SUY NGHĨ VỀ CÔNG THƯ CỦA ÔNG PHẠM VĂN ĐỒNG

Hoàng Mai

Ngày 23.5.2014, trong buổi họp báo quốc tế về Biển Đông(1) phản đối giàn khoan HD-981 của China đặt bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thì Chính phủ Việt Nam mới chính thức đề cập đến “Công thư của cựu Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông Phạm Văn Đồng” (VNDCCH). Mặc dù cách đây khoảng 5 năm, với sự phổ biến của Internet, thì ít nhiều, giới trí thức và giới Blogger Việt Nam đã biết đến công thư này. Như vậy, cũng từ đây, toàn thể Nhân Dân Việt Nam mới biết đến cái công thư mà ông Phạm Văn Đồng đã ký gửi China, là có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa, và đang có tranh chấp với China.

Kể từ hôm China đặt giàn khoan HD-981, qua báo chí của Đảng CSVN, ta nhận thấy quan hệ Việt Nam – China đang xấu đi từng ngày. Và chắc chắn, vào những năm tới đây, China sẽ công bố nhiều hồ sơ liên quan mà lãnh đạo cộng sản cao cấp Việt Nam đã ký với lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản và Nhà nước China, chẳng hạn như là: Hội nghị Thành Đô, Hiệp định thỏa thuận biên giới Việt – Trung…. Bởi vì, như dự đoán của nhiều người, đã có rất nhiều thỏa thuận giữa hai đảng mà ngay cả đến đảng viên thuộc Ban chấp hành Trung ương của từng thời kỳ có liên quan cũng không biết được, huống chi nói đến toàn thể quốc dân, đồng bào.

Đây là lần đầu tiên, Nhà nước Việt Nam công bố và nói về tính không hợp pháp của công thư này (tạm gọi là “công thư Phạm Văn Đồng”). Theo đó, trả lời phóng viên báo Vietnamnet, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới, Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói:

“Xin khẳng định công thư của cố thủ tướng là văn bản ngoại giao. Giá trị pháp lý nằm trong nội dung công thư. Việt Nam tôn trọng vấn đề 12 hải lý nêu trong công thư chứ không đề cập tới Hoàng Sa Trường Sa vì thế đương nhiên không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa. Giá trị công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Công thư gửi Trung Quốc lúc đó Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc quản lý Việt Nam cộng hòa, Trung Quốc chỉ là một bên tham gia. Không thể cho người khác cái gì mà bạn chưa có được. Vì thế công thư không có giá trị chủ quyền với Tây Sa, Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc”.

Đã có rất nhiều bài viết của nhiều học giả khác nhau (người Việt Nam và người nước ngoài) lưu truyền trên mạng Internet nói về tính pháp lý của công thư này. Trong số đó, tôi chú ý đến bài viết mới đây của học giả Trương Nhân Tuấn. Theo đó, hôm 26.5.2014, trên Facebook của mình, ông Trương Nhân Tuấn đã có Thư ngỏ kính gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng, kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong Thư ngỏ có đoạn:

“Điều này thể hiện lên thực tế. Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1973, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhìn nhận sự hiện hữu của hai quốc gia Việt Nam. Khối Tư bản nhìn nhận VNCH là đại diện của nước Việt Nam duy nhất. Khối XHCN công nhận VNDCCH là đại diện nước VN duy nhất. Nước này nhìn nhận phía này thì không nhìn nhận phía kia, hay ngược lại.

Thưa Thủ tướng, thưa Bộ trưởng

Trên tinh thần tôn trọng « độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam » như qui định của các hiệp ước quốc tế này (mà các nước Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp… đồng bảo trợ chúng), bất kỳ các tuyên bố, các hành vi đơn phương của một bên (VNCH hay VNDCCH), nếu có làm tổn hại đến chủ quyền, hay đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chúng đều không có giá trị.

Nhà cầm quyền Trung Quốc viện dẫn công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết nhằm ủng hộ tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của Trung Quốc tháng 9 năm 1958, cho rằng nhà nước VNDCCH đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa (và Trường Sa).

Điều này hiển nhiên không đúng

Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng viết trong khoảng thời gian 1954-1973, vì có liên quan đến chủ quyền và đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần hai Hiệp định 1954 và 1973, do đó không có giá trị pháp lý ràng buộc”. (2).

Để làm rõ thêm những nội dung trên đây của học giả Trương Nhân Tuấn, đồng thời để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và để chứng minh “công thư Phạm Văn Đồng” là phi pháp, vô giá trị, xin có ý kiến như sau:

I. QUAN ĐIỂM CHUNG

1. Lịch sử là những sự kiện xẩy ra trong quá khứ, nó chỉ xẩy ra một lần duy nhất và không lặp lại. Vì vậy, không ai có thể xuyên tạc được lịch sử, và nếu có xuyên tạc, thì cũng không thể giấu được mãi mãi. Do đó, mọi người hãy tôn trọng và hãy chuẩn bị đối mặt với sự thật. Đó cũng là thể hiện sự lương thiện trong tư cách con người, cũng như không để bị chính lịch sử phán xét về sau.

2. Trong cuộc chiến cam go với Bắc Kinh xung quanh chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, thì những gì Bắc Kinh né tránh, thì Việt Nam cần khai thác tối đa.

3. Chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như lợi ích quốc gia là tối thượng. Vì thế, mọi thứ có thể phải hy sinh cho mục tiêu này. Không vì lý do phải bảo vệ bất kỳ một cá nhân nào, một tổ chức nào mà né tránh sự thật làm ảnh hưởng đến lợi ích Đất Nước. Vì suy cho cùng, một thể chế chính trị chỉ tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nhất định, ngay cả Quốc gia, nếu không chống được giặc ngoại xâm thì cũng biến mất, bài học về Bách Việt, Chiêm Thành, Chân Lạp… là những ví dụ liên quan đến người Việt hiện nay.

II. NHỮNG LẬP LUẬN CỤ THỂ

1. Cả hai chính thể VNDCCH và VNCH không phải là Nhà nước hợp pháp.

Sau đây là trích đoạn về nội dung cơ bản của Hiệp định Geneve năm 1954(3):

“… Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự tạm thời. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc; Chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam. Khoản a, điều 14 ghi rõ: "Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy."

Điều 6 Bản Tuyên bố chung ghi rõ: “Đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ.” [15]

Hiệp định Genève không có điều khoản nào quy định chi tiết về thời điểm cũng như cách thức tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam-Bắc Việt Nam. Nhưng Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève ghi rõ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956”.

Từ yêu cầu (nói trên) của Hiệp định Geneve, thì có thể khẳng định: hai “Nhà nước” là VNDCCH và Quốc gia Việt Nam (sau này là VNCH) là hai thể chế tạm thời của một Việt Nam thống nhất. Sự tồn tại của hai Nhà nước tạm thời này (đến ngày 20.9.1977 khi Việt Nam thống nhất có tên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gia nhập LHQ) nằm ngoài những dự đoán theo yêu cầu của Hội nghị Geneve. Và như vậy, cả VNDCCH và VNCH, không đại diện cho một nước Việt Nam thống nhất. Và đúng như khẳng định trong trích dẫn trên đây của học giả Trương Nhân Tuấn.

Thực tế cũng chứng minh rằng, cả hai thực thể VNDCCH và VNCH không được công nhận là thành viên Liên Hợp quốc vào những năm đó.

Một khi không đại diện cho một nước Việt Nam thống nhất, thì mọi tuyên bố, ký kết với nước ngoài về chủ quyền lãnh thổ là vô giá trị. Theo tinh thần đó, Công thư của ông Phạm Văn Đồng gửi China là vô giá trị vì không có tính pháp lý, không đại diện cho Việt Nam thống nhất theo tinh thần Hiệp định Geneve.

Nói một cách khác, VNDCCH không phải là nhà nước hợp pháp đại diện cho Việt Nam, vì vậy, công thư của cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng là không hợp pháp, và vì vậy, không có giá trị pháp lý.

2. Những gì Bắc Kinh “né” không nhắc đến, thì Việt Nam lại càng phải chú ý để làm rõ.

Cũng trên Facebook của mình, ngày 27.5.2014, học giả Trương Nhân Tuấn viết:

“… Nếu để ý, lập luận của TQ từ trước đến nay, hoặc qua các bài nghiên cứu của các học giả TQ, họ luôn cho rằng VNDCCH là « một quốc gia độc lập, có chủ quyền ». Để ý, họ không bao giờ nhắc đến VNCH hay các hiệp định Genève 1954 hay Paris 1973”.

Không cần phải giải thích gì thêm, cùng với sự lập luận ở điểm (1) nói trên, thì nội dung vừa trích dẫn trên đây, người Việt sẽ có thêm những góc nhìn để tự tin trong quá trình đấu tranh đòi lại Hoàng Sa đã bị China xâm lược, cưỡng chiếm bất hợp pháp.

3. Vài suy nghĩ về Hội nghị San Francisco tháng 9/1951

Có thể có người đặt câu hỏi rằng, nếu Quốc gia Việt Nam không phải là hợp pháp, thì phát biểu của Thủ tướng Trần Văn Hữu, liệu có giá trị? Xin trả lời như sau: (4)

“Theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam đã tham dự Hội nghị. Ngày 7-9-1951, phát biểu tại Hội nghị, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Trần Văn Hữu nêu rõ: “Chúng tôi cũng sẽ trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu Hội nghị ghi nhận (chứng nhận)…”). Về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuyên bố của phái đoàn Việt Nam khẳng định: “Và cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

clip_image001

Nguồn ảnh: http://tv.vtc.vn/597-489390/chinh-tri-xa-hoi/trung-quoc-hieu-rat-ro-ho-la-ke-cuop-hoang-sa-truong-sa.htm

Nên nhớ là, trong Hội nghị này có 51 quốc gia tham dự. Chính phủ Quốc gia Việt Nam có vinh dự được Chính phủ Hoa Kỳ mời, cho dù không có tính pháp lý về mặt nhà nước như đã nói trên đi chăng nữa, nhưng những phát biểu trên đây của Thủ tướng Trần Văn Hữu, đại diện cho Quốc gia Việt Nam, và “Lời tuyên bố đó đã được ghi vào biên bản của Hội nghị và trong tất cả 51 phái đoàn tham dự, không có phái đoàn nào phản đối hay bảo lưu với tuyên bố này” (5). Đây là một thời khắc lịch sử vô cùng quan trọng và may mắn của Dân tộc Việt Nam.

III. KẾT LUẬN

Bằng việc công nhận một sự thật lịch sử, rằng: Cả hai chính thể VNDCCH và VNCH không phải là Nhà nước hợp pháp, độc lập, có chủ quyền, người Việt Nam sẽ đơn giản hóa đi rất nhiều trong cuộc chiến pháp lý với Bắc Kinh trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Giả sử có một câu hỏi được đặt ra: “Vậy, VNCDCH và VNCH là gì trong thời gian đến 30.4.1975?”, câu trả lời là: Đây là hai tổ chức khác nhau về quan điểm tranh giành nhau về quyền lực, bên nào thắng thì bên đó sẽ thống nhất quốc gia. Trong thời gian một bên chưa thắng, hoặc chưa thoả thuận để thống nhất quốc gia, thì mọi tuyên bố về đối ngoại của một trong hai bên chỉ là tuyên bố của phe nhóm đó nhằm tìm sự ủng hộ từ bên ngoài mà thôi. Không đại diện cho một Việt Nam Thống nhất mà Hiệp định Geneve yêu cầu.

27.5.2014

H.M

Tác giả gửi BVN

Bài tham khảo:

(1) http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140523/dang-hop-bao-quoc-te-ve-bien-dong.aspx

(2) https://www.facebook.com/notes/nh%C3%A2n-tu%E1%BA%A5n-tr%C6%B0%C6%A1ng/th%C6%B0-m%E1%BB%9F-k%C3%ADnh-g%E1%BB%9Fi-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-nguy%E1%BB%85n-t%E1%BA%A5n-d%C5%A9ng/772584699448541

(3) http://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BB%87p_%C4%91%E1%BB%8Bnh_Gen%C3%A8ve,_1954

(4) http://user.hnue.edu.vn/index.php?page=news&uid=118&news_id=554

(5) http://tv.vtc.vn/597-489390/chinh-tri-xa-hoi/trung-quoc-hieu-rat-ro-ho-la-ke-cuop-hoang-sa-truong-sa.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn