Tái cơ cấu nền kinh tế

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

image Với nghị quyết mới nhất nhằm tái cơ cấu nền kinh tế đang trở nên bất cập trên nhiều lĩnh vực, các chuyên gia kinh tế Việt Nam nghĩ gì về những nỗ lực này?

Chúng tôi có loạt bài phỏng vấn ba ông gồm Luật sư Nguyễn Trần Bạt, TS Lê Đăng Doanh và TS Nguyễn Minh Phong nhằm tìm hiểu các góc cạnh khác nhau của vấn đề này.

Bài đầu tiên xin dành cho Luật sư Nguyễn Trần Bạt, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đầu tư đã trả lời cho Mặc Lâm chung quanh đề tài Vinashin, trách nhiệm của Chính phủ đối với việc trả nợ và tính chất bảo hộ các tập đoàn quốc doanh đang là câu hỏi chung rất lớn hiện nay.

Không chỉ là kinh tế

Mặc Lâm: Trước tiên xin được cảm ơn Luật Sư đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Thưa ông, theo một phát biểu mới đây của ông thì hậu quả của vụ Vinashin bị kiện ở Anh không chỉ về kinh tế mà còn là hậu quả chính trị nữa. Xin ông có thể cho biết những hậu quả ấy là gì hay không ạ?

LS Nguyễn Trần Bạt: Rất khó để mà nói về những hậu quả chính trị cụ thể, bởi vì hậu quả chính trị bao giờ cũng là kết quả của bản lĩnh chính trị của nhà cầm quyền và của xã hội nữa. Bây giờ nhà cầm quyền chưa có bất kỳ một tuyên bố nào liên quan đến việc kiện cáo của Tập đoàn Elliott với Vinashin, cho nên tôi chỉ muốn gợi ý với các nhà quản lý, với nhà nước là cần phải nhìn việc này một cách sâu sắc hơn để tránh tất cả những vụng về trong việc xử lý hậu quả. Buộc phải nhìn nó như một hiện tượng, một hiện tượng khủng hoảng chứ không phải là một hiện tượng cụ thể của Công ty Vinashin.

Tất nhiên là trong tình hình chung, Chính phủ và các cơ quan khác nhau, các nhánh quyền lực khác nhau của hệ thống chính trị cũng đã bắt đầu đưa ra những phát biểu đầu tiên về đòi hỏi phải cải cách nền kinh tế, và xa hơn nữa có thể phải cải cách xã hội, trong đó có cả những vấn đề bàn về sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa rõ ràng, chưa thể hiện một quan điểm rõ rệt. Tôi linh cảm rằng mọi sự cải cách thực chất bao giờ cũng dẫn đến một đòi hỏi cải cách cao hơn, hay là cải cách một số quan điểm chính trị cơ bản để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc cải cách xã hội, cải cách kinh tế. Đấy là trả lời của tôi về câu hỏi này.

Mặc Lâm: Trên lĩnh vực tài chánh, nếu Chính phủ quyết định lãnh trách nhiệm giải quyết vụ Vinashin thì dư luận đặt ra những câu hỏi là có còn những vụ vỡ nợ khác thì Chính phủ có giải quyết nổi hay không, thưa ông? Và liệu những vụ vỡ nợ domino này có khả năng xảy ra hay không ạ?

LS Nguyễn Trần Bạt: Vâng. Câu hỏi của anh rất hay. Tôi cũng tự đặt ra câu hỏi ấy và cũng từng đặt ra câu hỏi ấy. Vấn đề là hiện nay nhà nước chưa công khai những nguy cơ, những vụ vỡ nợ có thể có của các tập đoàn kinh tế khác, cho nên chưa tiện bình luận về giải pháp tổng thể của nhà nước đối với các vụ vỡ nợ trên quy mô rộng hơn, mà tôi chỉ nói một vụ liên quan đến Vinashin thôi. Tuy nhiên, nếu khái quát hóa thành hiện tượng vỡ nợ có thể có đối với nhiều tập đoàn thì đấy là một bài toán rộng lớn hơn nhiều, đòi hỏi Chính phủ phải có một tiềm năng tài chính đủ lớn thì mới có thể hỗ trợ các tập đoàn này giải quyết vấn đề tín dụng.

Nhưng cũng phải nói với anh rằng có lẽ tiềm lực của Chính phủ về mặt tài chính trong câu chuyện này là cũng khá hạn chế cho nên giải quyết ở quy mô nào, giải quyết theo cách thức nào, phụ thuộc vào bản lĩnh của Chính phủ. Bản lĩnh của Chính phủ hoàn toàn lệ thuộc vào tiềm năng tài chính của Chính phủ, mà điều đó thì Chính phủ không công khai, vì thế cho nên phải nói rằng xã hội rất khó đoán định giải pháp cho vấn đề này một cách tổng quát là như thế nào.

Trách nhiệm của Chính phủ

Mặc Lâm: Xin được quay lại việc trách nhiệm và chịu trách nhiệm của Chính phủ, dư luận cho rằng Việt Nam không thể cải tổ ngay cái cốt lõi một cách hữu hiệu do nhóm lãnh đạo cao nhất nước không bị chế tài bằng các kỹ thuật dân chủ. Cơ chế này trói buộc những đổi mới và tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay, ông nghĩ sao về những nhận xét này?

LS Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ rằng câu hỏi của anh rất là tế nhị. Nó bước một bước rất dài sang địa hạt của đời sống chính trị, mà xã hội chúng tôi chưa có bất kỳ thông tin nào để đoán định hoặc để có thể dự báo về tình hình này. Đương nhiên là xã hội cũng đang phấn đấu, có lẽ cả Chính phủ chúng tôi, nhà nước chúng tôi, cũng đang phấn đấu để xây dựng một nhà nước pháp quyền. Tất nhiên có một số đặc điểm Việt Nam mà người ta quy ra thành cái điệp ngữ là “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và tất cả các bí ẩn của tương lai mà chúng ta cần đoán định cho Việt Nam chính là chúng ta xử lý những vai trò của pháp quyền như thế nào trong điều kiện của một nước xã hội chủ nghĩa.

Mặc Lâm: Thưa, có một việc không bí ẩn như ông nói, đó là dư luận đang rất chú ý việc bảo hộ chính trị cho các tập đoàn quốc doanh đang là sức nặng đè lên trên toàn bộ nền kinh tế VN, theo ông thì nhà nước có nên hy sinh quyền lợi chính trị cho quyền lợi của đất nước hay không? Và tại sao không thấy sự cất cánh của nền kinh tế là một thành quả chính trị, thưa ông?

LS Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ rằng trên đời này không có một đảng chính trị nào hy sinh các quyền lợi chính trị của mình vì bất kỳ cái gì khác cả. Chỉ có một đảng chính trị cầm quyền ở Việt Nam là Đảng Cộng Sản Việt Nam cho nên bài toán này là bài toán đặc thù của Việt Nam thôi. Tôi nghĩ rằng nếu tồn tại Đảng CSVN thì sẽ không có sự hy sinh tuyệt đối các quyền lợi chính trị cho bất kỳ cái quyền gì. Nhưng xã hội cũng có áp lực của nó vì thế cho nên giải pháp ở đây là một sự cân đối nằm giữa, nằm ở đâu đó trong khoảng cách giữa quyền lợi chính trị với những quyền lợi toàn diện khác. Và tôi nghĩ rằng chắc chắn khuynh hướng cải cách sẽ đi theo hướng là tìm một điểm hợp lý chứ không phải là thay đổi toàn bộ khuynh hướng.

Mặc Lâm: Xin được hỏi ông một câu cuối cùng, trước chính sách tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay ông có đặt một kỳ vọng nào dù lớn hay nhỏ, thưa ông?

LS Nguyễn Trần Bạt: Tôi kỳ vọng, cũng là một khái niệm hết sức khác nhau trong những chủ thể khác nhau. Tôi có một thói quen là không bao giờ đặt kỳ vọng theo một nghĩa là vô điều kiện. Kỳ vọng bao giờ cũng dựa vào kỳ vọng chính xác, kỳ vọng đúng, kỳ vọng có giá trị thực tế bao giờ cũng căn cứ vào điều kiện khác nhau của các lực lượng xã hội khác nhau. Trong đó nhà cầm quyền, đảng chính trị cầm quyền cũng là một lực lượng xã hội. Và tôi nghĩ rằng mọi sự cân đối cũng theo nguyên tắc như vậy, là đi tìm điểm hợp lý. Hay nói cách khác toàn bộ nghệ thuật để tiến hành một cuộc cải cách xã hội trong điều kiện Việt Nam là đi tìm một điểm hợp lý giữa các khuynh hướng quyền lợi khác nhau. Nó không thể thay đổi một cách tuyệt đối từ khuynh hướng này đến khuynh hướng khác được, ít nhất là trong thời lượng năm mười năm trước mắt.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Quyết định gia nhập Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất nhiều cơ hội và rào cản vẫn còn phía trước đối với Việt Nam.

Những khó khăn mà Việt Nam phải vượt qua là giải quyết các bảo hộ thương mại mà các công ty quốc doanh là những ví dụ. Cạnh đó vấn đề bảo hộ lao động và nghiệp đoàn đang chờ Việt Nam quyết định sao cho phù hơp với yêu cầu của hiệp định. Liệu gia nhập TPP có giúp gì cho việc tái cơ cấu mà nhà nước đang phát động hay không?

Mặc Lâm phỏng vấn TS Nguyễn Minh Phong, thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội Hà Nội, để biết thêm chi tiết.

Thay đổi nhận thức

Mặc Lâm: Xin cảm ơn TS Nguyễn Minh Phong đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Thưa ông, Việt Nam vừa tham gia ký kết để gia nhập Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. Với rất nhiều quy định khắt khe của định chế này cần phải vượt qua, trước nhất là VN phải giải quyết sự bảo hộ của nhà nước, mà đối với VN thì đó là những tập đoàn quốc doanh. Theo ông thì Chính phủ phải quyết định thế nào trước đòi hỏi này?

TS Nguyễn Minh Phong: Thực ra khi đã chấp nhận đổi mới và tham gia hội nhập kể từ 1986 và đặc biệt là tham gia vào ASEAN, AFTA cũng như WTO, Chính phủ Việt Nam đã xác định là sẽ có những điều chỉnh để tuân theo luật chơi chung để tạo ra những lợi ích và động lực phát triển chung cho đất nước cũng như cho thế giới và khu vực.

Bằng việc đang tham gia và sẽ tham gia đến cùng vào TPP thì chắc chắn Việt Nam sẽ đối diện với bài toán giống như trước đây Việt Nam đã đối diện khi tham gia vào thỏa thuận của WTO. Thực ra Việt Nam đã có những thay đổi rất lớn trong nhận thức về vai trò của nhà nước cũng như sự độc quyền của nhà nước .

Mặc Lâm: Tiến Sĩ có thể cho biết những thay đổi nhận thức đó như thế nào hay không, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Bằng chứng gần đây nhất là thông qua các văn kiện rất quan trọng. Một là văn kiện của Đại Hội 11 với báo cáo chính trị, rồi nghị quyết cộng với cương lĩnh phát triển đất nước đến 2020. Cũng như chiến lược phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới 2020-2030, rõ ràng Việt Nam đã khẳng định đã có sự điều chỉnh về vai trò của nhà nước và khu vực kinh tế nhà nước theo hướng giảm bớt sự kềnh càng, tỷ trọng cũng như vai trò chủ đạo ở tất cả các lãnh vực.

Chỉ còn tập trung ở một số lãnh vực quan trọng do đòi hỏi của an ninh quốc gia, do đòi hỏi của việc bảo đảm ổn định chung, cũng như do tư nhân chưa tham gia được, còn các lãnh vực khác sẽ mở để cho tư nhân cùng tham gia.

Thứ hai nữa là TBT Nguyễn Phú Trọng trong kết luận Hội Nghị Trung ương 3 gần đây, hơn hai ba tuần qua, cũng như trong thông báo công bố của Ban Lý Luận Trung ương thì đã có chỉ đạo rất quan trọng. Chúng tôi cho là quan trọng không kém văn kiện Đại Hội 11, đó là bối cảnh mới đòi hỏi đột phá tư duy lý luận, nhận thức về các vấn đề lý luận kinh tế, xã hội là cần phải có sự thay đổi.

Chúng tôi cho rằng đây là tiền đề để Việt Nam trong những ngày sắp tới sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa trong nhận thức lý luận về tất cả các vấn đề, trong đó sẽ có vấn đề hội nhập cũng như vai trò độc quyền của nhà nước. Tôi tin rằng với những nhận thức như vậy và với những tư duy hiện nay mà Đảng, nhà Nước cũng như giới khoa học Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng đến thì nó sẽ đáp ứng được cái TPP.

Mặc Lâm: Thưa ông, còn những vấn đề liên quan đến quan hệ lao động, quan hệ giữa các nghiệp đoàn... theo ông thì làm sao VN đáp ứng yêu cầu này của TPP mà hệ thống chính trị hiện hành không bị ảnh hưởng?

TS Nguyễn Minh Phong: Thực ra thì Việt Nam không gặp vấn đề hội nhập mà giữ nguyên hệ thống chính trị hiện hành, bởi vì trong văn kiện Đại Hội 11 mình vừa nói đến, cũng như trong nhận thức mới là đòi hỏi đột phá thể chế toàn diện, trong đó có cả thể chế kinh tế thị trường cũng như thể chế chính trị, nghĩa là sẽ có thể có những sự điều chỉnh nhất định cần thiết thích hợp để tham gia các thỏa thuận quốc tế.

Trong chuyện này, đặc biệt là đối với vấn đề TPP, Việt Nam càng không đặt vấn đề giữ nguyên những thể chế liên quan đến lao động hiện nay mà sẽ có sự điều chỉnh sao cho phát triển nghiệp đoàn lao động. Hai nữa bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như quyền lợi của người chủ sử dụng lao động. Thứ ba là để cho thị trường lao động Việt Nam liên thông với thị trường thế giới. Cuối cùng là sẽ phát triển các tổ chức liên quan tới vấn đề sử dụng, bảo vệ cũng như xử lý các vấn đề lao động. Chắc chắn là sẽ có một sự điều chỉnh chứ không phải là theo một cái giả định như vừa nói là tham gia mà vẫn giữ nguyên những tồn tại hiện nay liên quan đến thể chế lao động cũng như thể chế chính trị.

Mạnh dạn cải tổ

Mặc Lâm: Hàng năm ngân sách nhà nước chi vào các hội đoàn chính trị, các hội đoàn xã hội, các hiệp hội, viện nghiên cứu một ngân sách rất lớn nhưng hiệu quả thật sự của nó thì dư luận đánh giá là không cao. Theo ông, trong việc cải tổ lần này có nên mạnh dạn cắt bỏ những tốn kém theo chủ nghĩa “thân quen” này hay không để giúp gỡ bỏ một phần gánh nặng trong lạm phát?

TS Nguyễn Minh Phong: Thực ra thì hiện nay chưa có tổng kết chính thức của nhà nước liên quan tới vấn đề đánh giá hiệu quả cũng như là sự hợp lý của các tổ chức đoàn thể chính trị, các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ, cũng như là các tổ chức nghề nghiệp khác ở Việt Nam, mà cần phải có một đánh giá thấu đáo và chính thức hơn.

Hiện nay Việt Nam đang tổ chức nghiên cứu để tổng kết việc thực hiện Hiến pháp. Chúng tôi cũng được tham gia vào trong cái tổ Hiến pháp của thành phố Hà Nội và chính tôi cũng là người viết báo cáo tổng hợp, đánh giá việc thực hiện Hiến pháp trên địa bàn Hà Nội để góp ý cho Quốc hội, cũng như là góp ý chung cho cả nước để tiến tới việc tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh Hiến pháp trong thời gian tới. Rõ ràng việc điều chỉnh Hiến pháp này nó sẽ bao quát tất cả các vấn đề, trong đó có thể có vấn đề liên quan tới các hiệp hội mà chúng ta vừa nói.

Riêng cá nhân tôi cho rằng từ trước tới nay thì Việt Nam đúng là có các loại tổ chức đoàn thể từ chính trị cho đến xã hội, ngành nghề, hiệp hội và các hoạt động khác. Tuy nhiên, đã đến lúc cũng cần phải xem lại cách thức tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, số lượng. Rồi quy mô, rồi các nguyên lý hoạt động cũng như vai trò của các loại này sao cho một là nó tinh giản bớt đi, giảm bớt tính chất hành chính nhà nước trong các hiệp hội.

Thứ hai nữa là nó phải thiết thực phục vụ cho các hoạt động mà các hiệp hội họ mong muốn, chứ không phải là hình thức nữa. Và thứ ba là để cho nó liên thông với thế giới nhiều hơn, tạo ra sứ mệnh của nó như sự bổ sung cho chính quyền, như một sự thay thế những mảng hoạt động hay những chức năng nào đó của chính quyền phân vai cho nó.

Bên cạnh đấy cũng có những việc xem xét và quản lý các hoạt động này sao cho đúng pháp luật cũng như chặt chẽ hơn. Tránh các hiện tượng chúng ta cứ xây dựng ra rồi để hoạt động một cách tự phát, hoặc là không hoạt động, hoặc là hoạt động không trong sự kiểm soát. Tất cả những vấn đề này là bất cập. Chúng tôi đồng ý là đã đến lúc cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc hơn, một cách hệ thống hơn để có những thay đổi tương đối mạnh mẽ liên quan tới vấn đề nhận thức cũng như cơ chế, môi trường pháp lý và các hoạt động thực tiễn của các tổ chức này.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn ông.

Trong loạt bài về tái cơ cấu kinh tế Việt Nam, Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh tế Việt Nam để tìm hiểu thêm một vài khía cạnh khác của vấn đề thời sự này.

Nhiều yếu tố bất lợi

Mặc Lâm: Thưa Tiến sĩ, ông đã khẳng định là nền kinh tế Việt Nam đang trong thời gian tồi tệ nhất kể từ năm 1991. Theo ông thì những lý do khách quan và chủ quan nào đã làm nên bức tranh này ạ?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam ở trong tình trạng khó khăn nhất từ 20 năm nay và trong đó có yếu tố của bên ngoài là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư, và những biến động giá các nguyên liệu đầu vào trong nền kinh tế, là các yếu tố rất là bất lợi.

Mặt khác, các thiếu sót chủ quan là những nguyên nhân chính dẫn đến tình hình lạm phát tăng cao. Nợ công và nợ nước ngoài tăng nhanh chóng và kéo theo đó là lãi suất ngân hàng tăng cao. Hiệu quả đầu tư công của Chính phủ cũng như đầu tư khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm rất thấp, dẫn đến những hệ quả nhiều mặt khác đối với nền kinh tế.

Mặc Lâm: Theo chúng tôi được biết thì Tiến sĩ là người cổ vũ cho một đợt “Đổi mới” lần thứ hai, theo ông thì lãnh vực nào ông cho là quan trọng và cần phải làm trước nhất?

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì Đổi mới lần thứ hai này phải bao gồm đổi mới bản thân Chính phủ, bộ máy nhà nước, và đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước mà trước hết là tập trung đổi mới các tập đoàn kinh tế nhà nước và các tổng công ty nhà nước. Điều này đã được TBT Nguyễn Phú Trọng kết luận vào ngày 10 tháng 10 khi bế mạc Hội Nghị 3 của BCH TW Đảng CSVN. Tôi đánh giá cao kết luận của ông Tổng bí thư về việc tái cơ cấu 3 lãnh vực: Tái cơ cấu đầu tư trong đó tập trung vào đầu tư công. Tái cơ cấu khu vực tài chính, tiền tệ, trong đó tập trung vào tái cơ cấu ngân hàng thương mại, và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung vào tái cơ cấu tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước.

Đó là các nội dung rất là quan trọng. Nhưng để cải cách và đổi mới được thì bộ máy nhà nước phải thay đổi, nếu không thay đổi bộ máy nhà nước, không thay đổi chức năng và nhiệm vụ của Chính phủ thì rất khó có thể cải cách được các doanh nghiệp nhà nước.

Mặc Lâm: Vâng. Thưa Tiến sĩ, ông cũng đã tỏ ra nghi ngờ rằng tình hình kinh tế hiện nay có vẻ chưa đủ đau đớn để Chính phủ thấy việc cải tổ tận cốt lõi là điều cần thiết. Tiến sĩ thấy có gì để nói trong trường hợp Chính phủ chỉ cải tổ có giới hạn thôi, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: Chính phủ nếu chỉ cải tổ có giới hạn và cải tổ một cách nhỏ giọt thì không giải quyết được gốc rễ những căn nguyên gây ra bệnh hiện nay. Đó là những căn nguyên mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ rõ là đầu tư kém hiệu quả, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, là nguồn gốc gây ra những mất cân đối. Lạm phát, bội chi ngân sách, và không cải cách được các doanh nghiệp nhà nước vì những lợi ích nhóm, cho phép tôi nghĩ rằng những căn bệnh của Việt Nam có thể sẽ giảm bớt một ít nhưng không chữa được một cách cơ bản và nếu có dịp sẽ tái phát trở lại. Điều này cũng sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục rơi vào tình trạng lạm phát cao, tăng trưởng thấp và kinh tế kém hiệu quả. Đấy là điều mà tôi nghĩ rằng rất cần phải tránh.

Vấn đề lợi ích nhóm

Mặc Lâm: Thưa Tiến sĩ, lợi ích nhóm là điều mà ai ai cũng đồng ý là tác nhân làm cho kinh tế Việt Nam rơi tự do, không thể kiểm soát. Theo ông, nếu tích cực tiêu diệt nó thì chế độ hiện hành sẽ bị ảnh hưởng như thế nào cả về hai phương diện chính trị và kinh tế?

TS Lê Đăng Doanh: Lợi ích nhóm thì trong bất kỳ nền kinh tế nào cũng đều có cả. Cả trong nền kinh tế Hoa Kỳ chúng ta đều biết là có hiện tượng “lobby” – vận động hành lang vào các chính sách – nhưng ở Việt Nam thì cái khung pháp lý cho việc vận động hành lang và cho các lợi ích nhóm được hình thành do sự kết nối giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước, tập đoàn kinh tế tư nhân với những người có quyền lực thì hiện nay chưa được kiểm soát. Tôi nghĩ là động tác đầu tiên rất quan trọng là cần phải thực hiện công khai minh bạch các quá trình quyết định. Công khai minh bạch các quá trình phân bổ vốn. Công khai minh bạch việc đấu thầu cũng như việc giao các dự án đầu tư của nhà nước cho các doanh nghiệp nào. Những mối quan hệ của những người có liên quan rất cần được công bố công khai ra. Trên các cơ sở đó thì giới truyền thông mới có thể đóng góp vào việc đưa ra ánh sáng những góc khuất mà chúng ta đang muốn kiềm chế và kiểm soát.

Mặc Lâm: Mới đây Chính phủ vừa giao cho các bộ tự tái cơ cấu trong phạm vi trách nhiệm của mình, mà trên thực tế thì nhiều bộ đang bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, chẳng hạn như Bộ Tài chính thì cải tổ doanh nghiệp nhà nước, Ngân hàng Nhà nước thì cải tổ ngân hàng, còn Bộ Kế hoạch Đầu tư thì lại cải tổ các đầu tư công. Dựa trên yếu tố nào mà người ta có thể tin là các bộ sẽ cải tổ hiệu quả chính trên cơ thể của mình mà không bị mất quyền lợi, thưa Tiến sĩ?

TS Lê Đăng Doanh: Vâng. Hiện nay thì mọi người đều nghĩ rằng không có ai tự vác đá ghè chân mình cho nên người nào có liên quan đến lợi ích nhóm đang hưởng lợi ở lợi ích nhóm thì rất ít có khả năng là tự mình vác đá ghè chân mình. Vì vậy cho nên chính Trung ương Đảng (CSVN) đã có yêu cầu là Trung ương Đảng và Quốc hội cần phải tăng cường vai trò giám sát. Hiện nay đã có các đề nghị là phải lập một ủy ban cải cách kinh tế của Trung ương Đảng hay là của Quốc hội để tác động một cách tích cực hơn nữa vào việc xem xét các đề án cũng như giám sát việc thực thi mà Chính phủ sẽ phải thực hiện.

Mặc lâm: Thưa, quay trở lại một chút về vấn đề đầu tư công, thưa Tiến sĩ, các khu vực kinh tế nhà nước tuy chỉ chiếm 40% nhưng lại nhận được gần như hầu hết các nguồn đầu tư, đây là kẽ hở quan trọng nhất để nuôi những lợi ích nhóm, trong đó có cả sự chia chác cho quyền lợi của từng địa phương nữa. Theo ông thì chấn chỉnh tình trạng này bằng cách nào cho có hiệu quả ạ?

TS Lê Đăng Doanh: Chính việc đầu tư công lãng phí, đầu tư công cho phép người người đầu tư, nhà nhà đầu tư, xã đầu tư, trường tiểu học đầu tư, và mỗi người tìm cách chia chác phần của mình vào cái phần đầu tư đó đã dẫn đến tình trạng đầu tư rất kém hiệu quả. Hậu quả là nợ nần tăng lên, tiền đưa ra thì nhiều nhưng hàng hóa sản xuất ra được từ tiền đầu tư đó thì ít. Tất cả những điều đó chứng tỏ rằng việc cải cách đầu tư và cải cách doanh nghiệp nhà nước cần phải kết hợp với nhau và có những bước đi thực sự có hiệu quả.

Mặc Lâm: Theo ông thì vai trò truyền thông có thể thực hiện được chức năng báo động cũng như là đánh giá cho nền kinh tế hiện nay hay không, đặc biệt là trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay ạ?

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì các cơ quan truyền thông của Việt Nam hiện nay đã đóng góp một cách rất là tích cực vào việc báo động và nêu vấn đề. Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng đã có sự tham gia một cách tích cực vào quá trình đặt vấn đề và tìm kiếm giải pháp. Vấn đề sắp tới đây là phải đề xuất được các giải pháp có tính khả thi, và hai nữa là cổ vũ được sự đồng thuận của quần chúng. Điều cơ bản là hạn chế và kiểm soát được lợi ích nhóm cũng như là kiềm chế được tư duy nhiệm kỳ và cả hai điều này đều có liên quan đến bộ máy nhà nước.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn