Vài ký ức về ba tôi

(Viết trong những ngày Vu Lan Báo Hiếu tháng 07 năm Giáp Ngọ)

Vũ Trọng Khải

clip_image001

Có lẽ, hầu như mọi người đều có cảm giác hối tiếc, ân hận sau cái chết của cha, mẹ mình. Tại sao lúc cha, mẹ còn sống, mình đã không làm điều này hay điều kia để chăm sóc báo hiếu cha, mẹ mình. Giá mình đã làm điều này thì cha, mẹ mình sẽ vui hơn, hay có thể sống thêm được ít năm tháng nữa cùng con, cháu…! Nhưng lịch sử làm gì có chữ “nếu” hay “giá như”. Thế là, mỗi người chúng ta tiếp tục sống sau khi cha, mẹ qua đời trong niềm hối hận sâu sắc, cho đến khi mình chết và “nhường” lại niềm hối hận ấy cho con cái mình. Phải chăng điều này là muôn thuở? Là như ông bà ta đã dạy “nước mắt chảy xuôi”, “một mẹ nuôi được trăm con, nhưng trăm con không nuôi được một mẹ”…? Để bù lại, người ta lại tìm cách gặp lại cha, mẹ mình bằng cách “gọi hồn”. Người ta thường hỏi hồn cha, mẹ mình rằng cha, mẹ có điều gì buồn lòng vì con, cháu không? Chúng con có thể làm gì bây giờ để cha, mẹ được vui vẻ hạnh phúc hơn ở thế giới bên kia? Hầu như mọi người đều nhận được câu trả lời rằng: Cha, mẹ không có gì buồn phiền về con, cháu và cũng không cần con, cháu phải làm gì cho cha mẹ, ngoài việc cúng giỗ gia tiên, cửu huyền thất tổ cho tử tế!

Riêng tôi, ngoài cảm nghĩ như mọi người, tôi còn một điều ân hận là đã không hỏi ba tôi nhiều điều trong lịch sử hoạt động đầy sóng gió của ông. Đến bây giờ, ngồi nghĩ lại, nhiều vấn đề của gia tộc mình, của cha, mẹ mình mà cuộc đời của họ gắn với sự ra đời và phát triển của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vẫn không được giải đáp thỏa đáng.

Cũng như nhiều người khác, cuộc đời cứ xô đẩy tôi mải miết chạy theo sự nghiệp riêng, đến mức tôi đã không có thời gian để ngồi cùng ba tôi đàm đạo đầy đủ về mọi vấn đề cần thiết, để hiểu ba tôi hơn, hiểu lịch sử nước mình hơn qua quãng thời gian hoạt động của ông.

V.T.K.

Ba kính yêu

Ba chỉ làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp của chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 181 ngày. Trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc hội bầu ra năm 1946, cụ Vũ Đình Hòe, đảng viên Đảng Dân chủ, có bằng cử nhân luật, nhưng lại hành nghề dạy học và làm báo “Thanh Nghị”, là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho đến năm 1960, khi bộ này “bị” hay “được” giải thể. Ba, lúc sinh thời ba có lần kể cho con nghe lý do ba thất cử Nghị viên (đại biểu Quốc hội) trong cuộc bầu cử Nghị viện (Quốc hội) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946. Ba nói rằng, ba không nhận sự giới thiệu và cổ động bầu cử của Mặt trận Việt Minh, mà ra ứng cử tự do, không thuộc đảng phái nào, vì ba rất tin vào uy tín của cá nhân mình trước cử tri Hải Phòng. Sau khi ba thất cử Nghị viên ở Hải Phòng, cụ Hồ Chí Minh có nói với ba rằng, Việt Minh sẽ giới thiệu ba ra ứng cử Nghị viên tại quê nhà Hà Đông trong đợt bầu cử bổ sung. Nhưng ba đã từ chối vì tự ái cá nhân. Do đó, ba không thể tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ chính thức do Nghị viện bầu. Vì theo Hiến pháp 1946, Bộ trưởng trong Chính phủ phải là Nghị viên. Bác Vũ Đình Hòe lại nói với con là, Quốc dân đảng muốn nắm ghế Bộ trưởng Bộ Tư pháp nên đã cho người của họ bôi lên các áp-phích cổ động bầu cử, chuyển tên ứng viên Vũ Trọng Khánh thành Vũ Hồng Khanh, một lãnh tụ gạo cội của Quốc dân đảng. Do vậy ba đã thất cử. Con nghĩ điều bác Hòe nói chỉ là một phần của lý do ba thất cử Nghị viên thôi. Bởi vì người ta có thể thay tên đổi họ các ứng viên trên áp-phích cổ động, chứ không thể làm thế trên phiếu bầu; lý do chủ yếu vẫn là do ba quá tự tin, không để cho Mặt trận Việt Minh giới thiệu và cổ động bầu cử cho ba, như ba đã nói với tôi lúc còn sống. Còn trong hồi ký, ba viết rằng Việt Minh muốn giành ghế Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho Đảng Dân chủ, nhưng ba đã không hiểu ý đồ này, nên đã từ chối lời mời vào Đảng Dân chủ của bác Vũ Đình Hòe và Phan Anh. Điều này có lẽ chỉ xảy ra trong thời kỳ Chính phủ lâm thời mà thôi. Vì Mặt trận Việt Minh muốn có một chính phủ đa đảng để dễ thuyết phục các thành phần khác không nằm trong Mặt trận Việt Minh. Khi đã có Quốc hội (Nghị viện), Hiến pháp 1946 đã qui định Bộ trưởng phải là đại biểu Quốc hội (Nghị viên) nên ba cũng không thể được bầu là thành viên Chính phủ chính thức.

Còn việc soạn thảo Hiến pháp 1946, vai trò của ba thế nào? Trong giai đoạn Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, theo sắc lệnh số 34 ngày 20/09/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ba tiếp kí về việc thành lập Ban soạn thảo Hiến pháp, ba là thành viên duy nhất (trong bảy thành viên) được đào tạo chính qui về luật học và đã có kinh nghiệm hành nghề luật sư được 5 năm. Nhưng khi có Nghị viện, năm 1946, một Ủy ban soạn thảo Hiến pháp do Nghị viện cử ra bao gồm các Nghị viên. Ông Nguyễn Đình Thi, Nghị viên trẻ tuổi nhất (lúc đó ông mới 22 tuổi), tác giả bài ca “Diệt phát xít” nổi tiếng, là người được ban soạn thảo cử ra trình bày trước Nghị viện bản Dự thảo Hiến pháp 1946. Trong giai đoạn này, ba có vai trò gì trong soạn thảo hiếp pháp 1946 nữa không? Con thấy các bản Hiến pháp của các nước văn minh theo tam quyền phân lập thông thường, chỉ có Chủ tịch hay Thủ tướng Chính phủ mới phải là Nghị viên (nghị sĩ Quốc hội), còn các Bộ trưởng trong Chính phủ, nhất thiết không thể là Nghị viên. Điều đó đảm bảo sự phân quyền, trách nhiệm rõ ràng giữa cơ quan lập pháp là Quốc hội (Nghị viện) và hành pháp là Chính phủ để chống lại việc lạm quyền.

Lúc soạn thảo Hiến pháp năm 1946, khi đã có Quốc hội chính thức, ba có ý kiến gì về điều này không? Nếu ba cũng đồng ý thì ba đã rơi vào hoàn cảnh của Tể tướng nước Tần là Thương Ưởng ở bên Tàu cách đây hơn 2000 năm: Kẻ làm ra luật lại bị chính luật ấy trị mình! Còn giữa năm 1946, ba sang Pháp để làm cố vấn pháp lý cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, ba đã làm được gì? Bây giờ, đọc lại tư liệu, con thấy ba đã soạn thảo rất nhiều các sắc lệnh về tư pháp, trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ba tiếp ký. Trong giai đoạn Chính phủ lâm thời, chưa có Nghị viện và Hiến pháp, thì sắc lệnh là hình thức luật lệ cần thiết để quản lý xã hội. Do vậy, người ta vẫn thường nói chỉ trong 181 ngày ngồi trên ghế Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ba đã đặt nền móng cho hệ thống tư pháp của thể chế Dân chủ Cộng hòa của nước Việt Nam. Ba cũng thường nói là trong các sắc lệnh ấy, 4 sắc lệnh quan trọng nhất là:

i. Sắc lệnh về tổ chức đoàn thể luật sư (số 46 ngày 10/10/1945)

ii. Sắc lệnh về quốc tịch Việt Nam (số 53 ngày 20/10/1945)

iii. Sắc lệnh về tổ chức tòa án và ngạch thẩm phán (số 12, ký ngày 24/01/1946)

iv. Sắc lệnh tổ chức toàn án quân sự (số 21, ngày 14/02/1946)

Nhưng con nghĩ, sắc lệnh quan trọng nhất, được đánh giá cao trong thời khắc lịch sử còn đang “trứng nước” của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sắc lệnh số 47 ngày 10/10/1945 về việc “Tạm thời áp dụng luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung, Nam, nếu không trái với những điều thay đổi được ấn định, cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn nước Việt Nam”. Một đất nước, một xã hội của bất kỳ dân tộc nào theo thể chế nhà nước pháp quyền, không thể không có luật pháp, dù chỉ 1 ngày. Còn bác Hòe thì nói: Thà luật xấu còn hơn không có luật.

Con nghĩ 181 ngày này là thời gian “hoành tráng” nhất trong cuộc đời hoạt động của ba với tư cách là một luật gia sắc sảo được đào tạo chính quy, tuy lúc đó ba mới chỉ 33-34 tuổi đời.

Ba, trong đời thường, con vẫn nhớ ba là người cư xử nhẹ nhàng, mềm dẻo, nhưng lập luận chặt chẽ, logic. Trong công việc, bác Vũ Đình Hòe cũng nói vậy. Trong hồi ký của mình, bác Hòe có viết bài: “Vũ Trọng Khánh – ôn hòa khôn khéo bảo vệ chính nghĩa”. Bác Hòe đã viết trong bài này là “ông Lê Giản, Tổng giám đốc công an có nói: “mấy tháng cuối năm 1945, thời gian ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng Tư pháp, quân lính mình (tức cán bộ công an của ông Lê Giản) bắt giam bừa bãi bọn Việt Quốc, Việt Cách (chúng cũng quậy lắm cơ, ỷ vào quân Tàu Tưởng), Vũ Bộ trưởng – nguyên luật sư có khác – khôn khéo, mềm dẻo, tự thân mình giảng giải phải– trái, lợi – hại, bày cho mưu mẹo hợp thức hóa. Nhờ vậy, không những mình làm “được việc”, mà còn học thêm được những bài cơ bản về pháp lý công an tư pháp”.

Ba cư xử mềm dẻo nhưng lý lẽ sắc bén trong mọi tình huống. Nhưng ba lại quá cả nể cả tin vào người đời. Ba nghĩ ai cũng tốt bụng như ba. Dễ tin người, cả nể, nên con nghĩ ba chỉ làm luật sư giỏi, không thể làm chính trị gia được. Đúng không ba? Cũng vì dễ tin người, tin vào xã hội, nên ba đã phó thác con cho nhà trường dạy dỗ. Và ba không hề dạy con tiếng Pháp, tại sao ba? Mặt khác, ba đã giáo dục con tính tự lập, không dựa vào vị thế của ba trong xã hội để giải quyết vấn đề của mình, như chọn ngành học hay đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Con nghĩ, chỉ có 1 lần duy nhất trong đời con buộc phải dựa vào uy tín của ba để giải quyết vấn đề của con. Đó là lần nhờ ba viết thư cho bác Bùi Quang Tạo, Bộ trưởng Bộ Kiến trúc để xin mua vật liệu làm nhà ở làng Mọc Chính Kinh (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), quê mẹ con, trước khi con lấy vợ (năm 1973). Vì thế, sự thành công trong sự nghiệp khoa học của con hầu như do nỗ lực và sự nhạy bén với thực tiễn của bản thân. Con cảm ơn ba. Trong tranh luận học thuật, ba thường rất nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Trong cuộc tranh luận với ông Quang Đạm về tư pháp trong các năm 1948 – 1949, ba đã mở đầu một bài viết như thế này: “Ở đây tôi sẽ trình bày lý lẽ một cách điềm đạm và cụ thể, cố tránh lối văn hùng hồn và trừu tượng, nó chỉ khêu gợi cảm tình mà không làm cho người đọc hiểu được rõ, cũng cố tránh những lời châm biếm, nó chỉ sướng mồm kẻ nói, mất lòng người nghe mà chẳng giúp thêm lý lẽ, cho trí phán đoán của độc giả”. (Báo ST số 115, ngày 10/7/1949). Ông Quang Đạm không thừa nhận quan điểm tam quyền phân lập và tư pháp độc lập với hành pháp. Nhưng sau, ông Quang Đạm đã thấy sự sai lầm của mình và ba đã đúng. Bác Hòe viết trong hồi ký: “Chính ông Quang Đạm, 40 năm sau, đã thừa nhận quan điểm pháp lý của ông lúc ấy, về lý thuyết “có phần giản đơn và siêu hình” (chỉ “về lý thuyết” và chỉ “có phần” thôi nhé, thật là nực cười! - Vũ Trọng Khải); “Còn trên thực tế phát triển cách mạng đã dẫn đến tình trạng “quyền lực của tư pháp cũng như lập pháp, xét cho cùng chỉ là “hữu danh vô thực” và bên trên cả 3 quyền lực (tức là trên cả hành pháp), mọi người nghĩ đến một “siêu quyền lực” quyết định tất cả, là cấp ủy đảng lãnh đạo” và “giới chuyên môn tư pháp cho là ông Quang Đạm đã “sám hối”; còn bác Vũ Đình Hòe coi “đó là sự phục thiện dũng cảm”. Ấy vậy mà trong cuộc chỉnh huấn năm 1953 ở ATK (An toàn khu), ba phải thừa nhận quan điểm của mình khi tranh luận với ông Quang Đạm là sai lầm, do đã thụ hưởng nền giáo dục của thực dân Pháp.

Con thừa hưởng năng khiếu hùng biện, lập luận logic của ba nhưng lại tiếp nhận sự nóng nảy, phản ứng linh hoạt của mẹ. Nên lúc còn trẻ con vẫn bị ba và cả mẹ phê bình là “hấp tấp”. Ở trường, nhất là khi học đại học và ra công tác, con đã tham dự nhiều cuộc tranh luận với những “sắc thái di truyền” từ cả ba và mẹ. Ba, lẽ ra con phải học luật để làm nghề luật sư, nối nghiệp ba và chắc con sẽ thành công ba nhỉ? Vì con ăn nói hùng biện mà. Nhưng lúc ấy (1963), miền Bắc nước ta không có trường luật, hay khoa luật, mà chỉ có trường Cán bộ Tư pháp. Lúc đó miền Bắc cũng không có nghề “luật sư”. Con còn nhớ, có lần ba đi bào chữa ở toà án về, đưa cho mẹ một phong bì tiền thù lao do tòa án thành phố Hải Phòng trả. Mẹ mở phong bì ra chỉ thấy có 20 đồng, liều kêu lên “ông nghiên cứu hồ sơ cả tháng trời mà chỉ được trả công 20 đồng à?”. Thân chủ không được phép trả thù lao cho luật sư bào chữa cho mình. Mà hồi ấy, ba toàn bào chữa cho những người bị oan sai và nghèo túng, nên nhiều khi ba mẹ còn phải giúp đỡ họ ít nhiều. Khi cháu nội đích tôn của ba vào đại học (1992), con muốn nó nối nghiệp ba nên cho đi học luật ở Matxcova (Liên bang Nga). Và ba đã rất hy vọng ở nó, viết thư hướng dẫn nó học luật, đặc biệt chú ý nghiên cứu án lệ. Nhưng thằng Vũ Trọng Minh, cháu nội đích tôn của ông, học luật nhưng lại có năng khiếu đi buôn do thừa hưởng gen của bà ngoại nó. Bây giờ nó là một international trader khá thành công. Trong khi đó, 2 đứa chắt gái ngoại của ông đi theo nghề luật sư của cụ ngoại. Chắt Hồng Trang đang là luật sư tập sự ở thành phố Hồ Chí Minh; chắt Thu Hương đang học năm thứ 4, đại học luật thành phố Hồ Chí Minh. Con có hỏi hai đứa rằng: Trường Luật có dạy tư tưởng tam quyền phân lập của Jean Jacques Rousseau và Montesquieu không thì chúng đều trả lời là không. Con nghĩ học hành như vậy làm sao chúng có thể theo được nghề luật của ba.

Sau đảo chánh Nhật, Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, Hải Phòng rơi vào khoảng trống quyền lực. Ba đã ra nhận làm Đốc lý (Thị trưởng) vì sợ kẻ xấu nắm vị trí này có hại cho đời sống người dân và cho Việt Minh. Ba đã liên hệ với Việt Minh và trao chính quyền Hải Phòng cho Việt Minh ngày 23/08/1945 trong hòa bình. Nhưng trong cuộc chỉnh huấn năm 1953, ba lại bị phê bình và cũng tự nhận khuyết điểm là việc nhận chức đốc lý Hải Phòng chỉ làm tăng uy tín của Chính phủ Trần Trọng Kim, gây khó khăn cho Việt Minh khi giành chính quyền ở Hải Phòng năm 1945.

Không hiểu lúc đó, trong thâm tâm ba nghĩ gì? Một bên là những giáo điều của tổ chức, một bên là những gì thuộc bản chất lương thiện, mềm dẻo và tri thức, tình cảm được tiếp nhận từ văn minh và văn hóa Pháp, ba đã sống thế nào?

Khổ tâm bao giờ cũng làm người ta đau đớn hơn gấp nhiều lần khổ vì thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng ba đã vượt qua, nên chúng con mới có cuộc đời tuy không hơn ai nhưng còn sướng hơn nhiều bạn cùng trang lứa. Con thấy ba quá cẩn trọng trong công việc. Ba lưu trữ hồ sơ công việc rất đầy đủ, tỉ mỉ. Vì thế, bây giờ con mới có cái để đọc và để hiểu thêm về cuộc đời ba.

Trong kháng chiến chống Pháp, cuộc sống rất thiếu thốn, nhưng lúc đó con còn nhỏ, không cảm nhận được. Cho nên giờ đây, đọc lại những suy nghĩ dằn vặt, trằn trọc của ba được ghi chép trong cuốn nhật ký 4 tháng chỉnh huấn ở Việt Bắc năm 1953, con muốn khóc vì thương ba quá chừng. Mẹ thì ốm yếu mà vẫn phải kiếm sống bằng đủ nghề, từ may quần áo cho bà con trong thôn xã, đến làm tương, nuôi dê, gà, trồng rau…, ba thì đi công tác vắng nhà thường xuyên, chỉ hưởng phụ cấp, không có lương. Đời sống chật vật, nhưng trong chỉnh huấn ba cứ phải nhận khuyết điểm là cá nhân, quá lo lắng đến đời sống vật chất của mình và gia đình, gây ảnh hưởng đến việc cống hiến cho công cuộc kháng chiến. Khuyết điểm này là do mình được giáo dục dưới chế độ thực dân, thấm nhuần quan điểm, lối sống tư sản, không thông cảm với đời sống của giới cần lao. Có lần ba kể với con rằng, ba đến thăm anh Huỳnh đang học phổ thông ở Tuyên Quang, thấy anh Huỳnh vừa bị hen nặng vừa đói ăn, người lả đi không còn sức sống. Ba đèo (chở) anh đến tiệm phở, sau khi ăn xong anh mới tỉnh lại. Trong nhật ký chỉnh huấn, ba cứ tự trách bản thân, lên án mình sống theo lối tư sản do nhà trường thực dân giáo dục, cố tìm ra bằng được những khuyết điểm cá nhân chủ nghĩa như ích kỷ, tham ô vặt, để viết cho đủ 4 trang. Ba còn viết thư hỏi mẹ xem ba có khuyết điểm gì không? Không ngờ, mẹ lại còn “giác ngộ” lập trường giai cấp công – nông hơn cả ba. Ba bảo chị Hòa phải đấu tranh đòi quyền lợi thừa kế gia tài nhà chồng, vì luật pháp không phân biệt con bà cả hay con bà hai. Mẹ lại viết thư phê bình ba là của địa chủ (mẹ chồng chị Hòa) phải trả cho nông dân, chứ sao chị Hòa lại có thể nhận thừa kế!! Hay là vì mẹ sợ thư bị kiểm duyệt nên mới viết như vậy?

Ba, con lại đọc được lá thư ông Hoàng Mậu, Phó bí thư, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng viết cho ba về việc ba không được giới thiệu ứng cử HĐND thành phố tháng 4/1961, vì lý do rất mơ hồ: “để tăng thêm đại biểu công nhân và nông dân trong cơ cấu HĐND”. Vì thế, đương nhiên, ba sẽ không còn là phó chủ tịch UBND Hải Phòng khi mới 49 tuổi. Bây giờ ở tuổi 49, cán bộ được coi là trẻ, được “quy hoạch” tạo nguồn cán bộ lãnh đạo. Ba vẫn bình thản, nhận làm mọi việc mà tổ chức phân công, như Phó Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc, Hội trưởng Hội Phổ biến Khoa học Kỹ thuật, Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng. Con nghĩ, với các chức vụ ấy, ba chẳng có nhiều việc hữu ích để làm. Nhưng ba đã tạo ra việc làm hữu ích thiết thực cho xã hội. Đó là áp dụng vận trù học (toán kinh tế hay kinh tế lượng) vào quản lý sản xuất của các xí nghiệp. Quả thực chỉ có ba mới có thể tập hợp được các giáo viên dạy toán ở các trường phổ thông và đại học tại chức Hải Phòng, như cô giáo Đàm Lê Đức, anh Nguyễn Vũ Phong … để áp dụng vận trù học trong quản lý sản xuất ở nhà máy cơ khí Duyên Hải (sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba Nhất) và hợp tác xã nông nghiệp An Thắng ở huyện An Lão do anh Ngô Thanh Phương làm chủ nhiệm.

Cuộc sống thời bao cấp quá khó khăn, khi ở nơi sơ tán, lúc trở về nhà ở thành phố, không hiểu sao ba mẹ vượt qua được, mà con thật vô tình, chẳng giúp gì được. Sau khi nước nhà thống nhất, ba vào Sài Gòn chơi, và đã nảy sinh ra sáng kiến làm nghề xay bột cho trẻ em. Ba mua được mô-tơ điện đem về gắn với máy xay bột do mấy “đệ tử” là công nhân cơ khí chế tạo giúp. Con còn nhớ, điện lúc có lúc không, nên việc xay bột cũng bấp bênh. May nhờ có ông Đoàn Duy Thành (Chủ tịch, rồi Bí thư thành ủy của Hải Phòng) lệnh cho Sở Điện lực “câu” một đường điện ưu tiên cho nhà mình, Ba chỉ dùng cho máy xay bột, còn cả nhà vẫn tối om với ánh sáng đèn dầu. Ba và mẹ thay nhau xay bột, nhiều hôm phải làm đến tận khuya 12 giờ đêm. Hồi ấy mà có công nghiệp thực phẩm như bây giờ chắc ba mẹ mất nghề. Thật khôi hài và kỳ lạ, một vị luật sư “Tây học” đã thành danh, không biết nấu cơm, không biết tiêu tiền, nhưng lại biết và phải biết xay bột cho trẻ em để kiếm sống! Thằng Cao Thiện Tường, bạn cùng học với con hồi phổ thông, lúc đó là trưởng phòng Vật tư, thuộc Ủy ban Kế hoạch Hải Phòng, có kể với con rằng: Ba lên gặp nó xin mua một mô-tơ điện (và mua xi măng làm nhà vệ sinh). Hồi đó, mô-tơ điện và cả xi măng không bán cho cá nhân thu tiền mặt, mà phân phối theo kế hoạch, thanh toán bằng séc, nhưng nó nhận ra ba và tự giới thiệu với ba là bạn học với con. Rồi nó viết và cầm lệnh phân phối mô-tơ điện lên trình ông Trịnh Thái Hưng, Phó Chủ tịch UBND, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Thành phố, ông ấy ký ngay. Khi ba đến cửa hàng mua máy, cô bán hàng ngạc nhiên không hiểu sao lại có trường hợp bán cho cá nhân, thu tiền mặt một loại vật tư quý hiếm, chỉ bán theo kế hoạch phân phối?

Nhớ lại kỷ niệm này, con thấy mình vô tích sự quá, cứ mải mê theo những chuyện đâu đâu. Bây giờ nghĩ lại, con cũng không hiểu rằng ba lại có thể sống trong căn phòng 48m2 không có phòng ngủ riêng và không có cả nhà vệ sinh, bếp riêng. Trong khi đó, trên cương vị Phó chủ tịch UBHC TP phụ trách nhà đất, trong những năm cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, ba hoàn toàn có thể nhận được một căn nhà tiện nghi, như những người lãnh đạo khác cùng thời với ba. Mãi nhiều năm sau, ba mới cải tạo gầm cầu thang vốn là kho để xe đạp, thành nhà vệ sinh dùng riêng, ở ngôi nhà 40 Lạch Tray (Số cũ là 42). Mà lúc ấy, xi măng cũng chỉ phân phối theo kế hoạch. Đích thân ba lại phải lên UBKH thành phố xin mua mấy bao xi măng để xây nhà vệ sinh và thằng Tường bạn học phổ thông với con lại tích cực giúp ba có phiếu mua xi măng. Ba ơi, sao ba giữ mình cẩn thận quá vậy?

Rồi ba tham gia cãi nhiều vụ án, cứu được nhiều dân oan. Con còn nhớ HTX An Thắng, huyện An Lão là điển hình tiêu biểu của ngành nông nghiệp Hải Phòng. Anh Ngô Thanh Phương là chủ nhiệm của hợp tác xã này, rất năng động, nhiệt tình xây dựng nên hợp tác xã, kể cả việc ứng dụng vận trù học trong quản lý sản xuất. Nhưng tai họa đã đến với cuộc sống của anh. Khoảng những năm 70 của thế kỷ 20, xã viên hợp tác xã thiếu đói do mất mùa lúa và do chính sách lương thực của nhà nước lúc đó. Anh Phương vận động bà con gom được 3000 đồng và do quan hệ rộng, anh đã thuê máy bay trực thăng của quân đội, lên Sơn La mua sắn (khoai mì) về cho xã viên. Thế là anh bị bắt giam và kết tội vi phạm chính sách lương thực của nhà nước (nhà nước độc quyền phân phối lương thực, xóa bỏ thị trường tự do về lương thực theo nghị định 84 CP của Chính phủ). Ba đã cãi cho anh được tha bổng. Thấy nhà anh Phương quá nghèo, ba mẹ còn giúp đỡ vật chất cho anh, giúp mấy đứa con của anh Phương ra Hải Phòng học nghề. Rồi anh Phương tự nhận làm con nuôi của ba mẹ. Anh Phương và các con của anh đã làm nhiều việc không tên nhưng lại rất cấp thiết phục vụ cho cuộc sống của ba mẹ, mà đáng lẽ chúng con phải làm. Con rất biết ơn anh ấy. Ba hành nghề luật sư lúc đó không có thù lao từ thân chủ, mà nếu có thì tất cả thân chủ của ba lại quá nghèo. Ba mẹ còn phải giúp đỡ họ, tuy không nhiều, nhưng cũng khiến họ thêm nghị lực để vượt qua lúc hoạn nạn. Con còn nghe nhiều vụ án oan nữa, nhờ ba mà họ được giải oan, như vụ ông Giám đốc Nhà máy Cơ khí kiến thiết HP, thầy giáo Doãn Đông Giao, quyền Hiệu trưởng trường cấp 3 Thái Phiên, thời con là học sinh của trường này, bị nghi tham ô, vụ anh bộ đội phục viên, làm công nhân bốc vác ở Cảng Hải Phòng bị nghi là ăn cắp hàng hóa khi bốc xếp…

Con không hiểu khi phải về “hưu non” ở tuổi 49, ba đã vượt lên nỗi đau bằng nghị lực như thế nào để vẫn say sưa làm việc cống hiến thiết thực cho xã hội. Con thương ba quá. Và cả mẹ nữa. Nếu không có cái máy xay bột cho trẻ em lại được ông Đoàn Duy Thành cấp cho dòng điện ưu tiên, chắc ba mẹ khó có thể vượt qua thời bao cấp. Đổi lại, và trên hết tất cả, ba được sự quí mến, kính trọng của người dân Hải Phòng, kể cả những người không quen. Con còn nhớ, có lần ba đi bộ trên phố Cầu Đất, bị tụt huyết áp, ngất xỉu, một ông đạp xích lô đã chở ba về nhà, không nhận thù lao. Mà trong túi lúc đó chắc ba cũng chẳng có tiền trả công cho người đạp xe xích lô. Rồi đám “đệ tử” hay đến nhà đàm đạo với ba đủ mọi chuyện trên đời. Họ đã tự nguyện chữa máy xay bột, máy bơm nước, xe gắn máy… cho ba, mẹ, mà không nhận thù lao. Trong khi đó, chúng con lại chả giúp gì cho ba, mẹ. Cuộc sống thời bao cấp quá khó khăn, lại ở xa, đó là lý lẽ hay nhất để ngụy biện cho chúng con, ba, mẹ ạ.

Khi chuyển sang kinh tế thị trường, cuộc sống dễ thở hơn, chế độ đãi ngộ của Nhà nước tốt hơn cho ba, thì ba lại ra đi ( 22 tháng 1 năm 1996 tức ngày 3 tháng Chạp, năm Bính Tí), rồi năm sau (ngày 5 tháng 6 năm 1997 tức ngày 1 tháng 5 năm Đinh Sửu) mẹ cũng theo ba.

Không ai làm thay đổi được lịch sử, nhưng người ta đã và sẽ viết nhiều lần về một sự kiện lịch sử. Tuy quê ở làng Cự Đà, Hà Đông, nhưng toàn bộ cuộc đời của ba hầu như gắn với thành phố cảng Hải Phòng từ năm 1938 cho đến tháng 1 năm 1996, trừ những năm 1945, 1946 ba làm việc ở Hà Nội và 8 năm kháng chiến chống Pháp, ba ở Việt Bắc. Chắc chắn những nhà làm sử chân chính, đến một lúc nào đó khi viết về giai đoạn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lâm thời và lịch sử tư pháp Việt Nam (1945 – 1954), về lịch sử Hải Phòng, giai đoạn tiền khởi nghĩa và ngày 23 tháng 8 năm 1945 và từ 1955 cho đến trước khi “đổi mới”, sẽ đánh giá đúng sự cống hiến của ba, khôi phục lại đúng vị trí của ba trong chính sử. Nhưng dù chính sử có viết thế nào, con nghĩ phần thưởng lớn nhất mà ba xứng đáng có được là sự kính trọng của đồng nghiệp, của họ hàng, của người dân Hải Phòng sống cùng thời với ba.

Con viết mấy dòng này trong những ngày Vu Lan Báo Hiếu năm 2014 để tỏ lòng ân hận vì đã không làm được gì để làm giảm khó khăn trong đời sống vật chất và tinh thần của ba mẹ. Con ngàn lần xin lỗi ba mẹ và xin được ba mẹ tha thứ.

clip_image003

Ảnh: Luật sư Vũ Trọng Khánh với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris 1946 V.T.K

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn