Đi xa nhìn về

Phạm Đình Trọng

Kỳ 2

4. Lá cờ Việt Nam trên đất Mỹ

Mansfield là thành phố vệ tinh của Dallas, một trung tâm dân cư đông đúc của bang Texas và của nước Mỹ. Mansfield City, thành phố Mansfield nhưng nhà cửa khá thưa thớt, không khí yên tĩnh như một thị trấn khuất nẻo ở ta. Nhà kiểu biệt thự, nhà nọ cách nhà kia cả chục mét. Mỗi nhà là một thế giới khép kín. Những con đường bê tông xi măng rộng rãi. Vỉa hè sát mép đường là một dải hẹp láng xi măng cho người đi bộ, còn lại là thảm cỏ rộng rồi đến những ngôi nhà một lầu hoặc chỉ có trệt. Những ngôi nhà cách biệt nhau bằng một thảm cỏ và một bờ cây xanh hoặc bức tường gỗ mỏng mảnh. Diện tích mặt bằng ngôi nhà hơn hai trăm mét vuông chỉ chiếm một phần mười diện tích mảnh đất thuộc ngôi nhà. Ngôi biệt thự xinh xắn giữa thảm cỏ và cây xanh thoáng rộng với hơn hai ngàn mét vuông đất đó giá bán ở Mansfield là gần hai trăm ngàn dollars, tính ra tiền Việt là gần bốn tỉ đồng Việt Nam, rẻ hơn giá nhà đất đô thị ở Việt Nam. So sánh giá đất đô thị ở Mỹ với Việt Nam lại phải nêu vài so sánh khác. Hàng hóa ở Mỹ, hàng công nghiệp như ô tô, laptop, máy ảnh, hàng điện tử… đều rẻ hơn ở Việt Nam. Hàng nông sản thực phẩm thì tương đương hoặc nhỉnh hơn giá ở Việt Nam chút ít. Một gallon sữa tươi 3,78 lít giá 4,92 dollars. Túi gạo Thái Lan 25 pound, gần 12 kg, giá từ 15 đến 20 dollars, tùy loại gạo. Một pound bắp cải 0,45 kg giá 0,6 dollars… Giá dịch vụ thì vô cùng cao. Gửi trẻ 30 dollars một ngày. Cắt tóc 30 dollars. Cắt tóc ở tiệm của người Việt rẻ hơn cũng phải 10 dollars. Xén lông cho chó cảnh một con 50 dollars. Một mũi tiêm phòng dịch cho chó 50 dollars… Giá trị lao động cũng rất cao. Công lao động đơn giản thấp nhất là 8 dollars giờ. Như vậy lương tháng của một lao động đơn giản cũng gần hai ngàn dollars. Lương tháng của nhân viên hành chính trên năm ngàn dollars… Nhà cửa đó, giá sinh hoạt đó, đồng lương đó: Đời sống Mỹ đó!

Giá trị lao động cao nên người Mexico vượt biên sang Mỹ bán sức lao động rất đông. Những siêu thị nối tiếp nhau dọc con đường lớn ở trung tâm thành phố Houston. Bên trong siêu thị bày bán hàng hóa được sản xuất từ hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới. Sản phẩm may mặc đến từ Guatemala, Nicaragua, Egypt, Gordan, India, Bangladesh, Philippines, Indonesia, Malaysia, Cambodia, Việt Nam… Sản phẩm lương thực, thực phẩm: Gạo Thái Lan, cá Việt Nam, bí đỏ Ấn Độ, xoài Mexico, dừa Costa Rica, táo Chile, cà phê Brazil, chuối Guatemala… Nhiều nhất, tràn ngập trong các siêu thị Mỹ là hàng hóa đến từ Trung Hoa. Từ những sản phẩm công nghệ cao như máy vi tính, máy ảnh, đồ điện tử, đến những sản phẩm tầm tầm: quần áo, giày dép, vali, túi xách, đồ gốm sứ, đồ gỗ, đồ nhựa, cả đến những món hàng lưu niệm bé xíu cũng là sản phẩm Trung Hoa. Bên ngoài siêu thị là những người đàn ông Mexico lố nhố từng tốp đứng ngồi dưới bóng cây, trên hè đường bày bán mặt hàng cơ bắp, như chợ cơ bắp ở Giảng Võ, Hà Nội.

Những ngày ở Mansfield, buổi sáng tôi đều đi bộ một vòng qua những đường phố vắng vẻ, tĩnh lặng, lộng gió và se lạnh. Một buổi sáng tôi thấy trên thảm cỏ bên đường lác đác có những chiếc cọc mang tấm bìa viết hàng chữ Garage Sale hoặc Yard Sale. Trong garage ô tô, trên mảnh sân cạnh ngôi nhà có cắm tấm bìa đó người ta mang đồ cũ không dùng đến ra bày bán. Quần áo. Giầy dép. Đồ gốm sứ. Đồ điện tử. Bộ đồ câu cá… thượng vàng hạ cám, đủ cả. Có những thứ như chiếc áo lông thú, bộ váy áo, đôi giầy da cao cổ của phụ nữ nếu mua mới lúc đang là mốt thời thượng phải vài trăm đến cả ngàn dollars, bây giờ đã lạc mốt ở đây chỉ ghi giá vài chục dollars. Sáng thứ sáu hàng tuần người ta bán đồ sale trong sân nhà. Còn sáng thứ hai và thứ năm thì hè đường trước nhà nào cũng có một thùng nhựa lớn đựng rác đợi đội thu gom rác đến đổ lên ô tô. Trong những thùng rác đó tôi thấy có cả chiếc quạt máy còn nguyên vẹn, đầy đủ các chi tiết, những bộ quần áo còn khá mới và nhiều đồ dùng trong gia đình còn tốt. Bà cô tôi sống ở đây có lần ôn lại thuở cơ hàn mới sang Mỹ có nhắc đến chuyện những sáng thứ hai, thứ năm phải đi lượm những đồ người ta bỏ đi ở thùng rác về dùng lại.

Chú là thiếu tá quân đội Sài Gòn. Sau năm 1975, trong thời gian chú phải ở trại tập trung, cô phải bán nhà đi lấy tiền nuôi bốn đứa con. Chú ở trại tập trung về, cô sinh thêm đứa con thứ năm. Không nhà cửa! Không việc làm! Năm đứa con nheo nhóc, đứa nào học cũng giỏi nhưng nhìn tấm gương con của những người phải đi trại tập trung đều không được vào đại học, không có được chỗ đứng đàng hoàng trong xã hội thì biết rằng con cái cũng không có ngày mai! Cuộc sống đang bế tắc thì chính sách xã hội của nước Mỹ đón những người Việt Nam có hoàn cảnh như gia đình cô chú sang định cư ở Mỹ đã mở cho cô chú lối thoát. Cô chú và năm đứa con sang Mỹ với hai bàn tay trắng. Bây giờ năm đứa con của cô chú đều đã tách ra ở riêng. Người ở thành phố Mansfield, người ở thành phố Grand Prairie, đều là thành phố vệ tinh của Dalas. Mỗi người đều có một ngôi nhà xinh xắn giữa thảm cỏ và cây xanh trên mảnh đất còn rộng hơn đất của bố mẹ. Sang Mỹ, hai con đầu đã lớn, không vào trường Mỹ được. Ba đứa con sau vào học trường Mỹ bây giờ là ba bác sĩ đều mở phòng mạch riêng. Có người có đến bốn phòng mạch. Ngôi nhà hơn hai trăm mét vuông, có bốn phòng ngủ bây giờ chỉ còn cô chú. Hai vợ chồng già. Một tòa nhà rộng tĩnh lặng. Một chiếc ô tô du lịch số dặm chạy chưa nhiều nên xe còn rất mới. Đó là gia cảnh chung của tất cả những bậc làm cha mẹ ở Mỹ mà con cái đã trưởng thành. Cuộc sống đầy đủ. Không phải bận tâm về con cái. Thời gian thư nhàn rộng dài dành cả cho nỗi khắc khoải hướng về đất nước. Năm nào năm đứa con cũng dồn tiền để cô chú về Việt Nam một chuyến, mang thuốc men và tiền đến các chùa làm từ thiện, phát thuốc và tặng tiền cho người nghèo.

Trong số gần ba triệu người Việt Nam đang sống ở Mỹ có lẽ phải đến cả triệu người đến Mỹ trong hoàn cảnh như cô chú tôi. Dù sự ra đi đó có mở ra một lối thoát tốt đẹp, đưa đến một cuộc sống dễ chịu, mang lại tương lai sáng sủa cho con cháu thì vẫn là sự ra đi bất đắc dĩ! Ở lại với đất nước không có đường sống, không được nhìn nhận, không được đối xử bình đẳng thì đành phải ra đi! Đô đốc Trần Văn Chơn của hải quân quân đội Việt Nam Cộng hòa về hưu chưa được một năm thì sự kiện ba mươi tháng Tư năm 1975 xảy ra. Vào những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, Đô đốc Elmo Zum Walt Jr, Tư lệnh hải quân Mỹ tại Việt Nam điều một chuyến máy bay vận tải lớn C130 từ Philippines đến sân bay Tân Sơn Nhất đón cả gia đình Đô đốc Chơn di tản nhưng Đô đốc Chơn từ chối ra đi. Đất nước đã hòa bình thống nhất, người Việt không còn chia chiến tuyến bắn giết nhau nữa, việc gì phải ra đi! Người cha già yếu như ngọn đèn sắp tắt đã chọn mảnh đất quê để về với tổ tiên. Ở lại để được sống với đất nước thanh bình. Ở lại để được sống bên người cha như chiếc lá sắp rụng về cội. Nếu những người cộng sản chiến thắng đã thu giang sơn về một mối thực sự có cái tầm của người làm chủ giang sơn rộng lớn, thực sự xứng đáng với vị trí đại diện cho dân tộc Việt Nam thì phải có tấm lòng bao dung của người Mẹ Việt Nam mở rộng vòng tay đón vào lòng những gia đình như cô chú tôi, như Đô đốc Trần Văn Chơn để hàn gắn lại nỗi đau chia rẽ dân tộc mà cuộc chiến tranh ý thức hệ, cuộc chiến tranh Nam – Bắc tương tàn vừa qua đã gây ra. Nhưng những người cộng sản chiến thắng trong cuộc chiến đã không có được nghĩa cả của người chiến thắng, không có được tấm lòng của người Mẹ Việt Nam, không có được tư thế, tầm vóc lớn lao mà nhà nước của cả dân tộc Việt Nam phải có, không có được cái nhân nghĩa Việt Nam mà cha ông để lại: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân! Nhà nước Việt Nam thống nhất của những người cộng sản vẫn chỉ là nhà nước của một giai cấp bần hàn, lấy đấu tranh giai cấp để tồn tại, vẫn đố kị, nhỏ nhen, chật chội, sắt máu trong ý thức hệ giai cấp phản dân tộc! Nhà nước nhân danh dân tộc nhưng lại lấy giai cấp thống trị dân tộc, đàn áp dân tộc! Hàng loạt trại tập trung cải tạo thực chất là trại hận thù dân tộc, chia rẽ dân tộc mọc lên để giam cầm những người Việt Nam không cùng ý thức hệ giai cấp! Chú tôi phải ở trại bảy năm! Đô đốc Trần Văn Chơn phải ở trại mười ba năm! Cha chết, ông cũng không được về làm phận hiếu với người cha! Thực tế đó cho những người như Đô đốc Trần Văn Chơn phải nhận ra rằng đất nước Việt Nam thân yêu không còn của cả dân tộc Việt Nam nữa rồi! Đất nước Việt Nam hôm nay chỉ còn là sở hữu của một giai cấp, giai cấp vô sản! Nhưng giai cấp vô sản lại chỉ là một khái niệm ảo, không có thật! Điều có thật là một nhóm người nhân danh giai cấp vô sản đã chiếm đoạt đất nước Việt Nam! Ra khỏi trại tập trung, Đô đốc Trần Văn Chơn phải ngậm ngùi bỏ nước ra đi!

Tôi đã dự lễ tốt nghiệp của đứa em ở trường đại học Houston và dự lễ tốt nghiệp của con gái tôi ở trường University of Texas Arlington. Cả hai trường đều có rất nhiều sinh viên nước ngoài đến học và đông nhất là sinh viên đến từ châu Á: Trung Hoa, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Việt Nam… Sân khấu buổi lễ tốt nghiệp khá đơn giản nhưng buổi lễ diễn ra rất trang trọng. Những người thầy dìu dắt khóa sinh viên tốt nghiệp được mời lên ngồi những hàng ghế trên sân khấu. Trên tấm màn nhung phía sau họ chỉ có hình lớn logo nhà trường. Lá cờ nước Mỹ được cắm ở phía trước, cạnh sân khấu. Chỗ đó, ở các sân khấu của ta là nơi treo tấm pano chữ lớn trích lời vàng của lãnh tụ cộng sản hoặc lời ngọc của nghị quyết đảng! Con gái tôi nói rằng trước đây nước nào có sinh viên tốt nghiệp đều có lá cờ nước đó cắm thành hàng cùng lá cờ nước Mỹ và lá cờ đỏ sao vàng đã từng cắm cạnh lá cờ Mỹ. Nhưng từ khi có những sinh viên người Mỹ gốc Việt là con cái của những người đã phải ngậm ngùi bỏ nước ra đi quyết liệt phản đối lá cờ đỏ sao vàng và đòi nhà trường cắm lá cờ vàng ba sọc đỏ, nhà trường không thể trương lá cờ của một nhà nước không còn tồn tại nhưng cũng phải dung hòa đòi hỏi quyết liệt của rất đông sinh viên gốc Việt, không cắm lá cờ đỏ sao vàng! Từ đó, trong những lễ tốt nghiệp của nhà trường chỉ có một lá cờ Mỹ, không có cờ nước nào nữa! Tôi thầm cảm ơn sự ứng xử rất tinh tế, rất nhân văn của các trường đại học Mỹ. Nếu họ vẫn cắm cờ các nước có sinh viên tốt nghiệp, chỉ không cắm cờ Việt Nam thì con gái tôi sẽ trở thành bơ vơ, không có Tổ quốc! Sự hẹp hòi, chật chội, đố kị giai cấp của học thuyết đấu tranh giai cấp, sự nhẫn tâm, bạo liệt của nhà nước lấy giai cấp thống trị dân tộc, đàn áp dân tộc đã gây hậu quả chia rẽ, li tán dân tộc xa rộng đến như vậy đó!

Đáng buồn, đáng căm giận là đến nay sự nhỏ nhen, hẹp hòi, chật chội vẫn đang khoét sâu hố chia rẽ, li tán dân tộc! Ở Mỹ, tôi đã được chính người trong cuộc kể cho nghe sự nhỏ nhen, chật chội đó. Ông LH là sĩ quan quân đội Sài Gòn được nước Mỹ mở lòng đón sang định cư. Cuộc sống thư nhàn, ông LH có thú vui là đi ngắm nhìn cuộc sống đang diễn ra ở mọi góc trời trên thế giới. Hơn mười năm nay, mỗi năm ông đều đến một nước. Đến chuyến du lịch thứ mười hai, ông mới về Việt Nam. Nhưng vừa về đến sân bây Tân Sơn Nhất ông liền bị an ninh sân bay mời vào phòng làm việc. Họ báo không cho ông nhập cảnh vì ông đã có hành động chống đất nước! Ông LH ngơ ngác không hiểu ông đã làm gì nên tội? Viên an ninh liền nghiêm giọng kể tội ông: Ông LH! Ở bên Mỹ ông đã giật lá cờ của đất nước Việt Nam ném xuống đất thì ông còn về đất nước Việt Nam, về với lá cờ đó làm gì nữa? A, ông LH chợt nhớ ra! Việc cỏn con đó xảy ra đã lâu mà ở đây vẫn để bụng để bây giờ tính sổ thì khiếp quá! Nhưng ông đâu có làm việc đó! Sự trùng tên làm cho họ tóm nhầm người rồi! Người làm việc đó cũng có tên là LH và cũng ở Texas. Với ông, mọi việc đã an bài, con đường chính trị của ông đã kết thúc từ khi ông sang Mỹ và ông tránh xa mọi chuyện liên quan đến chính trị! Nhưng ông có biết việc mà an ninh Việt Nam vừa nhắc đến. Hôm đó trung tâm thương mại của người Việt ở thành phố ông sinh sống đón phái đoàn từ trong nước đến thăm nên nơi đón tiếp phải căng lá cờ đỏ sao vàng. Ông LH kia chỉ là khách ghé vào mua sắm, nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng liền xông đến giật lá cờ ném xuống đất. Đó là việc không hay, không đẹp nhưng cũng chỉ là chuyện sinh hoạt, chuyện tình cảm thường tình của con người, không phải là chuyện quốc gia đại sự, càng không phải là chuyện an ninh quốc gia! Ở phương diện quốc gia không thể nhỏ nhen chấp nhặt những chuyện vặt như vậy! Ông LH kia dù trong tình cảm với nhà nước Việt Nam đương quyền có nông nổi cực đoan thì cũng chỉ là chuyện tình cảm nhất thời của một cá nhân với một thể chế. Đất nước mỗi thời một thể chế. Mỗi thể chế lại theo đuổi một học thuyết xã hội. Cuộc sống không thể chỉ có một học thuyết xã hội. Dù thể chế đương quyền có tuyệt đối hóa một học thuyết, ngăn cấm, bưng bít các học thuyết khác thì cuộc sống vẫn tồn tại nhiều học thuyết xã hội! Không phải tất cả người dân đều chấp nhận học thuyết chính thống và chấp nhận thể chế đương quyền của học thuyết chính thống đó! Khác biệt ý thức hệ là điều đương nhiên, bình thường của cuộc sống, xã hội nào cũng có sự khác biệt đó! Không thể bắt cả xã hội khuôn vào một ý thức hệ! Một thể chế đang làm chủ đất nước, đang đại diện cho dân tộc phải có tầm rộng lớn của đất nước để dung nạp chấp nhận mọi người dân với mọi khuynh hướng tư tưởng sống trên đất nước rộng lớn đó, phải có tấm lòng bao dung của dân tộc, nơi hướng về, nơi hội tụ mọi thân phận có chung cội rễ dân tộc đang sống ở mọi phương trời! Dù không chấp nhận thể chế đương quyền, ông LH kia vẫn là người con của dân tộc Việt Nam, là đứa con lưu lạc của người Mẹ Việt Nam! Nếu thể chế đương quyền thực sự đại diện cho dân tộc Việt Nam phải có tấm lòng bao dung của người Mẹ Việt Nam, không thể chối bỏ bất kì đứa con nào lưu lạc trở về! Sự chối bỏ nhỏ nhen, hẹp hòi đó là từ bỏ tư cách làm chủ đất nước, từ bỏ tư thế đại diện cho cả dân tộc, thể chế đó không xứng tầm với đất nước Việt Nam rộng lớn yêu thương, không xứng tầm với dân tộc Việt Nam sâu nặng nhân nghĩa! Sự chấp nhặt nhỏ nhen của an ninh sân bay Tân Sơn Nhất còn tố cáo đội quân đông đúc của an ninh Việt Nam, có mặt trong mọi sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Mỹ và đội quân đông đúc tiêu tốn tiền thuế của dân đó đã gây chia rẽ, nghi ngờ, đố kị sâu sắc trong cộng đồng người Việt xa nước!

Đấu tranh giai cấp đã làm bùng nổ cuộc nội chiến Nam – Bắc khốc liệt, đẫm máu, gây chia rẽ, đối kháng trong lòng dân tộc Việt Nam, gây li tán trong các gia đình Việt Nam! Đấu tranh giai cấp lại dựng lên những trại tập trung khắc nghiệt kéo dài hàng chục năm sau chiến tranh, lại làm sâu sắc thêm nỗi đau chia rẽ dân tộc, li tán lòng người! Nhà Trần cướp ngôi vua nhà Lý chỉ có vài chục người trong gia đình hoàng tộc nhà Lý phải bỏ nước trốn chạy. Ngày nay hàng triệu người Việt của cả trăm họ phải bỏ nước trốn chạy cuộc đấu tranh giai cấp bạo liệt của những người cộng sản! Phiêu dạt đến cùng trời cuối đất mà họ vẫn chưa được buông tha, vẫn bị rình rập, đố kị! Những người lãnh đạo cộng sản vẫn nói về hòa giải, hòa hợp dân tộc nhưng cho đến tận hôm nay, cuộc chiến kết thúc đã gần bốn mươi năm, hận thù giai cấp còn truy đuổi dân tộc Việt Nam ráo riết như vậy thì bao giờ mới có hòa hợp dân tộc?

5. Những mảnh hồn Việt

Năm 1959, những người cộng sản tại chỗ, đã lãnh đạo người dân miền núi Trà Bồng, Quảng Ngãi cầm vũ khí nổi dậy chống lại chính quyền nhà nước Việt Nam Cộng hòa. Nhưng phải đến cuộc vũ trang nổi dậy đầu năm 1960 ở Mỏ Cày, Bến Tre giữa vựa lúa đồng bằng Nam Bộ do người cộng sản được tin cậy, chờ đợi, nữ bí thư tỉnh ủy Nguyễn Thị Định lãnh đạo thì những người lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội mới thực sự tin rằng những người cộng sản ở lại miền Nam đã nhóm lên được ngọn lửa chiến tranh rồi! Những người cộng sản không muốn bị coi là người phát động chiến tranh nên từ Chiến tranh được chuyển thành từ Đấu tranh vũ trang và ngọn lửa bùng nổ chiến tranh ở Mỏ Cày, Bến Tre được gọi là ngọn lửa đấu tranh vũ trang! Đang được những người lãnh đạo cộng sản nóng lòng mong đợi nên ngọn lửa đấu tranh vũ trang ở Bến Tre được phong tên Thánh là Ngọn Lửa Đồng Khởi! Có ngọn lửa khởi sự rồi, đã đến lúc phải thổi bùng ngọn lửa đó lên khắp miền Nam! Cuối năm 1960, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam tổ chức ra Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, thành lập quân đội Giải phóng miền Nam Việt Nam! Cuộc chiến tranh Nam – Bắc Việt Nam, cuộc chiến tranh ý thức hệ thực sự nổ ra từ đó, năm 1960!

Trước mốc bùng nổ cuộc chiến tranh Nam – Bắc Việt Nam 99 năm, năm 1861, nước Mỹ cũng nổ ra cuộc chiến tranh Nam – Bắc và cũng là cuộc chiến tranh ý thức xã hội. Miền Bắc nước Mỹ có nền công nghiệp phát triển. Những con người của nền sản xuất công nghiệp mang tinh thần Dân chủ của Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ, mang tư tưởng Tự do – Bình đẳng của cách mạng tư sản châu Âu. Nền sản xuất công nghiệp cũng đòi hỏi phải có những con người tự do, những con người được làm chủ cuộc đời của họ. Trong hoàn cảnh lịch sử đó, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Liên bang Mỹ Abraham Lincohn liền tuyên bố xóa bỏ chế độ nô lệ. Miền Nam nước Mỹ của những chủ đất cần sử dụng nô lệ như những công cụ sản xuất, cần trói chặt nô lệ vào đất đai trang trại. Vì thế chính quyền các bang miền Nam của các chủ đất liền tuyên bố li khai khỏi chính quyền liên bang. Bảy bang miền Nam, sau tăng lên mười một bang liên minh lập Chính phủ riêng, quân đội riêng của Liên bang miền Nam và ngày 12.4.1861 quân đội miền Nam li khai nổ súng đánh đồn Sumter ở Charleston bang South Carolina thuộc liên bang miền Bắc, mở đầu cuộc nội chiến Nam – Bắc Mỹ đẫm máu. Thời đó vũ khí còn rất thô sơ, còn phải sử dụng súng thần công, cuộc chiến chỉ kéo dài bốn năm mà đã giết chết gần một triệu người Mỹ, bằng ba phần trăm dân số Mỹ, hai mươi chín triệu người lúc đó. Bị động lôi kéo vào cuộc chiến nhưng với nền sản xuất cao hơn, với lí tưởng nhân đạo giải phóng nô lệ hợp lòng người, thuận thời đại, miền Bắc đã chiến thắng. Chiến thắng đó càng xứng đáng, lớn lao, cao cả khi tư lệnh quân chiến thắng cấm không cho những người lính miền Bắc reo hò, bắn súng mừng chiến thắng vì sự vui mừng ồn ào đó sẽ khoét sâu thêm nỗi buồn thầm lặng của những người Mỹ ở miền Nam. Người Mỹ có lương tâm không thể vui trên nỗi buồn của một nửa nước Mỹ! Không thể vui trên nỗi buồn của những người cùng dân tộc, cùng Tổ quốc với mình! Nước Mỹ có rất nhiều ngày lễ: Ngày của Cha, ngày của Mẹ, ngày Gia đình, ngày Nhớ ơn những người lính chết trận… Nhưng không có ngày Chiến thắng của cuộc nội chiến Nam – Bắc Mỹ! Chiến thắng đó càng cao cả và những người chiến thắng càng lớn lao khi Tư lệnh quân chiến thắng khẳng định không coi những người lính miền Nam thua trận là thù địch, là phản nước! Nước Mỹ của tất cả người dân Mỹ chứ nước Mỹ không phải chỉ của người thắng trong cuộc nội chiến tương tàn! Không có người lính miền Nam nào bị bắt giam, tù đày, dù chỉ một ngày! Tất cả đều được mang theo ngựa, lừa và cả vũ khí cá nhân về nhà làm ăn sinh sống! Vị Tư lệnh đội quân chiến thắng đó đã thực sự mang tấm lòng bao dung rộng lớn của người Mẹ nước Mỹ ôm những người con lầm lạc ở miền Nam nước Mỹ vào lòng, xóa đi nỗi đau chia rẽ Nam – Bắc Mỹ mà cuộc chiến Nam – Bắc đã gây ra!

Ngôn ngữ Mỹ không có từ “Đồng bào”, cùng một bọc, để chỉ những người dân Mỹ. Người châu Âu di cư sang Mỹ. Người nô lệ châu Phi bị bán sang Mỹ. Người từ bốn phương trời tìm đến mảnh đất hoang sơ nước Mỹ cùng với ít ỏi người da Đỏ đã sinh sống từ xa xưa ở đây làm nên dân tộc Mỹ. Một tập hợp của những con người có cội nguồn khác nhau, có văn hóa khác biệt như vậy mà người miền Bắc nước Mỹ không thể vui trên nỗi buồn của người miền Nam nước Mỹ!

Không dân tộc nào trên thế giới có từ “Đồng bào”, cùng một bọc, để chỉ người cùng một nước như dân tộc Việt Nam. Từ thơ bé, người Việt Nam nào cũng thuộc câu chuyện bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ. Truyền thuyết của tổ tiên người Việt Nam dạy con cháu rằng nửa triệu người Việt Nam thời Vua Hùng dựng nước, hai mươi nhăm triệu người Việt Nam thời Pháp đô hộ, chín mươi triệu người Việt Nam đang sống trên dải đất Việt Nam và đang có mặt trên khắp thế giới hôm nay, hơn một trăm triệu người Việt Nam ngày mai đều có cội nguồn từ bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ. Lịch sử văn hóa dạy người Việt Nam rằng dù người Việt sống trên núi cao Hoàng Liên Sơn hay người Việt sống trên những cồn cát dằng dặc ven biển miền Trung, Dù người Việt sống ở kênh rạch miệt vườn Nam Bộ hay người Việt đang phiêu dạt xứ người đều vừa là người chủ sáng tạo ra nền văn minh sông Hồng, vừa là con đẻ của nền văn minh đó. Những con người cùng một bọc sinh ra, cùng một nền văn minh sông Hồng mà suốt mấy chục năm qua, từ khi có đảng cộng sản, trước đây là đảng cộng sản Đông Dương, nay là đảng cộng sản Việt Nam, cứ mê mải bắn giết nhau, đấu tố, thanh trừng, loại bỏ nhau, rồi hà khắc, lạnh lùng giam cầm, đày đọa nhau, lại âm thầm, rình mò, xét nét, đố kị nhau! Chính quyền nào thực hiện những điều đó với người dân Việt Nam là chính quyền phản dân tộc Việt Nam, một chính quyền nhỏ nhen, hẹp hòi, tàn bạo, không tương xứng với văn hóa, đạo lí Việt Nam! Khi một chính quyền làm chủ đất nước Việt Nam thống nhất rộng dài mà tấm lòng hẹp hòi không bao dung được cả dân tộc Việt Nam thì dân tộc Việt Nam còn tan tác, li tán, không thể lớn mạnh được!

Cuộc nội chiến Nam – Bắc Mỹ kết thúc ngày 9.4.1865. Ngay ngày hôm đó, những người lính miền Nam thua trận được cấp lương thực trở về nhà làm ăn. Ngay ngày hôm đó, xung đột Nam – Bắc Mỹ, hận thù chia rẽ dân tộc Mỹ do cuộc nội chiến gây ra được giải quyết dứt điểm để người dân Mỹ chỉ còn tập trung tài trí, sức lực xây dựng nước Mỹ, nhanh chóng đưa nước Mỹ thành nước giàu mạnh đứng đầu thế giới!

Sau cuộc chiến tranh người Việt giết người Việt, vì sự sắt máu của những người chiến thắng với những người chiến bại và với cả dân tộc Việt Nam, hơn năm triệu người Việt Nam phải bỏ nước ra đi! Gần ba triệu người Việt đến Mỹ sau năm 1975! Sau năm 1975, số người Việt tìm đến châu Âu là hơn một triệu! Nửa triệu người bỏ xác trên biển! Những người Việt phải tức tưởi bỏ nước ra đi đều đau đáu mong có ngày được trở về mảnh đất cội nguồn! Cuộc chiến tranh tương tàn lùi vào quá khứ đã gần bốn mươi năm mà nhiều người vẫn không thể về! Có người vừa đặt chân xuống đất Mẹ Việt Nam ở sân bay Tân Sơn Nhất đang còn rưng rưng xúc động liền bị buộc phải quay trở lại, rời khỏi Việt Nam tức khắc!

Ở Dallas tôi may mắn được gặp nhạc sĩ Phan Đình Minh quê Nam Định. Năm 1954, mới chín tuổi anh theo gia đình di cư vào miền Nam rồi thành sĩ quan lái máy bay lên thẳng trong quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cuối tháng tư năm 1975 anh lái máy bay đưa cả gia đình ra tàu chiến Mỹ ngoài biển Đông. Ba mươi sáu năm qua anh vẫn mong được một lần về mảnh đất đã cho anh cái hồn Việt Nam. Ở Mỹ, nhạc sĩ Phan Đình Minh phụ trách chương trình phát thanh Từ Cánh Đồng Mây nói về khát vọng tự do dân chủ của người Việt Nam nên anh biết rằng việc làm của anh khó được nhà nước Việt Nam cho anh trở về!

Một buổi tối ở Houston, tình cờ tôi được gặp nhà báo Lê Diễn Đức. Anh Lê Diễn Đức quê Văn Giang, Hưng Yên sang Ba Lan học từ thời chiến tranh rồi ở lại định cư ở Ba Lan. Là nhà báo ở đất nước tự do dân chủ rộng mở, các bài viết của anh đều là sự đồng cảm, chia sẻ nhiệt thành với tiếng nói đòi tự do dân chủ ở trong nước. Ba đứa con đã lớn đều ở Mỹ còn những người thân yêu ruột thịt của anh Lê Diễn Đức đều ở Việt Nam. Đường bay Ba Lan – Mỹ xa lắc anh đi lại như con thoi nhưng đường bay Ba Lan – Việt Nam gần gũi hơn thì anh không thể đi về!

Mỗi người Việt Nam xa nước đều mang một mảnh hồn Việt Nam ra đi. Mỗi mảnh hồn đó đều có nỗi khắc khoải được trở về với cội nguồn dân tộc. Nhưng nhiều mảnh hồn Việt Nam không được nhà nước giai cấp ở Việt Nam cho trở về với dân tộc! Cuộc chiến tranh Nam – Bắc Mỹ kết thúc, vấn đề tinh thần, tình cảm dân tộc do cuộc chiến tranh để lại, người Mỹ giải quyết gọn trong một ngày! Cuộc chiến tranh Nam – Bắc Việt Nam kết thúc đã ba mươi sáu năm mà tình cảm dân tộc Việt Nam vẫn còn bị chia cắt, nát vụn ra từng mảnh! Ôi dân tộc Việt Nam đau thương của tôi còn li tán đến bao giờ?

P.Đ.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn