Ai sẽ đứng ra chống lại Trung Quốc trong năm này? (Liên minh Mỹ-Nhật không thể một mình làm việc đó)

John Hemmings,

The National Interest, 12 tháng Ba 2016

Trần Ngọc Cư dịch

… liên minh Mỹ-Nhật không còn có cách nào để chặn đứng việc Trung Quốc tiếp tục chiến lược hiện nay ở Biển Đông. Tuy nhiên, liên minh này có thể làm suy giảm quyền lực mềm, uy tín và tính hợp pháp của Trung Quốc một cách thích đáng, trong khu vực cũng như trên toàn cầu…

clip_image002

Việc Biển Đông cộm lên như một vùng quan tâm chủ yếu của liên minh Mỹ-Nhật, mà mức độ nghiêm trọng có lẽ chỉ đứng sau hiểm họa hạt nhân tại Bán đảo Triều Tiên, là một trong những xu thế chính trong bốn năm qua. Biển Hoa Đông, một thời là mối quan tâm nghiêm trọng, đã lùi vào hậu trường khi Trung Quốc -- dưới sự chỉ đạo của Tập Cận Bình -- chuyển hướng tập trung vào việc giành thế bá quyền trong Đường Chín Đoạn. Mùa Xuân tới, vụ kiện của Philippines về tính hợp pháp của đường biên giới trên biển của Trung Quốc sẽ được quyết định bởi Toà án Trọng tài Thường trực tại La Hay. Vì có nhiều quan điểm khác nhau và vì những nhược điểm nội tại trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, phán quyết của Toà án La Hay có thể có lợi cho Manila.

Điều mà những nhà quản lý liên minh Mỹ-Nhật phải suy nghĩ chín chắn là một phán quyết như vậy sẽ mang lại những hậu quả nào. Hiển nhiên là, một phán quyết như vậy sẽ không thay đổi hay đẩy lùi được đại chiến lược của Trung Quốc (China’s grand strategy) trong Biển Hoa Nam [Biển Đông]. Người ta cho rằng Tập Cận Bình cổ vũ mạnh mẽ chiến lược này, cũng như nhiều thành phần khác nhau trong quân đội, trong các công ty năng lượng nhà nước và các công nghiệp thủy sản. Nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc đã bắn tiếng là họ sẽ không bị ràng buộc bởi bất cứ phán quyết nào.

Nhưng dù sao đi nữa, phán quyết của Toà án La Hay sẽ tạo ra một tình thế hoàn toàn mới trong đó tính hợp pháp trong chiến lược vùng của Trung Quốc (China’s regional strategy) sẽ bị thách đố trên cấp độ toàn cầu. Trung Quốc sẽ phản ứng lại một phán quyết như vậy bằng cách nào? Trung Quốc sẽ phản ứng làm sao khi chiến lược của mình bị coi là “phi pháp”? Nhiều quan chức tại Washington tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách tuyên bố thêm một Khu Nhận diện Phòng không (ADIZ) nữa, đi đôi với Khu đã thiết lập trong Biển Hoa Đông. Trên Tạp chí National Interest, Harry Kazianis từng tranh luận rằng một Khu Nhận diện Phòng không của Trung Quốc trong Biển Hoa Nam [Biển Đông] chỉ là một vấn đề thời gian mà thôi. Một số người, như học giả Feng Zhang của Trung Quốc, cố tranh luận rằng Trung Quốc chỉ thiết lập Khu Nhận diện Phòng không để phản ứng lại các hành động khiêu khích, cương quyết đẩy trách nhiệm cho các nước khác. Một số học giả khác như Prashanth Parameswaran thì tranh luận rằng trên thực tế Khu Nhận diện Phòng không tại Biển Đông đang được thiết lập thông qua việc Trung Quốc xây dựng các đường băng tại Trường Sa và đặt các hệ thống tên lửa tại Hoàng Sa.

Bất luận phải đối diện với hậu quả nào đi nữa, điều thiết yếu là liên minh Mỹ-Nhật phải bắt đầu hình thành một chính sách chung đối với một nước cờ như vậy của Trung Quốc, bằng cách vận dụng Cơ chế Phối hợp Liên minh (Alliance Coordination Mechanism) mới thành lập. Bất cứ phản ứng nào đối với Trung Quốc cũng phải mang tính chiến lược, tạo ảnh hưởng chính trị và kinh tế. Trước tiên, phản ứng chiến lược cụ thể nhất là Hải quân hay Không quân Hoa Kỳ phải bất chấp tuyên bố của Trung Quốc, tức khắc cho máy bay bay qua Khu Nhận diện Phòng không của Trung Quốc. Mặc dù có thể bị coi là có hành vi lấn tới, nhưng nếu Nhật Bản cân nhắc làm một điều tương tự, thì đó sẽ là một bước tiến ngoạn mục. Washignton và Tokyo thậm chí có thể thuyết phục Canberra bất chấp Khu Nhận diện Phòng không của Trung Quốc. Cả Nhật Bản và Australia đều có máy bay tuần tra. Với điều kiện được hậu thuẫn đầy đủ từ phía Philippines, những nước này có thể cho máy bay tuần tra AP-3C Orion và Kawasaki P-1 xuất phát từ Philippines, nhờ đó tạo ra một nỗ lực gồm bốn quốc gia. Đã quá lâu rồi, các nước thường lo sợ sẽ đẩy Trung Quốc vào thế chân tường bằng các hành động đa phương. Nỗi lo sợ này đã cản trở mọi nỗ lực hợp lý để thay đổi hành vi của Trung Quốc.

Vụ kiện của Philippines và bất cứ hành động leo thang song hành nào của Trung Quốc đều mang lại cho liên minh Mỹ-Nhật một vận hội ngoại giao tuyệt vời, cả trong khu vực lẫn với những đối tác thương mại của Trung Quốc tại châu Âu. Việc Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của các quốc gia khác đã đi ngược lại những qui phạm khu vực (regional norms), và việc Trung Quốc ngầm đe dọa dùng vũ lực đã chống lại thái độ của các nước trong khu vực muốn giải quyết vấn đề. Chứng minh các hành vi của Trung Quốc là mâu thuẫn với luật pháp quốc sẽ làm giảm uy tín của nước này trên một số phương diện. Trong khu vực, các nhà ngoại giao Mỹ, Nhật, Philippine và Australia phải tường trình với các quốc gia thành viên của khối ASEAN về các điểm phức tạp của vụ kiện trước khi phán quyết được đưa ra, đồng thời khuyến khích một quan điểm chung về pháp lý. Các nhà quản lý liên minh Mỹ-Nhật không nên tự lừa dối chính mình. Đây không phải chuyện dễ, vì có nhiều quốc gia đang chia sẻ một số khía cạnh trong đường lối của Trung Quốc đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuy nhiên, trong việc bác bỏ Đường chín đoạn, phán quyết này có sức đoàn kết các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông về một điều mà họ không thể chấp nhận.

Nếu đạt được một đồng thuận ngoại giao sẽ là chuyện khó, thì hiển nhiên, việc phát triển các chính sách chung có thể là bắc một chiếc cầu quá xa. Nhưng, đạt được một đồng thuận trong khu vực thì sẽ là lần đầu tiên đẩy được Trung Quốc lùi một bước qua một thời gian dài. Đã quá lâu, Philippines đứng đầu sóng gió trong mặt trận ngoại giao và pháp lý này. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ phải đưa vấn đề này lên chương trình nghị sự của bất cứ cuộc họp nào diễn ra với các quốc gia ASEAN, và hẳn nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter phải thúc đẩy một sự quán triệt chung về vấn đề này ở Hội nghị song phương Mỹ-ASEAN tổ chức tại Hawaii vào tháng Mười.

Các nhà ngoại giao Nhật Bản, Mỹ, Philippine và Australia phải mang thông điệp này đến tận các hành lang quyền lực châu Âu. Đã quá lâu, các nhà làm chính sách châu Âu mất đi sự gắn bó với các vấn đề toàn cầu và châu Á, do tác động của cuộc khủng hoảng lâu dài tại Trung Đông và việc Nga cố giành lại một số lãnh thổ của Liên Xô cũ. Sự thể vụ kiện của Philippine đang được xem xét tại Toà án Trọng tài Thường trực La Hay là một vận hội ngoại giao quan trọng. Phán quyết đang thực sự diễn ra ngay tại sân sau của Liên Âu và các tổ chức và định chế phụ thuộc của nó. Hơn nữa, Toà án La Hay, cùng với tính hợp pháp, tính chính đáng, và vị trí của nó trong hệ thống dựa vào luật lệ hiện nay tiêu biểu cho tất cả những gì tốt đẹp nhất của các cơ chế giải quyết tranh chấp bằng đường lối hòa bình của châu Âu. Những điều này cần được cổ vũ để phán quyết nói trên không còn là một “vấn đề châu Á”, không còn là một vấn đề “Mỹ-Trung”, mà là một tranh luận về tương lai của trật tự toàn cầu. Đấy là một cuộc thảo luận mà mọi phía phải được đại diện.

Hẳn nhiên, việc bị các đối tác châu Âu của họ [Mỹ, Nhật, Úc, Phi] chỉ trích sẽ không làm cho Trung Quốc thôi xâm lấn, nhưng nó sẽ ảnh hưởng lên nhận thức của giới lãnh đạo châu Âu, đặc biệt trong lãnh vực an ninh và chính sách. Cho đến nay, Trung Quốc có tiếng tăm khá tốt tại châu Âu. Việc Trung Quốc bán phá giá thép năm ngoái, kết hợp với việc họ coi thường phán quyết của một định chế pháp lý quan trọng đặt trụ sở tại châu Âu, sẽ có ảnh hưởng bất lợi cho Bắc Kinh vào năm mà Liên Âu phải quyết định có nên ban địa vị kinh tế thị trường cho Trung Quốc hay không, như được qui định trong các điều kiện gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Việc này cũng có thể giảm bớt nhiệt tình của một số trong những chính trị gia châu Âu chỉ thấy Trung Quốc trong ánh sáng quá lạc quan. George Osborne, bộ trưởng tài chính Anh và rất có thể trở thành thủ tướng, lâu nay vẫn cổ vũ một quan hệ thương mại vững mạnh với Bắc Kinh, có xu thế theo đuổi những chính sách lạc quan đối với Trung Quốc của những năm 1990.

Nói như thế, có nghĩa là, nếu muốn tránh chiến tranh, liên minh Mỹ-Nhật không còn có cách nào để chặn đứng việc Trung Quốc tiếp tục chiến lược hiện nay ở Biển Đông. Tuy nhiên, liên minh này có thể làm suy giảm quyền lực mềm, uy tín và tính hợp pháp của Trung Quốc một cách thích đáng, trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Khó nói được việc này sẽ ảnh hưởng lên những tính toán của Trung Quốc đến mức độ nào, nhưng ít ra nó cũng tạo cơ hội để buộc Trung Quốc phải trả giá. Hơn nữa, nó sẽ đẩy một giải pháp ngoại giao đa phương gần với hiện thực thêm một bước bằng cách đưa ra cho các bên khác nhau -- trừ Trung Quốc -- một viễn tượng hoạt động chung. Mặc dù việc này không có vẽ nhiều nhặn cho lắm, nhưng sự đoàn kết sẽ mang ý nghĩa của một thay đổi lớn trong chiều hướng đi tới.

John Hemming là một nhà nghiên cứu bán thời gian (adjunct fellow) tại Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Pacific Forum CSIS) và đang làm luận án tiến sĩ tại Trường Kinh tế Luân Đôn (London School of Economics), nơi ông đang nghiên cứu chiến lược liên minh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.

J.H.

Dịch giả gửi BVN hồi 2016-03-13 21:26 GMT+07:00

Nguồn: http://nationalinterest.org/feature/who-will-stand-china-year-15473

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn