Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Cam Bốt sẽ được trắc nghiệm tại Thượng đỉnh ASEAN

Đức Tâm

clip_image001  

Ảnh Quốc vương Cam Bốt Norodom Sihamoni treo cùng với ảnh Chủ tịch Trung Quốc và phu nhân, tại trung tâm Phnom Penh (29/03). Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ công du Cam Bốt từ 30/03 đến 02/04/2012. REUTERS/Samrang Pring

 

Mặc dù sự hiện diện của Trung Quốc tại Cam Bốt và đặc biệt ở thủ đô Phnom Penh rất rõ ràng, với hàng loạt dự án trên nhiều lĩnh vực, thế nhưng, ảnh hưởng thực sự của Trung Quốc đối với Cam Bốt sẽ được trắc nghiệm nhân Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN – lần thứ 20 sẽ khai mạc vào ngày 03/04 và qua chuyến viếng thăm Phnom Penh của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, kể từ ngày mai, 30/03.

Theo giới quan sát, thời điểm ông Hồ Cẩm Đào tới Cam Bốt càng làm tăng nghi ngờ là Bắc Kinh gây sức ép, buộc Phnom Penh phải gạt bỏ cuộc thảo luận về chủ quyền ở Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, cho dù trước đó, Cam Bốt đã tuyên bố là không có hồ sơ này trong lịch làm việc của ASEAN.

Căng thẳng tại Biển Đông đã từng là chủ đề chính tại một số diễn đàn an ninh khu vực, sau khi xẩy ra một loạt những vụ đe dọa, quấy nhiễu của tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc đối với các tàu đánh cá, tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam, Philippines tại Biển Đông, nơi được coi là có trữ lượng lớn về dầu khí. Vấn đề này lại càng có nguy cơ gây chia rẽ thêm giữa 10 thành viên ASEAN trong bối cảnh Hoa Kỳ chuyển hướng chiến lược, chú trọng vào châu Á hơn. Một nhà ngoại giao Philippines nói với Reuters là Manila không hy vọng có được một sự ủng hộ nào từ phía Cam Bốt, Lào, Miến Điện và Thái Lan.

Cho đến nay, các nước nói trên đều tránh né vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Các quan chức Philippines còn nhấn mạnh là họ cảm thấy “rất thất vọng” trước các nỗ lực của Trung Quốc ngăn chặn mọi cuộc thảo luận trong ASEAN. Khi đơn phương đưa ra bản đồ 9 đoạn hình “lưỡi bò”, khẳng định chủ quyền của mình đối với gần 80% diện tích Biển Đông, Bắc Kinh còn thẳng tay bác bỏ đề nghị của Manila hồi tháng 11 năm ngoái, liên quan đến việc thảo luận, xác định các vùng biển có tranh chấp, để có thể tiến tới việc cùng nhau khai thác.

Tuy vậy, phía Philippines cho biết là vẫn nêu vấn đề Biển Đông tại Thượng đỉnh lần này, mặc dù Cam Bốt không đưa vào chương trình nghị sự.

Ông Carl Baker, Giám đốc các chương trình nghiên cứu, thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tại Hawaii, nhận định: “Đây là một trắc nghiệm thực sự đối với ASEAN. Hiệp hội này thực sự không có hiệu quả, bởi vì ASEAN hoạt động trên cơ sở đồng thuận chung và vì không có đồng thuận chung, nên họ không bao giờ đạt được đồng thuận về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ”.

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen nhiều lần tuyên bố là viện trợ của Trung Quốc không mang tính ràng buộc, nhưng theo giới chuyên gia, trong những năm gần đây, Cam Bốt đã nhanh chóng rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và Phnom Penh rất ít khi nói đến các tranh chấp chủ quyền trên biển. Do đó, với việc Cam Bốt làm Chủ tịch ASEAN trong năm nay, khối này lại càng khó có thể thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002 – DOC.

Ông Ian Storey, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á, trụ sở ở Singapore nói thẳng: “Phải mất 9 năm  thì mới đạt được đồng thuận về bản hướng dẫn thực thi DOC 2002, vậy thì còn có những cơ may nào để họ có thể hoàn tất được một thỏa thuận chính thức mang tính ràng buộc, trong vòng 4 tháng tới?”.

Các vụ đối đầu giữa tàu Trung Quốc và tàu của Việt Nam, Philippines ở Biển Đông trong năm ngoái, lại càng cho thấy rõ là bản Tuyên bố chung DOC 2002 không có hiệu quả và cách tiếp cận vấn đề của ASEAN còn khiếm khuyết.

Vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đã được thảo luận nhiều, thậm chí làm cho Trung Quốc bực bội, trong các Hội nghị và Diễn đàn của ASEAN tại Việt Nam, năm 2010. Sang năm 2011, Chủ tịch ASEAN là Indonesia cố gắng giữ thái độ trung hòa, đề cập đến tranh chấp chủ quyền trên biển, nhưng ở một mức độ nhất định, tránh gây căng thẳng với Trung Quốc. Theo giới phân tích, có nhiều khả năng là hồ sơ này bị “đóng băng” trong vài năm tới, với việc năm nay, Cam Bốt làm chủ tịch ASEAN, năm tới là Brunei, tiếp đến là Miến Điện vào 2014 và Lào năm 2015.

Ông Milton Osborne, thuộc Viện Lowy của Úc, nhận định rằng mặc dù chỉ có những phỏng đoán về việc Trung Quốc gây sức ép với Cam Bốt trên hồ sơ Biển Đông, nhưng rõ ràng là Phnom Penh muốn tránh gây căng thẳng. Theo chuyên gia này, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Cam Bốt đang ở vị thế ưu tiên trong việc xử lý các vấn đề với Trung Quốc và ông không nghĩ là Cam Bốt từ bỏ vị thế này.

Đ. T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn