Thị trường kỳ quặc

Đào Tuấn

100 hay 200 đồng giảm giá mỗi lít xăng có thể miếng bánh lợi nhuận của doanh nghiệp bé lại, nhưng rõ ràng cả đời sống và sản xuất sẽ dễ thở hơn, sức ép lạm phát đối với cả nền kinh tế cũng bớt đi. Hay chí ít, cũng là con bài tâm lý khiến giá cả bớt leo thang.

Dư luận đang ngỡ ngàng với nỗi lo của Petrolimex, khi ông lớn trong ngành xăng dầu, sau rất nhiều năm cuống cuồng kêu gọi chống buôn lậu xăng dầu, nay họ lại tỏ ra lo lắng trước tình trạng “thẩm thấu” xăng dầu ngược trở lại qua biên giới. Lý do rất đơn giản: Giá xăng dầu thế giới đang xuống dốc khiến ngay những thị trường “nhập lậu tuyền thống” của xăng dầu từ Việt Nam là Lào và Campuchia đã 2 lần hạ giá bán. Và lần đầu tiên sau rất nhiều năm, giá bán ở các thị trường này là ngang, thậm chí thấp hơn so với giá bán lẻ tại Việt Nam. Petrolimex lo là đúng. Ở đâu có chênh lệch giá, ở đó có buôn lậu.

Nhưng nỗi lo này lại hết sức vô duyên trước sức ép lạm phát nặng nề mà cả nền kinh tế đang gánh chịu. Nỗi lo này hết sức khó nghe đối với mấy chục triệu dân đang phải cắt giảm nhu cầu tối thiểu hàng ngày trước liên tiếp những cơn bão giá. Và nối lo này khó chấp nhận đối với Chính phủ khi chỉ tiêu lạm phát buộc phải “điều chỉnh” tăng hơn gấp đôi so với dự kiến. Khi giá xăng dầu lên, giá bán lẻ đã được điều chỉnh tăng 2 lần trong 3 tháng đầu năm, gây sức ép nặng nề lên giá cả, đẩy lạm phát vượt chỉ tiêu. Nhưng khi giá thế giới giảm thì việc giảm giá lại xếp sau rốt: Sau ưu tiên khôi phục thuế, sau việc thu đủ các loại phí, sau trích quỹ bình ổn, sau rất sâu cả lợi nhuận của doanh nghiệp. Hay Petrolimex cho rằng người dân chịu khổ quen rồi, sướng quá thì không chịu nổi?!

Trong 5 tháng đầu năm, chi phí đẩy, từ giá xăng dầu, giá điện, từ tỷ giá khiến lạm phát vượt gần gấp đôi chỉ tiêu cả năm. Trong đó, việc tăng giá xăng dầu ở mức kỷ lục vào 22h ngày 29-3, ngoài việc đóng vai trò nhân tố đẩy giá thuần tuý về mặt kỹ thuật, còn gây ra hiệu ứng tâm lý mà dân gian gọi  là  “tát nước theo xăng”. Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5,  Chính phủ đã buộc phải công bố điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát năm 2011 lên 15%. Nhiều ý kiến sau đó đều lo lắng dù đã điều chỉnh tăng hơn gấp đôi so với chỉ tiêu nhưng chắc chắn sẽ là nhiệm vụ không dễ thực hiện. Mức độ lạm phát sau 5 tháng đã ở mức phi mã 12,07% thì trong 7 tháng còn lại, lạm phát chỉ được phép tăng 2,16%, tức “chỉ được tăng” 0,37%/tháng. Quả bóng giá xăng dầu, sau “nỗi lo” của Petrolimex, đã được đẩy sang Bộ Tài chính, được đẩy sang phía Chính phủ. Và muốn kiềm chế lạm phát thì sự lựa chọn phải là giảm giá bán lẻ trong nước theo xu thế giá thị trường thế giới, chứ không phải chú mục quanh nỗi lo xăng dầu thẩm thấu ngược, phải là quyền lợi chung của nền kinh tế và 90 triệu dân, chứ không phải là quyền lợi của một vài đại gia độc quyền.

Từ tháng 12-1009, nghị định 84 đã quy định giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường. Nói một cách giản dị cơ chế thị trường nghĩa là giá bán lẻ trong nước cùng tăng, cùng giảm theo giá thế giới. Nhưng trong suốt 3 năm qua, giá thế giới có tăng, có giảm, trong khi giá trong nước hầu như chỉ được “điều chỉnh tăng”. Cái lắc đầu của Petrolimex, và sự im lặng của Bộ Tài chính dường như đã tạo ra một loại thị trường kiểu mới: “Thị trường kỳ quặc”, sản phẩm của một cách điều hành méo mó, duy ý chí, hành chính và bất chấp quy luật kinh tế.

Đ. T.

Nguồn: tuanddk blog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn