"Nên quốc tế hóa địa danh Hoàng Sa, Trường Sa"

Sông Tranh phỏng vấn ông Đặng Công Ngữ

clip_image003[4]

 

"Ý tưởng xây dựng website về Hoàng Sa ra đời song song với việc thu thập những chứng nhân lịch sử, xây dựng phòng tư liệu, in sách về Hoàng Sa…". Ảnh ST

 
"Xây dựng website về Hoàng Sa, Đà Nẵng chắc chắn sẽ góp được tiếng nói của mình, “đánh động” tư duy quản lý về tầm quan trọng của việc quảng bá rộng rãi thông tin chủ quyền".

Xoay quanh những vấn đề quảng bá thông tin về chủ quyền Việt Nam với cộng đồng quốc tế, ngày 18/2, Bee đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, để có cái nhìn đa dạng hơn cũng như những chia sẻ mà chính quyền Đà Nẵng đã và đang làm…

Không quảng bá sẽ còn nhầm lẫn

Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc thông tin về chủ quyền trên biển của Việt Nam đến cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tổ chức làm khoa học?

Không riêng gì Việt Nam, những quốc gia có chung đường biên giới biển, ít nhiều đều có tranh chấp. Chính vì vậy, phân chia biên giới, quảng bá, khẳng định chủ quyền trên biển càng rộng rãi bao nhiêu, càng hạn chế những mâu thuẫn không đáng có.

Một câu chuyện đến nay vẫn còn là bài học mà Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng nhớ rõ: Hội Địa lý Quốc gia Mỹ  (National Geographic Society - NGS) đã đưa ra nhiều bản đồ thế giới trực tuyến trên trang web của mình với những ghi chú thông tin không đúng về quần đảo Hoàng Sa, không bảo đảm quyền lợi của Việt Nam.

Ở một số bản đồ, NGS ghi chú tại vị trí quần đảo Hoàng Sa là Xisha Qundao (Tây Sa quần đảo) theo địa danh mà Trung Quốc đặt và kèm theo chữ “China” (Trung Quốc) ngay phía dưới. Còn ở một số bản đồ khác, NGS lại ghi Paracel Is. tại vị trí quần đảo Hoàng Sa theo địa danh quốc tế công nhận nhưng cũng kèm theo chữ “China” ngay phía dưới. Điều này cho thấy, trước một vùng lãnh thổ đang tranh chấp, nếu chúng ta không quảng bá rộng rãi thì sự nhầm lẫn trên vẫn sẽ xảy ra.

Mạnh dạn quốc tế hóa địa danh Hoàng Sa, Trường Sa!

Đà Nẵng rất chú trọng thông tin về chủ quyền trên biển của Việt Nam như đặt tên đường là Hoàng Sa, Trường Sa, đặt tên công viên Biển Đông... Nhưng những thông tin này dường như nhắm vào người dân Việt Nam nhiều hơn là cộng đồng quốc tế?


Có thể  nói, Đà Nẵng là điểm đến của nhiều du khách quốc tế. Vì vậy, khi đặt tên đường là Hoàng Sa, Trường Sa, đặt tên công viên Biển Đông..., một du khách thuộc lòng một địa danh gắn với đất nước Việt Nam thì sẽ có hàng ngàn du khách biết thêm và truyền cho nhau.
Đà Nẵng cũng đã và đang nỗ lực, từng bước khẳng định chủ quyền biển đảo, đánh động vào tiềm thức của từng người dân, mỗi du khách, nhóm, tố chức khoa học, cộng đồng quốc tế... rằng: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở đó, chúng tôi sẽ quảng bá nhiền hơn nữa. Ví dụ như Đà Nẵng sẽ tiên phong xây dựng một website về Hoàng Sa.


Ông có thể nói rõ hơn về ý tưởng này?

Thực tế, Đà Nẵng đã có ý tưởng này từ rất lâu. Ý tưởng này ra đời song song với việc thu thập những chứng nhân lịch sử, xây dựng phòng tư liệu, in sách về Hoàng Sa…

Đặc biệt, từ khi Đà Nẵng thiết lập một bộ máy chính quyền huyện đảo Hoàng Sa theo quy định của pháp luật, có được đội ngũ cán bộ chuyên trách, chúng tôi nhận thấy, việc mạnh dạn quốc tế hóa địa danh Hoàng Sa trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Website Hoàng Sa sẽ hướng đến việc quảng bá thông tin về quần đảo Hoàng Sa trên mạng thông tin toàn cầu; cung cấp những nguồn tin chính thống cho cộng đồng quốc tế, những tổ chức làm khoa học trên thế giới, để họ có cái nhìn chuẩn hơn về chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Tôi nghĩ, có thể làm tương tự như vậy đối với quần đảo Trường Sa.

Dựng website về Hoàng Sa, Đà Nẵng sẽ đánh động vào các tư duy quản lý

Mới đây, có đề xuất xây dựng website bản đồ trực tuyến công bố chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đồng thời đưa lên mạng những căn cứ lịch sử chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông nghĩ thế nào về ý tưởng này?

Cũng cần phải thừa nhận, chính vì thiếu sức mạnh của thông tin mà quyền lợi của chúng ta đã bị xâm phạm!

Nếu cộng đồng bản đồ Việt Nam quảng bá được thông tin bản đồ, thông tin địa lý của mình rộng rãi hơn, thì chắc hẳn thông tin bản đồ trên thế giới đã không có những sai sót đáng tiếc như vậy.

Tôi thiết nghĩ, Việt Nam cũng nên xây dựng trang web để quảng bá thông tin bản đồ, trên đó thể hiện rất rõ quan điểm của Việt Nam, về cương vực của lãnh thổ chúng ta, bao gồm cả vùng biển Đông. Nếu chúng ta đầu tư kỹ lưỡng, xây dựng hệ thống bản đồ và đạt chuẩn mực kỹ thuật cao về bản đồ trực tuyến, thì đây sẽ là một bằng chứng “miễn cãi” và vô hình trung, đã tạo thêm uy lực cho chính chúng ta. Đây là cách quảng bá tốt nhất trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay mà Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận.\

Đà Nẵng có thể giúp gì để ý tưởng này được thực hiện?

Nguyên nhân dẫn đến Việt Nam chưa có hệ thống bản đồ trực tuyến còn phải nói nhiều. Ví như Đà Nẵng thôi, ý tưởng xây dựng một website về Hoàng Sa đã có từ 2 năm rồi mà mãi đến nay vẫn chưa xong…

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, có nhiều yếu tố để thôi thúc Việt Nam nên hình thành bản đồ trực tuyến như: sức mạnh công nghệ thông tin, bản đồ Việt Nam bị “bóp méo”…
Đà Nẵng “nói là làm”. Một đã bắt tay hình thành website về Hoàng Sa, ngay sau đó chúng tôi sẽ chuẩn bị đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể hỗ trợ Nhà nước đưa ra được một hệ thống bản đồ trực tuyến đầy đủ thông tin và dễ tiếp cận. Tôi thiết nghĩ, qua những việc làm cụ thể, Đà Nẵng chắc chắn sẽ góp được tiếng nói của mình, “đánh động” tư duy quản lý về tầm quan trọng của việc quảng bá rộng rãi thông tin chủ quyền.

ST

Nguồn: bee.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn