“Thiên đường trên mặt đất”: Bắc Triều Tiên

Eunsun Kim: Mười hai năm trong địa ngục Bắc Triều Tiên

clip_image001

Eunsun Kim

(Paris Match) Cha bị chết đói, Eunsun Kim cùng với mẹ và chị đã chịu đựng bao gian nan khốn đốn để trốn khỏi chế độ của Kim Jong Il. Trong cuốn sách “Bắc Triều Tiên, chín năm để trốn khỏi địa ngục” vừa được nhà xuất bản Pháp Michel Lafont phát hành tuần qua, cô gái 26 tuổi này đã kể lại cuộc sống ở Bắc Triều Tiên cũng như sau khi đào thoát. Sau đây là lược dịch bài trả lời phỏng vấn Eunsun Kim của tuần báo Paris Match.

Paris Match: Cô có nghĩ rằng cuộc sống khốn khổ mà cô đã trải qua trong thập niên 90 đến nay vẫn còn kéo dài, và tại Bắc Triều Tiên người dân vẫn tiếp tục chết đói?

Eunsun Kim: Không còn là các trận đói khủng khiếp đã sát hại nhiều trăm ngàn người trong đó có ba tôi, nhưng, vâng, tình trạng bần cùng vẫn kéo dài tại Bắc Triều Tiên. Ngày nay có ít người chết đói hơn, vì những người yếu sức nhất đều đã chết hết cả rồi. Hơn nữa, việc cung ứng thực phẩm từ phía Trung Quốc đã được cải thiện.

Do chế độ không còn khả năng nuôi nổi dân chúng, nên mỗi người phải tự bươn chải, đặc biệt là ở chợ đen. Những khó khăn kinh tế vẫn tiếp diễn, nhiều người sống rất thiếu thốn. Khủng hoảng không chỉ dẫn đến nạn đói kém, mà còn làm giảm đi các giá trị. Đó là việc mạnh ai nấy sống. Một người tị nạn vừa mới đến được Seoul cho tôi biết là một số thanh niên nay đã tìm đến với ma túy, hay là chọn đó làm nghề nghiệp, như là tương lai duy nhất. Khi biết được điều này tôi thực sự nản lòng.

Tại sao không có ai nổi dậy cả?

Cần phải hiểu rằng chúng tôi đã bị tẩy não từ khi còn bé, các lãnh tụ họ Kim được giới thiệu như là các ân nhân của dân chúng. Lúc mới sinh ra thì không có ai ngu ngốc cả, nhưng do bị tuyên truyền dồn dập, người ta mới trở thành ngu, vì không được biết gì về thế giới bên ngoài! Ở Bắc Triều Tiên, chúng tôi không hề biết được tự do nghĩa là gì, còn nhân quyền thì lại càng khó hình dung được. Đó là một cái vòng lẩn quẩn, vẫn tiếp tục diễn ra với thế hệ thứ ba của họ nhà Kim.

clip_image002

Sinh viên BTT tị nạn tại Hàn Quốc biểu tình ngày 21/2/12 đòi TQ không trả người tị nạn về nước. Các thanh niên biểu tình đều đeo khẩu trang để tránh bị nhận diện, liên lụy đến người thân còn sống tại BTT.

Người dân có thể truy cập internet không?

Internet được dành riêng cho các cán bộ cấp cao của chế độ, những người này thì họ biết được những gì đang diễn ra ở thế giới bên ngoài. Điện thoại di động đã xuất hiện từ vài năm qua, nhưng bị hạn chế ở các cuộc gọi nội hạt. Tuy vậy nhờ phát triển nhanh chóng, một số người hy vọng một ngày nào đó điện thoại di động sẽ trở thành một công cụ nổi dậy để làm lung lay chế độ. Nhưng đồng thời đây cũng lại là một phương tiện để kiểm soát, giúp công an nghe được các cuộc đàm thoại và định vị được người sử dụng. Với lại điện thoại di động vẫn luôn rất đắt tiền, đa số dân chúng không thể mua nổi.

Vận chuyển công cộng đang trong tình trạng thê thảm, và các phương tiện thông tin thì cứ như thuộc về thế kỷ trước. Cùng một tuyến đường nếu ở Hàn Quốc tôi đi tàu cao tốc mất hai giờ, thì bên kia biên giới phải mất đến hai ngày. Để liên lạc với nhau, người ta gởi thư, nhưng chắc ăn nhất là gởi ai đó đến đưa tin. Vì ngay cả một lá thư cũng phải đi một tháng mới đến nơi, nếu mà nó đến được!

Chủ tịch trẻ tuổi Kim Jong Un vừa lên thay cha hồi tháng 12, có sẽ hiện đại hóa đất nước?

Tôi từng nuôi hy vọng mong manh là người kế vị này có thể mang lại những ý tưởng mới, nhờ trẻ tuổi và đã từng học tại Thụy Sĩ, nhưng tôi đã nhanh chóng thất vọng. Và tôi lại còn có cảm giác là chế độ ngày một tệ hại thêm. Vì thế mà những ai thành công trong việc trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên như tôi đều có trách nhiệm và cần phải đấu tranh cho nhân quyền, cho dân chủ hóa tại đất nước này.

clip_image003

Nông thôn Bắc Triều Tiên

Có sự khác biệt lớn giữa nông thôn và thủ đô Bình Nhưỡng?

Vâng, có một sự khác biệt hết sức lớn lao. Thủ đô là một đô thị với 2,5 triệu dân được ưu đãi, đó là gia đình có liên quan đến Đảng Lao động hay quân đội. Bình Nhưỡng là một thành phố sạch sẽ, với các tòa nhà chọc trời, được sử dụng như tủ kính mặt tiền mà các nhà độc tài muốn trưng ra trước khách nước ngoài.

Cũng có một sự ngăn cách rất lớn giữa hai thế giới: người dân một tỉnh nghèo có thể chết vì đói trong khi dân Bình Nhưỡng không hề hay biết. Chế độ nuông chiều dân chúng thủ đô, vốn là lực lượng hỗ trợ chủ yếu của họ. Tiêu chuẩn thức ăn do chính quyền phân phối cao hơn nhiều và cũng thường xuyên hơn, so với phần còn lại của đất nước vốn thường bị mất tiêu chuẩn. Tại các vùng nông thôn, mỗi người đều học được cách tồn tại mà không trông cậy vào nhà nước.

Có những thành phố lớn phát triển tại Bắc Triều Tiên không?

Ngoài Bình Nhưỡng còn có các thành phố lớn như Rajin, Sinuiju hay Hyesan, gần đây đã phát triển nhờ ở gần biên giới Trung Quốc. Thương mại với Trung Quốc tăng lên từ đầu những năm 2000 đã giúp các thành phố này giàu lên. Nhưng lợi tức từ thương mại lại lọt vào tay của Đảng, vì không có việc kinh doanh nào thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ của hệ thống.

clip_image004

Lính biên phòng BTT canh gác bên bờ sông Áp Lục.

Ngày nay rời khỏi Bắc Triều Tiên dễ hơn hay là khó hơn trước?

Tôi thuộc về làn sóng tị nạn đầu tiên, sau các trận đói kinh hoàng cuối thập niên 90. Số người đào thoát không ngừng tăng lên, nhưng chế độ đã tăng cường kiểm soát biên giới vào đầu những năm 2000. Tôi nhận ra điều đó sau khi vượt biên lần thứ hai và bị công an Trung Quốc gởi trả về Bắc Triều Tiên. Kể từ năm ngoái và từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền, vượt thoát khỏi Bắc Triều Tiên lại càng khó khăn hơn.

Nhà độc tài mới muốn ngăn chận làn sóng vượt biên – một sự chối bỏ chế độ – bằng mọi giá. Ông ta đã ra lệnh cho biên phòng nổ súng vào tất cả những ai muốn vượt qua biên giới một cách bất hợp pháp. Vài ngày sau khi Kim Jong Un nhậm chức, nhiều người tị nạn đã bị bắn hạ trong lúc đang vượt qua con sông lạnh giá, là ranh giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Hiện nay vùng biên giới đang bị giám sát hết sức nghiêm ngặt.

Nguồn: thuymyrfi.blogspot.com

Sống sót trong địa ngục Bắc Triều Tiên

clip_image005

Trích dịch tác phẩm “Bắc Triều Tiên, chín năm để trốn khỏi địa ngục” của Eunsun Kim, kể lại những chuyện diễn ra từ tháng 12/1997, ngay sau các trận đói khủng khiếp năm 1995 và 1996 đã giết hại hai triệu người Bắc Triều Tiên, trong đó có cha của tác giả.

Từ gần một tuần qua, tôi đơn độc trong căn hộ lạnh lẽo tại Eundeok, ngôi làng nhỏ nơi tôi sinh ra ở Bắc Triều Tiên. Cha mẹ tôi đã bán hết tất cả đồ đạc trong nhà, chỉ trừ một chiếc bàn thấp và một tủ ngăn vách, để mua thức ăn. Gạch lót sàn cũng đã bị bán đi, tôi ngủ ngay trên nền xi-măng, trong một túi ngủ tạm bợ làm bằng quần áo cũ.

Trên các vách tường trơ trụi, chỉ còn lại mấy khung ảnh đặt cạnh nhau – chân dung “Chủ tịch vĩnh cửu” Kim Il Sung và tướng quân Kim Jong Il. Cả hai nhìn thẳng vào tôi. Nhưng đem bán các ảnh chân dung này sẽ bị xem là báng bổ, có nguy cơ bị tử hình.

Trời tối sẫm, dù vậy tôi vẫn đọc được những gì mình viết ra. Điện đóm không có, vả lại các bóng đèn đã biến mất từ lâu. Đêm nhẹ xuống sau buổi chiều tháng Chạp. Không còn lò sưởi nữa, nhưng tôi không thấy lạnh mấy, vì đã sức tàn lực kiệt. Tôi không có gì ăn từ nhiều ngày qua, tôi sẽ chết đói. Vì vậy mà tôi cố viết lại bản di chúc của mình. Tôi mười một tuổi […].

Từ khi ba mất đi, cuộc sống của chúng tôi trở thành địa ngục, với viễn tượng duy nhất là cuộc đấu tranh để tồn tại. Ngay cả bệnh viện cũng không còn phương tiện để nuôi dưỡng các bệnh nhân, và không có ai còn nhận được thực phẩm. Chị tôi và tôi không đến trường nữa, chúng tôi không có bộ cánh nào ra hồn. Nhất là chúng tôi không còn thời gian, toàn bộ ngày trời phải dành cho việc tìm ra thứ gì đó ăn được. Mấy mẹ con tôi sống như tu sĩ ẩn cư trong căn hộ, tránh những ánh mắt nhìn.

Mỗi ngày chúng tôi bí mật lẩn vào các cánh đồng để hái trộm lúa và bắp, né tránh các toán quân tuần tra. Chúng tôi lén bứt những ôm lúa, sau đó đi lên núi để tước hạt mà không ai nhìn thấy. Mẹ con tôi cũng đào rễ củ, tìm kiếm các thứ nấm. Đôi khi chúng tôi còn chặt củi, vốn ngày càng hiếm hoi, để đem bán, dành tiền mua những khẩu phần nhỏ nhoi hàng ngày […]

clip_image006

Tác giả Eunsun Kim

BỎ TRỐN SANG TRUNG QUỐC

Cùng với mẹ và chị gái, Eunsun cố sang bên kia biên giới bằng cách vượt qua con sông Đồ Môn.

Chính trong vài tuần lễ cuối mùa đông 1997-1998 mà số phận tôi đã thay đổi. Không còn cách nào kiếm sống, mẹ tôi đã dần đi đến một quyết định khó tưởng tượng nổi: vượt biên. Trốn khỏi Bắc Triều Tiên để đi đến một nơi chốn nào đó, để cứu sống các con gái […]

Thế là chúng tôi đã quay lại trong đêm tối. Với những bước chân nhẹ nhàng, chúng tôi tiến gần bờ sông Đồ Môn. Cách dòng sông vài mét, tôi nằm phục trên cát. Từ chỗ này có thể ngầm quan sát những toán tuần tra của lính biên phòng qua lại bên bờ sông. Chúng tôi nằm bất động nhiều tiếng đồng hồ, trong im lặng. Mẹ tính toán thời gian tuần tiễu và các vòng đi tuần của biên phòng.

Vào khoảng nửa đêm, sau khi một toán tuần tra đi qua, bà ra hiệu cho hai chị em tôi và tiến bước trên mặt cát, mỗi tay bà nắm một đứa kéo đi. Bỗng dưng bàn chân tôi chạm vào mặt nước. Thật là lạnh giá!

Chúng tôi không biết bơi, nhưng mẹ nắm tay chúng tôi rất chặt. Nước nhanh chóng lên đến đầu gối tôi, đến bụng, rồi dâng lên đến cổ. Tôi cảm thấy mình sẽ bị chìm. Tôi sợ hãi. Keumsun và tôi cố kéo mẹ lại, tuy mẹ vẫn rất cương quyết. Cuối cùng bà cũng nhận ra là nước quá sâu, và lùi về phía các đụn cát. Tôi thở ra nhẹ nhõm!

Nhưng mẹ rất bướng bỉnh. Bà yêu cầu chúng tôi phải ở yên ngoan ngoãn chờ đợi, để một mình bà cố gắng tìm kiếm một lối thoát. Bóng dáng của mẹ từ từ chìm sâu vào dòng nước đen như mực, và ngày càng nhỏ dần.

Tôi run rẩy, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, trông thấy dáng mẹ tôi hòa lẫn vào bóng tối. Bà sẽ chết chìm. Chúng tôi sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy mẹ nữa. Và nếu bà thành công trong việc sang được đến  bờ bên kia, thì chị Keumsun và tôi sẽ ra sao? Mẹ tôi đã biến mất, tim tôi đập loạn cả lên.

Bỗng dưng sau những phút giây dài dằng dặc, hình thù mẹ lại hiện ra bên bờ sông, nước chảy ròng ròng trên người bà. Mẹ run lập cập, cố gắng lắm mới bước đi được. Tôi tự hỏi liệu mẹ sẽ ngất xỉu hay không, dòng nước lạnh như nước đá đã làm cho bà kiệt sức. Chỉ cách bờ bên kia có ba mét, lòng sông bỗng sụt xuống và bà bị hụt chân. Chỉ còn có ba mét nữa là bà đặt chân lên được đất Trung Quốc!

Tôi vô cùng hoảng hốt. Trong đêm đen, hai đứa bé gái đơn độc, cố gắng trợ giúp một người mẹ bệnh hoạn, run rẩy. Làm thế nào bây giờ? “Đành thôi, mẹ con mình đành phải nộp mạng cho biên phòng vậy” – bà quyết định một cách nhẫn nhục […]

Nguồn: thuymyrfi.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn