Các bài học Munich và những nơi khác: đẩy lùi nỗi sợ để cứu đất nước

André Menras Hồ Cương Quyết

Nguyên Ngọc dịch từ nguyên văn tiếng Pháp

clip_image002

Nhiều đồng bào Việt kiều Đức của chúng ta đã tường thuật trên Internet: cuộc biểu tình ở Munich ngày 20 tháng mười, chống bành trướng Trung Quốc, các buổi chiếu ở Munich và Nurnberg bộ phim tài liệu «Hoàng Sa Việt Nam, Nỗi đau mất mát» – vẫn luôn bị cấm ở Việt Nam – đã thật sự thành công.

Được mời tham dự các hoạt động ấy, tôi đã là đối tượng của một sự đón tiếp bất ngờ và rất cảm động của những người những người bạn trước đó chưa từng quen. Ở Munich: căn nhà với các phòng bằng kính nơi trồng một cây thông Alep cao 3 mét và một cây chuối trổ những quả chuối Việt Nam tại ngay trung tâm thành phố Đức đẹp đẽ này. Ở Nurnberg: phòng ngủ khắc khổ mà thịnh tình của chùa phật giáo Vĩnh Nghiêm nơi đứng cạnh nhau là tượng vua Hùng Vương và tượng Đại đế Carolus (Karl der Groβe). Hai nơi thật khác biệt song đều thấm đượm cùng một không khí thanh tịnh bình thản và mạnh mẽ, hòa nhập đến tận cùng với đất nước tiếp nhận chúng mà vẫn sâu đậm tâm hồn Việt Nam quê hương.

Một cuộc biểu tình tuyệt đẹp!

Cuộc tuần hành ở Munich thật mẫu mực về tư thế. Khởi đầu là một giờ phát biểu của các bộ phận tham gia tổ chức trước quảng trường Đại học. Bốn chiếc xe cảnh sát địa phương cực kỳ thân thiện và sẵn sàng bảo vệ theo suốt, đoàn người đã tuần hành trong hai giờ liền, yên tĩnh và vui vẻ trên ba cây số của đại lộ lớn nhất của Munich nối liền trường Đại học với các con đường đông người qua lại ở trung tâm thành phố. Tại đấy, trước hàng trăm người qua đường và những người Đức tò mò đã biến thành khán giả, lại có một cuộc phát biểu mới, kéo dài một tiếng đồng hồ. Trên những tấm băng rôn lớn màu xanh là những khẩu hiệu được suy tính rất kỹ, chữ trắng, bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Đức, tố cáo chính sách bành trướng của những người lãnh đạo Bắc Kinh. Tấm bản đồ Việt Nam lớn, với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nổi bật, được giương lên kiêu hãnh ở đầu đoàn người. Những tấm băng rôn dài được bố trí dọc hai bên, thuận tiện cho người qua đường có thể đọc, trong khi các cô chủ nhà duyên dáng mặc áo dài và đội nón lá truyền thống vừa phân phát những tờ gấp có minh họa và in tiếng Đức, vừa giải thích cho họ lý do và mục đích của cuộc biểu tình. Một hoạt náo viên năng nổ và vui vẻ dùng loa hô vang các khẩu hiệu được mọi người đáp lại: «Hoàng Sa, Trường Sa, của Việt Nam!», «Tôi yêu Việt Nam!», «Hoang Sa, Truong Sa, mein Vietnam!» «I love Vietnam!», «Wir lieben Vietnam!».

clip_image004

Những bài hát dân gian tuyệt vời, cũng tuyệt vời như vô số áo dài và những nụ cười khiến đoàn người rực rỡ sắc màu, biến cuộc biểu tình thật sự trở thành một buổi trình diễn đường phố vừa đậm đà văn hóa vừa rất chinh trị, mang lại cho thông điệp chống xâm lược Trung Quốc của chúng ta một sức hấp dẫn và thuyết phục sống động và đầy truyền cảm. Một thành công. Một thành công lớn sẽ được đánh dấu trong lịch sử phong trào chống xâm lược kiểu mới của Trung Quốc. Một tham khảo cho tương lai, ở Munich và những nơi khác. Nói về điều này, một người bạn của tôi đã gọi đấy là «tinh thần Munich». Chính xác là vậy. Nhưng tinh thần của «tám người Munich» là trái ngược với cái tinh thần mà Lịch sử đã ghi lại.

Quả thật về mặt lịch sử, Munich là ký ức buồn. Chính trong thành phố này, tháng Chín năm 1938, những người đại diện của Pháp và Anh đã ký với Hitler một hiệp ước nhục nhã sẽ mở cửa cho tên độc tài lao vào cuộc xâm lược bành trướng trên toàn bộ châu Âu. Họ tưởng nhân nhượng cho nước Đức của Hitler sáp nhập bằng vũ lực Tiệp Khắc thì sẽ xoa dịu được sự hung hăng bành trướng và hiếu chiến của chúng. Họ tưởng đã cứu vãn được hòa bình bằng cách phản bội quyền của các dân tộc, trong thực tế họ dọn đường cho chiến tranh! Sợ hãi không đẩy xa được hiểm nguy. Hèn nhát cũng không. Trái lại, là khuyến khích nó. Tại Munich, về điều này lịch sử đã cho một bài học đau đớn: không thể ký hòa ước với chủ nghĩa bành trướng, nhất là khi nó được tuyến bố rõ ràng và ta là nạn nhân đầu tiên của nó!

Nhưng, rất thận trọng trong so sánh, tinh thần của «tám người ở Munich», những người đã hoàn toàn độc lập tổ chức cuộc biểu tình và chiếu phim HSVNNDMM, không phải là tinh thần của sợ hãi cũng không phải của hổ thẹn.

Tôi có thể làm chứng cho tinh thần ái quốc bất diệt của tám đồng bào này. Và tôi có thể nói lòng ái quốc ấy phải đạt đến một sức mạnh kỳ lạ để có thể cho phép họ vượt qua các khác biệt, các đối lập của họ, vượt qua những vết thương quá khứ, vẫn mãi tứa máu, để kháng cự lại những đe dọa trực tiếp hay ngụy trang, và đôi khi cả những lời thóa mạ mà họ là nạn nhân của cả hai phía.

Họ nằm trước làn đạn kín đáo mà hoàn toàn có thực của một chế độ run rẩy cứ đeo bám đến thảm hại «16 chữ vàng» với lại «4 tốt» của lũ cướp biển Bắc Kinh («Hội người Việt» ở Stuttgart đã từ chối hợp tác với Munich để chiếu bộ phim HSVNNDMM). Họ đã nhận được những lời đe dọa hung hăng hay được phát biểu một cách tế nhị hơn của những người lãnh đạo một cộng đồng thuyền nhân khăng khăng trương ngọn cờ đầy đắng cay của mình lên trên trách nhiệm bảo vệ dân tộc. Bao nhiêu nhân nhượng, bao nhiêu thảo luận hăng say, mà cũng biết bao nhiêu khoan dung, thương mến, bao nhiêu tình yêu đất nước. Bao nhiêu trách nhiệm và can đảm ở tám người đàn ông và đàn bà hữu trách ấy. Cho đến nay tôi chưa bao giờ được chứng kiến một sự chín muồi mang tính người và về chính trị đến như vậy từ những con người đã từng qua những trải nghiệm sống khác nhau sâu đậm đến thế. Thấy tôi ngạc nhiên về điều đó lúc dự cuộc họp tổ chức cuối cùng của họ hôm trước ngày tuần hành, một người trong số họ mỉm cười trả lời tôi: «Chúng tôi học dân chủ». Vâng, bạn ạ, dân chủ, đẹp đẽ biết bao, khó khăn biết bao để dân chủ được sinh thành, mong manh biết bao cho ta phải giữ gìn nó, và đắt giá biết bao để nuôi cho nó lớn lên! Nó chỉ có thể ra đời và lớn lên trong dũng cảm. Đẹp đẽ biết chừng nào là bài học về cuộc chiến đấu dân chủ mà những người bạn ở Munich đã cho chúng ta. Họ đã thắng nổi sợ hãi để giải phóng được lời nói và hành động, để bảo vệ Việt Nam.

Thắng những nỗi sợ

Tôi đã bao nhiêu lần cận kề với nỗi sợ chế độ ấy ở trong nước: sợ bị đe dọa, bị theo dõi, bị ngược đãi, sợ bị mất việc, sợ thấy người thân của mình bị gây khó khăn trong công việc, trong học tập, sợ bị bắt, bị tống vào tù... cái nỗi sợ chế độ, thậm chí lại được thay thế bằng các sứ quán mà ta sợ các hành động khủng bố hành chính tại chỗ hoặc các báo cáo về trong nước có thể khiến ta không còn gặp lại được gia đình, bạn bè. Cái mũ đáng sợ sẽ nhanh chóng xuất hiện: «diễn biến hòa bình», «thế lực phản động»...

Một loại nỗi sợ khác mà tôi từng được chứng kiến khi gặp các cộng đồng Việt kiều, cũng hiện diện rất rõ ở «phe bên kia», trong cái phe muốn tự coi mình vừa là nạn nhân đặc quyền của chiến tranh và là người đặc quyền nắm giữ dân chủ. Nỗi sợ này được nuôi dưỡng bởi các nhóm cực đoan, quả là rất thiểu số nhưng có thể có hành động bạo lực và các hình thức gây sức ép khác. Ở những chỗ ấy bốc lên mùi vị của một nỗi hận thù thật sự, giống như nỗi hận thù tôi từng phải chịu đựng trong tù. Một nỗi thù hận mù quáng được nuôi dưỡng bằng những trải nghiệm đau đớn, đã đóng băng trong ký ức. Một nỗi thù hận muốn trở thành vĩnh cữu và đòi phải đáp trả. Chỉ cần ta ghé tai về phía bên kia một chút là lập tức bị khoác cho một cái mũ khác: «phản bội», «chơi trò cộng sản», «cộng sản nằm vùng»...

Để không đánh mất mình và để bảo vệ đất nước

Những nỗi sợ ấy, dù đến từ đâu, là một tai họa thật sự đối với con người, với xã hội và quốc gia. Chúng là tội ác vì chúng giam hãm người ta trong tình trạng bất động đồng nghĩa với đồng lõa với bất công, với bạo lực tùy tiện, với tham nhũng mang tính chất mafia chính trị, với tình trạng đất nước bị uy hiếp. Chúng sĩ nhục và thiến hoạn con người vì chúng bóp nghẹt niềm kiêu hãnh công dân và ái quốc, cùng ý chí sáng tạo cái mới. Chúng hủy hoại nhân tính và đẩy một số người vào tuyệt vọng. Đôi khi được biện minh là phản xạ tự vệ, cuối cùng chúng có tác dụng tự hủy hoại. Ở cấp độ quốc gia, chúng gây ức chế và chỉ nuôi dưỡng sự bất động có lợi cho tất cả hành vi xâm lược của Trung Quốc và cho những kẻ tiếp tay hay ủng hộ các cuộc xâm lược ấy mà không bị trừng phạt. Các nỗi sợ hãi tước vũ khí của con người!

Tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam mong muốn hòa giải, thống nhất dân tộc trong một nền hòa bình mà mình làm chủ. Đấy là nhu cầu sống còn của đất nước để có thể đối mặt với thách thức khủng khiếp của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc hau háu tài nguyên thiên nhiên và con người, tàn phá các căn tính văn hóa, chỉ mang đến bạo lực và chiến tranh... Đất nước cần điều đó để chiến thắng nạn dịch tham nhũng, để thắng tình trạng đói nghèo vẫn còn đó.

Thắng những nỗi sợ hãi ấy để hành động chặt chẽ cùng nhau trong một cuộc chiến đấu thật sự với chính mình và vì đất nước. Một cuộc chiến đấu nhất thiết phải thắng để không mất đi tất cả. Kể cả đánh mất chính mình. Một chiến thắng cần thiết và khả thể.

Đấy là bài học mà nhóm tám người ở Munich, và cả những người ở Berlin, Kholn, Praha, Warsava, Leipzig, Hannover, Frankfurt-Offenbach, Sarrebruken, Nurnberg, Toulouse, Lyon, Paris… đã cho chúng ta ... Thắng nỗi sợ hãi như các đồng bào của chúng ta ở Bình Châu và Lý Sơn mỗi lần họ ra khơi trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam để mưu sinh. Thắng nỗi sợ hãi như các bạn của chúng ta ở Sài Gòn và Hà Nội đã xuống đường để bảo vệ tổ quốc mình.

Cám ơn tất cả, tất cả các bạn của tôi, đã nuôi dưỡng tôi thêm mỗi ngày bằng dũng khí của các bạn.

Ôi, tôi còn quên một chuyện: trong hai ngày, các đồng bào của chúng ta đã góp ủng hộ các ngư dân, góa phụ và trẻ mồ côi 5300 ơ-rô!

A.M. H.C.Q.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn