Minh triết “Khoan-Giản-An-Lạc” – Lời chúc phúc cho cuộc Cải cách Hành chính của “Kỷ nguyên mới”

  Nguyễn Khắc Mai

Lịch sử cận và hiện đại ở nước ta từng có nhiều cuộc cải cách hành chính. Từ cuộc cải cách thời vua Minh Mạng đến những cải cách thời thuộc Pháp, rồi đến những cải cách dưới thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay thời Việt Nam Cộng hòa cũng chưa bao giờ kinh thiên động địa như hiện nay.

Có mấy đặc điểm nổi bật:

1. Thu gọn bộ máy chính phủ để giảm chồng chéo, quan liêu; Tinh giản biên chế để ngân sách không nuôi báo cô một số lượng công chức, viên chức – có đến 45% là ngồi chơi xơi nước – nhằm tăng tỷ lệ ngân sách cho phúc lợi xã hội và sự nghiệp.

2. Thu gọn tỉnh thành – chỉ còn 34, bỏ cấp huyện, sát nhập xã phường, giảm thiểu tối đa đơn vị hành chính cơ sở…nhằm tăng tiềm năng dân số, diện tích, kinh tế, văn hóa v.v. cho cơ sở và địa phương phát triển,

Ngày 1 tháng Bảy năm 2025 là ngày khởi đầu của cuộc cải cách. Tuy kết quả tốt đẹp thế nào còn ở phía trước, nhưng chúc phúc cho sự khởi đầu đó là việc đáng làm, không chỉ vì những hứa hẹn có cánh, mà là vì đây cũng là mong ước tử tế, lớn lao về một tương lai cho chính mình và cũng là cho cả dân tộc, người trong nước và cả người đang sinh sống ở nước ngoài – Có chiều hướng làm ăn thuận lợi, đi lại dễ dàng, giáo dục mở mang, tiến bộ, khoa học, công nghệ bắt nhịp được với thế giới. Hệ thống y tế, an sinh nhân văn, phúc lợi, chính quyền trách nhiệm, kiến tạo, liêm minh…

Đảng đổi mới, cán bộ đảng viên chuyển hóa sang mô hình nhân cách mới, chính danh, văn minh đạo đức. Khẩu hiệu “Giàu mạnh - Văn minh - Dân chủ - Đạo đức” có thể trở thành hiện thực, có thể dùng được, hưởng được – như chính mi từng mơ tưởng. Chúng trở thành thang giá trị thật, của hôm nay, chứ không chỉ là ảo ảnh sa mạc, khiến cho dân chúng, như Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường nói: “Năm năm lại gom đống lá vàng, hứa hẹn của mùa xuân để đốt lên ngọn lửa thất vọng của mình”.

Vì thế cuộc cải cách lớn lao này không thể chỉ là cải cách của đảng; của hệ thống nhà nước ba cấp; hay của mặt trận và đoàn thể. Nó phải là hành động của toàn dân, không trừ một ai, Sĩ, Nông, Công,Thương, Tôn giáo, Kinh hay Thượng…Phải thật sự làm cho mọi tầng lớp người Dân được thấy mình trong cải cách. Đảng, Chính quyền, Mặt trân…phải phục vụ họ, phải “Cam vi nhũ tử ngưu” – (cam tâm làm “trâu ngựa” cho trẻ nhi đồng) – như Hồ Chí Minh từng hứa hẹn.

Ông Tô Lâm, khi được cử làm Tổng Bí thư từng nói lại đạo lý coi Dân là gốc; lấy Dân làm chủ thể của Kỷ nguyên vươn mình của Dân tôc. Phải làm được như chính Hồ Chí Minh nói: Yêu Dân, Tôn kính Dân, hỏi ý kiến Dân, sợ Dân, phục vụ Dân. Hay nói: Nước ta là nước dân chủ vì Dân là Chủ. Phải lập lại khẩu hiệu văn hóa chính trị từ Tháng Tám năm 1945 – “Lập quyền Dân, tiến lên Việt Nam”. Nếu tiếp tục duy ý chí, áp đặt chủ quan, chắc chắn không thể có thành công đich thực.

Vì thế, tôi xin thành tâm kính cẩn nhắc lại Đạo lý lớn mà cuộc cải cách hành chính sớm nhất của nước ta đã đề ra. Bấy giờ, vào đầu thế kỷ thứ X (khoảng năm 907) Khúc Hạo nối ngôi cha là tiên chúa Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ Giao Châu – tức nước ta thời đó – Ngài đã chủ trương cuộc cải cách hành chính sớm nhất ở nước ta – lập quận huyện – để bên cạnh sự tôn trọng việc quản trị đất nước theo chế độ Phìa tạo, Quan lang như còn thấy sau này mà còn đề cao nền quản trị lấy địa bàn hành chính quận huyện nhằm tập trung chỉ huy cũng như tài lực của đất nước. Cuộc cải cách ấy tạo nền móng cho một sức mạnh tập trung, thống nhất, tự chủ, tự cường của Dân tộc ta, để có thể “xưng văn hiến”, “cùng Hán, Đường, Tống, Minh hùng cứ một phương”, tạo nên một Nhà nước Đại Việt lịch sử. Trong cuộc cải cách ấy Khúc Hạo tuyên bố: ”Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, dân chúng đều được an vui.”

Văn hóa sử nước ta ghi lại một giá trị văn hiến, triết học về một đạo lý lớn làm khuôn mẫu cho mọi cuộc cải cách, mà dân tộc ta cũng như nhân loại khi muốn tiến hành bất cứ một cuộc cải cách nào trong xã hội – gọi đó là Minh triết của muôn đời về cải cách:

Khoan - Giản - An - Lạc

Khoan có nghĩa là rộng rãi, cởi mở, thông thoáng, không gò bó hẹp hòi, khắc nghiệt. Cởi mở có ý nghĩa như khái niệm “open” hiện đại vậy. Tôi cho Khoan là một cốt tính văn hóa Việt. Nó để lại dấu ấn rõ nét trong tiến trình của sử Việt. Rõ ràng mọi tiến trình lịch sử không những của nước ta mà của cả nhân loại, hoặc về quân sự để bảo vệ đất nước, hoặc về văn hóa kinh tế để xây dựng, thì mọi thành bại đều gắn liền với đức Khoan dung. Có những cuộc cải cách ở nước ta kể cả trong thời hiện đại mà chúng ta từng chứng kiến đã thất bại đau đớn chỉ vì thiếu đức khoan dung.

Nói là cốt tính dân tộc bởi từ hơn 2500 năm trước, chính Khổng tử đã từng công bố điều ấy. Một lần khi học trò của ngài là Tử lộ hỏi thế nào là sức mạnh, Khổng tử trả lời – Sức mạnh của phương Nam ư? Khoan nhu dĩ giáo bất báo vô đạo. Quân tử cư chi (nghĩa là lấy khoan nhu để giáo hóa con người, không trả thù hèn hạ dẫu là kẻ vô đạo. Đó là nơi người quân tử sống (Phương Nam là địa bàn sinh sống của người Việt ngàn xưa); Sức mạnh của Bắc phương ư? Đó là nơi con người đánh nhau chết cũng không sợ, họ gối trên cung kiếm mà ngủ. Nơi ấy lũ cường bạo sinh sống.

Cái địa bàn phương Nam ấy là đất của cổ Việt tộc, nôi ở của người quân tử. Cái văn hóa lấy khoan nhu để giáo hóa làm nên con người là một dấu chỉ văn hóa của Việt tộc. Điều ấy được triển khai trong quá trình lịch sử là Khoan-Giản-An-Lạc thời họ Khúc cầm quyền, thành một nền chính trị hòa ái nhân văn khiến một bà Hoàng hậu khi nhiếp chính biết lo cho từng con trâu cho từng kẻ góa phụ; Là lấy lòng dân, ý dân làm lòng, ý của kẻ cầm quyền là tư tưởng “Khoan thư sức Dân để làm kế sâu rễ bền gốc” của Trần Hưng Đạo trở thanh minh triết trị nước của muôn đời; Sang đến đời Lê là triết lý An Dân của Nguyễn Trãi.

Ngày nay nước ta là nước Dân chủ vì Dân là Chủ, nhưng lịch sử cũng dạy ta rằng, giữ được điều ấy, hiểu được điều ấy, làm được là rất khó, có khi là không thể, trong một điều kiện của một nền chính trị tha hóa suy đồi. Lịch sử cũng dạy ta làm được điều ấy thật không dễ. Phải có hai điều kiện là cần và đủ (il faut et il sufit) phải là một cộng đồng dân tộc, một xã hội công dân hay dân sự, có dân trí cao, dân quyền thực sự, dân sinh giàu có, dân chủ và giàu mạnh, phải biết chăm lo cho điều ấy thành thực lực của đất nước.

Điều thứ hai là phải có một đội ngũ của giới tinh hoa, những nhà cai trị, có mô hình nhân cách dân chủ (không phải chỉ nói vài câu dân chủ, mà làm thì như mèo mửa), thật sự có mô hình nhân cách văn hóa. Có như thế họ mới đủ sức, đủ bản lĩnh làm người đứng mũi chịu sào, chèo lái con Thuyền Việt tiến đến được Bến Mơ của sự chờ mong.

Chuyển đổi giới tinh hoa cai trị sang một mô hình nhân cách mới, văn minh, dân chủ, thật sự là cuộc lột xác vĩ đại, đáng mong chờ, đáng khát khao, đòi hỏi, không như kẻ nào đó dẫu xưng kẻ sĩ nhưng lại hô hào đừng chuyển hóa, chớ diễn biến! Phải thực hiện điều mà Lão tử (người ta bảo với tôi, ông Cụ ấy là Việt tộc) mách bảo đã ba ngàn năm trước: “Hãy làm cho Dân tự chuyển hóa”.

Giản là giản lược, không rối rắm, quá phức tạp, quá khó khăn. Kinh Dịch nêu một nguyên lý phổ quát: Giản dĩ dị tri, dị hành – Nghĩa là giản để dễ hiểu biết, để dễ làm. TriHành là hai phạm trù lớn của triết học. Cái siêu việt của nhân loại là luôn có năng lực quy về cải giản tiện nhất. Ví dụ đẹp nhất cho vấn đề này là chiếc smart phone. Chưa bao giờ nhân loại đạt tới được cái chân thiện mỹ về một trạng thái xã hội mà người dân thường, những “bố cu, mẹ đĩ” ở dưới đáy của xã hội cũng dùng được một công cụ hiện đại, tối tân để giao tiếp, làm ăn, học hỏi, giải trí, chẳng kém gì một nguyên thủ quốc gia, một đại trí thức, một đại phú gia…Tuy nhiên, giá trị nhân vị này chưa trở thành giá trị phổ quát, làm nền cho một tiến trình dân chủ dân trí dân sinh mới của dân tộc và thời đại. Những nhà cầm quyền lớn nhỏ vẫn nghĩ như ngày xưa, vẫn là dân ngu khu đen. Họ vẫn còn quan niệm đơn giản như thời cổ đại, dẫu có đưa ra những danh xưng mỹ miều nào thị họ vẫn chỉ là thần dân, phó thường dân, vẫn chỉ như con chó cỏ của Khổng tử quan niệm!

Có một hàm nghĩa có tính triết học của chữ Giản, đó là sự hồn nhiên chấp nhận như một sự thật về một triết thuyết, mà nó thì tiên thiên bất túc, nghĩa là chính nó cũng chưa hoàn chỉnh chính xác. Hậu thiên bất toại nghĩa là trong thực tế thì hư hỏng –Đó là tiếp nhận và duy trì cái sai logic cũng như cái sai thực tế của nó. Cho nên hiểu đúng để áp dụng chữ Giản không hễ dễ dàng chút nào. Chẳng còn cách nào khác, ngoài việc làm theo sự mách bảo minh triết của Phật của Chúa – Hãy tìm về chân tính của con người, lấy lợi ích của chúng sinh làm trọng; làm cho mọi người sống bình yên thoải mái “Cư trần lạc đạo”. Nguyễn Trãi trong Triết lý An Dân của mình đã khẳng định: “Sinh đời thái bình ai cũng được ở yên; Gặp thuở thanh minh ai cũng được thỏa sống”.

An (ở yên) và Lạc (thỏa sống) chính là cứu cánh của cuộc đời. Cứu cánh trong ngôn ngữ Phật học là kết quả cuối cùng, mục đích cuối cùng, không nên hiểu dung tục như một số nhà báo là sự cứu giúp, cứu trợ. Mọi người không ai là không mong ước có được điều đơn giản như thế. Đạt cho được cái trạng thái nhân sinh và xã hội ai cũng được ở yên và thỏa sống, đó cũng chính là Niết bàn hay Thiên đàng có thật nơi trần thế này.

Vì thế An-Lạc – yên vui phải là mục tiêu đích đến, là bến bờ mơ ước của mọi hành động của con người, mọi cải cách chính trị, hành chính, kinh tế hay xã hội.

Hãy tự diễn biến, tự chuyển hóa để có mô hình nhân cách mới văn hóa, văn minh, dân chủ, đóng góp cho một tiến trình lịch sử mới mà Khoan Giản An Lạc sẽ là chất lượng đáng sống của kỷ nguyên mới./.

(Viết tại Mai gia trang Ô Đồng Lầm phường Văn Miếu (mới) trong tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt, quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu).

N.K.M.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn