Điện hạt nhân, phải cân nhắc kỹ

Vũ Ngọc Hoàng
Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

Đã có dự án nhà máy đầu tiên, hiện đang thẩm định. Tuy nhiên, việc thống nhất vẫn không cao, kể cả trong cán bộ quản lý, và nhất là giới nghiên cứu. Theo tôi, cần phải cân nhắc thêm, kỹ hơn nữa, cân nhắc lại. Chuyện hệ trọng, phải cân nhắc đi cân nhắc lại nhiều lần, cũng là việc bình thường.

Nước ta phải công nghiệp hóa, nhất định rồi! Muốn công nghiệp hóa phải có nhiều điện, đúng vậy. Nhưng giải quyết điện bằng cách nào thì phải cân nhắc kỹ. Đây là việc rất quan trọng. Xuất phát từ động cơ chính đáng là cần phải có điện để công nghiệp hóa đất nước, với sự tham mưu của một số cơ quan liên quan, lãnh đạo nước ta đã thống nhất chủ trương sẽ phát triển lần lượt nhiều nhà máy điện hạt nhân (theo chiến lược năng lượng thì có tới hàng chục nhà máy).

Đã có dự án nhà máy đầu tiên, hiện đang thẩm định. Tuy nhiên, việc thống nhất vẫn không cao, kể cả trong cán bộ quản lý, và nhất là giới nghiên cứu. Theo tôi, cần phải cân nhắc thêm, kỹ hơn nữa, cân nhắc lại. Chuyện hệ trọng, phải cân nhắc đi cân nhắc lại nhiều lần, cũng là việc bình thường. Không cân nhắc cho thật kỹ mới là không bình thường!

Theo dự tính lúc đầu nhà máy đầu tiên phải đầu tư hơn 10 tỷ USD, gần đây nghe nói dự án đã tăng lên gần 14 tỷ USD. Tiền đầu tư rất nhiều, trong khi nước ta không có vốn, nợ công lại quá lớn mà nguy cơ vỡ nợ không phải là không có. Lại nữa, sau này, khi cần phải bỏ đi, thì cũng phải tốn tiền bằng số vốn đầu tư cho nhà máy mới. Khi tính đầu tư bằng vốn nhà nước thường không tính chi phí tháo dỡ sau này, mà số ấy rất lớn, làm tăng gấp đôi số vốn. Một nhà máy có công suất khoảng 2.300 MW mà mức đầu tư như vậy có đắt không? Một số nước ở Châu Âu đã ước tính suất đầu tư khoảng 3 triệu USD/1MW (như vậy một nhà máy có công suất 2.300MW sẽ tốn khoảng gần 7 tỷ USD).

Cứ cho là suất đầu tư ấy cũ rồi, lạc hậu rồi, bây giờ cần phải nhiều tiền như vậy mới bảo đảm chất lượng. Nhưng thôi, mỗi dự án có thể có điều kiện khác nhau, không nói đắt rẻ, không nói chuyện tiền nhiều tiền ít nữa. Nói sang chuyện khác vậy. Câu hỏi đặt ra là, dù người ta cho không (chứ không phải tốn mười mấy tỷ USD), thì có nên mang một quả bom nguyên tử khổng lồ về đặt trong nhà mình không?

clip_image002

Nhà máy điện hạt nhân (ảnh minh hoạ).

Khi một nhà máy điện hạt nhân như vậy bị sự cố nghiêm trọng thì phóng xạ của nó có thể lan ra với bán kính một nghìn cây số, cơ bản sẽ phủ phóng xạ phần lớn nước ta, kể cả một phần đáng kể của hai nước anh em Lào và Camphuchia nữa. Mà có ai đảm bảo nó sẽ an toàn tuyệt đối đâu. Trong khi người Việt Nam ta tính kỷ luật và kỹ thuật (để chơi với loại này), đều yếu kém. Ấy là chưa nói động đất, sóng thần, sự nứt gãy của vỏ trái đất. Sự cố nhà máy điện hạt nhân Tréc -nô-bưng (Liên Xô cũ) đã để lại nhiều di chứng rất nghiêm trọng. Nhiều người bị nhiễm phóng xạ đã chết rất đáng sợ. Trẻ em sinh ra bị quái thai nhiều. Thỉnh thoảng lại phải gia cố tiếp lớp vỏ để đảm bảo an toàn, tốn nhiều trăm triệu đô, thậm chí đến hàng tỷ USD.

Chất thải của nhà máy điện (các thanh nhiên liệu thải ra) cho đến nay khoa học vẫn chưa có cách xử lý, nó tiếp tục phóng xạ, không biết để đâu, người ta đem chôn như một kho bom nổ chậm nằm chờ đó, hàng nghìn năm sau vẫn còn nguy hiểm phóng xạ. Khu vực gần nhà máy rồi người ta cũng không dám làm du lịch. Mà du lịch đang là ngành “công nghiệp lớn nhất thế giới”, nước ta lại có lợi thế lớn ở lĩnh vực này, nhất là Miền Trung. Nhưng rồi Miền Trung sẽ bị đánh mất tiềm năng du lịch. Nước làm nguội thải ra biển sẽ làm thay đổi môi trường, gây nguy hiểm cho các loài sinh vật… Có người nói vì an ninh năng lượng nên phải làm! Tôi lại nghĩ khác, an ninh cho dân tộc quan trọng hơn an ninh năng lượng. Đây là vấn đề con người, và cuộc sống của con người!

Lại còn ảnh hưởng đến độc lâp dân tộc nữa. Ta không tự mình làm được, làm với nước nào thì lệ thuộc nước đó, cả đầu vào và đầu ra, cả kỹ thuật và tài chính. Có ý kiến nói rằng, ta làm với nhiều nước khác nhau nên không lệ thuộc nước nào. Không phải vậy! Làm với nhiều nước thì ta lệ thuộc cùng lúc nhiều nước.

Còn quốc phòng thì sao? Lại thêm những mục tiêu phải được bảo vệ rất cẩn trọng, đề phòng kể cả khủng bố. Một ngày nào đó có người dọa ta rằng, nếu Việt Nam không nghe họ thì hãy coi chừng các nhà máy điện hạt nhân…mà ta chưa có khả năng bắn chặn tên lửa. Tất nhiên họ không nói trắng trợn vì sợ dư luận thế giới, nhưng vẫn có cách nói khác “tế nhị” để ta vừa đủ hiểu. Họ nói chứ không làm thì ta cũng đủ mệt lắm rồi. Còn nếu ai đó nghĩ rằng có điện hạt nhân thì sau đó sẽ có thêm điều kiện để bảo vệ đất nước là một ý nghĩ “không thông minh” một chút nào!

Đấy, tốn nhiều tiền để đầu tư và mang về nhiều hiểm họa. Tất nhiên là có điện để công nghiệp hóa. Nhưng vẫn có thể có điện bằng cách khác. Trước hết phải có biện pháp triệt để tiết kiệm điện. Nước ta hao phí điện trên đường truyền khá lớn, nếu tiết kiệm tốt khoản này có thể bằng vài nhà máy điện lớn. Tiếp theo là tiết kiệm trong sử dụng. Ta mở điều hòa nhiều quá, lúc không sử dụng cũng mở, lúc nhiệt độ đã thấp đến mức phải mặc ấm cũng để điều hòa. Rồi là chuyện để đèn thắp sáng cả đêm ở nhiều chỗ chưa cần…

Tiết kiệm điện lớn nhất là có cơ cấu kinh tế hợp lý và hiệu quả, ít tiêu hao năng lượng. Nếu ta cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sản xuất thép để bán cho thế giới thì vừa bị môi trường, vừa tốn rất nhiều điện, mà điện bao cấp, để rồi bị thiếu điện, phải tốn rất nhiều tiền để làm nhà máy điện hạt nhân (?) Trong khi đó, nếu “cả nước” sản xuất công nghiệp phần mềm thì tốn điện rất ít, hiệu quả cao. Còn nữa là xử dụng công nghệ tiến tiến, các thiết bị tiết kiệm năng lượng…

Thế giới có gần một trăm nước dù không có điện hạt nhân nhưng đã phát triển hơn ta. Nên không thể nói không có điện hạt nhân thì không phát triển được. Nước ta trên bờ Thái Bình Dương, nhiều gió; ở phía nam bán cầu, nhiều nắng. Đó là chưa kể những nguồn năng lượng khác cần nghiên cứu sử dụng như dòng hải lưu gần bờ biển….

Đức là nước công nghiệp, nhu cầu sử dụng điện rất lớn, trước đây đã xây trên mười nhà máy điện hạt nhân, đã hoạt động và cung cấp nhiều điện cho quốc gia. Nhưng đến nay người ta đã bỏ cơ bản xong tất cả các nhà máy điện, và họ thay vào đó bằng điện gió và điện mặt trời (có loại kính lấy nhiệt mặt trời và loại pin giữ điện tốt, kỹ thuật mới, hiệu quả cao). Tôi nghĩ Việt Nam ta chắc có nắng nhiều hơn nước Đức. Ở Đức người ta đã tạo ra 1 MW điện sức gió với giá đầu tư 2 triệu USD. Với mức đó thì 2300 MW (như công suất của nhà máy điện hạt nhân ta định làm) sẽ tốn 4,6 tỷ USD. Trong khi đó nhà máy của ta thì phải gần 14 tỷ USD?

Có ý kiến nói nếu bỏ hoặc dừng dự án thì sợ ảnh hưởng đến ngoại giao. Tôi không lo điều ấy, ngoại giao cũng không có mục đích tự thân, hơn nữa, nếu trình bày rõ thì bạn bè sẽ thông cảm. Ngoài ra, tôi có biết một thông tin nữa là đối tác chính làm dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam hiện nay hết sức khó khăn, đang trên đường phá sản. Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra lại thông tin. Với lý do trực tiếp này, cơ quan có thẩm quyền nên có quyết định dừng dự án này lại. Không chuyện gì mà phải cố níu kéo dự án ấy.

Trong câu chuyện nhà máy điện hạt nhân này cần phải tính lại, nghĩ lại, và kể cả cảnh giác nhiều thứ lắm!

V.N.H.

Nguồn: http://dantri.com.vn/kinh-doanh/dien-hat-nhan-phai-can-nhac-ky-20151230213229301.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn