Điệu ru buồn ray rứt mang tên “lao động Trung Quốc”

Trần Minh Quân

Đã có rất nhiều ý kiến nói về lao động không phép Trung Quốc tại Việt Nam. Tất cả những lo ngại nêu ra đều đúng, đều có lý và cần được giải quyết dứt điểm sớm chừng nào tốt chừng đó.

Lao động Trung Quốc đã bất chấp luật pháp và ngang nhiên xuất hiện đầy dẫy trên các công trường, tại các thôn xóm của Việt Nam không chỉ cướp đi chén cơm manh áo vốn thuộc về người dân lương thiện Việt Nam mà còn ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn về an ninh, xã hội khôn lường. Nhiều vụ quậy phá, náo loạn gây mất trật tự ở các vùng nông thôn và những rạn nứt, bi kịch đã xảy ra tại những gia đình người Việt, vốn dĩ rất ấm êm, hạnh phúc, từ khi có sự hiện diện của người Trung Quốc.

Từ quậy tưng xóm nghèo

Mới đây, báo Dân Việt đã phản ánh tình trạng lao động người Trung Quốc tại KCN Long Giang, tỉnh Tiền Giang đã thường xuyên đánh nhau với công nhân Việt Nam. Chỉ cần có va quẹt nhỏ trong công việc, công nhân Trung Quốc sẵn sàng kéo đến đông người để uy hiếp, đánh đập. Cũng theo bài báo này, một nhân công người Việt tên Danh C, khi làm việc trong KCN gây ra lỗi. Thay vì giải quyết theo Luật thì một nhóm công nhân Trung Quốc đã lôi Danh C vào phòng, đánh cho một trận thâm tím mặt mày.

Trước đó, tại công trình Nhà máy xi măng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một ví dụ điển hình cho tình trạng mất trật tự do người lao động Trung Quốc gây ra. Theo phản ánh của báo Vietnamnet, chỉ vì một mâu thuẩn nhỏ do bất đồng ngôn ngữ mà lao động Trung Quốc đã hành xử theo kiểu côn đồ. Hàng trăm lao động người Trung Quốc với ống tuýp nước, gậy gộc, … đánh đập hai anh em Nguyễn Văn Len và Nguyễn Văn Đen khiến anh Đen bị gãy tay, gãy chân và phải khâu đến 16 mủi trên trán, trên đầu.

Không dừng lại ở đó, ngày 24.04.2009, khi phát hiện có 2 người vào ăn trộm sắt, lao động Trung Quốc còn tùy tiện bắt giữ người trái phép không chịu giao nộp cho công an xã Hải Thượng và công an Nghi Sơn mà đòi xử lý theo… luật riêng. Lì lợm hơn, nhóm công nhân Trung Quốc này còn tổ chức bao vây, uy hiếp ô tô của đồn công an Nghi Sơn một tiếng đồng hồ rồi mới cho đi.

Chuyện công nhân Trung Quốc ăn nhậu say xỉn rồi quậy phá không phải là hiếm, đến nỗi có thời điểm, theo bà Hiệp, một chủ quán ăn ở gần công trình Nhà máy xi măng Nghi Sơn thì “Lao động Trung Quốc vào ăn nhậu say không trả tiền rồi đập phá dọa nạt chủ quán xảy ra thường xuyên. Thậm chí, tối đến con gái trong làng còn không dám ra đường vì sợ lao động Trung Quốc say xỉn đuổi bắt dọa nạt…”

Chưa hết, người lao động Trung Quốc tràn lan cũng kéo theo nhiều tệ nạn nhức nhối khác như mại dâm khiến nhiều người dân và chính quyền địa phương vô cùng phẫn nộ.

… đến những bi kịch gia đình

Từ khi có nhiều công nhân “ngoại” đến làm việc tại KCN Long Giang, cuộc sống của nhiều gia đình ở đây bắt đầu rạn nứt và cũng là lúc những bi kịch nghiệt ngã xuất hiện ở vùng quê nghèo này.

Bị hút hồn bởi vẻ ngoài “vừa đẹp trai vừa có tiền”, nhiều chị em đã có chồng bắt đầu so sánh, chọn lựa: ở lại với người chồng nghèo, chất phát, lam lũ hay chạy theo tiếng gọi của đồng tiền từ những người “ngoại quốc”? Không ít phụ nữ ở nơi đây đã quyết định bỏ chồng, bỏ con để chạy theo “tiếng sét ái tình”, chấp nhận cảnh gia đình tan nát, con cái không nơi nương tựa, …

Phụ nữ đã có chồng đã vậy, các cô gái mới lớn cũng không thể cầm lòng trước sự “hào phóng” của người lạ. Theo báo Dân Việt, “ông Ba K – ở ấp 4, có cô con gái mới 16 tuổi dáng vẻ phổng phao, đã lọt vào tầm ngắm mấy tay công nhân ngoại quốc. Thấy cô con gái ông K phải tắm ngoài cầu ao, đám công nhân chi ngay 20 triệu đồng làm nhà tắm. Khi thấy cô gái mới lớn xiêu lòng, cả nhóm thay nhau ve vãn, hết anh này “chia tay” lại tới lượt anh khác xáp vô…”

Còn tại công trình Nhà máy Đạm Cà Mau, bi kịch tương tự cũng đã xảy ra. Theo phán ánh của báo SGTT thì “Tại chợ Cái Tàu, cô K.D thôi chồng, bỏ lại 3 đứa con, thuê phòng trọ ở. Hàng ngày, cô K.D bán nước đóng chai cho công nhân trên công trường Nhà máy đạm Cà Mau. Ban đêm, phòng trọ cô K.D đón công nhân Trung Quốc đến chơi”.

Liệu còn bao nhiêu bi kịch gia đình tương tự đã và sẽ xảy ra? Chưa ai có thể có được con số chính xác nhưng có một điều có thể khẳng định ngay là những di chứng của những mối tình ngang trái này sẽ còn mãi âm ỉ ở những vùng quê vốn dĩ yên bình.

Điệu ru buồn ray rứt mang tên “lao động Trung Quốc”

Tại Nghi Sơn, Thanh Hóa và nhiều công trình khác có sự hiện diện của công nhân Trung Quốc, đã có nhiều cặp đôi gái Việt Nam trai Trung Quốc kết nghĩa kim lang. Có người cũng được cưới hỏi đàng hoàng, còn đa phần là “tự nguyện” chung sống với nhau. Nhiều người phụ nữ Việt Nam chẳng cần biết là “người yêu” của mình đã có vợ, có con ở Trung Quốc hay chưa? Nhưng nếu đã có vợ con rồi thì đã sao? Mà liệu được kể thì chắc gì là thật. Biết vậy nên họ đành sống kiểu tới đâu hay tới đó. Để rồi khi xong công trình thì ai đi đường nấy, thế là xong một cuộc tình chóng vánh.

Đây không phải là đặc tính của người phụ nữ, nhất là phụ nữ ở nông thôn Việt Nam. Phải chăng, họ đã học được cách sống tạm ấy kể từ khi người lao động Trung Quốc xuất hiện?

Theo thông tin từ báo Tiền phong, nhóm công nhân người Trung Quốc thi công phần đập của nhà máy điện Za Hưng, tỉnh Quảng Nam đã về nước từ tháng 8.2009, vậy mà những hệ lụy từ những mối tình vụng trộm của công nhân Trung Quốc và người dân địa phương vẫn còn dai dẵng đến bây giờ. Tại đây, những đứa con lai đã được sinh ra và người cha gốc Trung Quốc đã quất ngựa truy phong, biệt tích tận phương trời nào, để lại người mẹ ngậm ngùi nuôi con cùng người chồng cũ với bao dằn xé, nhục nhã ê chề.

Rồi đây, với nhiều mối tình hờ vẫn đang diễn ra như tại Tiền Giang, Cà Mau, Thanh Hóa, … hay ở bất kỳ đâu có sự hiện diện của lao động nước ngoài nói chung, lao động Trung Quốc nói riêng, thì chắc chắn sẽ còn có nhiều đứa con “không cha” nữa được sinh ra. Chúng sẽ lớn lên cùng bao nỗi niềm cay đắng của người mẹ, của những ánh mắt dòm ngó đầy cay nghiệp của người đời, thậm chí chúng phải sống chung với những bi kịch sẽ diễn ra trong suốt cuộc đời.

Và, sẽ không chỉ là những điệu buồn bên dòng A Vương riêng lẻ mà sẽ là những điệu buồn không tên khác, rãi rác, âm ỉ khắp đất nước Việt Nam. Có lẽ, nên gọi những điệu buồn này là “Điệu buồn lao động Trung Quốc”. Chắc chắn điệu buồn này sẽ rất buồn, buồn đến nảo nùng, đến tê tái lòng người.

Chừng nào lao động Trung Quốc còn tự do sống ngoài vòng pháp luật, còn tự do đi lại, len lỏi trong cộng đồng dân cư thì chừng đó những làng quê Việt Nam vốn yên bình ấy chưa thể bình yên.

TP.HCM, Ngày 15.09.2011

T.M.Q.

Nguồn: quechoa.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn