Chủ nghĩa Stalin – Tại sao ở Nga hiện nay vẫn còn hiện tượng sùng bái kẻ ăn thịt người đó?

Piotr Skwieciński

Phạm Nguyên Trường dịch

(Bản dịch được thực hiện nhân 60 năm công bố bài thơ Đời Đời Nhớ Ông của nhà thơ Tố Hữu)

Joseph Stalin, xin lỗi vì đây là chuyện đã nhàm, là một tội phạm, chỉ có thể so sánh với Adolf Hitler mà thôi. Nhưng giữa hai người vẫn có sự khác biệt. Một trong những khác biệt quan trọng nhất: lãnh tụ quốc xã nói chung chỉ giết những người không phải là người Đức. Trong Đế chế thứ III, một người Đức mà không ra mặt chống phát xít thì có thể cảm thấy an toàn. Joseph Stalin, dĩ nhiên là có giết những người không phải là người Liên Xô, trường hợp nỗi bật nhất là những người Ba Lan ở Katyn, nhưng phần lớn nạn nhân của nạn khủng bố do Stalin tiến hành là công dân Liên Xô, mà lại thường là người Nga.

Trong hai năm tồi tệ nhất, 1937-1938, ở Liên Xô đã có khoảng 800.000 người bị bắn. Mấy năm trước, trong giai đoạn quốc hữu hóa, thực chất là tiêu diệt có chủ ý giai cấp nông nhân, mà những người Bolshevik coi là mối đe dọa của mình, hàng triệu người đã trở thành nạn nhân.

Cuộc khủng bố của Stalin không phải hoàn toàn mú quáng: nó nhắm vào những người nông dân vô tội, mà trước hết là những người tích cực, những người nổi bật trong môi trường của mình. Và điều đó đã bẻ gãy xương sống của nhân dân. Ảnh hưởng của việc tiêu diệt khá đông (và loại những người không bị bắn bỏ khỏi quá trình tái sinh sản bằng cách đưa vào trại tập trung còn có ảnh hưởng nặng nề hơn) thành phần ưu tú nhất của người dân Nga vẫn còn cho đến tận ngày nay. Đấy là nguyên nhân đầu tiên làm cho nước Nga không có khả năng nhập vào với thế giới đang tiến về phía trước. Đây là những sự kiện rõ ràng, không thể nào phủ nhận được. Nhưng…

Năm 2007 có 15% người Nga được hỏi đồng ý với khẳng định “Stalin làm được nhiều việc tốt hơn việc xấu”. Năm 2011, theo số liệu của Trung tâm điều tra dư luận Nga, thì con số này đã tăng lên thành 26%. Trong khi đó, số người cho rằng phần lớn công việc Stalin làm là ác lại giảm mạnh (từ 33% xuống còn 24%). 45% người được hỏi đồng ý với luận điểm cho rằng “việc phi Stalin hóa chỉ là huyền thoại, là những lời sáo rỗng, chẳng có liên quan gì với những nhiệm vụ trước mắt của đất nước, nó chỉ dẫn tới việc hạn chế tự do ngôn luận, đào tận gốc trốc tận rễ kí ức của người Nga, làm cho họ trở thành những người phiến diện mà thôi” và chỉ có 26% người được hỏi đông ý rằng “nếu không nhận thức được sai lầm của quá khứ thì nước Nga không thể tiến lên, không thể phát triển được”.

Đương nhiên là có những người Nga khác, và không phải là ít. Thật khó mà không suy nghĩ trước những lời của Viktor Erofeev, một nhà văn nổi tiếng người Nga, khi ông này cho rằng “tâm hồn Nga, về bản chất là Stalinnist. Nạn nhân của Stalin càng lùi xa thì ông ta lại càng mạnh mẽ và tỏa sáng hơn”. Đấy là do trong giai đoạn lãnh tụ còn tại thế “chúng ta đã bay vào thế giới chưa có người đặt chân tới. Đây là những chiều kích không phải của con người. Trở về với hệ thống những giá trị bình thường hầu như là việc bất khả thi”.

Đây, dĩ nhiên là một phần của sự thật. Tuy nhiên… Không nghi ngờ gì rằng sự thoái hóa tâm hồn tập thể diễn ra trong hàng chục năm khủng bố là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều người Nga không thể chia tay, về mặt tinh thần với nhà độc tài đã bị vất ra khỏi Lăng Lenin. Nguyên nhân thứ hai nằm ở chỗ (như một vị cố đạo, khá quen thuộc với nước Nga đã nói) “tôn giáo thực sự duy nhất của người Nga là sùng bái cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại”, nó tạo cho họ cảm giác của niềm tự hào dân tộc và ý nghĩa. Nhưng đây cũng chỉ là một trong những lý do, còn những lý do khác, cũng không kém phần quan trọng.

Cho phép hạnh phúc

Người dân Ba Lan tự động liên kết hiện tượng sùng bái cá nhân Stalin với chính quyền Putin. Đây là sai lầm. Điện Cẩm Linh không theo phương châm của Stalin, nói chung họ nằm ngoài mọi hệ tư tưởng. Quan điểm của họ là chơi trên tất cả những loại công cụ có thể với tới được: tình yêu nước Nga với những động cơ của Stalin, chủ nghĩa dân tộc và thậm chí cả chủ nghĩa tự do nữa. Còn ở nước Nga hiện nay tinh thần Stalin lại thường có giọng điệu phê phán. “Họ chẳng có tí Stalin nào hết!” – khi nghe tin về vụ tham nhũng trong giới chức chính quyền hay tai họa do thái độ tắc trách của ai đó, một người Nga bình thường sẽ nói như thế. Cứ theo logic này thì dưới thời Joseph (chứ không như bây giờ) giới tinh hoa không phải là những người thoát được trừng phạt. Sự kiện là vị đại nguyên soái, khác với giới tinh hoa hiện nay, là người giản dị cũng góp phần củng cố cách tư duy như thế.

“Có vẻ như một người nào đó trong ban quản trị hay Cục chính trị đã mua đồ gỗ, mặc dù anh đã chỉ thị rõ ràng là đồ cũ vẫn còn tốt. Hãy tìm và kỷ luật những người phạm lỗi! Anh đề nghị mang trả mọi thứ về chỗ cũ, còn đồ gỗ mới thì đưa vào kho” – trong một bức thư gửi cho vợ, Stalin đã viết như thế.

Trong trí nhớ tập thể của nước Nga vẫn còn sống động niềm tin rằng mặc dù Lãnh tụ cùng với những người Bolshevik khác đã từng đàn áp Giáo hội chính thống truyền thống của nước Nga, nhưng sau đó chính ông đã phần nào quay ngược cái xu hướng cách mạng góp phần tàn phá các cơ sở của xã hội.

Theo hồi ức của bà Lilianna Lungina – một người bất đồng chính kiến và dịch giả nổi tiếng, bạn bè của bà có nhiều người từng bị đàn áp và không thể coi bà là người theo phái Stalin được: Trong năm 36 – 38, tức là giai đoạn khủng bố khốc liệt nhất, đời sống hàng ngày lại được cải thiện một cách đột ngột. Sau nhiều năm đói khát, sau khi đã tập thể hóa mọi thứ, làm cho nhân dân hoàn toàn kiệt quệ, thì dường như lại có một khoảng lặng. Chính Stalin cho giải lao. Ông ta đã nói một câu nổi tiếng: “Sống tốt hơn, sống vui hơn”. Năm 1935 bỏ tem phiếu thực phẩm. Hàng hóa tăng lên dần dần. Bắt đầu có cá xông khói, trứng cá hồi, bốn hay năm loại pho mát. Cam Tây Ban Nha bày bán khắp nơi. Cửa hàng café cũng bắt đầu mở. Thí dụ Coctail-bar trên phố Gorki. Có thể ngồi uống ở đó, trong bóng tối mờ ảo – lúc đó thế là xa hoa lắm rồi. Người ta bắt đầu mặc đẹp hơn. Phụ nữ bắt đầu đi tiệm cắt tóc và cắt móng tay – những cô gái làm móng tay còn vào tận nhà máy nữa – bôi son môi, tỉa lông mày. Trước đấy mọi người đều mặc xấu xí, bây giờ có điều kiện chưng diện. Những tờ tạp chí thời trang lại được in ấn. Đồng chí Djemtrugina, vợ Molotov, được giao trách nhiệm sản xuất nước hoa, sữa tắm và kem bôi mặt. Stalin cho phép hưởng thụ đời sống. Ông ta luật hóa cả tình yêu lẫn hạnh phúc gia đình (li dị là việc cực kì khó khăn), trách nhiệm của người làm cha, cho phép làm thơ, cho phép bàn về chủ nghĩa nhân đạo, son phấn và làm đẹp, các điệu tango, foxtrot cũng đã quay lại”.

Trong thời gian chiến tranh, Stalin đã cho ngưng những vụ khủng bố chống lại nhà thờ. Đây là giai đoạn tự do hóa tạm thời, sau đó những cuộc đàn áp lại được khởi động, nhưng (người Ba Lan thường không biết chuyện này) trong lĩnh vực tôn giáo, khủng bố đã không còn như giai đoạn tiền chiến nữa. Chỉ có trong giai đoạn phi-Stalin hóa dưới trào Khrushchep, trong khuôn khổ của “sự trở lại với những nguyên tắc của Lenin” và cuộc đấu tranh với “những sai lầm của Stalin”, trong đó có thái độ khoan dung với nhà thờ Chính thống giáo, người ta mới lại đàn áp nhà thờ.

Sự hấp dẫn của bạo chúa

Khác với đồng nghiệp người Đức, bạo chúa ở Điện Cẩm Linh là một nhân cách thực sự. Nhân cách của một tên tội phạm, nhưng có sức hấp dẫn. “Stalin giống như một con thú ăn thịt to lớn, họ nhà mèo, với những bàn chân mềm mại, vuốt cứng như thép, dáng đi oai vệ và có những bước nhảy cực kì nhanh, cùng những tiếng gừ gừ đầy thuyết phục và tiếng gầm khủng khiếp” – một nhà bất đồng chính kiến, bà Veleria Novodvorskaia viết như thế. Mà không phải chỉ một mình bà. Những người ngoại quốc từng gặp Lãnh tụ cũng thường ví ông ta với một con hổ hay những con thú họ nhà mèo to lớn khác, nghĩa là ví ông ta với một con thú dữ, mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng là một con thú đẹp [...].

Stalin (một lần nữa, lại khác với Hitler) dù là người hoang tưởng và tàn nhẫn nhưng lại cực kỳ thông minh. Và mặc dù ông ta đã tạo ra sự sùng bái cá nhân mình như một loại tôn giáo, nhưng chính ông ta lại không bị cám dỗ, sự tỉnh táo của tư duy của ông ta chứng tỏ điều đó. Một trong những bằng chứng là buổi nói chuyện, sau khi chiến tranh đã kết thúc, với người con trai, tên là Vasili. Anh này là phi công và cũng là đại diện của thế hệ “vàng” của Moskva. Khi nghe cha nói rằng mình đã bôi nhọ thanh danh dòng họ Stalin, Vasili bực mình nói: “Con cũng là Stalin mà” “Không, mày không phải là Stalin, bố cũng không phải là Stalin. Stalin là chính quyền Xô Viết. Stalin là cái ông Stalin trên báo chí và các bức chân dung, nhưng đấy không phải là con, thậm chí không phải là bố nữa” – Lãnh tụ gạt đi.

Dưới thời Đại nguyên soái, nhà nước Liên Xô đã giành chiến thắng trong cuộc chiến. Nó còn thu được tiến bộ cả trong những lĩnh vực khác nữa, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Đến tận những năm 1960, ngay cả sau khi đã trừ đi những khoản được viết thêm vào số liệu thống kê (Moskva đặc biệt giỏi về khoản này), nền kinh tế Liên Xô phát triển nhanh hơn các nước phương Tây. “Trong giai đoạn chuyển tiếp giữa thập kỉ 50 và 60, phương Tây thán phục nền kinh tế Liên Xô, còn trong những năm 70 và 80 thì thán phục Nhật, sau đó là Trung Quốc và Ấn Độ” - ông Francis Spufford (người Anh), tác giả cuốn Red Plenty (tạm dịch: Sự sung túc màu đỏ) viết như thế. Ông còn viết tiếp như sau: “Đây không phải là câu chuyện hoàn toàn bịa đặt. Bên dưới lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài là hiện tượng chân thật. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và mở cửa các kho lưu trữ, các nhà sử học phương Tây đã có điều kiện đọc lại những số liệu về sự phát triển kinh tế của nước này, và thậm chí nếu lấy những số liệu khiêm tốn nhất, thấp hơn hẳn những con số do Điệm Cẩm Linh công bố hay thậm chí số liệu do CIA công bố đi nữa thì trong những năm 1950 Liên Xô vẫn phát triển nhanh hơn bất kì nước nào trên thế giới, trừ Nhật”.

Dĩ nhiên đây là phát triển theo chiều rộng, dựa trên việc bóc lột giai cấp nông dân sau khi tiến hành tập thể hóa. Khi khả năng này đã cạn kiệt (đầu những năm 1960), khoảng cách với phương Tây không còn giảm nữa mà bắt đầu gia tăng. Nhưng chuyện đó xảy ra sau khi Stalin đã chết khá lâu, tên ông ta không bị gắn với thất bại này.

Tuy nhiên, hệ thống quyền lực nằm trong tay một người lại tạo cho người ta cảm giác về một chế độ duy nhất, dù chứa đựng trong lòng nó xu hướng dẫn tới trì trệ và tan rã, có thể thúc đẩy nước Nga phát triển. Chính Alexander Solzhenitsyn, chứ không phải ai khác, đã đặt vào miệng nhân vật (hoàn toàn không phải tiêu cực) của một trong những truyện ngắn của mình những từ sau đây: “Tất cả đều biết rằng chúng ta đã mất một con người Vĩ đại. Nhưng lúc đó Dmitri cũng chưa hiểu hết con người đó Vĩ đại đến mức nào – phải nhiều, nhiều năm sau anh mới nhận ra rằng ông ta đã tạo Đà cho nước Nga bước vào Tương lai. Cái cảm giác này, cảm giác của một cuộc chiến tranh kéo dài rồi sẽ qua đi – nhưng cái Đà này thì vẫn còn và chúng ta đã dùng nó để hoàn thành những chuyện bất khả” [...].

Làm sao giải được bùa mê?

Sự đan xen tốt, xấu một cách tai ác như vậy làm cho người Ba Lan chúng ta bực bội, nhưng nó làm hại người Nga là chính. Mặc dù (lại phải nhắc lại một lần nữa như thế) không phải người Nga nào cũng nhận thức như thế, nhưng nó không cho phép nhân dân nói chung suy nghĩ đúng đắn về quá khứ của mình và điều đó có ảnh hưởng tiêu cực đối với khả năng hòa nhập của nước Nga vào thế giới hiện đại, cũng như có hiệu quả của nhà nước, theo nghĩa rộng của từ này.

“Hàng ngày hãy cầu khẩn các vị thần của mình để cho cái học thuyết ngu dốt đó làm cho người Nga tê liệt”, trong những năm 1980 Tadeusz Konwicki đã viết như thế. “Hãy cám ơn trời đất vì nền nghệ thuật của họ chứa đầy thói vĩ cuồng, còn đầu óc họ thì đầy những ý tưởng rời rạc của những kẻ không tưởng thế kỷ XIX. Hãy tưởng tượng một nước Nga dân chủ và tự do, với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa: chỉ sau vài năm là cái nước Nga như thế sẽ tạo ra một nền nghệ thuật vĩ đại, làm cả thế giới phải quỳ gối. Nước Nga như thế sẽ vượt qua Mỹ về mặt công nghiệp, còn chúng ta thì bị nó hút như máy hút bụi hút ruồi vậy. Nó sẽ nuốt chửng chúng ta trên cơ sở của tính ưu việt của nền văn hóa mà không cần dùng tới xe tăng, không cần những tên phản bội và không cần đầy đi Sibiri”, ông còn viết thêm như thế.

Nếu đúng như thế thì những người ghét Nga có nên lấy làm sung sướng khi người Nga không thể giải thoát khỏi bùa mê của Stalin hay không?... Tôi không phải là người căm thù nước Nga. Tôi muốn họ chia tay với kẻ ăn thịt người này.

Nguyên tác: Stalinizm. Skąd we wspóczesnej Rosji bierze się kult potwora?

Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ: inosmi.ru

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn