Chương trình bình ổn giá: Một chủ trương kỳ quặc

Phan Minh Ngọc

image Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và có lẽ lác đác một số nơi khác, đã và đang thực hiện một số chương trình bình ổn giá cả bằng cách trợ cấp tín dụng (cho vay với lãi suất ưu đãi) để doanh nghiệp tham gia bình ổn giá cả mua tích trữ hàng hóa và cam kết bán ra với giá thấp hơn giá thị trường, thường là 10% hay đại loại thế.

Nói công bằng, việc trợ giá cho một số loại hàng hóa nào đó không phải là việc làm đầu tiên có ở Việt Nam và chỉ có ở Việt Nam, mà đã được thực hiện nhiều nơi trên thế giới. Hình thức phân phối hàng hóa theo tem phiếu ở Việt Nam nói riêng và ở nhiều nơi trên thế giới nói chung cũng đã và vẫn đang tồn tại trên thế giới. Nên nói Việt Nam áp dụng chương trình bình ổn giá là một chủ trương kỳ quặc thì quả cũng không ổn lắm, không fair lắm cho Việt Nam. Nhưng ít ra thì cũng cần nhìn nhận chủ trương này sẽ không mang lại kết quả như mong muốn, và rốt cuộc chỉ làm lãng phí nguồn lực xã hội, hoặc tái phân phối nguồn lực xã hội một cách không cần thiết, không hợp lý, không tối ưu v.v…

Hãy bắt đầu bằng việc phân tích lý do để sản sinh ra chủ trương này. Việc giá cả một loại hàng hóa nào đó tăng lên là biểu hiện sự mất cân đối cung cầu – cung nhỏ hơn cầu (cung và cầu đều có thể biến động tăng giảm nhưng chênh lệch cung cầu đang tồn tại và tăng lên). Để ổn định giá bán hàng hóa gây ra do cầu lớn hơn cung, chính quyền phải bù đắp phần chênh lệch về giá trước và sau khi có biến động cung cầu này.

Vấn đề sẽ nằm ở chỗ ảnh hưởng của việc trợ giá này lên cán cân cung cầu hàng hóa sẽ như thế nào? Người ta dường như không thấy ảnh hưởng trực tiếp vì rõ ràng tiền trợ giá là từ ngân sách, có vẻ như không ảnh hưởng tí gì đến cung của doanh nghiệp và cầu của đại chúng. Nhưng xét kỹ thì sự việc sẽ khác hẳn.

Về phía cầu, giả thiết rằng giá cả thị trường của một hay một số mặt hàng nào đó sẽ tăng lên sau một thời gian nhất định, chẳng hạn 2 tháng nữa, là thời điểm Tết, do nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh. Để bình ổn, chính quyền cấp vốn rẻ cho doanh nghiệp thương mại mua và tích trữ hàng ngay từ bây giờ, để vào trong kho để chờ tung ra thị trường 2 tháng nữa. Nhưng việc này vô hình trung đã làm tăng cầu tại thời điểm hiện tại lên quá mức thông thường. Với cung không kịp điều chỉnh trong ngắn hạn thì giá cả của những mặt hàng bình ổn buộc phải tăng, phản ánh đúng mất cân đối cung cầu tăng lên. Cái giá phải trả cho hành động bình ổn này là lạm phát (tức hiện tượng giá cả tăng lên) sẽ tăng lên ở thời điểm hiện tại (với giả thiết mọi điều kiện khác không thay đổi). Nói cách khác, bình ổn sẽ dẫn đến hậu quả là dịch chuyển thời điểm gây lạm phát trong tương lai đến thời điểm hiện tại; lạm phát thay vì xảy ra trong tương lai sẽ xảy ra tại thời điểm hiện tại, bản chất sự việc (bình ổn giá cả, nhằm kiềm chế lạm phát) không được thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

Về phía cung, dùng một phần ngân sách để bình ổn giá cả sẽ dẫn đến tình trạng có khả năng phải cắt giảm phần kinh phí dùng để hỗ trợ sản xuất (nếu đã, đang, và sẽ có) cho các doanh nghiệp (về phía cung, ví dụ như hình thức vay ưu đãi để sản xuất). Hậu quả của tình trạng này là nguồn cung không thể gia tăng (tất nhiên với giả thiết là các điều kiện khác vẫn không thay đổi), và do đó càng làm tăng thêm bất cân đối cung cầu như nói ở trên.

Đáng nói hơn nữa, dùng ngân sách để bù giá trong bối cảnh ngân sách của Trung ương và địa phương luôn ở tình trạng thâm hụt kinh niên sẽ tạo thêm áp lực thâm hụt ngân sách, tùy thuộc vào quy mô bù giá. Thâm hụt ngân sách sẽ phải được trang trải bằng hoặc vay nợ trực tiếp từ Ngân hàng Trung ương (Ngân hàng Nhà nước, NHNN), tức là một dạng tăng cung tiền qua hành động in tiền của NHNN vào lưu thông, hoặc bằng cách “an toàn” hơn là đi vay mượn trong nước và/hoặc ngoài nước (thông qua phát hành trái phiếu nội tệ, ngoại tệ). Tất nhiên, một khả năng khác là phải tăng nguồn thu ngân sách, thông qua các biện pháp như tăng thuế, nhưng những biện pháp này hoặc là dẫn đến cắt giảm đầu tư của doanh nghiệp sản xuất (và tức là làm giảm cung), hoặc là đã được cố gắng thực hiện nhưng kết quả không được như mong đợi, thể hiện rõ qua việc thâm hụt ngân sách đã và đang tồn tại từ hàng vài chục năm nay mà không hề có xu hướng được cải thiện.

Như thế, 2 biện pháp khả thi để tài trợ thâm hụt ngân sách gây ra bởi việc bù giá (lại giả thiết các điều kiện khác không thay đổi) sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại lên giá cả. Nếu tài trợ bằng việc in tiền từ NHNN thì sẽ làm tăng áp lực lạm phát, kỳ vọng lạm phát, và rốt cuộc lạm phát, theo đó mặt bằng giá cả của hàng hóa nói chung sẽ tăng lên. Nói cách khác, cho dù các mặt hàng được bình ổn giá có thể không tăng nhưng, đổi lại, người tiêu dùng sẽ phải trả giá cao hơn cho vô vàn những mặt hàng tiêu dùng khác, và cuối cùng thì gánh nặng chi tiêu không hề giảm, nếu không muốn nói là cao hơn so với không có bình ổn giá.

Nếu tài trợ bằng vay nợ trong và ngoài nước thì hậu quả sẽ là tăng lãi suất VND (trường hợp huy động bằng nội tệ) hoặc tăng vay nợ nước ngoài (trường hợp huy động bằng ngoại tệ). Tăng lãi suất VND lại sẽ có tác dụng tiêu cực ngược lên phía cung, làm tăng thêm bất cân đối cung cầu hàng hóa như đã nói.

Đối với việc đi vay nước ngoài, tùy thuộc phản ứng của NHNN, tăng vay nợ nước ngoài sẽ hoặc là làm tăng lãi suất VND[1], hoặc là tăng giá VND [2]. Cả hai khả năng này đều tác động tiêu cực đến phía cung hàng hóa khi nó làm tăng chi phí sản xuất đầu vào cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong trường hợp Chính phủ vay nợ bằng ngoại tệ, khi đến hạn phải trả nợ lãi và vốn, nếu Chính phủ không thể thu xếp được nguồn ngoại tệ để chi trả (cũng vì lý do ngân sách luôn ở trạng thái thâm hụt, giật gấu vá vai), Chính phủ sẽ buộc phải vay mượn trong và ngoài nước, lặp lại vòng luẩn quẩn nói trên. Trường hợp xấu hơn, Chính phủ buộc phải vay ngoại tệ trực tiếp từ NHNN, và do đó làm giảm dự trữ ngoại tệ của NHNN, và tức là giảm khả năng can thiệp vào tỷ giá khi có các biến động vĩ mô bất lợi cho VND [3].

Bên cạnh những tác động tiêu cực lên cân đối thu chi ngân sách và, do đó, lên cung cầu hàng hóa, hành động bình ổn giá cả còn vô tác dụng nếu nó chỉ được thực hiện ở một hay một số địa phương. Việc thực hiện bình ổn giá ở thành phố Hồ Chí Minh theo lý thuyết sẽ ổn định được giá cả tại đó. Vì chênh lệch giá giữa nơi này và các địa phương trong cả nước, nhất là địa phương lân cận, thương nhân ở các địa phương sẽ đến mua hàng ở đây mang về địa phương mình bán, hưởng chênh lệch giá. Vì thế, theo thời gian, có thể là rất ngắn, chỉ một vài ngày hoặc vài tuần, chênh lệch giá cả sẽ biến mất giữa các địa phương, theo đúng quy luật cung cầu. Nói cách khác, một mình giới doanh nghiệp và thương nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ không đủ sức để cáng đáng bình ổn giá cả cho toàn bộ một vùng rộng lớn hơn, nếu không nói là cả nước. Rốt cuộc, của Thiên trả Địa, và mục đích bình ổn, dù chỉ là tại một địa phương, sẽ không được thực hiện.

Lưu ý thêm rằng ở đây chúng ta không đề cập đến chuyện gian lận trong việc thực hiện chương trình bình ổn giá, mặc dù chuyện này dường như là hiển nhiên, không thể tránh khỏi, và do đó làm giảm hơn nữa hiệu quả của việc làm này.

Tóm lại, xem xét kỹ tác động và hậu quả thì hoàn toàn không nên lặp lại hình thức bình ổn giá, một hình thức thu hẹp và biến tướng của chính sách bao cấp về giá trong cả nền kinh tế thời cách đây 2, 3 thập kỷ, vốn đã được thực tế chứng minh là một thất bại thảm hại không thể rõ ràng hơn. Vì thế, những chủ trương “thí điểm” và “nhân rộng” việc bình ổn giá, coi đó là một chìa khóa thành công trong việc kiểm soát lạm phát ở những nơi như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội mà người ta đang tìm cách cổ vũ và khuyếch trương cần phải bị dẹp bỏ ngay từ trong ý thức.

Chú thích:

[1] Trường hợp này xảy ra khi NHNN không can thiệp gì vào thị trường ngoại hối và tiền tệ. Hành động hoán đổi ngoại tệ đi vay ra VND của Chính phủ để tài trợ cho chi tiêu của các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá ở Việt Nam sẽ làm cầu VND tăng lên, dẫn đến lãi suất VND cũng tăng lên tương ứng so với USD.

[2] Nếu NHNN theo đuổi chính sách ổn định lãi suất VND thì lúc này NHNN buộc phải tăng cung VND tương ứng với lượng ngoại tệ mới tăng thêm trong nền kinh tế do vay mượn từ nước ngoài theo tỷ giá hiện thời

[3] Khi đến hạn trả nợ lãi và vốn vay, Chính phủ phải tiếp tục một lần nữa vay mượn VND trên thị trường trong nước để mua ngoại tệ, hoặc trực tiếp vay nước ngoài bằng ngoại tệ, lặp lại vòng luẩn quẩn nói trên. Trường hợp xấu hơn, Chính phủ buộc phải vay ngoại tệ trực tiếp từ  quỹ dự trữ ngoại tệ NHNN để trả nợ.

Nguồn: http://phanminhngoc.choseit.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn