Hãy tìm mẫu số chung giữa hai cách nhìn tưởng chừng trái ngược về cái chết của người lính hiện nay

1. Vụ máy bay Su30 rơi: Vài điều suy nghĩ về việc "đặc cách"

Lã Yên

Tác giả gửi tới Dân luận

Năm ngoái tôi có hai người bạn mất vì bệnh, một làm công an, hàm tá, một làm giáo viên dạy học, cả hai mới ngoài bốn mươi tuổi và đều để lại cho đời vợ trẻ, con thơ, mẹ già. Gia đình người bạn làm công an con cái được nhà nước trợ cấp nuôi dưỡng đến khi 18 tuổi, các chi phí trị bệnh tuy tốn kém nhưng được nhà nước đài thọ, ngoài ra còn có một khoản tiền hưởng theo chế độ nên cuộc sống gia đình không gặp khó khăn. Trong khi đó gia đình người bạn giáo viên thì hoàn toàn ngược lại. Người vợ trẻ ngoài nuôi hai đứa con nhỏ còn phải lo món nợ vay trị bệnh cho chồng trước đó.

Nói về câu chuyện này, để cho chúng ta thấy rằng, những người làm trong lực lượng vũ trang có chế độ đãi ngộ rất cao, xứng đáng với tính chất công việc của họ chứ đừng lầm tưởng rằng họ phải sống nghèo khổ như báo chí viết. Cái thời một gạch hai sao không bằng một sào tăng sản đã qua, giờ đây muốn có một công việc trong lực lượng này không dễ, nói thẳng ra chạy tiền mới vào được.

Cho nên khi báo nhà nước viết về gia cảnh phi công Trần Quang Khải, nào là lương thấp, nhà cấp 4, ước mơ xây bố mẹ căn nhà, vợ chưa có việc làm ổn định, hành trang anh để lại... tôi không tin đó là sự thật vì tôi quá rõ những người phục vụ trong lực lượng vũ trang, hàm tá trở lên không ai nghèo, khổ cả. Nếu không tin mọi người tự tìm hiểu sẽ biết. Cho nên đây chỉ là chiêu trò lợi dụng cảm xúc để báo chí định hướng dư luận, những kẻ viết bài thừa hiểu chuyện nhưng vẫn cố nhỏ giọt nước mắt dối trá. Chính vì vậy nên khi đọc những dòng chia sẻ cảm xúc của ca sĩ Cao Thái Sơn tôi không bất ngờ: "Cái Tết vừa rồi cũng là cái tết cuối cùng anh em mình và cả gia đình ăn lẩu uống rượu vang đỏ trên nhà anh ở quận 4 đó, anh còn khoe mua thêm căn nhà nữa" (http://vietq.vn 18/06/2016). Nhà ai ở quận 4 (Sài Gòn)? mua thêm có nghĩa là trước đó đã có nhà?

Còn việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và ban ngành liên quan tuyển dụng đặc cách vợ phi công Trần Quang Khải vào ngành giáo dục, cụ thể dạy ở trường Dương Văn An. Rõ ràng đây là việc làm cảm tính, không phân biệt chuyện công tư, và quan trọng là không dựa vào điều luật nào cả. Việc này ban đầu tưởng hay nhưng hóa dở, nó sẽ khiến nhiều người không phục, không công bằng, nó giống như một sự ban ơn, sẽ tạo một tiền lệ không tốt. Một câu hỏi được đặt ra là, vậy người thân của những phi công hi sinh trên chiếc Casa có được đặc cách gì không? Rồi những người lính khác hi sinh trong khi làm nhiệm vụ sẽ thế nào? Hay như những ngư dân "cột mốc sống bảo vệ chủ quyền" bị bắn chết trên biển ai tiếc thương họ? ai vinh danh họ? ai trợ giúp gia đình họ?

Cô giáo Trần Thị Mỹ Hà - Tổ trưởng tổ văn trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang trở thành nạn nhân của báo chí nhà nước khi đưa ra quan điểm: "Giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, Ku Tây không thích điều này". Lợi dụng tâm lý cảm xúc số đông, báo chí nhà nước lại tiếp tục định hướng dư luận, mở ra cuộc đấu tố giống như trường hợp nhà báo Mai Phan Lợi. Không lẽ việc thích hay không thích một ai, một chính sách, một quyết định cũng bị xem là có tội?

Cách đây hơn một năm, hai chiếc máy bay Su22 bị rơi ở Bình Thuận trong lúc huấn luyện, hai phi công thiệt mạng, nhưng đâu thấy báo chí viết nhiều như thế này, cũng không ai viết về gia cảnh của hai phi công, cũng không ai làm thơ, cũng không có đặc cách, hay tặng nhà, nhận con nuôi. Hai phi công trở về quê mẹ trên hai túi xách không phủ cờ.

Đối với đất nước sự cống hiến nào không vinh quang, câu chuyện của vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Nụ (Đông Anh - Hà Nội), người từng được mệnh danh là cô gái vàng của thể thao Việt Nam. Một tuổi trẻ cống hiến, mang vinh quang về cho đất nước. Nhưng cuộc sống hiện tại của cô ra sao. Sẽ không ai cầm được nước mắt khi biết về cuộc sống hiện tại của cô, bị chấn thương, không có tiền mổ, tại nơi làm việc bị phân biệt đối xử, với mọi người nơi cô làm việc, cô như không tồn tại. Ngậm ngùi, chua chát cô phải thốt lên rằng: "Tôi đã có một tuổi trẻ không nên có, phải không?" (Thanhnien.vn 8/3/2016)

Đồng ý rằng, mọi sự hi sinh vì đất nước đều đáng trân trọng, Tổ quốc sẽ ghi công. Nhà nước cũng đã có những chính sách đối với sự hi sinh đó. Một nhà nước pháp quyền thì công tư phải phân minh, vậy nên không cần thiết phải ưu tiên, hay đặc cách này nọ. Từ trước tới nay việc cộng điểm cho gia đình có công với cách mạng khi thi đại học, ưu tiên con em trong ngành khi xin việc, dựa vào ký lịch để xét đề bạt... đã gây biết bao hệ lụy cho xã hội. Có lẽ đã đến lúc nên bỏ những quy định này.

L.Y.

Nguồn: ttps://www.danluan.org/tin-tuc/20160624/vu-may-bay-su30-roi-vai-dieu-suy-nghi-ve-viec-dac-cach

2. Cái chết của các anh đã giải phóng cho tiếng khóc

Đỗ Minh Tuấn

Niềm tin vào các binh chủng hiện đại có thể chống cự và tiêu diệt ảo vọng ngông cuồng của bọn Tàu Cộng bỗng vụt tắt. Một sự thất vọng bao trùm lên trái tim, khối óc của tất cả người Việt yêu nước. Vụ 2 máy bay rơi làm lộ ra những lỗ hổng chết người của quân lực KQVN nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung. Sự mất mát này có làm cho lãnh đạo đcs,các nhà quân sự VN tỉnh ngộ và sáng mắt ra không?

Nguyễn Hữu Hùng

Thật xúc động khi đọc tin tức về việc các chiến sỹ không quân vẫn mạnh mẽ ngồi trên máy bay lao ra canh giữ biển sau hai vụ máy bay bị rơi. Lính dường như chẳng bao giờ hèn, chỉ các cấp chỉ huy mới nhiều tính toán, trong đó có những tính toán chiến lược vì nước vì dân nhưng cũng không loại trừ những tính toán vì bản thân và phe nhóm, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc vừa doạ dẫm vừa mua chuộc hôm nay.

Vấn đề chiến tranh nhân dân và chiến tranh hiện đại xử lý ra sao trong bối cảnh thời đại và tương quan lực lượng lúc này, khi mà cấu trúc thể chế quan văn luôn đặt trên quan võ? Ngày xưa, Hồ Chí Minh là lãnh đạo tối cao nhưng đồng thời cũng là nhà chiến lược quân sự tài ba, cùng BCT và Tổng tư lệnh vạch cách đánh trên bản đồ, sa bàn trong từng chiến dịch. Võ Nguyên Giáp vì nhớ đến lời dặn của Hồ Chí Minh mà kéo pháo ra, đổi cách đánh và vì thế chiến thắng ở ĐBP.

Bây giờ Việt Nam không có người lãnh đạo tối cao giỏi về quân sự như thời trước. Vì thế, trong ứng xử dễ bị nhu nhược, trong dùng người dễ bị sai vị trí, trong hành động dễ bị đắn đo, chần chừ, thoả hiệp, thiếu quyết đoán. Đó là điều đáng lo lắng nhất. Còn nhân dân và những người lính thì muôn đời vẫn mạnh mẽ và sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc. Nhưng các cụ nói rồi, dao sắc không gọt được chuôi.

Đỗ Minh Tuấn

Có một số người nhìn vấn đề máy bay rơi và các chiến sỹ hy sinh bằng trái tim lạnh tanh máu cá. Họ bảo họ chẳng thương xót gì, vì là quân đội cộng sản có tiêu chuẩn nọ kia, rồi chết lãng xẹt, bao nhiêu người bị tai nạn giao thông, bị chết các kiểu hàng ngày và bao nhiêu ngư dân chết vì Tàu sao không thấy mọi người làm thơ thương xót, v.v. Tôi ghê sợ thứ văn hoá chính trị của những người Việt này, những người nhìn vào túi người chết để đếm tiền của họ và so bì, tỵ nạnh. Phép tính lạnh lùng vô cảm lạnh tanh máu cá và đầy thù hận kiểu đó chỉ là phép tính cộng trừ của học sinh tiểu học, không hiểu được bội số của những sự cố có tầm biểu tượng.

Những ngư dân dù số phận thế nào vẫn chưa cho đáp số về sự tuyệt vọng của một dân tộc, vì trước khi có vụ hai máy bay rơi dường như còn một ẩn số nào đó của đường lối ứng xử đúng đắn khôn ngoan với TQ mà nhân dân chưa biết. Cho nên, dù ngư dân chết bao nhiêu, cái mệnh đề "Hãy cứ tin vào Đảng và Nhà nước" vẫn âm thầm sống trong sâu thẳm trái tim cùng với bao nhiêu bất lực và hy vọng. Đến khi lá bài lật ngửa, hai máy bay hiện đại hùng dũng lao đi (để minh chứng cho niềm tin mặc định từ chủ quyền, sức mạnh, sự khôn ngoan trong ứng xử và thân phận đong đưa tạm thời của dân tộc)... bị mất tích, bị rơi, nghi bị bắn, và những cái chết bất ngờ, tức tưởi, v.v. thì những tia hy vọng và tin tưởng trong thẳm sâu của hàng triệu con tim kiên nhẫn đợi chờ bị tắt phụt. Và tiếng khóc bật ra một cách tự nhiên vì nó đã bị nén lại, bị xua đuổi, bị ngờ vực từ nhiều năm tháng.

Cái chết của các chiến sỹ đã tháo khoán, giải phóng cho tiếng khóc, nỗi đau của mỗi người yêu nước. Hàng triệu người khóc thương những người lính hy sinh, nhưng không chỉ khóc cho những con người cụ thể đó. Không, họ khóc thương cho tương lai dân tộc, khóc thương cho số phận chính mình, khóc để đưa tang cho một niềm tin và một niềm hy vọng đã lặn tắt sau những cái chết đầy tính biểu tượng cho thân phận con người và dân tộc Việt Nam.

Đ.M.T.

Nguồn: FB Đỗ Minh Tuấn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn