Cuộc hành trình về Đông của Ấn Độ

LS Nguyễn Văn Thân

Chính sách Hướng Đông (Look East) của Ấn Độ đã bắt đầu dưới thời chính quyền Narasimha Rao từ thập niên 1990 trong bối cảnh kinh tề và chính trị Ấn Độ trên đường xuống dốc. Cuộc chiến vùng Vịnh 1991 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Ấn Độ dẫn đến tình trạng suy thoái và khủng hoảng cán cân thanh toán mậu dịch vào giữa năm 1991. Thêm vào đó, sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết để lại một khoảng trống về mặt chiến lược khi Ấn Độ áp dụng lập trường trung lập. Sự kiện Trung Quốc mở cửa tiếp nhận kinh tế thị trường có nghĩa là Ấn Độ sẽ bị thua xa nếu không có nỗ lực tìm đến thị trường mới trong khu vực Đông Nam Á trong khi một vài tiểu bang ở Đông Bắc Ấn Độ đang trong tình trạng bất ổn. 4 tiểu bang  Đông Bắc Ấn Độ có chung đường biên giới dài 1643 km với Miến Điện có thể làm cầu nối với châu Á. Tất cả những yếu tố này thúc đây Ấn Độ hướng về phương Đông và nhất là tới các quốc gia thành viên trong khối ASEAN.

Sau hai thập niên tiến hành chính sách Hướng Đông, Ấn Độ mở rộng chính sách này vào năm 2003 nhắm tới các nước ở Thái Bình Dương và Đông Á như Úc và Nhật Bản bao gồm quan hệ kinh tế, an ninh và chiến lược. Giao thương giữa Ấn Độ với Bắc và Đông Nam Á hiện nay chiếm 1/4 tổng số và cao hơn so với giao thương Ấn - Mỹ hoặc Ấn - Liên Âu. Trung Quốc đang là quốc gia đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Giao thương giữa hai nước tăng vọt từ 7 tỷ Mỹ kim vào năm 2003 - 2004 tới 65 tỷ vào năm 2013 -2014. Cũng trong một thập niên này, giao thương giữa Ấn và ASEAN tăng từ 13 tỷ lên tới 74 tỷ còn cao hơn cả thương mại hai chiều với Trung Quốc.

Về mặt chiến lược, thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đẩy các quốc gia trong vùng như Việt Nam và Nhật Bản tìm đến Ấn Độ đóng vai trò đối trọng cân bằng quyền lực trong khu vực. Với hơn 55% giá trị hàng hóa giao thương quốc tế đi qua eo biển Malacca, Ấn Độ không muốn nhìn thấy tuyến đường hàng hải giao thương bị đối thủ chiến lược Trung Quốc độc quyền kiểm soát.

Sau chiến thắng vẻ vang vào năm 2014, chính quyền của Thủ Tướng Narendra Modi quyết định đẩy mạnh hơn nữa chính sách Hướng Đông thành "Hành Đông" (Act East) được công bố tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Ấn Độ - ASEAN ở Miến Điện vào tháng 11 năm 2014. Thủ tướng Modi gửi một thông điệp rõ ràng là sẵn sàng đóng một vai trò chiến lược tích cực trong quan hệ ngoại giao với các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á đặc biệt là với Nhật Bản và Việt Nam.

Quan hệ Ấn - Trung

Chính sách ngoại giao "xoay trục" về phương Đông của Ấn Độ một phần lớn là để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã gia tăng hoạt động đáng kể trong vùng Ấn Độ Dương qua việc siết chặt quan hệ với Pakistan, Sri Lanka và Maldives. Mặc dù Trung Quốc lập luận là họ có quyền lợi chính đáng với 70% số lượng dầu hỏa và 80% hàng hóa di chuyển ngang khu vực này nhưng thái độ hung hăng và độc đoán của Trung Quốc cùng với sự tranh chấp biên giới giữa hai nước làm Ấn Độ lo ngại về ý đồ của Trung Quốc là muốn bao vây và cô lập Ấn Độ với các nước láng giềng. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Ấn Độ, số lượng binh sĩ Trung Quốc vượt qua biên giới tranh chấp tăng lên gấp đôi từ năm 2011 tới 2012 và tiếp tục gia tăng trong năm 2014. Trong quá khứ, Ấn Độ rất thận trọng và không muốn bị cáo buộc là tìm cách kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc can thiệp vào vùng ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc cũng như không chính thức lên tiếng phản đối thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Quan điểm e dè này dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng đề nghị Đối thoại An ninh Tứ giác của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Nhưng từ khi nhậm chức, Thủ tướng Modi đã cổ xúy cho một lập trường cứng rắn hơn. Trong một buổi mít tinh vận động tranh cử tại khu vực tranh chấp Arunachal Pradesh, Modi công khai chỉ trích tư duy "bành trướng" của Trung Quốc. Modi lặp lại quan điểm này trong cuộc viếng thăm Nhật Bản vào tháng 9 năm 2014 và ám chỉ Trung Quốc vẫn nuôi dưỡng tư tưởng xâm lăng từ thế kỷ 18 lấn chiếm đất đai lãnh thổ và lãnh hải của các quốc gia lân cận. Sau đó, Ngoại trưởng Sushma Swaraj nhiều lần nói rõ quan điểm "một Trung Quốc" của Ấn Độ phụ thuộc vào điều kiện là Trung Quốc công nhận "một Ấn độ" và Aranuchal Pradesh là lãnh thổ của Ấn Độ.

Theo các cuộc thăm do dân ý, có tới 83% dân số Ấn tin rằng Trung Quốc là mối đe dọa an ninh cho Ấn Độ trong một thập niên tới. Tuy nhiên, 63% cũng mong quan hệ Ấn - Trung sẽ được cải thiện nhiều hơn. Từ khi chính quyền Modi nhậm chức vào tháng 5 năm 2014 đã có nhiều chuyến viếng thăm hai chiều của các viên chức cao cấp. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là một trong những vị khách đầu tiên đến thăm tân chính phủ Modi vào tháng 6 năm 2014. Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm vào tháng 9 năm 2014 và cam kết đầu tư 20 tỷ Mỹ  vào các ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng của Ấn Độ. Dù đạt được một vài thành quả về kinh tế nhưng chỉ vài ngày trước khi Tập tới Ấn, lính Trung Quốc lại vượi biên giới tiến sâu 5km vào lãnh thổ Ấn Độ và chỉ rút lui sau 10 ngày thương thuyết.

Tóm lại, quan hệ Ấn - Trung bao gồm các yếu tố hợp tác và cạnh tranh và Thủ Tướng Modi đã không ngần ngại nêu thẳng vấn đề với Tập Cận Bình là những sự cố tưởng chừng nhỏ bé có thể tác động lớn đến quan hệ hai nước như "một cái răng sâu có thể làm tê liệt nguyên cả cơ thể". Chỉ vài ngày trước khi đón tiếp Tập Cận Bình, Modi cũng đã điều quân tới vùng biên giới cho Tập biết chớ có chơi trò rung cây nhát khỉ. Đáp lại, trước khi Tập tới thủ đô New Delhi thì Trung Quốc cũng nắn gân Ấn độ bằng cách đưa tàu ngầm vào Colombo thủ đô của Sri Lanka gửi tín hiệu là Trung Quốc có thể thi triển sức mạnh từ đất liền và biển gần Ấn độ.

Quan hệ Ấn - Nhật

Là một quốc gia hàng hải tân tiến nhất ở châu Á, Nhật Bản đương nhiên trở thành một đối tác hấp dẫn trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Nhưng về mặt kinh tế thì giao thương giữa hai nước chỉ trị giá 16 tỷ Mỹ kim trong năm 2013 -2014, một con số rất thấp so với giao thương giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Ấn Độ là nước đầu tiên nhận viện trợ ODA của Nhật Bản vào năm 1958 và vẫn đang là quốc gia nhận nhiều ODA nhất từ Nhật Bản. ODA của Nhật đã giúp Ấn Độ xây dựng những cơ sở hạ tầng thiết yếu như Delhi Metro và các khu vực hành lang công nghiệp như Delhi - Mumbai Industrial Corridor và Chennai-Bangalore Industrial Corridor. Vào tháng 11 năm 2014, Công ty Japan International Co-Operation Agency thắng thầu dự án xây dượng đường sá dài 2000km dọc theo biên giới của Ấn Độ với Trung Trung Quốc. Kỹ thuật và đầu tư của Nhật sẽ giúp Ấn Độ phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất. Ngược lại, thị trường tiêu thụ với 1.2 tỷ dân của Ấn Độ có thể là cứu cánh cho nền kinh tế èo uột của Nhật Bản.

Tuy nhiên, yếu tố chiến lược là quan trọng nhất. Thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và dọc theo biên giới Ladakh giữa Ấn Độ và Trung Quốc là động cơ kết nối và thúc đẩy quan hệ Ấn - Nhật chặt chẽ hơn. Cả hai quốc gia không vướng bận hành trang quá khứ gì với nhau. Hai vị Thủ tướng Modi và Abe lại có mối quan hệ cá nhân thân thiện và gần gũi. Quan hệ hai nước dựa trên lợi ích tương đồng và tương quan hàng hải thiết yếu. Vào tháng 9 năm 2014, Modi và Abe đã ký Bản Ghi Nhớ về Hợp tác và Trao đổi trong lãnh vực Quốc phòng (Memorandum of Co-operation and Exchanges in the Field of Defence) tại Tokyo đẩy mạnh quan hệ quân sự giữa hai nước cùng với những trận diễn tập chung thường xuyên hàng năm và sự tham gia của Nhật Bản vào các trận diễn tập Exercise Malabar với Ấn Độ và Hoa Kỳ. Cùng lúc, Nhật đã nới lỏng luật xuất khẩu vũ khí hầu thoả mãn nhu cầu vũ khí của Ấn Độ bắt đầu với máy bay lội nước ShinMaywa US-2.

Quan hệ Ấn - Việt

Quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam có tầm vóc quan trọng nhất tại Đông Nam Á. Việt Nam ngày càng bị áp lực nặng nề của Trung Quốc tại Biển Đông và đương nhiên trở thành đối tác của Ấn Độ trong chiến lược cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Quan hệ Ấn - Việt được nâng cấp thành đối tác chiến lược vào năm 2007 và được đẩy mạnh hơn nữa sau khi Thủ Tướng Modi nhậm chức. Cả Ngoại trưởng Sushma Swaraj và Tổng thống Pranab Mukherjee đều đã chính thức viếng thăm Việt Nam vào tháng 8 và 9 năm 2014 và Thủ tướng Modi đã nhận lời mời của cựu Thủ tTướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Việt Nam khi ông Dũng công du Ấn Độ vào tháng 10 năm 2014.

Giao thương kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam còn rất thấp trị giá khoảng 8 tỷ Mỹ kim trong năm 2013 - 2014. Việt Nam đứng thứ 29 trong danh sách thương mại song phương của Ấn Độ. Nhưng giao thương giữa hai nước đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm vừa qua. Các công ty Ấn Độ đã tiến hành đầu tư vào thăm dò dầu khí và ga, khoáng sản, đường, hóa chất nông nghiệp và công nghệ thông tin với tổng số vốn đăng ký lên tới 252 triệu Mỹ kim qua 73 dự án trong năm 2013. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều sử dụng vũ khí đa số do Nga chế tạo nên hai nước có nhiều điều kiện hợp tác và huấn luyện chung với nhau. Trong năm 2011, Hải Quân Ấn Độ cho Việt Nam mượn phương tiện huấn luyện và đổi lại, Việt Nam cho phép tàu Ấn cặp bến tại Nha Trang.

Một điểm quan trọng là hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Vào tháng 10 năm 2011, hãng dầu khí quốc gia ONGC Videsh của Ấn Độ ký hợp đồng thăm dò dầu khí với Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc phản đối nhưng ONGC Videsh vẫn tiến hành khai thác hai lô dầu 127 và 128. Trong chuyến viếng thăm Ấn Độ của ông Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 10 năm 2014, ONGC Videsh và PetroVietnam đã ký thêm hợp đồng hợp tác thăm dò dầu khí với một vài lô khác. 

Trung Quốc luôn nghi ngại về quan hệ ngày càng mật thiết giữa Ấn Độ và Việt Nam vì có thể Ấn Độ sẽ bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Pranab Mukherjee vào tháng 9 năm 2014, Ấn Độ công bố cấp khoản tín dụng 100 triệu Mỹ kim và thảo luận về việc bán tên lửa siêu thanh Brahmos cho Việt Nam. Nếu chuyến giao dịch này tiến tới thì Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam gia tăng khả năng phòng thủ từ các cuộc tấn công trên biển của Trung Quốc.

Tóm lại, như Nhật Bản, Phi Luật Tân và Việt Nam, Ấn Độ cũng có tranh chấp lãnh thổ hoặc lãnh hải với Trung Quốc và chính sách ngoại giao Hướng Đông của Ấn Độ căn bản là để đối phó với sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc. Chính phủ Ấn Độ từ khi Thủ tướng Modi nhậm chức đã đẩy mạnh chính sách này thành Hành Động bằng cách thắt chặt quan hệ với Nhật Bản, Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo báo cáo của CNN thì ông Paul Ryan Chủ tịch Quốc hội Hoa Kỳ đã gửi lời mời Thủ tướng Modi phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ trong tháng 6 này. Ấn Độ, Nhật Bản, Phi Luật Tân và Việt Nam đều phải đối phó với đối thủ chung là Trung Quốc nhưng chỉ có Việt Nam là bị ràng buộc bởi ý thức hệ cộng sản với Trung Quốc với phương châm 4 tốt và 16 chữ vàng. Cho nên trong trận chiến đối đầu an ninh, chiến lược và chủ quyền chống lại dã tâm bành trướng của Trung Quốc tại châu Á thì chỉ có Việt Nam là dễ dàng bị người cộng sản đàn anh từ phương Bắc chèn ép và đè bẹp. Việt Nam đã mất chủ quyền lãnh hải ở Hoàng Sa và một phần ở Trường Sa. Nếu không sớm từ bỏ ý thức hệ cộng sản để tạo điều kiện cho mọi người dân trong và ngoài nước tham gia, đóng góp, xây dựng và phát triển đất nước thì chắc chắn là sẽ mất luôn hết chủ quyền còn lại ở Trường Sa.

N.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn