Cần một Quốc hội “chuyên nghiệp” và đổi mới phương pháp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, để đưa nước nhà tiến lên!

Nguyễn Hữu Quý

image Vào những ngày thượng tuần tháng Bảy/2010 và trước đó, báo VNN đăng một số bài bàn về việc sửa đổi Hiến pháp(*), đây là đòi hỏi khách quan của sự phát triển và là một tín hiệu tốt lành xuất phát từ yêu cầu nội tại của đất nước; qua đó, để nước ta từng bước hội nhập và phát triển hoà nhịp với cộng đồng Quốc tế.

Chúng ta biết rằng, Nhà nước quản lý xã hội bằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và các thiết chế tương ứng; và một khi hệ thống pháp luật minh bạch, khách quan, đáp ứng và phù hợp với thực tiễn phát triển của đời sống... thì đất nước có cơ hội phát triển, bằng không thì sẽ cho kết quả ngược lại.

Mặc dù chưa ai nói ra, nhưng với bộ máy trong hệ thống chính trị ở nước ta như hiện nay (và lâu nay), thì đây là sự trùng lắp giữa các thiết chế trong hệ thống gồm: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp; nói theo ngôn ngữ của thời đại phát triển của công nghệ thông tin là “3 in 1”, và thậm chí là “4 in 1” (ba trong một; bốn trong một).

Nói như vậy là bởi vì: Đối với nước ta “Đảng lãnh đạo toàn diện”, và với hơn 90% đại biểu Quốc hội (ĐBQH), 100% quan chức trong hệ thống Hành pháp (Chính phủ, từ Bộ ngành Trung ương đến người đứng đầu địa phương các cấp) và 100% người đứng đầu hệ thống tư pháp các cấp là Đảng viên, thì rõ ràng khi nói “3 in 1” hẳn không có gì phải bàn cãi!

Sự hình thành và phát triển của CNTB trong hơn 400 năm qua, tự thân nó trong quá trình phát triển đã tìm kiếm, đào thải... và mang lại cho nhân loại một “hình thái Nhà nước” có thể nói là “tối ưu”, được thể hiện bởi thiết chế “tam quyền phân lập”, gồm: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Chính sự “phân lập” ấy đảm bảo cho CNTB tồn tại và phát triển, để rồi mang lại cho nhân loại những thành quả hôm nay.

Hẳn ai trong chúng ta, ngày còn đi học, khi học đến khái niệm “quy luật”, thì đều được cảnh báo rằng: làm sai quy luật sẽ bị trừng phạt, sẽ bị thất bại.

Sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Đông Âu là một minh chứng hùng hồn nhất cho sự “làm sai quy luật”.

Việc một số các bài viết được đăng trên báo VNN gần đây, nói về sự cần thiết sửa đổi Hiến Pháp, chính là một đòi hỏi khách quan nhằm đảm bảo cho sự “phân lập” ấy trong hệ thống chính trị ở nước ta nhằm không đi sai quy luật!

1. Cần một QH chuyên nghiệp.

Ai cũng biết rằng, QH nước ta hiện nay với hơn 80% các ĐBQH là “kiêm nhiệm”, rõ ràng là, hoạt động QH nước ta chưa phải là... chuyên nghiệp!?

Các ĐBQH nước ta hiện nay là những “công chức”, và được hiểu theo một nghĩa chung chung là “những người làm công ăn lương” thuần túy. Ta chưa thể gọi các ĐBQH nước ta hiện nay là những “chính khách” (như đối với một số nước tiên tiến: Anh, Pháp, Nhật, Mỹ...), bởi vì, bản thân các ĐBQH chưa đủ tầm chính khách như các nghị sĩ ở nhiều nước dân chủ. Một QH gồm những người “nghiệp dư” như thế, lại hoạt động trong một môi trường “3 in 1”, thì những tồn tại, bất cập, mâu thuẫn... trong hoạt động Nghị trường của QH nói riêng và phản ảnh ra toàn xã hội như hiện nay... là một kết quả tất yếu!

Qua báo chí được biết, QH nói riêng, ngành ngành, tỉnh tỉnh... đã tổ chức các đợt “đi tham quan, học hỏi” ở các nước rất nhiều. Và như ông cha ta đã nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chắc rằng, mỗi đợt đi “đi tham quan, học hỏi” không ít hơn một tuần(!?) hy vọng các vị cũng có được ít nhất “một sàng khôn” trong khi yêu cầu đáng lẽ phải là... “một tuần khôn” mà Nhà nước đã bỏ tiền ra làm lộ phí cho các vị để rồi mong các vị “hiến kế” cho dân, cho nước để làm sao có một QH chuyên nghiệp.

Thiết nghĩ, đây là vấn đề lớn, nước ta không thiếu những người tài giỏi (hiện đang ở trong nước và ngoài nước), để sớm giúp cho nước nhà có một QH chuyên nghiệp, sớm làm cho QH nước ta có phương thức và nội dung hoạt động giống như QH của hơn 98% các Quốc gia còn lại trên thế giới.

Để có một QH như đã nói, trở ngại lớn nhất của đất nước hôm nay, đó là... Sự thật!. Vâng! Chỉ có dám nhìn thẳng vào sự thật, với một tinh thần như Đại Hội Đảng lần thứ VI (1986 - khởi xướng công cuộc đổi mới), thì chúng ta mới có cơ may thay đổi vận mệnh dân tộc.

Hôm nay (23/7), trong bài “Ngoại trưởng Mỹ ca ngợi 15 năm cải thiện quan hệ với Việt Nam”, được đăng trên báo điện tử Dân trí và được VITINFO đăng lại, có đoạn như sau: “Phát biểu tại cuộc họp báo chung bà Clinton cũng ca ngợi sự phi thường và năng động của người dân Việt Nam và cho rằng Việt Nam “đang trên đường trở thành một quốc gia vĩ đại với một tiềm năng vô hạn”. Thiết nghĩ, phát biểu của Bà Ngoại trưởng, người có quyền lực bậc nhất, đại diện cho một đất nước hùng mạnh nhất, quốc gia đáng tin cậy nhất đảm bảo cho Hoà bình và Ổn định trên toàn cầu... không phải chỉ để “lấy lòng” nước chủ nhà VN. Liệu rằng, những người VN hôm nay có dám và đủ dũng khí để nhìn thẳng vào sự thật; để từ đó, tìm cho dân tộc VN một con đường đi phù hợp với quy luật, tận dụng được “thiên thời” và “địa lợi”, đáp ứng được niềm hy vọng của toàn dân “đang trên đường trở thành một quốc gia vĩ đại với một tiềm năng vô hạn”, như Bà Ngoại trưởng Mỹ, một người ngoại quốc nhìn nhận về chúng ta hay không?

Nhân nói đến vấn đề này (sự thật); người viết lại nghĩ đến bài “Trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng về Nhân quyền”, đăng trên trang BVN, của tác giả Kami; xin có nhận xét sau:

- Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, chưa dám nhìn thẳng vào sự thật, bởi rất đơn giản, đã là “người” thì chỉ khác nhau ở màu da, nhóm máu mà không thể khác nhau khi nhận thức về... tự do, dân chủ, nhân quyền; vì vậy, ta không thể nói “nhân quyền ở VN khác với các nơi khác trên thế giới”. Hôm nay, tất cả các nước là bầu bạn của chúng ta trên thế giới, trong đó có nước Mỹ, đang mong chúng ta hiểu đúng về nhân quyền, để mỗi người VN được hưởng tất cả những gì tốt đẹp nhất mà nhân quyền mang lại, như hầu hết mọi người trên thế giới.

- Với một người như Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, mà còn hiểu về nhân quyền như thế (!?), và chưa tôn trọng sự thật, thì con đường đi đến Sự thật ở nước ta còn lắm chông gai. Do đó, hy vọng về một QH chuyên nghiệp, thực hiện đúng chức năng là Cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân... như đã nêu trên chắc chắn còn rât nhiều trắc trở, chông gai!

2. Cần đổi mới phương pháp xây dựng VBQPPL.

Thật ra, khi đã có một QH chuyên nghiệp thì việc đặt ra nhu cầu trên là không cần thiết nữa. Bởi vì, bản thân một QH chuyên nghiệp thì tự nó đã sinh ra quy trình để xây dựng các VBQPPL để đạt được chuyên nghiệp! sự “khôn ngoan” của các dân tộc khi lựa chọn mô hình phát triển đất nước của họ theo hình thái Nhà nước mà trong đó sử dụng thiết chế “tam quyền phân lập” chính là ở chỗ đó.

Tuy nhiên, sở dĩ đặt ra nhu cầu nêu trên là bởi vì, ngay cả khi nước ta có một QH chuyên nghiệp trong năm 2011 ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XI, thì việc ban hành một dự luật nói riêng và một hệ thống các VBQPPL nói chung của một QH chuyên nghiệp có khi phải đến 3-5 năm nữa (mới được đem ra áp dụng, trong khi sự phát triển của thực tiễn đòi hỏi phải đến nhanh hơn!).

Về vấn đề này, có thể nói: Việc xây dựng các VBQPPL ở nước ta như từ trước đến nay là xây dựng và ban hành theo một... quy trình ngược.

Nói thì dài, nhưng có thể tóm tắt như sau:

- QH (cơ quan lập pháp) ban hành các VBQPPL;

- CP (cơ quan hành pháp) thực thi các VBQPPL.

Như vậy, người (bộ phận) tham mưu cho QH để ban hành các VBQPPL phải là cơ quan độc lập (các tổ chức tư vấn luật chuyên ngành; các viện nghiêu cứu, các trường Đại học...); nhưng lạ thay, lâu nay QH giao cho... CP soạn thảo(!?). Vậy không phải “quy trình ngược” thì là gì? Chính vì vậy, đây là mầm mống để sinh ra “lợi ích nhóm” mà chúng ta đã đề cập trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian qua.

Bài học nhãn tiền về ngành điện nước ta (EVN) ở thời điểm hiện tại đang là một “nhiễu sự” của nền kinh tế (là một ví dụ trong nhiều ví dụ); bởi vì, toàn bộ VBQPPL về quản lý và phát triển ngành năng lượng Quốc gia là do... EVN soạn thảo; để đến hôm nay, muốn “tháo” nó ra, cấu trúc lại... nhằm mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng (dân sinh và hầu hết các ngành kinh tế khác...) thì đang bị... “vướng”! (he he!!!).

Như vậy, có thể nói, việc Tu chính Hiến pháp để có một QH chuyên nghiệp, thực sự là “cơ quan quyền lực cao nhất của toàn dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân”, đang là vận hội mới của đất nước hôm nay, đang đặt dân tộc ta trước một “thiên thời”, mà trong quá trình vận động đã đến đúng thời điểm. Vấn đề là, dân tộc ta có nắm bắt và tận dụng được hay không? (phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí!)

Nước Mỹ không là tất cả đối với dân tộc VN, nhưng được sự ủng hộ của nước Mỹ trong thời điểm hiện tại và từ nay về sau, sẽ là sự đảm bảo về “toàn vẹn lãnh thổ” và có cơ hội để nghĩ đến “lấy lại những gì đã mất ngoài Biển Đông” cho thế hệ mai sau, đây là điều thiêng liêng nhất đối với người VN, và chỉ có những bộ óc thông minh, tỉnh táo, thương nòi, dám nhin thẳng vào sự thật... thì mới làm được.

Lịch sử đã hai lần thời cơ bị bỏ lỡ (thời gian là 137 năm, bằng hai đời người), đó là lần đầu tiên vào các năm 1873 và 1875 khi Bùi Viện (1839-1878), là một nhà cải cách, nhà ngoại giao của Việt Nam cuối thế kỷ XIX, được Vua Tự Đức phái đến gặp Tổng thống Hoa Kỳ nhằm bảo vệ và canh tân đất nước; và lần thứ hai là những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến các Tổng thống Mỹ trong thời kỳ đầu đất nước mới giành được độc lập. Cả hai lần bị bỏ lỡ, để rồi nước ta bước vào giai đoạn lịch sử thăng trầm, chiến tranh đau thương, ly tán... để rồi, đến hôm nay, dân tộc ta vẫn còn “loay hoay” với khái niệm TỰ DO-DÂN CHỦ-NHÂN QUYỀN, liệu đây có xứng đáng là một bài học?

23.7.2010

NHQ

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Ghi chú:

(*) Các bài đăng có liên quan đến vấn đề này bao gồm:

Dân phải được quyền phúc quyết sửa Hiến pháp

Cựu Chủ tịch Quốc hội bàn việc sửa Hiến pháp

Sẽ sửa Hiến pháp ngay cuối năm nay

Đề xuất sửa Hiến pháp từ năm 2011

Phó TT chỉ đạo ngành tư pháp góp ý sửa Hiến pháp

Vẫn làm luật kiểu "đột ngột đưa vào, đột ngột rút ra"

Đổi mới cách làm luật, dân hết "mù tịt" thông tin

Không làm luật kiểu "xếp gạch đặt chỗ"

QH tranh cãi đến phút chót về chương trình làm luật

Phụ lục:

Ngoại trưởng Mỹ ca ngợi 15 năm cải thiện quan hệ với Việt Nam

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, đang có mặt tại Việt Nam để tham dự một hội nghị an ninh khu vực, đã ca ngợi sự cải thiện quan hệ với Việt Nam trong 15 năm qua

clip_image001

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nâng ly chúc mừng 15 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước tại Trung tâm hội nghị Quốc gia ngày 22/7 (Ảnh: AFP).

Ngoại trưởng Clinton đã có bài phát biểu tại buổi lễ đánh dấu kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ do Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt và Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức.
Bà Clinton đã ôn lại sự kiện phu quân của bà – cựu Tổng thống Bill Clinton, đã bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, bên cạnh nỗ lực không ngừng của hai Thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry giúp bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Bà cũng cho rằng những hoạt động đầu tư của Hoa Kỳ đã góp phần cho sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Bà tán dương mong muốn của đôi bên để vượt qua cuộc xung đột trong quá khứ.
“35 năm trước chúng ta đã chấm dứt một cuộc chiến tranh từng gây ra những nỗi khổ đau kinh hoàng cho cả hai nước và vẫn tiếp tục hiện diện trong ký ức của nhiều người của hai dân tộc. Bất chấp nỗi đau đó, chúng ta đã dốc toàn lực để xây dựng hòa bình”.
Bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ và Việt Nam giờ đây không ngừng tiến tới thông qua việc chủ động giao tiếp, hợp tác và đối thoại, ngay cả đối với các vấn đề mà đôi bên có quan điểm bất đồng.
“Đối thoại về khác biệt chưa bao giờ dễ dàng, nhưng nó đáng giá tới từng nỗ lực nhỏ nhất... Chúng ta không thể đòi hỏi thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể hướng tới tương lai”, bà Clinton nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung bà Clinton cũng ca ngơi sự phi thường và năng động của người dân Việt Nam và cho rằng Việt Nam “đang trên đường trở thành một quốc gia vĩ đại với một tiềm năng vô hạn”.
Bà Clinton cho biết Hoa Kỳ đã làm việc chung với Việt Nam trong 9 năm qua để tìm cách khắc phục tác động của chất Da Cam mà quân đội Mỹ đã dùng để khai quang trong thời chiến tranh. Bà cam kết sẽ tăng cường hợp tác để đạt nhiều tiến bộ hơn nữa trong lĩnh vực này.
Sau 15 năm, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt những thành tựu quan trọng. Hoa Kỳ đã trở thành một trong những bạn hàng, nhà đầu tư lớn của Việt Nam và là đối tác hợp tác phát triển quan trọng.
Trao đổi thương mại trước năm 1995 chỉ chưa đầy 50 triệu USD nhưng cho đến nay đã đạt gần 15 tỷ USD, với 506 dự án FDI đầu tư (tính đến ngày 31/12/2009). Xét tổng vốn đăng ký đầu tư cho đến nay, Hoa Kỳ đứng thứ 6 trong tổng số 89 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Riêng trong năm 2009, Hoa Kỳ là nhà đầu tư số 1 với 43 dự án cấp mới, 12 dự án tăng vốn với tổng số vốn lên đến 9,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết luồng vốn đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam do có một số công ty Hoa Kỳ như Tập đoàn Coca Cola, Procter & Gamble, Cheveron... đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con. Kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ có hiệu lực, đầu tư trực tiếp Hoa Kỳ tăng mạnh với mức trung bình 27%/năm từ năm 2002 đến 2004 (so với khoảng 3%/năm từ năm 1996 đến 2001).
Quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được bắt đầu khi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai các hoạt động vào năm 1994. Đặc biệt, kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton và khi Văn phòng USAID được thành lập tại Hà Nội vào năm 2000, hoạt động này đã tăng lên đáng kể. Hỗ trợ của USAID tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực là tăng cường đầu tư và thương mại; cải thiện việc tiếp cận hệ thống dịch vụ cho các nhóm đối tượng thiệt thòi được lựa chọn; cải thiện việc quản lý môi trường đô thị và công nghiệp.
Ngoài ra, các cuộc trao đổi cấp cao nhất của lãnh đạo hai nước cũng diễn ra thường xuyên hơn. Trong 4 năm 2005 - 2008, đã có 4 chuyến thăm cao cấp.
Từ hợp tác song phương, hai nước cũng mở ra hợp tác trên diễn đàn đa phương, tại Hội đồng Bảo an LHQ. Sự có mặt của Ngoại trưởng Clinton tại Hà Nội tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần này cũng là minh chứng cho sự mở rộng hợp tác đó.

PV

Nguồn: Dantri

Dân phải được quyền phúc quyết sửa Hiến pháp

Lê Nhung

,

clip_image002 - Một trong những vấn đề Chính phủ dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị chỉ đạo, sửa đổi, đó là nhân dân phải được thực hiện quyền phúc quyết những sửa đổi của Hiến pháp, Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm với các thành viên Chính phủ và tập thể Chính phủ.

Vấn đề này được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nêu trong cuộc họp hôm qua (22/7) góp ý cho báo cáo của Chính phủ sơ kết triển khai Nghị quyết số 48 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật VN đến 2010, định hướng 2020.

Sửa Hiến pháp

clip_image004

Bộ Tư pháp thảo luận sơ kết Nghị quyết 48. Ảnh:

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho hay, thời gian tới phải kiến nghị Bộ Chính trị có ý kiến chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 liên quan đến xây dựng Nhà nước và Pháp luật.

Theo dự thảo báo cáo Chính phủ, thực tiễn tổ chức Nghị quyết số 48 đã cho thấy nhiều định hướng, chủ trương giải pháp cải cách pháp luật, tư pháp, hành chính đúng đắn song không thể thực hiện được do giới hạn bởi các quy định của Hiến pháp 1992.

Do đó, đề nghị Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung những nội dung cơ bản liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Cụ thể là phát triển đầy đủ nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước trong Hiến pháp 1992 theo hướng "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp".

Xác định rõ trong Hiến pháp nguyên lý cơ bản: Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp, Tòa án là cơ quan tư pháp. Tất cả các cơ quan này đều thực hiện quyền lực nhà nước do nhân dân giao phó/ủy quyền trực tiếp qua Hiến pháp.

Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, là cơ quan lập pháp của Nhà nước, thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, trừ những việc do nhân dân trực tiếp biểu quyết.

Trong đó, nhân dân phải được thực hiện quyền phúc quyết những sửa đổi của Hiến pháp. Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm với các thành viên Chính phủ và tập thể Chính phủ.

Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất của Nhà nước, thực hiện chức năng thống nhất quản lý phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm việc thực hiện Hiến pháp.

Chính phủ có trách nhiệm thực hành quyền công tố, thống nhất quản lý công tác thi hành án, hành chính - tư pháp, bao gồm cả việc đảm bảo các nguồn lực và điều kiện cần thiết cho tổ chức, hoạt động của các tòa án nhằm thực hiện nguyên tắc độc lập của cơ quan xét xử.

Bộ Tư pháp cũng kiến nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ các ngành tòa án, vai trò chính quyền địa phương. Bổ sung quy định về Tòa án Hiến pháp để đảm nhận chức năng phán quyết về các vi phạm Hiến pháp.

Ngồi điều hòa làm luật

Các chuyên gia pháp chế đến từ nhiều bộ, ngành cũng tranh thủ "than" về những bất cập trong làm luật.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Công thương tâm tư: "Luật có lợi cho quản lý Nhà nước như thuế, hải quan, kiểm soát... thì làm nhanh, ra nhiều. Nhưng luật bảo vệ quyền lợi người dân, doanh nghiệp thì làm chậm, ít".

Vị chuyên gia của Bộ Công thương cũng phản đối cơ chế xin - cho trong làm luật với lý do luật soạn ra để đáp ứng đòi hỏi xã hội nhưng ở ta cứ phải thông qua Bộ Chính trị.

Thậm chí, nhiều dự án luật chào đời sau còn lạc hậu và kéo lùi sự phát triển.

Ông Đặng Anh (Vụ Pháp chế, Bộ Công an) bổ sung: "Như nhiều vị đã nói, chúng ta ngồi phòng điều hòa máy lạnh để soạn luật nên luật không đi vào cuộc sống được".

Như đánh giá của Chính phủ thì vẫn còn sự "mất cân đối" khi soạn luật: "Coi trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN là cần thiết nhưng không có nghĩa coi nhẹ các lĩnh vực khác như quản lý tài sản công, bảo vệ quyền tự do, dân chủ".

Liên quan đến những tranh cãi sôi nổi trong kỳ họp Quốc hội mới đây về tình trạng "đưa vào, rút ra" quá nhiều dự án luật, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Phạm Tuấn Khải nhận định "chủ yếu do nể nhau nên cứ đưa vào".

Bảo vệ quyền tự do, dân chủ

Theo định hướng của Chính phủ, trong 10 năm tới, cần tập trung xây dựng hệ thống pháp luật bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.

Dự thảo báo cáo nêu rõ, hoàn thiện pháp luật về quyền lập hội, biểu tình nhằm xác định rõ quyền, trách nhiệm công dân. Xây dựng hệ thống pháp luật về quyền giám sát của các cơ quan dân cử, quyền trực tiếp giám sát, kiểm tra của công dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia công việc Nhà nước.

Cũng theo Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, cần hoàn thiện chế độ bảo hộ của Nhà nước với các quyền, lợi ích công dân, chế độ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là tòa án. Xử lý nghiêm minh mọi hành vi xâm phạm quyền, lợi ích công dân, khắc phục tình trạng oan sai.

Thời gian tới, Chính phủ cũng cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia. Chẳng hạn các văn bản pháp luật bảo vệ biên giới quốc gia, vùng biển, vùng trời.

Chậm thực hiện vì dấu "Mật"

Dự thảo báo cáo của Chính phủ đánh giá: "Nhận thức về tầm quan trọng của Chiến lược đang còn hạn chế. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 48 năm 2005 nhưng cuối cùng không lập ban chỉ đạo. Sau gần 2 năm, Ủy ban Thường vụ QH mới ban hành kế hoạch thực hiện, còn các bộ, ngành địa phương đều không có chương trình hành động".

Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Pháp chế các bộ phản ánh, văn bản này được xem là văn bản mật. Đại diện Bộ Công thương phàn nàn, rất khó tìm Nghị quyết 48 và khi tìm được mới phát hiện đây là văn bản có chữ Mật.

Ông Lê Minh Tâm (Hội Luật gia) cho hay, lý do UBTVQH chậm ra kế hoạch thực hiện vì ban đầu Nghị quyết 48 đóng dấu Mật: "Lúc đó, trong giới luật chúng ta cũng đã hỏi nhau về việc Nghị quyết này có được phổ biến hay không".

LN

Nguồn: Vietnamnet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn