TPP: Vuột khỏi tầm tay?

Ls Nguyễn Văn Thân

Tuần trước, các phái đoàn đàm phán của 12 quốc gia thành viên TPP (Trans-Pacific Partnership) đã tụ về Hawaii từ ngày 28 đến 31 tháng 7 tham dự phiên họp cuối chốt lại một vài vấn đề tồn đọng trước khi thỏa thuận TPP được chính thức công bố. Các phái đoàn đàm phán có tới 650 thành viên. Ngoài ra, hơn 150 ký giả quốc tế và hàng trăm đại diện các tổ chức doanh nghiệp, nghiệp đoàn và môi sinh cũng có mặt chờ trông thông báo tin mừng. Nhưng kết quả không theo ý muốn và các phái đoàn thất vọng ra về với tương lai TPP bấp bênh trong những ngày tháng tới. Trong buổi họp báo bế mạc, Michael Froman Trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ cho biết là các phái đoàn đạt được một số điểm đồng thuận nhưng vẫn gặp bế tắc ở một vài khía cạnh then chốt. Các phái đoàn sẽ tiếp tục thảo luận song phương và đa phương nhưng họ chưa có ấn định ngày cho phiên họp kế tiếp.

Như thế thì sớm nhất cũng phải chờ tới cuối năm vì Canada sẽ tổ chức bầu cử trong tháng 10. Theo quy định thì Quốc hội Hoa Kỳ cần ít nhất bốn tháng từ lúc nhận được văn bản hiệp ước trước khi bỏ phiếu phê chuẩn. Có nghĩa là nếu thương thuyết xong thì cũng phải chờ tới gần giữa năm 2016. Đây là lúc mà cuộc tranh cử tổng thống và Quốc hội Hoa Kỳ diễn ra quyết liệt. Tất cả 435 ghế Hạ viện và 34/100 ghế Thượng viện sẽ được bầu lại. Phe chống đối TPP gồm có các tổ chức nghiệp đoàn và bảo vệ môi sinh sẽ có nhiều cơ hội vận động và đặt áp lực chính trị với các ứng cử viên. Có nghĩa là TPP có nguy cơ bị chết yểu. Nếu thế thì công sức bao nhiêu năm đàm phán sau gần một thập niên cùng với việc hoàn tất kế hoạch “xoay trục” về châu Á của Hoa Kỳ sẽ tan thành mây khói. Rõ ràng đây là một thất bại lớn của Tổng thống Obama.

Quá trình hình thành

TPP dự kiến sẽ là một hiệp ước thương mại tự do toàn diện và có tiêu chuẩn cao giữa 12 quốc gia thành viên trong vành đai Á Châu - Thái Bình Dương với năm đặc điểm chính. Thứ nhất, thỏa thuận này nhằm tiến tới mở cửa thị trường và đầu tư toàn diện bằng cách loại bỏ mọi rào cản thuế quan và chướng ngại về vệ sinh hoặc an toàn cho mọi sản phẩm và dịch vụ bao gồm nông sản. Thứ hai, nó sẽ đẩy mạnh và hỗ trợ cho sự phát triển của chuỗi sản xuất đa quốc gia trong nhóm TPP dẫn đến một nền kinh tế khu vực xuyên quốc gia. Thứ ba, các quốc gia thành viên sẽ áp dụng các tiêu chuẩn và điều lệ chung về sở hữu trí tuệ, quy tắc cạnh tranh công bằng và minh bạch, luật bảo vệ người lao động, người tiêu thụ và môi sinh. Thứ tư, TPP sẽ tạo cơ chế ứng phó và khai thác các nền công nghệ mới (ví dụ như cloud computing). Và thứ năm, đây là một thỏa thuận “sống” (living agreement) có cơ chế áp dụng và khai thác các nền công nghệ mới, tân tiến và công nghệ xanh và mở của đón nhận thành viên mới trong khu vực Á Châu - Thái Bình Dương để tăng thêm quyền lợi của tất cả thành viên trong nhóm.

Tiền thân của TPP là TPSEP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership) bắt đầu với ba thành viên khởi xướng là Singapore, Tân Tây Lan và Chile với mục đích là cổ xúy cho mậu dịch tự do trong khu vực Á châu - Thái Bình Dương. Brunei gia nhập vào năm 2005 và hiệp ước TPSEP được ký kết vào năm 2006, được gọi là nhóm P-4. Hoa Kỳ gia nhập trong tháng 3 năm 2008 và mời gọi Úc, Peru và Việt Nam gia nhập đàm phán trong tháng 12 năm 2008.

Cuối năm 2009, Tổng thống Obama quyết định đẩy mạnh TPP để tiến tới một thoả thuận sâu rộng cho toàn khu vực. Với sự đồng ý của các thành viên, Malaysia gia nhập đàm phán trong năm 2010. Tiếp theo đó là Canada và Mexico trong năm 2012 và Nhật Bản trong năm 2013.

Đầu năm 2014, Hàn Quốc tỏ ý định gia nhập nhưng Hoa Kỳ muốn kết thúc vòng đàm phán với 12 quốc gia hiện tại trước khi nhận thêm thành viên mới. 12 quốc gia này cũng là thành viên của Khối APEC và trong tương lai, các quốc gia trong Khối APEC sẽ được ưu tiên cứu xét nhưng cũng có một số quốc gia không nằm trong APEC như Colombia và Costa Rica đã có ý muốn gia nhập.

Có một số người thắc mắc về sự vắng mặt của Trung Quốc, nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới. Trong bài diễn văn ngày 4/11/2013, bà Susan Rice Cố vấn An ninh Quốc gia đã phát biểu là Hoa Kỳ sẵn sàng đón nhận mọi quốc gia gồm có Trung Quốc gia nhập vào vào một hiệp ước kinh tế và cam kết thực hiện trách nhiệm có tiêu chuẩn cao. Trung Quốc muốn gia nhập thỉ phải tuân thủ các điều kiện đã được ấn định dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cởi mở và minh bạch.

Tác động của TPP

Tác động kinh tế của TPP phụ thuộc vào mức độ mở cửa thị trường và tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như cua từng quốc gia thành viên nhưng chắc chắn sẽ là đáng kể. Một khi hoàn tất, TPP bao gồm kinh tế của 12 quốc gia có 800 triệu dân và chiếm 40% GDP toàn cầu. Theo một cuộc nghiên cứu của Peterson Institute for International Economics trong năm 2012 thì tính tới năm 2025, TPP có tiềm năng gia tăng xuất khẩu thêm 440 tỷ và lợi tức của các quốc gia thành viên lên tới 295 tỷ Mỹ kim mỗi năm. Con số lợi tức này có thể tăng lên tới 1,900 tỷ Mỹ kim hàng năm nếu TPP dẫn đến mậu dịch tự do trong toàn khu vực Châu Á Thái Bình Duơng.

Không chỉ về mặt kinh tế mà đối với Hoa Kỳ thì TPP đóng một vai trò chiến lược quan trọng trong kế hoạch xoay trục về châu Á của Tổng Thống Obama. Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter xác nhận là TPP có giá trị “tương đương với một tàu sân bay tại Thái Bình Duơng. Trong TPP có Việt Nam, Malaysia và Brunei là ba quốc gia có liên quan tới tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Trước sụ trỗi dậy mạnh mẽ và thái độ hung hăng của Trung Quốc, TPP cùng với sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương là một điều thiết yếu.

Rào cản thương thuyết

Bản thảo TPP gồm có 29 chương bao gồm các vấn đề như tiếp cận thị trường, đầu tư ngoại quốc, mua sắm chính quyền (government procurement), sở hữu trí tuệ, xuất xứ nguồn, chỉ số minh bạch, chính sách cạnh tranh, luật bảo vệ người lao động, người tiêu thụ và môi sinh, kinh tế điện tử (e-commerce), doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tòa trọng tài giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên và giữa quốc gia và các công ty doanh nghiệp (state investor arbitration).

Khác với Hiệp ước Thương mại WTO khi các thành viên sử dụng “danh sách cộng” (positive list) chỉ định sản phẩm hoặc dịch vụ nào được trao đổi tự do, TPP sử dụng “danh sách trừ” (negative list). Có nghĩa là các thành viên đưa ra một danh sách loại trừ một số sản phẩm cụ thể từ thị trường tự do. Cái nào không nằm trong danh sách thì được tự do nhập khẩu. Hình thức này có tính bao phủ và toàn diện hơn. Thị trường của tất cả mọi sản phẩm và dịch vụ đều được mở cửa trừ khi nằm trong danh sách.

Rốt cuộc rồi cũng là ba kỹ nghệ truyền thống đã đánh bại các nhà đàm phán. Đó là thị trường nông sản, ô tô và dược phẩm. Hoa Kỳ muốn thời hạn 12 năm bảo vệ bản quyền của dược phẩm sinh học (biologics) viện dẫn lý do tốn kém trong việc sáng chế và thử nghiệm. Úc và các quốc gia khác chỉ đồng ý thời hạn 5 năm. Canada không chịu mở cửa thị trường bơ sữa. Trong khi đó, Mỹ chỉ đồng ý mở cửa thị trường đường cho Úc và bơ sữa cho New Zealand nếu Canada chịu mở cửa thị trường của họ. Nhật Bản đồng ý nới lỏng thị trường thịt bò và thịt heo nhưng quyết đóng chặt thị trường lúa gạo. Nhật cũng muốn nới lỏng điều lệ xuất xứ vì mua nhiều phụ tùng ô tô từ Thái Lan, không phải thành viên TPP. Mỹ cũng muốn ngăn cản tình trạng một số công ty cứ nộp đơn kiện bừa dưới hệ thống tòa trọng tài giữa doanh nghiệp và nhà nước. Ví dụ như công ty sản xuất thuốc lá Philip Morris đã đệ đơn kiện Úc vì chính sách bao thuốc lá đơn giản (tobacco plain packaging).

Trung Quốc sẽ theo dõi kỹ diễn tiến trong những ngày sắp tới. Trung Quốc đang thương lượng Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện RECP (Regional Comprehensive Economic Partnership) với 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng với Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu từ tháng 11 năm 2012. Tới nay đã trải qua 8 vòng đàm phán. Vòng đàm phán thứ 9 dự trù sẽ diễn ra tại Myanmar trong đầu tháng 8 và vòng 10 tại Hàn Quốc trong tháng 10. RECP xuất phát từ ASEAN và lấy ASEAN làm trọng tâm. Đáng lẽ ra nếu như Trung Quốc không có những bước ngoại giao quá tồi ở Biển Đông thì RECP có tiềm năng cạnh tranh với TPP của Mỹ. Nhưng Hoa Kỳ đã lỡ mất cơ hội vì không kết thúc được TPP tại Hawaii. Sẽ không không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc gia tăng hoạt động ngoại giao và có những dấu hiệu nhượng bộ tại Biển Đông trong những ngày tháng gần sắp tới đây. Chắc chắn là TPP đang dẫn đầu nhưng nếu Hoa Kỳ không thận trọng thì RECP có thể về đích trước.

N. V. T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn