Lũ lụt miền Trung: Lãnh đạo và tư duy!

KS Doãn Mạnh Dũng

Đầu năm 1999, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào Tp Hồ Chí Minh họp chúc Tết với đồng hương tỉnh Quảng Nam tại Hội trường Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Tp HCM. Tôi đến để nghe các thông tin về quê hương. Tôi nhớ lúc đó có vị tên là Hạt - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam lên báo cáo về kinh tế tỉnh với nội dung mới: Tỉnh nhà đang có chương trình tiến về phía Tây để mở rộng sản xuất !

Nghe xong, tôi lặng người. Với kiến thức cơ bản, tôi hiểu rừng phía đông dãy Trường Sơn là mái nhà cho người dân miền Trung. Phá rừng nguyên sinh nhiều đang có nhiều tầng, lớp các loại cây; dù có trồng lại, thì rừng chỉ có một tầng cây. Mưa to rừng không có khả năng giữ nước.

Đầu năm nghe, cuối năm 1999, lũ lớn. Nhưng trong đợt lũ trên khi cứu đói tại Thừa Thiên –Huế, một vị tướng lại đưa ra ý tưởng cần đẩy nhanh việc mở đường Hồ Chí Minh để cứu hộ khi có lũ.  Nghe xong tôi hiểu đất nước lại thật sự bước vào hiểm nguy nên tôi tìm gặp ông Lê Ngọc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Giao thông, tôi nói :   

- Con đường Hồ Chí Minh nằm lưng chừng sườn đông dãy Trường Sơn. Vì vậy nó như cái đê ngăn nước từ đỉnh núi xuống đồng bằng ven biển miền Trung. Muốn bảo vệ con đường phải xây rất nhiều cầu, cống. Điều đó ngoài khả năng ngân sách của Việt Nam. Vì vậy con đường Hồ Chí Minh là cái họa cho cả miền Trung, con đường trên sẽ dồn nước tạo ra lũ ống, lũ quét.

Nhưng ông cho biết đó là chủ trương của các vị lãnh đạo có vị trí cao hơn ông nhiều.

Thực tế con đường Hồ Chí Minh đã góp phần đưa gỗ thuận lợi rời các rừng nguyên sinh. Hôm nay mấy ai sử dụng con đường Hồ Chí Minh cho hành trình Bắc –Nam hay Nam – Bắc. Chỉ các nhóm bán gỗ, thầu làm đường và sửa đường thì có lợi.

Việc xây dựng các thủy điện cũng đem lại siêu lợi nhuận từ phá rừng bán gỗ và sau đó là bán điện. Lợi ích của dân trong sử dụng điện có xứng đáng với mùa màng tan nát, cuộc sống thường xuyên bị đe dọa trong mùa mưa lũ không? Gần đây các thủy điện đã gây chết người vì xả nước lúc mưa lũ.

Sự tồn tại các thủy điện là việc đã rồi. Để bảo vệ mạng sống của dân nên thành lập “Hội đồng điều tiết nước các thủy điện” với đại diện của nhân dân vùng hạ lưu. Ở đây phải là đại điện do dân chọn, chứ không phải là quan chức có quyền ký duyệt xây dựng thủy điện. “Hội đồng điều tiết nước các thủy điện” có quyền “bấm nút” điều chỉnh mực nước các lòng hồ trong mùa mưa lũ. Nếu “Hội đồng điều tiết nước các thủy điện” quyết định sai, thì họ chịu trách nhiệm kỷ luật, sự bãi miễn và chọn những người khác. Việc giao cho Doanh nghiệp thủy điện tự giác điều tiết nước trong lòng hồ sẽ là một đại họa, tương tự như “Khuyên mèo đừng đụng vào mâm cỗ”.  

Nhìn lại tất cả các thiên tai mà con người phải gánh chịu, nguyên nhân phần lớn từ con người. Để quản trị xã hội loài người văn minh, sự cân bằng lợi ích giữa các nhóm mang tính quyết định sự ổn định xã hội. Giải pháp của nó phải bắt đầu từ Hiến pháp, trong đó mọi nhóm người hay cá nhân đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền và lợi ích như nhau. Việc giành độc quyền cho nhóm này trên nhóm khác là nguồn gốc sự bất ổn xã hội và tất yếu dẫn đến bạo lực. Vì vậy một Hiến pháp tiến bộ và văn minh là nền tảng cho mọi sự ổn định của xã hội giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên.

D. M. D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN 

clip_image001[4]

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn