Tiếng thở dài từ bản Bẻ

Thái Sinh

clip_image002

Bản Bẻ sau trận sạt lở đất giờ chỉ còn là hố đất khổng lồ.

Vụ sập đất công trình xây dựng thủy điện Nậm Tộc rạng sáng 23/1/2010 đã chôn vùi 4 ngôi nhà và 4 ngôi nhà khác buộc phải di chuyển. Đã 7 tháng nay người dân vẫn ngóng đợi sự trả lời từ phía các cơ quan có thẩm quyền về nguyên nhân vụ sập đất. Hỏi chính quyền thì được đáp: Đang xin ý kiến tỉnh… Người dân chả biết kêu ai, chỉ biết ngửa cổ lên trời hỏi: Trời hỡi, sao trời lại cao thế kia?

Bản Bẻ nằm trên ngọn nguồn dòng suối Nậm Tộc. Người dân Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn gọi Nậm Tộc là dòng suối nước mắt, dòng suối đau thương. Từ năm 1964 một số hộ nghèo người dân tộc Thái sống trên cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn, Yên Bái) di chuyển lên ngọn nguồn dòng Nậm Tộc khai hoang mở ruộng lập lên bản làng. Nơi đây, trước kia chỉ là bãi chăn thả dê nằm chênh vênh bên bờ suối, bản Bẻ - tiếng Thái nghĩa là bản con dê, từ đó mà thành tên. Đã ngót 50 năm rồi người dân bản Bẻ sống thanh bình bên dòng suối dẫu chẳng giàu sang nhưng không còn đói khổ như xưa, nhiều người đã làm được ngôi nhà sàn 4-5 gian rộng rãi, có chiếc xe máy Tàu và vài ba con trâu buộc dưới gầm sàn, cuộc sống của người dân vùng cao chẳng mong gì hơn thế.

Năm 2007 Cty TNHH Thanh Bình tiến hành khảo sát xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Tộc, mương dẫn nước vào NM nằm lưng chừng núi, đất đá thải đổ xuống các khe suối treo lơ lửng trên đầu bản Bẻ, như một cái bẫy khổng lồ. Điều đã đến phải đến, trận mưa xuân đêm 22/1/2010 chỉ đủ thấm đất, nhưng đã làm hàng ngàn khối đất đá từ bãi thải công trình thủy điện Nậm Tộc trút xuống tạo thành dòng lũ đá khủng khiếp, trong nháy mắt chôn vùi 4 ngôi nhà sàn của người dân và đe dọa 4 ngôi nhà khác buộc phải di dời khẩn cấp.

clip_image003

Những túp lều tạm bợ dựng lên sau trận sạt lở đất.

Trở lại bản Bẻ lần này, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Văn Chấn Nguyễn Văn Toản lái chiếc xe cà tàng đưa tôi lên Nghĩa Sơn. Khi hỏi tên những hộ bị vùi lấp và những hộ buộc phải di dời, Chủ tịch xã Phan Trọng Bình loay hoay tìm hết đống giấy tờ trên bàn mà chả thấy đâu, rồi mở máy tính cũng chẳng thấy. Ông lắc đầu: Anh hỏi đột ngột quá, nên tôi chẳng nhớ được… Nói rồi ông chạy xuống văn phòng và sang phòng Bí thư để hỏi, ông Toản sốt ruột quá bèn gọi điện xuống Văn Chấn hỏi nhân viên Phòng NN - PTNT rồi đọc tên từng hộ cho tôi chép vào sổ tay. Ông Bình cho biết: Sau sự cố sập đất, Cty TNHH Thanh Bình đã san ủi mặt bằng, mỗi hộ được cấp một lô đất chiều dài 10m x 15m chiều sâu, diện tích mỗi lô từ 150-170 m2, hỗ trợ 2 triệu nhà bị sập, 1 triệu nhà phải di dời, Tết hỗ trợ mỗi hộ 1 tạ gạo và một túi quà…

Tôi hỏi ông Bình: "Các hộ di chuyển đến nơi ở mới bây giờ thế nào rồi?". Trả lời: "Những hộ buộc phải di dời có hộ đã dựng được nhà, còn 4 hộ nhà bị vùi lấp thì chưa, họ vẫn đang ở tạm trong những chiếc lều bạt. Ngân sách xã thì chẳng có để giúp các hộ đó dựng lại nhà, hỏi huyện thì huyện bảo đã báo cáo tỉnh, nhưng tỉnh chưa trả lời nên phải đợi thôi". Thủ phạm gây nên vụ lở đất sáng sớm ngày 23/1/2010 tại bản Bẻ không ai khác chính là Cty TNHH Thanh Bình, thảm họa này gọi đúng tên là “nhân tai”. Ngay sau khi vụ sạt lở đất xảy ra, tỉnh Yên Bái đã giao cho Công an điều tra, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận. Thành ra những gì Công ty này đã làm: San tạo mặt bằng, hỗ trợ mấy tạ gạo và hơn chục triệu thì coi như đã hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Biên lại thở dài ngó mông lung ra ngoài trời, trời thì cao xanh thế kia với không tới, còn dưới thung lũng thì sâu hun hút, bắt đầu vào mùa mưa dòng Nậm Tộc đục ngầu chảy cồn cào. Ở trên núi gió như muốn giật tung những tấm bạt, khiến cho chiếc lều cứ rung lên bần bật...

Rời trụ sở UBND xã Nghĩa Sơn, chúng tôi ngược dốc lên bản Bẻ mới được di chuyển lên phía trên cách nơi bản cũ gần 2km. Vì không có đất nên bản vẫn bám dọc dòng suối Nậm Tộc, 4 hộ bị vùi lấp là gia đình các ông: Lò Văn Sơn, Đồng Văn Biên, Đồng Văn Xuân và Đồng Văn Hàm. Gia đình ông Đồng Văn Xuân gắp thăm được lô đất đầu bản, ông Xuân lúc này không có nhà chỉ có mình bà vợ Lò Thị Tàn và lũ cháu. Gọi là nhà, chứ đó là căn lều thấp lè tè lợp bằng bạt màu xanh, gió ở trên núi đã làm mái lợp xơ tướp, ngồi trong nhà thấy sáng choang chẳng khác gì ngồi ngoài trời.

Bà Tàn không biết tiếng Kinh, may sao tôi nói được tiếng Thái, nên nghe được điều bà kể: Nhà tôi có 7 khẩu, trước khi bị sập là ngôi nhà sàn cột kê 4 gian, rộng rãi mới làm được mấy năm lợp hết 220 tấm lợp. Đất đá vùi lấp hết rồi, không lấy được gì cả: Thóc lúa, chăn màn, quần áo cũng bị lấp hết, chỉ đào bới tìm thấy mấy tấm gỗ làm quan tài này thôi… Nói đến đây nước mắt bà Lò Thị Tàn ầng ậc trong khoé mắt, bà chỉ mái nhà thủng rách nhiều chỗ: Cán bộ ơi, nhà mình chẳng có tiền để làm lại đâu, mùa đông vừa rồi rét lắm, mùa hè nóng quá không ai dám ngồi trong nhà. Không có nhà, con trai con dâu phải ngủ trên lều nương mấy ngày mới về thăm con một lần… Tôi nhìn đám trẻ con thau tháu ngồi trước mặt bà nhìn tôi như người từ phương trời xa lạ nào đến.

clip_image004

Nước mắt của chị Lò Thị Phiêng không lúc nào ngừng chảy.

Chúng tôi qua nhà Lò Văn Sơn, nhà chẳng có ai, vợ của anh Sơn dáng lòm khòm đi vơ vẩn ngoài nắng chiều vàng khé. Thấy người lạ vào nhà chị mới quay vào, chúng tôi ngồi trên mấy tầm gỗ có lẽ nhặt nhạnh được sau trận lở đất. Tôi hỏi chị tên là gì năm nay bao nhiêu tuổi? Chị lắc đầu chẳng nhớ mình bao nhiêu tuổi, chỉ nói được mỗi chữ Phiêng, rồi lò dò đến bên bàn thờ gá tạm trên vách lấy từ chiếc túi nilon màu trắng đưa cho tôi chiếc chứng minh thư, thứ giấy tờ tùy thân duy nhất chị còn giữ được do giắt trong người trong trận sập đất kinh hoàng. Chị tên là Lò Thị Phiêng, sinh năm 1976 nhưng nom gương mặt đau khổ nhăn nhúm mà ngỡ chị đã ngót 50 tuổi. Nước mắt lưng tròng chị chỉ tấm ảnh đứa con gái hơn 3 tuổi tên là Lò Thị Tiêu đặt trên bàn thờ: Đêm nào cháu cũng nghe thấy tiếng con gái gọi: Mẹ ơi cứu con với… Cháu không ngủ được vì thương con quá.

Nói rồi chị Phiêng lại khóc, nỗi ám ảnh vì tiếng gọi kêu cứu của đứa con gái khiến chị đổ bệnh. Một căn bệnh mà chẳng hiểu là bệnh gì cứ quặn đau ngang thắt lưng rồi ngược lên ngực, khiến chị không ăn, không ngủ được, đi bệnh viện nhưng Bác sĩ cũng chả biết bệnh gì. Họ giới thiệu đi Hà Nội khám, nhưng chẳng kiếm đâu ra tiền nên phải mang bệnh về nhà. Chị lại khóc: Chồng cháu lên rừng kiếm ăn, cháu ở nhà nấu ăn thôi, có hôm đau quá củi không bổ được, tay cứ run run lửa cũng không nhóm được chú ạ. Chắc là cháu không sống được mấy năm nữa đâu…

clip_image006

Ông Đồng Văn Biên và những chú chuột săn được làm thức ăn cho lũ trẻ.

Ông Đồng Văn Biên vừa đi làm về ngồi trước cửa nhìn xuống thung lũng hun hút nắng chiều. Thấy chúng tôi ông mời vào nhà, ngôi nhà lợp bạt vách cũng bằng bạt nhưng đã rách nhiều chỗ, vì ở lưng chừng núi nắng gió tơi bời chả mấy chốc mà rách. Ông thở dài kể: Trước đây nhà tôi là ngôi nhà sàn 4 gian làm toàn bằng gỗ xẻ, dựng năm 1997 phải hết hơn trăm triệu đấy, đất đá vùi lấp hết rồi chỉ đào được mấy tấm ván lịa vách về làm sàn ngủ. Sau hôm lở đất cán bộ trên tỉnh về thăm bảo sẽ xây nhà cho dân, nhưng chờ mãi chả thấy. Chúng tôi mất hết cả rồi, trên rừng cũng không có gỗ để khai thác, xây nhà thì lấy đâu ra tiền, nên cứ ở như thế này thôi. Nhà nước hỗ trợ cho 6 tháng gạo, nay không được hỗ trợ nữa chúng tôi phải ăn sắn thay cơm. Lũ trẻ con không ăn được sắn, nên xát phơi khô bán lấy tiền đong gạo. Bán ba yến sắn khô thì mua được một yến gạo, hôm nào không bán được thì luộc sắn ăn, trẻ con không có gì ăn thì quấy khóc, không có tiền mua thức ăn, tôi phải lên rừng săn chuột làm thức ăn cho chúng. Sắn cũng sắp hết rồi, chả biết lấy gì bán để có tiền mua gạo cho các cháu ăn…

 

Nguồn: Baomoi

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn