Biển Đông - Từ sự ngụy tạo chủ quyền đến vai trò của công pháp quốc tế

Hoàng Việt (Thạc sĩ-Đại học Luật TP.HCM)

clip_image002

Hội thảo biển đông lần 7 diễn ra trong hai ngày 23-24.11.2015 tại Vũng Tàu, khi những sự kiện liên quan đến Biển Đông vẫn  đang diễn ra dồn dập, có lúc âm thầm nhưng cũng nhiều khi làm sôi sục dư luận.

Ba vấn đề cơ bản được nhiều người quan tâm trong hội thảo, đó là vấn đề xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc (TQ) thông qua việc bồi lấp, phá huỷ các rạn san hô cũng như việc hải quân Hoa Kỳ tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo này; và cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông khiến cho Philippines kiện TQ trước Toà trọng tài quốc tế (PCA) tại Hà Lan.

Ngụy tạo chủ quyền

Trước đó, từ ngày 21-22.11 tại Malaysia, trước thềm Hội nghị cấp cao Đông Á, các đại biểu tham dự hội nghị, có cả nước chủ nhà đã chỉ trích TQ vi phạm luật pháp quốc tế vì những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông.

TQ đã tiến hành một chiến dịch xây dựng đảo nhân tạo ở 7 điểm thuộc quần đảo Trường Sa trong năm qua. Những đảo này phục vụ hai mục đích. Thứ nhất, hỗ trợ việc triển khai các hoạt động dân sự và quân sự ở khu vực này, và thứ hai là để có thể tuyên bố vùng biển chủ quyền xung quanh những đảo nhân tạo này bất cứ khi nào họ muốn. Điều đó có thể làm gián đoạn quyền tự do hàng hải (FON) ở trung tâm của Biển Đông, tạo ra cái mà Đô đốc Harry B. Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, gọi là “Vạn lý trường thành cát”.

Theo luật quốc tế, bao gồm Công ước luật biển 1982, TQ không thể đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các đảo nhân tạo, và đương nhiên, các đảo nhân tạo này sẽ không thể có vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh.

Washington lập luận rằng các đảo TQ đã xây dựng lên ở Biển Đông không được quyền có lãnh hải như lãnh thổ theo luật pháp quốc tế bởi vì chúng thường bị chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên. Và vì vậy, phía Mỹ hoàn toàn có quyền tuần tra trong khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo này, bởi vì luật quốc tế không hạn chế vấn đề đó.

Gần đây, Mỹ đã cho tàu khu trục Lassen thực hiện việc tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của đá Subi. Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc đã có những mô tả trái ngược nhau về hoạt động của Lassen. Một quan chức Mỹ đã mô tả hoạt động này với Reuters như là một hoạt động “đi qua vô hại” (innocent passage) vào thời điểm đó nhưng sau đó nói rằng đó là một sai lầm. Ngày 4.11, người phát ngôn Lầu Năm Góc Đại úy Jeff Davis cho biết cuộc tuần tra không phải là một sự “đi qua vô hại” nhưng đã từ chối xác định lại một cách công khai lập trưởng đó hoặc diễn giải thêm.

Sự việc này có tính chất rất quan trọng bởi vì cơ chế qua lại vô hại theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) quy định cụ thể là cách 12 hải lý lãnh hải của một quốc gia. Điều này cho phép các tàu chiến đi vào lãnh hải đó mà không cần thông báo trước nhưng trong điều kiện hạn chế, có nghĩa là việc di chuyển đó phải nhanh chóng và liên tục; tàu chiến, máy bay không được sử dụng vũ khí hay có những hành động can thiệp vào hệ thống thông tin liên lạc cũng như các thiết bị khác của các quốc gia ven biển.

Có nhiều giả định cho rằng bãi đá Subi, một thực thể dưới nước được Trung Quốc bồi đắp và xây dựng với quy mô lớn, đã được Mỹ lựa chọn có chủ ý để thực hiện tự do hàng hải nhằm chứng minh trên cơ sở pháp lý rõ ràng rằng Mỹ không công nhận yêu sách của Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với các vùng nước xung quanh các thực thể nhân tạo; đồng thời cũng để chứng minh giá trị của tự do hàng hải là các tàu chiến có thể thực hiện “một loạt hoạt động bình thường” trên biển như diễn tập, sử dụng các cảm biến tích cực và thụ động, và thậm chí cả hoạt động của máy bay trực thăng. Rõ ràng, tự do hàng hải và quyền qua lại vô hại có những điều kiện hoàn toàn khác nhau.

Thực tế, việc chứng minh tự do hàng hải của Mỹ có thể chịu tác dụng ngược rất nguy hiểm nếu Bắc Kinh đi đến kết luận rằng hành vi qua lại vô hại đó của Mỹ là phù hợp với thông lệ quốc tế và vô tình thừa nhận tính hợp pháp của một vùng lãnh hải xung quanh bãi đá Subi cũng như các thực thể ngập nước hay thủy triều thấp khác mà TQ đang kiểm soát ở quần đảo Trường Sa. Cho đến nay các quan chức TQ vẫn mơ hồ, ảo tưởng về bản chất tuyên bố chủ quyền vô lý của nước này trong bối cảnh Mỹ thực hiện chiến dịch tự do hàng hải và quyết định thụ án vụ kiện của Philippines tại Tòa án Trọng tài Thường trực có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) nhằm thách thức những yêu sách quá đáng của TQ ở Biển Đông. Tuy nhiên, TQ đã phớt lờ và phản ứng bóng gió dựa trên các "quyền lịch sử" và đường lưỡi bò.

Chính vì lẽ đó, Thượng nghị sĩ McCain đã kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter làm rõ liệu tàu Lassen có ý định thách thức những tuyên bố của TQ ở mức nào và liệu tàu này có hoạt động theo quy định “đi qua vô hại” hay không. “Đi qua vô hại” xảy ra khi một chiếc tàu nhanh chóng đi qua vùng lãnh hải của nước khác, và chỉ có thể diễn ra ở vùng biển thuộc nước khác.

Trong phiên thảo luận về vấn đề pháp lý trong hội thảo, các học giả đã tranh luận rất nhiều về các vấn đề này.

“Quyền lịch sử” không có ý nghĩa pháp lý

Các học giả TQ vẫn kiên trì bảo vệ cho cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò của họ. Và luận điểm pháp lý mà họ dựa vào vẫn là “quyền lịch sử” vốn bị chỉ trích và gần như đã bị loại bỏ trong Công ước luật biển 1982. Ngày 24.11, tại phiên điều trần thứ hai của Toà trọng tài quốc tế, Philippines đã kịch liệt phản đối các luận điểm vô lý này của phía TQ về quyền "lịch sử" cũng như đường lưỡi bò của phía TQ.

Trước đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Indonesia Armanatha Nasir đã xác định với giới báo chí tại Jakarta rằng lập trường của Indonesia vào lúc này rất rõ: “Không công nhận đường chín đoạn (của TQ trên Biển Đông) vì nó không phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã đề nghị TQ làm rõ ý của họ và họ có ý gì với đường chín đoạn. Điều đó chưa được TQ làm sáng tỏ”.

Vậy mục tiêu thật sự của TQ ở biển Đông là gì?

Nếu Trung Quốc tìm cách thiết lập “chủ quyền không thể tranh cãi” trong “đường 9 đoạn”, thì dường như họ đang thúc đẩy theo ba bước. Thứ nhất, thiết lập và bình thường hóa việc chiếm đóng, sử dụng và bảo vệ khu vực này một cách toàn diện. Tiếp theo, Bắc Kinh yêu cầu các nước khác thừa nhận nguyên trạng mới. Cuối cùng, TQ muốn các bên tranh chấp khác rút lại tuyên bố chủ quyền tranh chấp của mình và thừa nhận tuyên bố “đường 9 đoạn” của TQ thông qua các thỏa thuận song phương trực tiếp. Việc không áp dụng luật pháp quốc tế hay tiền lệ khác sẽ giúp các thỏa thuận song phương này có thể hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền của TQ.

Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc không dễ gì mà đạt được, phán quyết đầu tiên từ Toà trọng tài đã tạo những tia hy vọng cho việc sử dụng biện pháp pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp, vốn bị bế tắc bấy lâu nay. Và qua phiên điều trần lần thứ hai này, khả năng Toà bác bỏ đường lưỡi bò là rất lớn. Nếu vậy, tham vọng của TQ trên biển Đông sẽ bị ngăn chặn.

H.V.

Nguồn:

http://motthegioi.vn/chuyen-hang-ngay/bien-dong-tu-su-nguy-tao-chu-quyen-den-vai-tro-cua-cong-phap-quoc-te-260358.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn