Thấy gì từ một quyết định hợp tình hợp lý

Gió Núi

Tiến trình sự việc

Ngày 8/5/2013, bài viết Nan giải hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất (hệ số K) trên cafeland.vn nêu: “Hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất (hệ số K) đang là một vấn đề nan giải đối với nhiều người khi họ có nhu cần làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều người dân không thể làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do không thể đóng được tiền sử dụng đất quá cao…”.

“Trên thực tế, nếu so sánh với những tỉnh thành khác thì hệ số sử dụng đất (hệ số K) tại TP HCM hiện tại đang ở mức rất cao. Ngay cả tại Hà Nội, hệ số K này chỉ bằng 1,1 đến tối đa 1,8 lần (theo Quyết định số 35/2012/QĐ – UBND). Ở Đà Nẵng, hệ số này chỉ là 1,1 (Quyết định số 20/2012/QĐ-UBND).

Lý giải cho sự chênh lệch này, lãnh đạo UBND thành phố giải thích rằng theo kết quả cuộc khảo sát do Sở Tài chính chủ trì thì giá đất thị trường tại TP.HCM có chênh lệch quá lớn, lên đến 7 – 8 lần so với giá đất do UBND tỉnh quy định. Tuy nhiên, giá đất trên thị trường ở Hà Nội luôn được đánh giá là cao hơn so với TP.HCM. Bảng giá đất do UBND quy định tại Hà Nội cũng không chênh lệch nhiều so với TP.HCM khi so sánh những vị trí tương đương. Vậy thì tại sao hệ số K lại chênh lệch cao đến như vậy?”.

Trước đó, rất nhiều bài viết đã nói về sự bất cập của hệ số K mà UBND thành phố Hồ Chí Minh quy định.

Ngày 15/5/2013, báo Tuổi trẻ đăng bài Bỏ giấy chủ quyền do tiền sử dụng đất quá cao cho biết: “trong cuộc họp gần đây, UBND TP HCM đã quyết định xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ áp dụng giá đất để thu tiền sử dụng đất bằng hai lần giá đất của Nhà nước. Hiện nay, thường trực thành ủy và UBND TP đã yêu cầu Sở Tài chính TP phải báo cáo về tình hình áp dụng giá đất để thu tiền sử dụng đất”.

Ngày 16/5/2013, Văn phòng Thành ủy TP HCM có văn bản thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đối với đề nghị của UBND TP HCM về thu tiền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích ở ngoài hạn mức, và kết luận này cũng đưa ra hướng dẫn thực hiện cho các cơ quan sở ban ngành và cả người dân.

“Trường hợp người dân đã hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất theo mức cũ (theo Quyết định số 28/2012/QĐ-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2012 của UBND TP) và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không áp dụng hồi tố việc điều chỉnh hệ số K như đã nêu trên.

Trường hợp người dân đã lập xong thủ tục nộp tiền sử dụng đất, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng còn ghi nợ tiền sử dụng đất và trường hợp người dân mới nhận được thông báo đã hoàn tất thủ tục kê khai, nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa nộp thì giao Cục thuế TP hướng dẫn UBND các quận, huyện theo hướng hủy hồ sơ ban đầu, thực hiện tính lại theo mức thu mới. Giao cho UBND TP theo dõi chặt chẽ việc triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy”.

Tối 16/5/2013, bà Đào Thị Hương Lan - Giám đốc Sở Tài chính TP - cho biết: cùng ngày, lãnh đạo Thành ủy TP HCM đã họp cho ý kiến, thống nhất chủ trương điều chỉnh hệ số K để tính tiền sử dụng đất (phần diện tích đất ở vượt hạn mức) mà người dân phải nộp khi làm giấy tờ chủ quyền nhà đất.

Ngày 17/5/2013, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM cho biết Sở đang soạn dự thảo quyết định thay thế quyết định 28 của UBND TP HCM về hệ số đóng tiền sử dụng đất theo kết luận mới nhất của lãnh đạo Thành ủy (Tuổi Trẻ ngày 17-5).

Không hợp hiến?

Sự hợp tình hợp lý của việc thay đổi chính sách là đã rõ, nhưng phải đợi đến khi có “chỉ thị của lãnh đạo Đảng” thì mới có sự thay đổi đó. Vậy “chỉ thị của lãnh đạo Đảng” ở đây có hợp hiến không?

– Một quyết định của UBND thành phố được đưa ra, và sau khi bị các báo chí lên án về tính không hợp lý thì không dám ra quyết định thay đổi theo đúng quyền và trách nhiệm của mình mà phải trình xin Thủ tướng (thời điểm nào không biết) và gần đây nhất là trình lãnh đạo Đảng thành phố. Trong khi theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 3/6/2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật  của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân số 31/2004/QH11 ngày 3/12/2004 thì không hề có một quy định nào về việc phải xin Thủ tướng và xin Đảng ủy cùng cấp cho việc ra quyết định, chỉ thị hoặc điều chỉnh quyết định, chỉ thị của UBND.

– Ngay khi có đề nghị của UBND thành phố, lãnh đạo Thành ủy đã ra kết luận, trong kết luận có đưa ra hướng dẫn cho người dân thực hiện theo hệ số mới.

Các câu hỏi được đặt ra ở đây:

1.    Tại sao Ủy ban nhân dân lại không chủ động điều chỉnh đưa ra một quyết định do chính mình ban hành cho hợp với lòng dân - mặc dù luật pháp quy định về thủ tục và quyền được ban hành – mà vấn đề này được đẩy cho Đảng quyết định thay?

2.     Đảng đã làm thay cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đưa ra một quyết định mang tính quy phạm pháp luật – có thể hiểu hơn theo mặc dù luật quy định: “Chương trình xây dựng quyết định, chỉ thị hằng năm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được xây dựng căn cứ vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp” – nhưng đây chỉ là chương trình xây dựng quyết định, chỉ thị hằng năm, không phải là một quyết định chỉ thị cụ thể. Hoặc có thể hiểu rằng việc xây dựng hệ số K là do đường lối chính sách chủ trương của Đảng, nên giờ muốn thay đổi phải hỏi Đảng?

3.     Hiện tại, đây là một quyết định có lợi cho dân, tuy nhiên giả sử có một ngày nào đó, Quốc hội hoặc Chính phủ quy định một luật, chính sách mới, nhưng UBTV Đảng ra một quyết định khác, thì lúc đó, vai trò Quốc hội hoặc Chính phủ theo luật định cũng bằng không?

G.N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

*****

Tham khảo: Luật quy định về quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Luật  Ban hành văn bản quy phạm pháp luật  ban hành ngày 3/6/2008

Điều 21

Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được ban hành theo nội dung, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật  của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân số 31/2004/QH11 ngày 3/12/2004

Điều 35. Lập, thông qua và điều chỉnh chương trình xây dựng quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

1. Chương trình xây dựng quyết định, chỉ thị hằng năm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được xây dựng căn cứ vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Văn phòng Uỷ ban nhân dân chủ trì, phối hợp với cơ quan tư pháp lập dự kiến chương trình xây dựng quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân để trình Uỷ ban nhân dân quyết định tại phiên họp tháng một hằng năm của Uỷ ban nhân dân.

2. Chương trình xây dựng quyết định, chỉ thị phải xác định tên văn bản, thời điểm ban hành, cơ quan soạn thảo văn bản.

3. Trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban nhân dân quyết định điều chỉnh chương trình xây dựng quyết định, chỉ thị.

Điều 38. Thẩm định dự thảo quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

1. Dự thảo quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải được cơ quan tư pháp cùng cấp thẩm định trước khi trình Uỷ ban nhân dân. Chậm nhất là mười lăm ngày trước ngày Uỷ ban nhân dân họp, cơ quan soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo quyết định, chỉ thị đến cơ quan tư pháp để thẩm định.

2. Hồ sơ gửi thẩm định bao gồm:

a) Công văn yêu cầu thẩm định;

b) Tờ trình và dự thảo quyết định, chỉ thị;

c) Bản tổng hợp ý kiến về dự thảo quyết định, chỉ thị;

d) Các tài liệu có liên quan.

3. Phạm vi thẩm định bao gồm:

a) Sự cần thiết ban hành, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo quyết định, chỉ thị;

b) Tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo quyết định, chỉ thị với hệ thống pháp luật;

c) Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.

Cơ quan tư pháp có thể đưa ra ý kiến về tính khả thi của dự thảo quyết định, chỉ thị.

4. Chậm nhất là bảy ngày trước ngày Uỷ ban nhân dân họp, cơ quan tư pháp gửi báo cáo thẩm định đến cơ quan soạn thảo.

Điều 39. Hồ sơ dự thảo quyết định, chỉ thị trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

1. Cơ quan soạn thảo gửi hồ sơ dự thảo quyết định, chỉ thị đến Uỷ ban nhân dân chậm nhất là năm ngày trước ngày Uỷ ban nhân dân họp.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân chỉ đạo việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo quyết định, chỉ thị để chuyển đến các thành viên Uỷ ban nhân dân chậm nhất là ba ngày trước ngày Uỷ ban nhân dân họp. Hồ sơ dự thảo quyết định, chỉ thị bao gồm:

a) Tờ trình và dự thảo quyết định, chỉ thị;

b) Báo cáo thẩm định;

c) Bản tổng hợp ý kiến về dự thảo quyết định, chỉ thị;

d) Các tài liệu có liên quan.

Điều 40. Trình tự xem xét, thông qua dự thảo quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

1. Việc xem xét, thông qua dự thảo quyết định, chỉ thị tại phiên họp Uỷ ban nhân dân được tiến hành theo trình tự sau đây:

a) Đại diện cơ quan soạn thảo trình bày dự thảo quyết định, chỉ thị;

b) Đại diện cơ quan tư pháp trình bày báo cáo thẩm định;

c) Uỷ ban nhân dân thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo quyết định, chỉ thị.

2. Dự thảo quyết định, chỉ thị được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Uỷ ban nhân dân biểu quyết tán thành.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thay mặt Uỷ ban nhân dân ký ban hành quyết định, chỉ thị.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn