệ là điều khó có thể tránh khỏi.


Các nhóm lợi ích, đặc biệt là các nhóm về kinh tế, càng có nhiều cơ hội thành công hơn trong việc vận động chính sách nếu như họ có mối quan hệ với các nhân vật trong chính quyền.
Một ví dụ tiêu biểu cho nhận định trên chính là tác động của tổ hợp công nghiệp quân sự, một nhóm lợi ích liên kết các công ty sản xuất vũ khí với giới chức chính quyền, đối với các chính sách quân sự và chi tiêu quốc phòng của Mỹ. Các nhà nghiên cứu đã tìm được các bằng chứng cho thấy tác động của các công ty sản xuất vũ khí đối với các chính sách quân sự - ngoại giao của các chính quyền Mỹ thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh như can thiệp vào Kosovo và Iraq; mở rộng NATO; hay phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo NMD [4].

Đến câu chuyện ở Việt Nam

Ở Việt Nam khái niệm nhóm lợi ích chưa thực sự phổ biến. Tuy nhiên trên thực tế các nhóm lợi ích đã xuất hiện và phát triển một cách tự nhiên song song với các đổi mới trong đời sống kinh tế - chính trị của đất nước những năm qua. Cũng như ở các quốc gia khác, các nhóm lợi ích của Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế.

Chúng ta có thể kể đến một loạt các nhóm lợi ích tiêu biểu ở Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô-tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính Việt nam (VAFI), Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA)...

Bên cạnh các hiệp hội, nhóm lợi ích có tổ chức và đăng ký hoạt động chính thức như trên, ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại rất nhiều các nhóm lợi ích nhỏ lẻ khác, đôi khi chỉ liên quan tới một số công ty, cá nhân... tập hợp lại như một liên minh tự nhiên khi họ có lợi ích chung bị ảnh hưởng.

Nhìn chung thời gian qua các nhóm lợi ích đã tích cực hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích cho các thành viên của mình, như việc VASEP điều phối việc tham gia vụ kiện chống bán phá giá cá da trơn ở Mỹ của các công ty thủy sản Việt Nam, hay VAFI thường xuyên đưa lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các kiến nghị liên quan đến chính sách phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam có lợi cho các nhà đầu tư...

Tuy nhiên một điều dễ nhận thấy là trong đa số các trường hợp lợi ích của các nhóm lợi ích sẽ mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng, thậm chí là lợi ích quốc gia. Ví dụ như chính sách hạn chế phát triển phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm sức ép lên hạ tầng giao thông, giảm kẹt xe sẽ đụng chạm lợi ích của các nhà sản xuất ô-tô, xe máy; áp thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh chứng khoán sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của các thành viên VAFI... Hay trong cuộc tranh luận năm 2009 về việc có nên cho phép tiến hành các dự án khai thác tài nguyên ở Tây Nguyên hay không chúng ta có thể thấy thấp thoáng ít nhiều trong đó sự mâu thuẫn giữa mối quan tâm của cộng đồng về môi trường - sinh thái khu vực Tây Nguyên với lợi ích kinh tế của các nhà khai thác khoáng sản.

Trong một số trường hợp còn có thể tồn tại một liên minh không chính thức giữa các nhóm lợi ích của Việt Nam với các nhóm lợi ích ở nước ngoài. Ví dụ trong dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam được đề xuất và đang gây tranh cãi thời gian gần đây người ta có thể thấy các nhà thầu Việt Nam, những người trong tương lai có thể được hưởng lợi từ việc triển khai dự án này, đã nhận được sự hậu thuẫn lớn từ các đồng nghiệp Nhật Bản.

Đơn giản là trong trường hợp dự án này được thông qua và sử dụng vốn ODA từ Nhật để triển khai thì các công ty, nhà thầu Nhật sẽ được hưởng lợi rất nhiều vì không khó để thấy rằng một trong các điều kiện Nhật sẽ đưa ra cho Việt Nam để được nhận khoản vốn ODA này chính là việc Việt Nam giành ưu tiên cho các công ty Nhật Bản tham gia dự án.

Điều đáng nói là trong những trường hợp như vậy các công ty nước ngoài sẽ thường chỉ quan tâm tới việc các dự án có được thông qua hay không mà không quan tâm thực sự tới hiệu quả của các dự án đó. Thậm chí họ còn có thể đưa ra các báo cáo, dữ liệu không thực sự đáng tin cậy để vận động cho việc thông qua dự án mà không quan tâm tới hiệu quả, tác động của dự án sau khi được hoàn thành[5]. Trong trường hợp này nạn nhân tiềm tàng sẽ chính là Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Ứng xử với các nhóm lợi ích

Thực tế chính quyền không phải không nhận thức được ảnh hưởng của các nhóm lợi ích lên các quyết định chính sách. Ví dụ như trong hội nghị xin ý kiến các nhà khoa học về Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội GS-TSKH Nguyễn Mại đã nhấn mạnh rằng việc quy hoạch Hà Nội không được để các nhóm lợi ích chi phối[6].


Một điều dễ nhận thấy là trong đa số các trường hợp lợi ích của các nhóm lợi ích sẽ mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng, thậm chí là lợi ích quốc gia.
Có thể thấy điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách không chỉ cần nhận thức được về tác động của các nhóm lợi ích mà còn cần cẩn trọng đề phòng trước những tác động như vậy nhằm đưa ra các quyết định chính sách công tâm, chính xác, phù hợp với lợi ích của quốc gia và cộng đồng chứ không phải của một nhóm nhỏ các cá nhân và tổ chức. Ông Nguyễn Mại phát biểu như vậy, nhưng các nhà hoạch định chính sách của Hà Nội sẽ có thoát ly ảnh hưởng của các nhóm lợi ích được hay không là một câu chuyện khác. Trong vấn đề này có lẽ điều quan trọng nhất mà chúng ta đang thiếu chính là một hành lang pháp lý đầy đủ về các nhóm lợi ích và hoạt động vận động hành lang.

Hiện nay ở Việt Nam chưa tồn tại một văn bản pháp quy dành riêng cho việc điều chỉnh hoạt động của các nhóm lợi ích. Và mặc dù Việt Nam bắt đầu có những hoạt động vận động hành lang ở nước ngoài để bảo vệ lợi ích quốc gia, bản thân việc vận động hành lang, hay vận động chính sách, vẫn chưa được chính thức thừa nhận ở trong nước.

Hiện nay trong nhận thức của nhiều người, hoạt động vận động hành lang hay vận động chính sách ở Việt Nam vẫn chủ yếu được coi là đồng nghĩa với việc chạy chọt, hối lộ, đút lót các quan chức có ảnh hưởng tới các quyết định chính sách. Đáng buồn là nhận thức trên có thể đúng trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, bản thân việc vận động hành lang không chỉ giới hạn trong việc cung cấp tài chính cho những người có ảnh hưởng tới chính sách, cho dù là hợp pháp hay bất hợp pháp, mà còn bao gồm nhiều biện pháp khác như đã trình bày ở phần đầu bài viết.

Vì vậy, phải chăng đã đến lúc Việt Nam cần chính thức thừa nhận vai trò, đồng thời xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến các nhóm lợi ích cũng như hoạt động vận động chính sách của các nhóm này? Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Canađa... từ lâu đã có các đạo luật điều chỉnh các hoạt động vận động chính sách với mục tiêu cơ bản là minh bạch hóa hoạt động này.

Ví dụ, Luật về công khai hóa hoạt động vận động hành lang năm 1995 của Mỹ cấm các Thượng nghị sỹ và nhân viên văn phòng thượng viện không được nhận quà hoặc chiêu đãi giá trị trên 100 đô la mỗi người mỗi năm, đồng thời không được tham dự những chuyến đi giải trí do tư nhân đài thọ[7].

Một đạo luật như vậy sẽ rất cần thiết để đưa hoạt động của các nhóm lợi ích vào khuôn khổ, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực khó kiểm soát của họ đối với các nhà hoạch định chính sách trong chính quyền. Đạo luật này cũng sẽ là một công cụ pháp lý bổ sung, giúp hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý của Việt Nam về phòng chống tham nhũng.

Tất nhiên một đạo luật như vậy nếu có ở Việt Nam sẽ phải tính tới các đặc thù của hệ thống chính trị cũng như môi trường hoạt động của các nhóm lợi ích ở nước ta. Chính vì vậy, để có được một đạo luật như vậy ở Việt Nam sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức. Trong thời gian chờ đợi, có lẽ điều quan trọng nhất cần phải làm đối với các nhà hoạch định chính sách chúng ta lúc này chính là: Hãy luôn luôn cảnh giác với ảnh hưởng của các nhóm lợi ích!

LHH

Chú thích:

[*] Khoa Quan hệ Quốc tế, ĐHKHXN&NV, ĐHQG – PHCM.

[1] Học viên Quan hệ Quốc tế. (2002). Hệ thống chính trị Mỹ: cơ cấu và tác động đối với quá trình hoạch định chính sách đối ngoại. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia. Trang 113.

[2] Ví dụ, xem Mearsheimer, John J. and Walt, Stephen (2007). The Israel Lobby and U.S. Foreign Policy. New York: Farrar, Straus and Giroux.

[3] http://statastic.com/2006/07/14/us-foreign-aid/

[4] Ví dụ, xem Michelle Ciarrocca. "Post-11/9 economic windfalls for arms manufacturers". Foreign Policy in Focus. Vol7. No.10. September 2002; William D. Hartung, Jonathan Reingold. About face: the role of arms lobby in the Bush administration's radical reversal of two decades of US nuclear policy. Arms Trade Resource Center. May 2002. http://www.worldpolicy.newschool.edu/projects/arms/reports/execsummaryaboutface.html; Jennifer del Sario Malonzo. US military industrial complex: profiting from war. http://www.nadir.org/nadir/initiativ/agp/free/9-11/military_complex.htm

[5] Ví dụ, xem phát biểu của các chuyên gia trong Chí Hiếu. "Đường sắt cao tốc: Đừng cố 'ép' hiệu quả kinh tế". Vietnamnet, 17/5/2010: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201005/Duong-sat-cao-toc-Dung-co-ep-hieu-qua-kinh-te-910338/

[6] Cao Nhật. "Quy hoạch Hà Nội không được để nhóm lợi ích chi phối". Vietnamnet, 3/4/2010: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201004/Quy-hoach-Ha-Noi-khong-duoc-de-nhom-loi-ich-chi-phoi-902191/

[7] Lobbying Disclosure Act of 1995, http://lobbyingdisclosure.house.gov/lda.pdf

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-05-19-viet-nam-can-than-trong-voi-anh-huong-cua-nhom-loi-ich

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn