Trung lập: quyền lợi dân tộc hay quyền lợi giai cấp?

Tiến sỹ Toán học Nguyễn Ngọc Chu

Trong cuộc sống, một người thường có nhiều bạn. Và trong số nhiều bạn đó, sẽ có bạn rất thân, thân nhất. Nhưng khi ta khẳng định ai cũng là bạn như nhau của ta – trong số đó bao gồm cả kẻ thù của ta, thì điều đó đồng nghĩa với không ai là bạn của ta cả, ngoài một thực tế là ta có kẻ thù.

Chúng ta biết nước ta đang tiến hành một chính sách đối ngoại mà theo cách diễn tả phổ cập là trung lập, là làm bạn với tất cả các nước, là không đi theo hay liên minh với một nước nào cả.

Có người cho đây là một chiến lược khôn ngoan. Nhưng với những ai hiểu biết, thì đó là sai lầm sơ đẳng, sẽ rất nguy hại cho vận mệnh quốc gia, nhất là khi xẩy ra xung đột vũ trang.

Trung lập có phải là trò chơi của nước nhỏ?

Chúng tôi muốn tiếp tục cách tiếp cận dạng tiên đề như trong bài trước (Tái cơ cấu kinh tế: Bổ đề cơ bản), để vạch ra sự sai lầm của chiến lược trung lập của nước ta hiện nay. Trung thành với cách tiếp cận thống nhất, chúng tôi sẽ đặt những câu hỏi mang tính cột sống mà từ đó sẽ suy ra lời giải cho bài toán nêu ra ở trên. Chúng tôi xin nhấn mạnh lần nữa, trong các câu trả lời, chúng tôi chỉ đề cập đến các nguyên nhân chính.

1.Việt Nam có phải là một cường quốc lớn hay không?

Câu trả lời rõ ràng là: Không.

Điều này thì có lẽ tất cả mọi người đều thống nhất.

2. Khi tự cho mình là trung lập, có phải Việt Nam đã tự đặt mình trong vị thế độc lập với

các nước còn lại?

Câu trả lời rõ ràng là: Đúng.

Khi chúng ta nói chúng ta trung lập, có nghĩa là chúng ta không theo ai cả. Khi chúng ta nói chúng ta làm bạn với tất cả và chúng ta không liên minh riêng rẽ với ai, tức là không có ai thân thiết đặc biệt hơn đối với ta. Cho nên khi tuyên bố chúng ta trung lập, không liên minh với ai, chính là chúng ta đã tự đặt mình vào vị thế độc lập, ngang hàng với các cường quốc lớn hay các liên minh khác, tự chúng ta là một cực trên bàn cờ.

3. Khi chúng ta trung lập không liên minh với ai cả, có một cường quốc lớn tấn công nước ta, các nước khác có ai cùng tham chiến bảo vệ ta không?

Câu trả lời dứt khoát là: Không

Rõ ràng các cường quốc lớn sẽ phải rất cân nhắc, sẽ không dám đơn phương tấn công một nước trung lập nếu đó là một nước lớn mạnh. Nhưng một cường quốc lớn có thể sẽ dễ dàng tấn công một nước trung lập nhỏ yếu khác.

4. Các cường quốc lớn có luôn tiến hành những chính sách để họ lớn mạnh hơn và giành ảnh hưởng nhiều hơn đối với các nước nhỏ?

Câu trả lời rõ ràng là: Có.

Từ các phân tích trên, mệnh đề dưới đây sẽ là câu trả lời đúng đắn cho vấn đề đã đặt ra:

Trên bàn cờ quốc tế chỉ có các cường quốc lớn mới đủ năng lực để tự cho mình quyền trung lập, tức là quyền độc lập với các nước khác, quyền tự mình đứng riêng hay dẫn đầu một phe. Các nước nhỏ không đủ năng lực để tự bảo vệ mình trong tư cách của một quốc gia trung lập và sớm hay muộn sẽ bị phụ thuộc nhiều hơn vào một cường quốc lớn. Trò chơi trung lập là trò chơi của các cường quốc lớn, không phải là trò chơi của nước nhỏ.

Đến đây thi bạn đọc có thể thấy rõ đối với một nước nhỏ, việc tiến hành một chiến lược đối ngoại trung lập, làm bạn với tất cả, không liên minh với ai cả, là một sai lầm chiến lược.

Điều này rất nguy hiểm cho vận mệnh quốc gia khi có một nước lớn láng giềng luôn ngang ngược o ép, tìm cách lấn chiếm lãnh thổ, bắt phải phụ thuộc.

Đằng sau sự lạ lùng của chính sách đối ngoại?

Hãy nhìn các cường quốc như Nhật, Đức, Pháp, Anh mà còn phải tự liên minh lại, hay liên minh với một cường quốc lớn như Mỹ, thì thấy chính sách trung lập của nước ta thật lạ lùng đến dường nào!

Ta sẽ đi tìm hiểu sự lạ lùng của chính sách đối ngoại của nước ta.

1. Lãnh đạo nước ta có biết nhà cầm quyềnTrung Quốc không tốt với nước ta không?

Câu trả lời cũng rất rõ ràng: Có.

Không người Việt Nam nào là không biết tâm địa của các nhà cầm quyền Trung Quốc đối với nước ta.

2. Tại sao lãnh đạo nước ta không liên minh với Hoa Kỳ?

Câu trả lời là: Sợ Hoa Kỳ đòi cải cách dân chủ và nhân quyền sẽ dẫn đến chế độ đa đảng.

3. Tại sao lãnh đạo nước ta lại không liên minh với Nga?

Bởi Nga chưa đủ sức mạnh cần thiết để áp đảo Trung Quốc, và Nga có những lợi ích chiến lược với Trung Quốc mà Nga chưa thể hy sinh vì ta.

4. Tại sao biết nhà cầm quyền Trung Quốc không tốt mà lãnh đạo Việt Nam vẫn phải thân với họ?

Câu trả lời cơ bản sẽ như sau:

Một là, Có những người trong lãnh đạo nước ta sợ Trung Quốc, vì có thể Trung Quốc gây ảnh hưởng làm mất ghế lãnh đạo;

Hai là, Muốn dựa vào Trung Quốc để duy trì chế độ một đảng dưới quan niệm lầm tưởng cùng tương đồng ý thức hệ, cùng thể chế một đảng như nhau;

Ba là, Chưa thể liên minh riêng với Nga;

Bốn là, Không dám liên minh với Hoa Kỳ vì sợ mất chế độ một đảng.

5. Trong 3 cường quốc lớn là Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nước nào đang là là mối nguy trực tiếp nhất đối với nước ta?

Câu trả lời là: Trung Quốc.

Như vậy bạn đọc có thể tự rút ra câu lời tại sao lại có sự chọn lựa chính sách đối ngoại lạ lùng như vậy của lãnh đạo nước ta.

Hệ lụy của chính sách trung lập

Như trên đã chỉ ra, chính sách trung lập của lãnh đạo nước ta hiện nay là do mâu thuẫn chính trong nội tâm của họ. Họ muốn bảo vệ thể chế một đảng nên lúng túng không thể lựa chọn liên minh. Nếu đứng trên phương diện lợi ích dân tộc thì câu trả lời đã quá rõ ràng.

Cần thiết phải chỉ ra rằng, tình cảnh “Con kiến mà leo cành đa” hiện nay sẽ dẫn đến những hệ lụy tất yếu sau đây, ảnh hưởng đến an nguy và lợi ích dân tộc.

       

  1. Khi xung đột vũ trang xẩy ra với Trung Quốc, không cường quốc lớn nào hay liên minh nào liều mình bảo vệ nước ta.

  1. Càng tránh xung đột vũ trang, chúng ta càng bị Trung Quốc chèn ép trắng trợn.

  1. Chúng ta phải cam chịu để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa và không dám kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì không có liên minh đủ mạnh hậu thuẫn.

  1. Chúng ta sẽ bị Trung Quốc ngang ngược lấn chiếm khai thác dầu khí trên phần thềm lục địa của chúng ta.

  1. Ngư dân chúng ta sẽ bị Trung Quốc xua đuổi hành hạ.

  2. Chúng ta không thể có biện pháp ngăn chặn hiệu quả và ngày càng trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc.

  1. Kết cục là chúng ta ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc toàn diện về chính trị kinh tế và sẽ mất thêm lãnh thổ cho Trung Quốc.

     

Câu hỏi tại sao?

Khái niệm dân tộc có trước và sẽ trường tồn lâu hơn khái niệm giai cấp. Quyền lợi dân tộc lớn hơn quyền lợi giai cấp.

Vậy tại sao chúng ta phải hy sinh quyền lợi dân tộc để bảo vệ quyền lợi gia cấp?

Yêu nước là yêu dân tộc!

N.N.C.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn