Kỷ niệm chiến tranh 1979 Lính Trung Quốc thừa nhận được lệnh giết dân Việt Nam

Nhân dịp 30 năm chiến tranh biên giới Trung Quốc - Việt Nam (17/2/1979-17/2/2009), báo mạng Trung Quốc có đăng nhiều bài với nhiều quan điểm khác nhau. Điều đáng mừng là năm 2009 xuất hiện một loạt bài viết có cách nhìn tương đối khác trước. Dưới đây xin giới thiệu một bài nguyên văn đầu đề Tưởng niệm 30 năm chiến tranh Trung Việt: giành chiến thắng áp đảo tất cả, thể hiện phần nào sự đổi mới quan điểm của người Trung Quốc. Tuy tác giả viện cớ “không từ một thủ đoạn nào để giành chiến thắng”, nhưng đồng thời cũng tiết lộ một sự thật trước đây phía bên kia giấu kín: lính Trung Quốc đã giết nhiều thường dân Việt Nam.

Nguyễn Hải Hoành


Bauxite Việt Nam rất trân trọng công phu sưu tầm và dịch thuật trước nay của ông Nguyễn Hải Hoành, người đã cung cấp cho chúng tôi bản dịch này, tuy vậy, cũng xin được phép nghi ngờ một vài điểm trong lời giới thiệu trên đây của ông, bởi chỉ cần đọc vào bài ông dịch, đã thấy ngay tác giả tỏ ra không thiện chí khi viết: “Sau cuộc chiến, phía Việt Nam không ngừng tuyên truyền quân nhân Trung Quốc “Đốt, giết, cướp phá”, cho tới nay vẫn kêu gọi người Việt Nam đời đời kiếp kiếp không quên. Nhưng phía Trung Quốc thì lại quên dần trận kịch chiến đó”. Sự thực, nếu làm một thống kê tỷ mỉ, xác thực số lượng các bài báo nhắc nhở và kêu gọi lòng căm thù đối phương thì một sự thực rõ ràng không ai có thể phủ nhận là các báo giấy, báo mạng, thậm chí văn chương Trung Quốc cho đến tận nay vẫn nhắc lại với số lượng áp đảo và với giọng rất huênh hoang những chuyện chém giết cướp phá ghê tởm mà kẻ đầu sỏ Trung Nam Hải lúc ấy là Đặng Tiểu Bình chỉ đạo trực tiếp khi cho quân sang xâm lược Việt Nam, trong khi báo chí Việt Nam thì gần như răm rắp tuân lệnh Chính phủ, đã từ nhiều năm nay không hề nhắc lại những kỷ niệm đau buồn ấy. Bởi vậy, tuy có nêu lên được một vài sự thực nào đó mà do chỗ tài liệu trên thế giới đã công bố quá nhiều, không còn thể che giấu, nhưng nhìn chung, việc nói rằng “phía Trung Quốc đang quên dần trận kịch chiến năm 1979” là một sự nói dối trắng trợn. Có người Việt Nam nào mà không thấm thía từ tận trong đáy tâm khảm âm mưu thâm hiểm và hết sức lâu dài của các vị Hoàng đế “thiên triều”, nhất là các vị Hoàng đế Đỏ, đối với đất nước chúng tôi. Biết đâu đây lại là một cách khơi mào chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nhân dân Trung Quốc một cách tinh vi khéo léo đấy thôi.

Bauxite Việt Nam

Ngày hôm nay cách đây 30 năm, Trung Quốc và Việt Nam nổ ra một cuộc đại chiến quyết tử “vừa là đồng chí vừa là anh em” tại biên giới hai nước. Đặng Tiểu Bình huy động mấy chục vạn đại quân xuất kích trên toàn tuyến biên giới vài nghìn km, trong chiến dịch 16 ngày tấn công đã chiếm các tỉnh và thành phố Lạng Sơn, Cao Bằng và thị trấn biên ải quan trọng Lào Cai, tiêu diệt mấy vạn kẻ địch và cũng trả giá bằng thương vong của 3 vạn sĩ quan binh lính.

Vương Chí Quân, một người sinh ra và lớn lên tại Hong Kong mới đây xuất bản sách Ký sự của một người tham gia cuộc chiến với Việt Nam [1] tiết lộ những điều tai nghe mắt thấy khi anh là Tiểu đội trưởng đội Dao Nhọn Sư đoàn bộ binh 163 Quân Giải phóng Trung Quốc đánh chiếm Lạng Sơn.

Sách viết: Ngày 17-2-1979, hai đại quân khu Quảng Châu và Vân Nam của Quân Giải phóng Trung Quốc tả hữu khép vòng cung từ Quảng Tây, Vân Nam xuất quân. Mặt Quảng Tây có 32 vạn quân tham gia chiến tranh; chết, bị thương và mất tích hơn 22.800 người. Phía Việt Nam thương vong nặng hơn.

Sau cuộc chiến, phía Việt Nam không ngừng tuyên truyền quân nhân Trung Quốc “Đốt, giết, cướp phá”, cho tới nay vẫn kêu gọi người Việt Nam đời đời kiếp kiếp không quên. Nhưng phía Trung Quốc thì lại quên dần trận kịch chiến đó.

Chuyện làm Vương Chí Quân căm phẫn nhất là: nghĩa trang liệt sĩ trên núi có đường hầm Ca Phong (Ka Feng) sau khi chính phủ hai nước Trung Quốc Việt Nam hữu hảo trở lại, khai thông đường sắt Bằng Tường-Đồng Đăng, vì để giữ thể diện cho hai bên, chính quyền (Trung Quốc) đã di chuyển nghĩa trang này đi nơi khác. Có gia đình liệt sĩ tố cáo cách đây một năm, nghĩa trang liệt sĩ ở Lạc Dương đã phá mất “Khu vực bảo vệ liệt sĩ cách mạng” vì mục đích làm nghĩa trang thương mại.

Tác giả cho rằng “Ba kỷ luật lớn, tám điều chú ý” [2] là thứ kỷ luật quân đội cổ hủ. Bởi lẽ ở Việt Nam toàn dân là lính, quân đội Việt Nam lợi dụng dân cư mặc thường phục bắn giết quân đội Trung Quốc. Về sau cấp trên của sư đoàn 163 ra lệnh: giết người không bị buộc tội [nguyên văn: “cách sát vô luận”], cứ dùng pháo hỏa tiễn, súng phun lửa, bộc phá và xăng tiêu diệt sạch người Việt Nam hết làng này đến làng khác. Đêm đến thấy ai đứng thì coi đó là kẻ địch, cứ việc xả súng bắn coi như bắn lợn rừng. Khi đánh chiếm các thị trấn, chiến đấu trên đường phố cũng bất chấp nhà dân, cơ quan bưu điện, cứ dùng mấy trăm tấn thuốc nổ đánh sập và san bằng toàn bộ cầu cống, sân bay ... tất cả các kiến trúc công cộng cả thảy hơn 2.900 chỗ ở thị trấn Lạng Sơn.

Quân Giải phóng Trung Quốc rút về nước qua thị trấn Đồng Đăng đã khuân về Trung Quốc tất cả những thứ gì có thể mang đi được như máy móc, lương thực, thiết bị văn phòng; tháo tất cả các thanh ray đường sắt; cái gì không mang đi được thì nổ tung tất cả.

Ngày nay sau 30 năm, sống trong thời bình chúng ta rất khó hiểu được tâm trạng “Đánh đến say máu (nguyên văn: đỏ cả mắt)”, có lẽ là tâm trạng “tàn nhẫn đấu tàn nhẫn” rốt cuộc đã chinh phục kẻ địch [?].

Tháng 1-1979, Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ có nói với Tổng thống Carter là sẽ ra tay dạy cho Việt Nam một bài học. Carter có nhắc ông bài học của Mỹ tại Việt Nam, Đặng Tiểu Bình tự tin trả lời: “Phải xem đó là quân đội của ai”. Có lẽ chiến tranh biên giới Trung-Việt đã thể hiện cái lý của chiến tranh – không từ một thủ đoạn nào để giành chiến thắng./.

Bài của Mã Đỉnh Thịnh (马鼎盛 : 中越战争三十年祭,夺取胜利压倒一切) trên website Phượng Hoàng (Trung Quốc) ngày 17-02-2009;

Link: http://blog.ifeng.com/article/2204912.html

Người dịch và ghi chú: Nguyễn Hải Hoành

Ghi chú:

1. Sách này xuất bản tại Hong Kong.

2. Đây là các quy định nội bộ Quân Giải phóng Trung Quốc. 3 kỷ luật lớn: - mọi hành động phải theo chỉ huy; - không lấy một cái kim sợi chỉ của dân; - mọi chiến lợi phẩm phải nộp của công. 8 điều chú ý (trong quan hệ với dân): - nói năng từ tốn; - mua bán công bằng; - mượn gì đều phải trả; - làm hòng thứ gì đều phải bồi thường; - không được đánh, chửi người; - không được làm hỏng hoa màu; - không được trêu ghẹo phụ nữ; - không được ngược đãi tù binh.

Tác giả nói mấy quy định này đã “cổ hủ” vì lính Trung Quốc sang Việt Nam không chấp hành các quy định đó; họ đã tàn nhẫn bắn giết dân, cướp phá tài sản của dân.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn