Ý tưởng về Viện Khổng Tử cho Việt Nam

clip_image002

Một trong những ý tưởng được phía Trung Quốc nêu ra gần đây để tăng cường quan hệ hai nhà nước là mở viện Khổng Tử tại Việt Nam như đã làm tại nhiều nơi trên thế giới.

Đề tài này vừa được nêu lại trong chuyến thăm tháng 12 của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dù hồi 2009, Thủ tướng Việt Nam đã cho phép "thí điểm thành lập một Học viện Khổng Tử tại Việt Nam" nhưng không rõ sẽ đặt ở đâu và bao giờ xây dựng.

Nay, theo nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, nêu ý kiến của số trí thức mà ông nói là khá đông tại Việt Nam hiện nay, chuyện mở Viện Khổng Tử tại Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức.

Ông Lại Nguyên Ân, người có nhiều tác phẩm về giai đoạn giao thời khi văn hóa Nho giáo bị Phương Tây lấn át tại Việt Nam đầu thế kỷ 20, cho rằng chỉ để nghiên cứu Khổng giáo thôi thì công việc của một viện như thế sẽ rất bó hẹp.

Còn nếu để quảng bá văn hóa chính thống hiện nay tại Trung Quốc, một trung tâm Khổng Tử, nếu được khai trương, sẽ dễ vấp phải các chủ đề nhạy cảm trong quan hệ chính trị và ngoại giao Việt - Trung hiện nay.

Trước hết, ông Lại Nguyên Ân, hiện ở Hà Nội cho BBC biết về bối cảnh các các nước khác quảng bá văn hóa của họ ở Việt Nam:

Ông Lại Nguyên Ân: Hiện nay các nước đều đang mở các trung tâm để giới thiệu, truyền bá văn hóa của họ ở các thành phố lớn của Việt Nam. Pháp có Alliance Francaise, Nga có nhà văn hóa Nga, Đức có Viện Goethe, Anh và Nhật cũng tương tự. Tôi nghĩ trung tâm văn hóa Khổng Tử, tuy mang tên Khổng Tử nhưng chắc là dạng như thế, sẽ để thỏa mãn nhu cầu giao lưu của những người muốn tìm hiểu văn hóa Trung Quốc ở Việt Nam thì ở khía cạnh đó là điều bình thường.

"Tôi không nghĩ là thế hệ những người cộng sản chính thống ở Việt Nam hiện nay lại có bước ngoặt là quay lại học Khổng giáo"

Lại Nguyên Ân

Nhưng hiện nay trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc có những vấn đề khác, nhạy cảm như chuyện biên giới rên biển, trên đất liền, chuyện về kinh doanh, ảnh hưởng văn hóa hai bên. Ngoài những chuyện bình thường thì cũng có những vấn để nổi lên nên trong dư luận của giới trí thức Việt Nam có một số lo ngại. Người ta nghĩ rằng Viện Khổng Tử đó có thể lại là một bàn đạp để truyền hóa một văn hóa, mà trên thực tế văn hóa đó đã được chuyển hóa, truyền bá vào Việt Nam hàng ngàn năm.

Nhưng với ảnh hưởng của nó thì Việt Nam đã học được không ít nhưng đồng thời cũng vẫn giữ được những thuộc tính văn hóa của người Việt Nam. Ở khía cạnh đó thì cũng có những lo ngại và những lo ngại đó nói cho cùng có lý do chính đáng. Tuy nhiên, những lo ngại đó cũng không phải là đáng tới mức người ta phải ngăn chặn Viện đó nếu như nó được thành lập ở Việt Nam.

BBC: Ông và một số người quan tâm đến văn hóa châu Á ở Việt Nam có phải lo ngại rằng khi mở Viện Khổng Tử thì các ấn bản như như bản đồ Trung Quốc, cờ, và biển đảo mà Trung Quốc coi là của họ và Việt Nam cũng coi là của mình thì ngay lập tức sẽ gây ra tranh cãi?

Vâng, tôi tin là như thế. Những nước như Pháp, Anh, Nga chẳng hạn thì họ cũng phải xử lý các nhà văn hóa của họ để không làm mếch lòng, đụng chạm đến người Việt Nam thì nó mới hoạt động được. Còn nếu người Trung Quốc mở trung tâm văn hóa Khổng Tử ở đây mà lại truyền bá nguyên những chuẩn chính thống họ đang duy trì trên truyền thông của họ thì nó sẽ thành vấn đề với công chúng Việt Nam

clip_image004

Khổng Tử (551 - 479 trước Công nguyên) được thờ ở các văn miếu và văn chỉ tại Việt Nam thời phong kiến

BBC:Về các trung tâm dạy tiếng Trung tại Việt Nam thì chuyện tìm hiểu văn hóa Trung Quốc có được đón nhận rộng rãi không?

Ở Hà Nội, TP HCM đều có các trung tâm dạy tiếng Trung nhưng chủ yếu đều mang tính thương mại, đáp ứng cho những người có nhu cầu buôn bán, giao lưu qua biên giới. Ở TP. HCM còn có một cộng đồng tương –đối đông người Hoa nữa. Chuyện học tiếng Hoa chủ yếu là do nhuc ầu giao tiếp kinh tế thôi, chưa có gì là truyền bá văn hóa Trung Quốc cả. Còn các trường đại học dạy chuyên về ngoại ngữ thì cùng ngôn ngữ tiếng Trung cũng có nội dung văn hóa nhưng đó lại là chuyện khác.

BBC: Trong các nghiên cứu của ông về giai đoạn Tân thư, khi văn hóa Pháp du nhập Việt Nam đầu thế kỷ 20, và bỏ dần Nho giáo thì đã có câu hỏi về tính hữu dụng hay lợi ích của viêc duy trì một số nét của Nho giáo. Vậy bây giờ có nhu cầu đó không và nếu Viện Khổng Tử được mở trong tương lai do Trung Quốc lập ra chỉ truyền bá Nho giáo và những ưu điểm của Nho giáo thì ông thấy có được không?

Tôi nghĩ là nếu Viện đó chỉ bó gọn vào những vấn đề của Khổng giáo thôi thì chính viện đó nó sẽ thiếu sức sống rõ rệt. Tôi nghĩ là họ sẽ không chọn cách đó mà sẽ làm như người Đức chọn ông Goethe và thông qua tên ông Goethe để đặt viện cho giao lưu Đức – Việt. Có lẽ họ sẽ chỉ chọn tên ông Khổng tử để làm tất cả các việc liên quan đến văn hóa Trung Quốc, và ở đấy có giao lưu giữa người Việt và người Trung Hoa về văn hóa thôi. Chứ còn nếu khuôn lại trong phạm vi ông Khổng Tử và Khổng giáo thôi thì nó sẽ rất hẹp.

Vì hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà cả và trong vùng Đông Nam Á trong giới học thuật người ta vẫn tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng của Khổng giáo, từ nguồn cho đến suốt trong lịch sử xã hội.

Sự đánh giá cả tích cực và tiêu cực về ảnh hưởng đó vẫn còn mãi trong giới nghiên cứu không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước trong vùng Đông Á này. Thành thử ra tôi tin là họ sẽ không chọn góc độ đó, họ sẽ chỉ mượn cái tên thôi.

BBC: Liệu ý tưởng về một Khổng Tử kiểu mới có cần thiết cho Việt Nam bây giờ không?

Những ý tưởng trình bày về một Khổng Tử kiểu mới sẽ lạc lõng ở Việt Nam. Vì Khổng Tử kiểu cũ, trong truyền thống người Việt Nam đem về, tại các Văn Miếu, và Văn Chỉ ở các tỉnh, những người theo Nho học đến đó, giao tiếp xung quanh các học thuyết của Khổng tử. Nhưng thực ra, trong quá khứ chỉ có những người đi học ở các trường sở của Nho giáo đó mới trở thành môn đồ của những Văn Miếu, Văn Chỉ đó thôi.

Nhưng Nho học đã bị chấm dứt từ những năm 1906 -1907 nên sau đó, dần dần thế hệ những môn sinh chính cống của Khổng tử đã không còn nữa, họ đã chết hết cả rồi.

Nên ngày nay tại các Văn Miếu hay Văn Chỉ có những người đến đó, theo tôi, vì họ có ngưỡng vọng thế thôi chứ rất ít người có thể giao lưu với nhau về các vấn đề học thuật của Khổng giáo. Những vấn đề đó trên thực tế chỉ còn có một số nhà nghiên cứu chuyên tâm biết. Cả nước Việt Nam có thể chỉ có đếm đấu đến con số 100 người là cùng.

Thành ra tôi không nghĩ ví dụ các Viện Khổng Tử nếu hoàn toàn gắn vào thuyết Khổng Tử lại có thể tạo học thuyết hay tạo ra ảnh hưởng gì đó tại Việt Nam.

clip_image006

Tượng Khổng Tử bị một cơ sở làm gốm sứ ở Khúc Dương, tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc vứt bỏ

BBC: Báo Anh, tờ The Economist cuối năm nay 2011 cũng nói ngay tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản cũng không ủng hộ 100% Khổng Tử. Tượng Khổng Tử 9,5 mét ở Thiên An Môn bị bê đi sau một thời gian, còn giới doanh nhân Trung Quốc lại thích Tôn Tử, và muốn dùng binh pháp của ông vào bành trướng kinh doanh, vậy chuyện Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn truyền bá Khổng giáo ở Việt Nam, những người cộng sản Việt Nam có thích không?

Tôi nghĩ những người cộng sản Việt Nam ở thế hệ hiện nay họ cũng chỉ còn biết Khổng Tử một cách rất chung chung thôi. Trên thực tế họ vẫn tiếp tục những tôn chỉ của nó nhưng những phạm trù học thuyết thì họ đã xa lâu lắm rồi. Chỉ có cha ông họ biết thôi.

Thành thử tôi không nghĩ là thế hệ những người cộng sản chính thống hiện nay lại có bước ngoặt là quay lại học Khổng giáo, để lĩnh hội giáo lý, tôn chỉ của nó. Tôi không tin là họ sẽ làm như thế.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn