Biển Đông và chiến lược hai mặt của Trung Quốc

Ian Storey

Theo Jamestown Foundation

Tiến Tiệp (gt)

clip_image002Chính sách Biển Đông của TQ là tăng cường dần dần các yêu sách và quyền tài phán, song song với các nỗ lực trấn an khu vực về ý định hòa bình. Tuy nhiên, những động thái gần đây cho thấy Bắc Kinh sẽ đi theo vế đầu tiên.

Trong hơn hai thập kỷ qua, Bắc Kinh đã theo đuổi một chính sách nhất quán về vấn đề Biển Đông, trong đó bao gồm hai vế chính: tăng cường dần dần các yêu sách về lãnh thổ và quyền tài phán, đồng thời với đó là nỗ lực để trấn an khu vực về các ý định hòa bình của nước này. Các động thái gần đây của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách hàng hải của nước này đã khiến cho vế đầu tiên trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, Trung Quốc lại thiếu những động thái trấn an dành cho phía các quốc gia Đông Nam Á về ý định ôn hòa của nước này. Thật vậy, không những không xoa dịu mối lo ngại từ các quốc gia Đông Nam Á về cách hành xử quyết đoán của mình, Trung Quốc còn kích động các nước này bằng việc khai thác một cách trắng trơn sự chia rẽ trong ASEAN để nhằm tăng thêm các lợi ích quốc gia của riêng họ.

Trung Quốc ngày càng cứng rắn với lập trường của mình

Những bình luận trên các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc có phân tích về vấn đề Biển Đông đang ngày càng thiếu thái độ ôn hòa. Những ý kiến được nêu ra ở đó đã nêu bật một số dòng quan điểm chính thức của Trung Quốc. Dòng quan điểm thứ nhất đó là vùng lãnh thổ, chủ quyền của Trung Quốc cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của nước này đang ngày càng bị thách thức bởi các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản tại khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Phản ứng của Trung Quốc, theo như quan điểm trên, phải nhằm duy trì các yêu sách của nước này một cách rõ ràng hơn, tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp, và, nếu cần thiết, các phản ứng này phải được chuẩn bị để có thể thực thi các biện pháp mang tính cưỡng chế đối với các quốc gia khác. Như một lời bình luận đã đưa ra “Hợp tác phải đi kèm với sự tin tưởng, cạnh tranh phải đi kèm với sự mạnh mẽ, và đối đầu phải đi kèm với sự kiên quyết” (Caixin 財 新, 13 tháng 7).

Một dòng quan điểm khác là, trong khi Trung Quốc đang thể hiện sự kiềm chế, thì các nước khác như Philippines và Việt Nam lại đang theo đuổi các hành động có tính khiêu khích và bất hợp pháp, và đây như là một nỗ lực để “cưỡng đoạt lấy” các nguồn tài nguyên hàng hải như nguồn hydrocarbon và thủy sản, những nguồn lợi mà Trung Quốc xem đó là của riêng họ (China Daily, 30 tháng 7).

Dòng quan điểm thứ 3 đó là Manila và Hà Nội đang tiếp tục hỗ trợ Mỹ “can thiệp” vào khu vực Biển Đông và Mỹ coi tranh chấp này như là một cái cớ để “xoay trục” lực lượng quân sự của nước này hướng về Châu Á (Global Times, 11 tháng 7). Để đảo chiều những xu hướng tiêu cực này, các nhà bình luận Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ áp dụng các biện pháp kiên quyết hơn đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp và ranh giới hàng hải. Họ cho rằng, lòng tự tôn quốc gia của người Trung Quốc chắc chắn sẽ không chấp nhận thỏa hiệp trong vấn đề này.

Thực sự thì, các biện pháp mới đây được thực hiện bởi các nhà chức trách Trung Quốc còn cho thấy một lập trường cứng rắn hơn so với các bình luận ở trên. Đáng ngại là, trong một số các động thái của Trung Quốc, yếu tố quân sự đã được thể hiện một cách rõ ràng. Đây có lẽ là một cảnh báo cho các bên tranh chấp khác rằng Trung Quốc đã sẵn sàng để chơi một cách “cứng rắn”.

Có lẽ, động thái đáng chú ý nhất của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách quyền tài phán của nước này tại Biển Đông là việc nâng cấp Tam Sa từ cấp huyện lên thành phố cấp vùng vào tháng 6. Tam Sa ban đầu được thành lập vào năm 2007 như một cơ chế hành chính để “quản lý” Quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield, và Quần đảo Trường Sa. Việc nâng cấp thành phố Tam Sa là một phản ứng ngay lập tức tới đạo luật được thông qua vào ngày 21 tháng 6 bởi Quốc hội Việt Nam, trong đó tái khẳng định chủ quyền của Hà Nội đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều phản đối động thái của đối phương, coi đó như là hành động vi phạm chủ quyền của phía mình (Bloomberg, 21 tháng 6). Chưa đầy một tháng sau đó, chính quyền thành phố Tam Sa đã tiến hành bầu cử thị trưởng thành phố và 3 phó thị trưởng. Đồng thời, Quân ủy trung ương Trung Quốc cũng cho phép thành lập một đơn vị quân đội đồn trú để “quản lý sự huy động về quốc phòng, quân phòng bị cũng như tiến hành các hoạt động quân sự tại Tam Sa” (Xinhua 新华, 20 tháng 7).

Trước đó, vào cuối tháng 6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo họ đã bắt đầu cử các tàu tuần tra “sẵn sàng chiến đấu” tại khu vực quần đảo Trường Sa để “bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền lợi phát triển an ninh [của Trung Quốc]” (Reuters, 28 tháng 6). Tuy nhiên, việc một tàu khu trục của nước bị mắc cạn tại khu vực bãi Trăng Khuyết, khu vực nằm cách đảo Palawan của Philippines 70 dặm về hướng tây và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines, đã gây bối rối cho lực lượng Hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA). Tàu khu trục này đã được trục vớt trong vòng 24 giờ, điều này cho thấy rằng đang có các tàu khác của Hải quân PLA vẫn đang ở gần đó khi sự cố xảy ra. Những diễn biến này cung cấp thêm bằng chứng cho việc tranh chấp đang ngày càng bị quân sự hóa.

Trung Quốc cũng đã tìm cách để giảm đi yêu sách cũng như các hoạt động thương mại của Philippines và Việt Nam tại Biển Đông theo những cách khác.

Trong tháng 6, Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã mời thầu các công ty năng lượng nước ngoài quyền thăm dò 9 lô dầu khí tại Biển Đông. Các lô dầu khí này nằm hoàn toàn trong vùng EEZ của Việt Nam và nằm chồng lấn với các lô dầu khí được mời thầu tới các tập đoàn năng lượng nước ngoài bởi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam). Sau đó, Hà Nội đã phản đối mạnh mẽ việc đấu thầu của CNOOC (Bloomberg, 27 tháng 6). Quan trọng hơn, các lô dầu khí này được đặt nằm ở rìa của bản đồ đường 9 đoạn của Trung Quốc. Có vẻ như, hành động này là chứng cứ để tăng thêm sức nặng cho lập luận rằng Bắc Kinh đang diễn giải đường 9 đoạn bằng cách đưa ra các giới hạn ngoài của “quyền lịch sử” [đường 9 đoạn] của nước này tại Biển Đông. Tuy nhiên, theo như Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các quốc gia ven biển không được hưởng “quyền lịch sử” trên vùng biển cả. Do đó, sẽ không có “người khổng lồ” năng lượng thật sự nào sẽ tham gia đấu thầu các lô dầu khí mà CNOOC đưa ra – các công ty nhỏ hơn có thể làm như vậy chỉ khi mà họ muốn có được thiện cảm từ phía Trung Quốc, để từ đó có được những hợp đồng béo bở trong tương lai. Tuy nhiên, khi mà hoạt động thăm dò được thực hiện tại bất kì một lô nào trong 9 lô dầu khí nói trên, nguy cơ về một cuộc đụng độ giữa các tàu tuần duyên Trung Quốc và Việt Nam sẽ trở nên hết sức rõ ràng.

Về vấn đề quyền sở hữu Bãi cạn Scarborough, nơi đã xảy ra giai đoạn bế tắc căng thẳng giữa các tàu của Trung Quốc và Philippines vào tháng 5 và tháng 6, thì lập trường của Trung Quốc vẫn là không thỏa hiệp. Tại Diễn đàn khu vực ASEAN hàng năm (ARF) tại Phnom Penh, Campuchia vào tháng 7, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tái khẳng định các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với bãi cạn này, bác bỏ các ý kiến rằng đây là vùng tranh chấp và buộc tội Manila đã “gây ra rắc rối” (Xinhua, 13 tháng 7). Theo như Bộ Ngoại giao Philippines, các tàu cá của Trung Quốc – được bảo vệ bởi các tàu bán quân sự - vẫn tiếp tục đánh bắt cá tại vùng biển gần với Bãi cạn Scarborough, trái với thỏa thuận song phương mà theo đó cả hai bên đã đồng ý rút các tàu của họ tại khu vực tranh chấp. [1]

Sau ARF, Trung Quốc tiếp tục gia tăng áp lực về phía Philippines. Vào giữa tháng 7, nước này đã cử một đội gồm 30 tàu đánh cá được hộ tống bởi tàu Ngư chính 310 tới Trường Sa (Xinhua, 15 tháng 7). Các tàu cá này đã thu thập san hô và đánh cá gần đảo Thị Tứ (mà Philippines gọi Pag-asa), Đá Vành Khăn và Đá Su Bi (Philippine Daily Inquirer, 27 tháng 7). Các nhà chức trách Philippines cũng đã theo dõi tình hình nhưng vẫn chưa có hành động cụ thể nào.

Tranh cãi ở Phnom Penh

Trong quá khứ, sau khi Trung Quốc thực hiện các hành động quyết đoán ở Biển Đông, nước này luôn cố gắng xoa dịu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên trong một loạt hội nghị do ASEAN chủ trì ở Phnom Penh vào giữa tháng 7, các quan chức Trung Quốc gần như không đưa ra bất kỳ sự trấn an nào đối với những người đồng cấp Đông Nam Á. Tệ hơn nữa, Trung Quốc dường như đã tận dụng tầm ảnh hưởng của mình đối với Campuchia để phá hoại nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết vấn đề, gây ra rạn nứt trong đoàn kết nội bộ của khối.

Ở giai đoạn cuối cùng của cuộc gặp thường niên các Ngoại trưởng ASEAN (được gọi là Hội nghị Bộ trưởng ASEAN hoặc AMM), Philippines và Việt Nam muốn thông cáo chung phản ánh quan ngại sâu sắc của họ về vụ việc Bãi cạn Scarborough và việc CNOOC mời thầu. Hai nước này được sự ủng hộ của Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, những nước thấy rằng ASEAN cần phải có tiếng nói thống nhất. Campuchia – nước đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, có mối quan hệ kinh tế và chính trị gần gũi với Trung Quốc – đã bác bỏ điều này bởi theo Ngoại trưởng Hor Namhong, “ASEAN không thể được sử dụng như một tòa án cho các tranh chấp song phương” (Straits Times, 22 tháng 7). Những nỗ lực của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nhằm đạt được một thỏa hiệp về mặt ngôn từ diễn đạt đã không thành công và lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, AMM không đưa ra được một thông cáo chung.

Ảnh hưởng từ AMM là ngay lập tức và đáng ngại. Ông Natalegawa cho rằng sự thất bại của ASEAN với việc không đạt được một thỏa thuận là “vô trách nhiệm” và rằng tính trung tâm của tổ chức trong việc xây dựng cấu trúc an ninh khu vực đang bị đe dọa (Straits Times, 16 tháng 7). Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam mô tả sự thất bại đó như là một “vết cắt sâu” vào uy tín của ASEAN (Straits Times, 14 tháng 7). Campuchia và Philippines đổ lỗi cho nhau về thất bại trên. Campuchia đã bị báo giới khu vực chỉ trích vì thiếu vai trò lãnh đạo và đặt mối quan hệ song phương của mình với Trung Quốc lên trên lợi ích tổng thể của ASEAN. Một nhà phân tích khẳng định các quan chức Campuchia đã tham vấn với những người đồng cấp Trung Quốc trong giai đoạn cuối của cuộc thảo luận nhằm đạt được một thỏa thuận về bản thông cáo[2]. Tờ Global Times của Trung Quốc đã mô tả kết quả của AMM như một thắng lợi đối với Trung Quốc bởi nước này không coi ASEAN là nơi thích hợp để thảo luận về tranh chấp, và là một thất bại đối với Philippines và Việt Nam (Global Times, 16 tháng 7).

Một vài ngày sau khi Hội nghị AMM, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã cử Ngoại trưởng của mình đến 5 nước Đông Nam Á trong một nỗ lực nhằm khôi phục lại sự đoàn kết ASEAN. Hoạt động ngoại giao con thoi của ông Natalegawa đã  đưa đến một tuyên bố của Ngoại trưởng ASEAN ngày 20 tháng 7 "Nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về Biển Đông"[3]. Tuy nhiên sáu điểm này không có gì đột phá và chỉ đơn thuần là tái khẳng định sự đồng thuận cơ bản của ASEAN về vấn đề Biển Đông. Đáp lại tuyên bố chung này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sẽ hợp tác với ASEAN trong việc thực thi Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DoC) (Bộ Ngoại giao Trung Quốc, 21 tháng 7).

Một trong sáu điểm kêu gọi các bên sớm đi đến Bộ quy tắc ứng xử (CoC) ở Biển Đông, nhưng thất bại ở Phnom Penh đã đem lại rất nhiều dấu hỏi về mục tiêu này.

Mặc dù, tháng 10 năm 2011 Trung Quốc đã đồng ý thảo luận về CoC với ASEAN, Bắc Kinh luôn thờ ơ đối với một thỏa thuận như vậy, thay vào đó nước này quan tâm hơn đến việc thực thi DoC. Không nản lòng, đầu năm nay ASEAN bắt đầu dự thảo những nguyên tắc chỉ đạo cho một bộ quy tắc và tháng 6 đã tán thành một bản dự thảo gồm “các nội dung đề xuất.” Trong khi gần như tài liệu này là bản soạn sẵn mang tính tiêu chuẩn, có hai khía cạnh đáng chú ý.

Đầu tiên là ASEAN kêu gọi giải quyết tranh chấp mang tính “toàn diện và lâu dài”, cách diễn đạt này dường như phủ định đề xuất của Đặng Tiểu Bình về việc các bên cần gác lại yêu sách chủ quyền của mình và cùng khai thác tài nguyên trên biển. Rõ ràng là, bốn nước yêu sách thành viên của ASEAN đã không chấp nhận cách thức của Đặng bởi điều này tương đương với việc công nhận “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc đối với các đảo san hô vòng ở Biển Đông.

Khía cạnh đáng chú ý thứ hai liên quan đến những cơ chế giải quyết tranh chấp nảy sinh từ vi phạm hay cách diễn giải bộ quy tắc đề xuất. Tài liệu gợi ý rằng các bên tranh chấp chuyển sang Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác 1976 (TAC) hay các cơ chế giải  quyết tranh chấp trong UNCLOS. Tuy nhiên, không cơ chế nào trong đó mang tính hữu dụng cao. Trong khi TAC quy định một cơ chế giải quyết tranh chấp với việc thành lập một Hội đồng Tối cao ASEAN, điều khoản này không bao giờ được viện dẫn bởi tính chính trị hóa cao của Hội đồng Tối cao và thực tế rằng nó không thể đưa ra các quyết định mang tính ràng buộc. Hơn nữa, mặc dù Trung Quốc gia nhập TAC vào năm 2003,  Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ phản đối thảo luận về Biển Đông tại Hội đồng Tối cao bởi nước này bất lợi về mặt quân số: 1 và 10.

UNCLOS quy định các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc, bao gồm việc đệ trình tranh chấp lên Tòa Án Công lý Quốc tế (ICJ) hay Trọng tài Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Trung Quốc luôn bác bỏ vai trò của ICJ trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và, năm 2006, Trung Quốc thực hiện quyền của mình không tham gia quy trình của ITLOS liên quan đến việc phân định ranh giới hàng hải và các hoạt động quân sự.

Vào mùng 9 tháng 7, Thứ trưởng Ngoại giao Phó Doanh phát đi tín hiệu với các Ngoại trưởng ASEAN rằng Trung Quốc sẵn sàng bắt đầu thảo luận về CoC vào tháng 9. Tuy nhiên, hai ngày sau đó ASEAN nổ ra tranh cãi về bản thông cáo chung, Ngoại trưởng Dương dường như loại trừ khả năng này với tuyên bố ASEAN và Trung Quốc chỉ có thể tiến hành thảo luận “khi thời cơ chín muồi” (Straits Times, 11 tháng 7). Hiện tại, ASEAN và Trung Quốc chưa lên kế hoạch tổ chức bất kỳ cuộc gặp nào về CoC, mặc dù các quan chức hiện nay đang thảo luật các dự án hợp tác chung theo khuôn khổ DoC.

Nếu và khi nào hai bên ngồi xuống và đàm phán về CoC, có khả năng Bắc Kinh sẽ yêu cầu loại bỏ mọi sự đề cập về giải pháp cho tranh chấp với lập luận bộ quy tắc đề xuất chỉ nhằm quản lý tranh chấp và tranh chấp đó chỉ có thể được giải quyết giữa Trung Quốc và mỗi bên yêu sách trên cơ sở song phương. Tựu chung lại, những diễn biến này đang làm mờ đi viễn cảnh Trung Quốc và ASEAN sớm có thể đạt được thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử mang tính thực tế ở Biển Đông. Hiện trạng vẫn sẽ duy trì như vậy trong tương lai gần.

I.S.

[1] “Why There was no ASEAN Joint Communique,” Philippine Department of Foreign Affairs, July 19, 2012

http://www.dfa.gov.ph/main/index.php/newsroom/dfa-releases/5950-why-there-was-no-asean-joint-communique-

2] Ernest Bower, “China reveals its hand on ASEAN in Phnom Penh,” Center for Strategic and International Studies, July 20 2012.

[3] “Statement of ASEAN Foreign Ministers on ASEAN’s Six-Point Principles on the South China Sea,” Cambodian Ministry of Foreign Affairs, July 20, 2012 http://www.mfaic.gov.kh/mofa/default.aspx?id=3206.

Tiến sĩ Ian Storey là thành viên tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISAES), Singapore.

Nguồn: nghiencuubiendong.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn