Đại biểu Quốc hội chỉ như “ông bưu điện”

Lê Kiên

image

 

ự án Luật khiếu nại được Quốc hội thảo luận sôi nổi tại phiên họp tổ sáng 29-10 với những nội dung rất cụ thể. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Trần Đình Long nói rằng với khoảng 110.000-150.000 vụ việc khiếu nại phát sinh mỗi năm thì “trong vòng mười năm thử hỏi còn mấy người không liên quan đến khiếu kiện?”.

Trong khi đó, mỗi năm lượng đơn thư gửi đến Quốc hội được tính bằng con số hàng vạn nhưng đại biểu Quốc hội cũng chỉ đóng vai trò của “ông bưu điện” đóng dấu và kính chuyển.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) cho biết: “Mỗi năm tôi nhận được rất nhiều đơn thư của dân, có nhiều người đi xa hàng trăm cây số, ra Hà Nội ở trọ rồi tìm đến nhà tôi. Việc của tôi cũng chỉ là chuyển đơn rồi đợi trả lời.

Nhiều nơi người ta trả lời qua loa cho xong chuyện. Tôi cảm thấy rằng việc chuyển đơn của mình hiệu quả rất thấp, nhưng vì trách nhiệm với bà con mình vẫn cứ phải ký để chuyển đi. Luật nên quy định cho đại biểu Quốc hội có thêm quyền hạn nào đấy chứ cứ như hiện nay gần như không có kết quả gì”.

Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) tâm sự: “Đại biểu Quốc hội các ông không giải quyết được thì chúng tôi coi các ông cũng chỉ là cái bưu điện thôi. Nghe dân nói như vậy tôi rất đau”.

Về phạm vi điều chỉnh của luật, theo ông Hải, nếu chỉ quy định cho người dân được khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính thì trong nhiều trường hợp người đi kiện sẽ “thua”. Vì trên thực tế có nhiều trường hợp người ta “né” quyết định hành chính bằng cách ra những văn bản kiểu như thông báo, kết luận, ý kiến của lãnh đạo.

Các văn bản này hình thức không phải là quyết định hành chính nhưng nó vẫn buộc cấp dưới phải thực hiện. Ông Hải đề nghị nghiên cứu để quy định thật chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi tối đa cho người dân.

Theo ông Trần Đình Long, hiến pháp quy định rằng công dân có quyền khiếu nại tất cả hành vi gây thiệt hại cho mình.

“Trong khi luật này chỉ khoanh lại ở quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có phù hợp với nội dung hiến pháp không? Dự luật cũng chưa đặt vấn đề là người dân có quyền khiếu nại các quyết định của Thủ tướng. Tôi cho rằng đã là quyết định hành chính thì cấp nào cũng phải nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật. Chẳng hạn Thủ tướng quyết định đình chỉ xuất khẩu gạo mà gây thiệt hại cho người trồng lúa, thiệt hại cho người kinh doanh thì chúng ta đặt vấn đề rằng đó là văn bản pháp quy hay quyết định hành chính?” - ông Long phân tích.

Cả ông Long và ông Hải đều cho rằng dự luật không nên “né” việc khiếu kiện đông người vì đây là một thực tế, dù muốn dù không cũng đang phải đối mặt.

“Lý lẽ của Chính phủ là khi đã khiếu nại thì phải giải quyết cho từng người. Tôi lấy ví dụ trên một cánh đồng có hàng trăm thửa ruộng của hàng trăm gia đình, tuy diện tích khác nhau nhưng khi đền bù giải phóng mặt bằng có chung mức giá, người ta khiếu nại về mức giá thì làm sao có thể thương lượng để giải quyết cho từng người được. Trong trường hợp có cùng nội dung khiếu nại như vậy thì phải giải quyết chung chứ” - ông Long phân tích.

Ông Vũ Quang Hải nói: “Lãnh đạo phải sẵn sàng đối thoại với dân. Tiếp công dân tốt thì khiếu nại sẽ hạn chế. Tôi thấy hiện nay những người đứng đầu cơ quan nhà nước rất xem nhẹ việc tiếp công dân. Đến nhiều nơi có khiếu kiện, thấy chỉ cấp tham mưu ra tiếp, giải quyết qua loa theo ý chủ quan nên người dân bức xúc gọi tên lãnh đạo ra chửi. Tôi đề nghị luật phải có chế tài dành cho những cán bộ làm sai dẫn đến việc người dân khiếu nại đúng: chẳng hạn như sai lần đầu phải khiển trách, lần sau cảnh cáo, xem xét tín nhiệm, đưa lên phương tiện truyền thông đại chúng...”.

L. K.

Nguồn: Tuoitre

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn