Một số góp ý cho bài viết “Không thể phủ nhận vai trò kinh tế nhà nước”

Phan Minh Ngọc

image Trong lúc lướt đọc báo chí Việt Nam, thấy có bài viết với cái tít chắc nịch này ở mục “Chính luận” của tờ Quân đội Nhân dân bèn tò mò và kiên nhẫn ngồi đọc cho bằng hết, [1] một hành vi tự nhận là rất thiện chí, ít khi dành cho các bài viết kiểu này. Và như thường lệ, không hề ngạc nhiên khi càng đọc càng thấy bài viết này có vấn đề, rất có vấn đề, như nhiều bài khác cùng thể loại.

Bài viết bắt đầu với việc nêu ra chỉ đạo của Bộ Chính trị về cơ cấu lại Vinashin rồi nhận định: “Điều đáng tiếc là có một số người, nhân sự kiện này lại suy diễn cho rằng: “Mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam đã sụp đổ”; “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đường lối sai lầm”.

Chưa chứng minh gì được thêm để phê phán những “suy diễn” trên, bài viết quăng một quả tạ nặng trịch: “Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế nhiều thành phần đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là hoàn toàn đúng đắn và được khẳng định qua thực tiễn.” Trích dẫn đường lối của Đảng không có tác dụng gì ở đây, ngoài hiệu ứng “dằn mặt”.

Tác giả phải chứng minh rằng đường lối này là đúng, chứ không thể mặc nhiên xác định rằng Đảng đã nói đúng là phải đúng. Và “đã được khẳng định qua thực tiễn” như thế nào, bao giờ, ở đâu? Về logic, để chứng minh điều A đúng thì việc nêu ra rằng ông B nói điều A đúng không nhất thiết có nghĩa là điều A là đúng. Một căn bệnh cố hữu của các cây bút lý luận a bờ cờ ở Việt Nam!

Bài viết dành cả một đoạn dài tiếp theo để lập luận sự cần thiết và vai trò của kinh tế nhà nước, nhưng lại nêu chủ yếu trong những giai đoạn và thời kỳ phát triển sơ khởi, khó khăn của các nền kinh tế quốc gia. Bài viết khẳng định: “Thực tế cho thấy, ngay tại những nước tư bản phát triển nhất, kết cấu hạ tầng cũng vẫn phải do nhà nước đảm nhận xây dựng và vận hành. Nước Mỹ chắc chắn chẳng bao giờ rao bán NASA và các nhà máy điện hạt nhân cho các nhà tư bản dù các nhà tư bản này thừa tiềm năng để mua nó và vận hành… Kinh tế càng phát triển, hội nhập quốc tế càng sâu rộng, càng khẳng định vai trò kinh tế nhà nước với từng quốc gia.”      

Hãy tạm ngừng trích dẫn ở đây để phân tích lập luận và tính logic của bài viết. Thứ nhất, bài viết đã không đưa ra được bất cứ một số liệu và bằng chứng nào để chứng minh được rằng ngay tại những nước phát triển nhất, kết cấu hạ tầng cũng vẫn phải do nhà nước đảm nhận xây dựng và vận hành. Thứ hai, cho dù đúng như bài viết rằng (ở các nước tư bản phát triển nhất) nhà nước có vai trò chủ đạo (suy luận từ ý tứ trong bài viết) trong việc xây dựng hạ tầng, điều này không tự nhiên đồng nghĩa với việc nhà nước có vai trò chủ đạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế quốc gia, đơn giản vì xây dựng và điều hành hạ tầng chỉ là một trong vô vàn hoạt động kinh tế khác. Hoặc nhìn nhận ở một góc độ khác, đóng góp vào GDP từ hoạt động xây dựng và điều hành hạ tầng (đặc biệt là chỉ từ thành phần kinh tế nhà nước) không thể chiếm một tỷ lệ áp đảo trong tổng GDP của bất cứ một nền kinh tế nào đó. Kể cả nhìn rộng ra cho toàn bộ thành phần/khu vực kinh tế nhà nước/công cộng, số liệu thống kê của các nước phát triển thực tế cũng cho thấy đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước (công cộng) chỉ là phần nhỏ, còn xa mới được gọi là chủ đạo (có thể dễ dàng search trên internet để kiểm chứng chuyện này). Thứ ba (và có liên quan đến hai luận điểm trên), vì bài viết không thể đưa ra thêm chứng cứ gì nữa, kết luận của bài viết: “Kinh tế càng phát triển, hội nhập quốc tế càng sâu rộng, càng khẳng định vai trò kinh tế nhà nước với từng quốc gia” là một kết luận hoàn toàn chủ quan, vô căn cứ và rất khiên cưỡng, đúng kiểu của các bài viết chính luận loại này.  

Tiếp theo, bài viết chuyển sang vấn đề chủ đạo của kinh tế nhà nước ở Việt Nam, khơi khơi bằng một câu: “Ở Việt Nam, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước xuất phát từ lợi ích của đất nước, của nhân dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kinh tế nhà nước phát huy tốt vai trò chủ đạo thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển nhanh, quốc phòng - an ninh được giữ vững.” Tác giả bài viết và những người ủng hộ hãy chỉ ra xem những quốc gia đã và đang phát triển nhanh, có nước nào mà kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo? Có lẽ tác giả sẽ lấy ngay anh bạn vàng Trung Quốc làm tấm gương sáng để ủng hộ cho lập luận của mình. Nhưng ngay với anh bạn này thì GDP của kinh tế nhà nước cũng chỉ chiếm chưa đến non nửa, chưa thể gọi là chủ đạo.[2] Ngược lại, hãy chỉ ra xem có bao nhiêu quốc gia với kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo lại phát triển nhanh? Nếu không đưa ra được một dẫn chứng nào thì lập luận này của tác giả cũng lại chỉ là một lập luận vô căn cứ, nói bừa. Tương tự, tác giả hãy chứng minh sự tồn tại của mối liên hệ nhân quả giữa kinh tế nhà nước phát huy tốt vai trò chủ đạo với quốc phòng, an ninh được giữ vững, mặc dù không khó để thấy chúng chẳng có hề có cơ sở để tồn tại!

Sau khi lên tiếng thừa nhận “…một số doanh nghiệp nhà nước chưa xứng đáng với vai trò mà nó nắm giữ”, như Vinashin, bài viết nhấn mạnh đến việc không được đánh đồng Vinashin với kinh tế nhà nước bằng cách nêu ra một loạt số liệu có mục đích minh họa cho sự thành công, “vượt khó” của kinh tế nhà nước trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới. Điều đáng chú ý là những số liệu đưa ra lại được so sánh với con số kế hoạch, là cái người ta hoàn toàn có thể nhào nặn, “vi chỉnh” cho “sát với thực tiễn” để sao cho con số thực tế luôn có cơ hội để vượt được chỉ tiêu – con số kế hoạch. Chẳng hạn, thấy tình hình năm 2009 có vẻ khó khăn, Chính phủ tự cắt giảm mục tiêu tăng trưởng GDP so với năm 2008, và thế là thay vì phải tăng trưởng trên 7,5% hay gì đó như năm 2008 mới, năm 2009 chỉ cần đạt mức khiêm tốn 6% theo kế hoạch là đã được coi “điều hành kinh tế thành công”, vì đã vượt mục tiêu trên thực tế!

Rồi nữa, bài viết nêu chuyện “…các tập đoàn, tổng công ty nhà nước  đã có nhiều cố gắng, đóng góp thiết thực để Chính phủ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế và tăng cường an sinh xã hội theo mục tiêu đề ra. Tất cả các huyện nghèo nhất của Việt Nam đều có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhận đỡ đầu, hỗ trợ” để minh họa cho vai trò to lớn của các doanh nghiệp nhà nước. Về lý luận này thì có rất nhiều chuyện để nói. Tuy nhiên, ở đây ta chỉ đơn giản vặn lại rằng tác giả bài viết và những người ủng hộ nghĩ thế nào về chuyện lẽ ra Chính phủ chỉ cần trực tiếp dành một phần nhỏ trong những ưu đãi vật chất cho các doanh nghiệp nhà nước thì chắc cũng bằng với phần chi phí doanh nghiệp nhà nước bỏ ra để tài trợ cho các hoạt động ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội của nhà nước. Nhà nước chẳng cần phải tốn công, tốn của đi đường vòng qua doanh nghiệp nhà nước, và chắc chắn sẽ là hiệu quả hơn vì không phải tốn “chi phí trung gian”, nuôi cả một bộ máy doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh! Còn nếu lý luận cùn, nói rằng một mình nhà nước không đủ sức làm những việc đó thì sẽ có ngay phản biện rằng dù có hay không có doanh nghiệp nhà nước thì nhà nước vẫn có trong tay đầy đủ các công cụ chính sách (chính sách thuế, chính sách tiền tệ, tài khóa, biện pháp hành chính v.v.) để huy động đủ nguồn lực cho các hoạt động của mình. Nguồn lực mà doanh nghiệp nhà nước đóng góp vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội cũng chính là nguồn lực cuối cùng thuộc về nhà nước, doanh nghiệp nhà nước mang ra sử dụng (cho bình ổn) thì cũng chính là nhà nước mang ra sử dụng. Nói cách khác, doanh nghiệp nhà nước chẳng có công trạng gì trong việc này cả. Hơn nữa, theo lẽ thông thường (và thực tế đúng là vậy), doanh nghiệp nhà nước khi phải làm “nhiệm vụ chính trị” thì tự khắc chúng phải cắt giảm tương ứng (hoặc nhiều hơn) phần giao nộp, đóng góp cho ngân sách nhà nước, chưa kể chuyện nhà nước nhiều khi phải bù lỗ cho doanh nghiệp nhà nước vì họ lý luận hết sức thuyết phục rằng bị lỗ vì phải thực hiện “nhiệm vụ chính trị”. Tóm lại, chuyện đóng góp của doanh nghiệp nhà nước chỉ là chuyện “của người phúc ta”, tiền từ túi trái chui sang túi phải của cùng một cái quần. 

Nực cười là cái chuyện “đỡ đầu” với “hỗ trợ” các địa phương nghèo của doanh nghiệp nhà nước cũng được viện ra như một bằng chứng về vai trò to lớn của doanh nghiệp nhà nước. Thử hỏi các doanh nghiệp nhà nước hỗ trợ được bao nhiêu, bao lâu, giải quyết được vấn đề gì, tiền hỗ trợ lấy đâu ra, thực chất là của ai?

Những đoạn viết sau mới là gay cấn hơn. Bài viết cho rằng: “Đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Việt Nam luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cùng phát triển, nhưng chúng ta không thể kỳ vọng nhiều vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước hoặc nước ngoài đầu tư phát triển các ngành kinh tế như kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cung ứng những hàng hóa và dịch vụ công ích. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, khó tìm được tư nhân nào có thể nâng cấp và làm mới các tuyến đường giao thông ở vùng sâu, vùng xa. Khi thiên tai xảy ra, khó có tư nhân nào có thể cứu hộ, trợ giúp được cả một địa phương, một khu vực?”

Khoan chưa nói đến chuyện đúng sai rằng không thể kỳ vọng nhiều vào doanh nghiệp tư nhân hoặc nước ngoài đầu tư phát triển được các ngành kinh tế như kết cấu hạ tầng và hàng hóa và dịch vụ công ích. Vấn đề cần nói ngay từ lập luận trên là doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam không có ý định chỉ dừng lại ở những lĩnh vực/ngành kinh tế này, và bản thân nhà nước không muốn chúng chỉ giới hạn hoạt động ở những lĩnh vực này! Hơn nữa, nhà nước thử “treo giải” một lượng tiền và những ưu đãi tương ứng với những thứ mình sẽ dành cho các doanh nghiệp nhà nước để họ nâng cấp và làm mới các tuyến đường giao thông nông thôn để xem các doanh nghiệp tư nhân có mặn mà tham gia xây dựng các tuyến đường này không? Chưa làm thế bao giờ và chưa có ý định làm thế bao giờ thì tuyệt đối không được khẳng định rằng không doanh nghiệp nào ngoài doanh nghiệp nhà nước có đủ năng lực và có “thiện chí” làm những việc tưởng như “công quả” này, mà thực chất là những công việc ra tiền cả đấy. Như vậy, vấn đề không phải là ai làm được hay không, muốn làm hay không, mà là có muốn, sẵn sàng để cho ai khác làm hay không, với giá bao nhiêu, có thiên vị bất bình đẳng gì không.

Cũng tương tự như lý luận về an sinh xã hội nói trên, nêu vai trò của doanh nghiệp nhà nước nói riêng và kinh tế nhà nước nói chung khi xảy ra thiên tai là điều hết sức ấm ớ, và cố tình đánh tráo với trách nhiệm của nhà nước trong những vụ việc này. Trước hết, vai trò và trách nhiệm của bất cứ nhà nước nào khi xảy ra thiên tai là phải cứu trợ và phục hồi cuộc sống của khu vực thiên tai, bất kể nhà nước đó có quy mô kinh tế nhà nước chiếm bao % trong tổng GDP cả nước. Còn việc doanh nghiệp nhà nước có tham gia cứu hộ trợ giúp hay không lại là chuyện khác vì doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ là doanh nghiệp, nếu không có yêu cầu và mệnh lệnh của nhà nước thì còn lâu họ mới tự nguyện tham gia, hành động mà chỉ dẫn đến sụt giảm lợi nhuận của mình. Chuyện bình ổn giá cả xăng dầu, thực phẩm v.v… là những minh chứng sống động, khỏi cần nhắc lại. Hơn nữa, dù doanh nghiệp nhà nước có tham gia, thì lại như đã nói ở phía trên, rằng tiền để họ tham gia rốt cuộc cũng là từ túi ngân sách nhà nước chui ra mà thôi!

Dựa vào những lập luận ấm ớ này thì tác giả không thể kết luận rằng: “Như vậy, không thể từ những khó khăn của Vinashin mà phủ nhận vai trò, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước nói riêng và kinh tế nhà nước nói chung”. Đấy là chưa kể đến việc nhằm chứng minh tính cần thiết của kinh tế nhà nước trong việc nắm vai trò chủ đạo nhưng tác giả quanh đi quẩn lại mới chỉ nêu được chuyện cứu trợ, an sinh xã hội, hạ tầng cơ sở, sản phẩm và dịch vụ công ích, chứ không chứng minh được tính cần thiết và vai trò chủ đạo của chúng trong các lĩnh vực/ngành kinh tế khác.

Bài viết trích dẫn những “quyết sách đúng đắn” của Đảng và nhà nước, như: “…đẩy mạnh sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo hướng doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, chi phối” để nhấn mạnh rằng: “…không phải Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam không nhìn nhận ra các hạn chế, yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như một số người đã có ý kiến trên mạng internet”. Tác giả cần phải nhận thức rõ vấn đề ở đây là không phải là Đảng và Chính phủ không nhận ra các hạn chế, yếu kém của tập đoàn, mà là nhận ra khi nào và như thế nào? Tác giả cũng giải thích thế nào với phương hướng sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo hướng “tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt” mà chắc chắn gồm những ngành ngoài các ngành như hạ tầng cơ sở và công ích như tác giả nêu bên trên. Cứ chiểu theo lập luận của tác giả thì hóa ra các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vẫn cứ đang tập trung vào những ngành, lĩnh vực mà không cần có sự hiện diện của chúng (cho dù đã và đang được sắp xếp lại)?

(Mệt quá rồi!) bài viết nêu một minh chứng cho thành công bước đầu của những giải pháp của Đảng và Chính phủ: “Thực tế tại Tập đoàn Vinashin, sau gần một tháng thực hiện việc tái cơ cấu, đổi mới toàn diện tập đoàn theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, đã có sự chuyển biến đáng phấn khởi. Tình trạng công nhân phải nghỉ việc giảm hẳn. Các dự án đóng tàu của tập đoàn được khởi động trở lại. Quyết tâm của cán bộ, công nhân Vinashin là đến năm 2013 sẽ hết lỗ và đến năm 2015 có lãi.” Quá thần kỳ! Chỉ trong vòng gần 1 tháng đã có chuyển biến đáng phấn khởi! Là gì? Là tình trạng công nhân phải nghỉ việc giảm hẳn. Đương nhiên rồi! Rót tiền ngân sách, thông qua hệ thống ngân hàng, để các doanh nghiệp trả lương cho công nhân, thì có ai sẽ phải nghỉ việc nếu không muốn đâu? Các dự án đóng tàu được khởi động trở lại ư? Thì cũng đương nhiên rồi. Tiền rót từ ngân hàng vào thì dự án dở dang sẽ được khôi phục lại có gì là lạ? Quyết tâm hết lỗ vào năm 2013 rồi có lãi vào 2015 ư? Cái này thì khác đấy. Vì đó mới chỉ là quyết tâm, không biết bao giờ mới thành hiện thực, và vì thế không thể đưa ra như là bằng chứng cho sự chuyển biến đáng phấn khởi được!

Cuối cùng (may quá!), bài viết cũng kết thúc bằng một cảnh báo, một lời răn, nhắn nhủ xem ra cũng có lý: “Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc đưa ra các lời cảnh báo, các ý kiến phản biện của các cá nhân đều có ảnh hưởng ít nhiều đến dư luận xã hội. Chúng ta trân trọng những ý kiến đóng góp chân thành, thẳng thắn mang tính xây dựng, nhưng cũng cần phải cảnh giác trước những thông tin thiếu khách quan, phản ánh không đúng bản chất sự việc, suy diễn thiếu căn cứ… làm người xem, người nghe hiểu sai chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”. Vâng, cũng rất mong những ai đọc bài phản biện này thì hãy coi đây là một bài  phản biện mang tính chân thành, thẳng thắn, mang tính xây dựng, chứ không phải là “giọng điệu phản động”, thiếu khách quan, suy diễn thiếu căn cứ, ít nhất là như bản thân bài viết trên mục Chính luận này!

Và thay cho lời kết, cũng là một lời góp ý chân thành, mang tính xây dựng đến báo Quân đội Nhân dân nói riêng và các báo nói chung có mục chính luận dùng để “đập tan diễn biến hòa bình”, rằng các báo này nên thay ngay những người phụ trách và/hoặc viết bài hiện tại cho mục này bằng những người có trình độ lý luận và kiến thức kinh tế, chính trị vững chắc hơn. Nếu cứ để những người non kém như tác giả bài viết này tiếp tục xuất hiện thì không những không đạt được mục đích hướng tới của mục Chính luận là làm cho người nghe hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước mà còn góp phần làm cho “diễn biến hòa bình” tiếp tục diễn ra thuận buồm xuôi gió hơn!

P. M. N.

Nguồn: Phanminhngoc

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn