Mắt biển

FB Luân Lê

Mắt Biển, vẫn còn vời vợi nỗi đau. Nhưng chắc chắn, những đôi mắt ấy vẫn luôn dành để trông coi bờ cõi và biển đảo của mình, như là máu thịt ngay từ khi họ được sinh ra vậy.

clip_image002

Đây có lẽ là bức ảnh thực sự đẹp về tính biểu đạt nghệ thuật, nhưng ngược lại, nó cũng ẩn chứa sâu thẳm trong đó là những cái nhìn ám ảnh đến trầm mặc đối với những người đang trong vai trò chứng kiến như một kẻ ngoài cuộc nhưng lại cùng cảm thấu được nỗi đau trong những lằn roi ánh mắt, dù khuất sau vành mũ tối, với những người dân vùng biển.

Tôi gọi bức ảnh ấy là Mắt Biển.

Bức ảnh ấy khiến tôi nhớ đến một câu chuyện, mà một vị vua yêu cầu các quan sỹ hãy vẽ một bức tranh sao cho nó thể hiện được sự yên bình nhất khi cùng đi du ngoạn sơn hà. Và cuối cùng, bức tranh của một nhân sỹ vẽ một tổ chim nằm sâu trong lòng thác dữ dội đang đổ xuống những cuộn nước khổng lồ bạc trắng. Nó khiến người ta hiểu, sự yên bình nhất thực sự lại tồn tại ở giữa nơi dữ dằn hay bão tố nhất.

Và ngược lại, khi những ngư dân đang ngồi trước biển tĩnh lặng đến lạnh người, thì có lẽ tất thảy một ai trong chúng ta cũng đều hiểu được, không chỉ họ mà có đến cả triệu con người cũng đang cùng trong cảnh bão tố đổ ập xuống đầu những tai ương mà đến nay nó còn khắc nghiệt hơn sau mỗi ngày đi qua.

Biển bây giờ đã chết, nửa thế kỷ nữa, đó là với cái nhìn lạc quan và bằng hành động tích cực liên tục, người ta mới mong biển có thể tái sinh trở lại trong ngần ấy thời gian. Đời ngư dân bỗng chốc chất chồng thêm những gánh nặng, tổn thất, nhất là với những đứa trẻ tuổi đời còn thơ dại. Người ta buồn, xen cả phẫn nộ và sự mong mỏi nào đó nữa, để nhìn về biển, nơi mà đã từng là niềm tự hào về nguồn tài nguyên mang màu bạc trù phú tưởng như vô tận với cá, tôm, ngao, hàu đủ loại mà từng xuất khẩu hàng triệu tấn đến mức tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản trong năm 2015 đạt đến gần 6 tỷ USD.

Tôi đi tỉnh từ tối muộn ngày hôm qua, nửa đêm đặt chân xuống phố thưa thớt người, tôi tìm nhà trọ rồi lọ mọ thức trắng đêm mà làm việc để cho kịp sáng mai dự phiên toà xét xử từ sớm. Tôi thấy khá mệt với đôi mắt mờ đi thấy rõ, nên muốn yên ắng và tạm lánh xa cuộc đời đi một chút, mặc dù trí óc tôi vẫn luôn dõi theo cuộc sống đang oằn mình lên mỗi giây mà liên tục nổi trên và trượt nhanh qua bảng tin facebook của mình. Tôi định chẳng viết gì trong hôm nay cả. Tĩnh lặng cho đời yên ả. Nhưng nếu cứ im lặng chỉ một ngày thôi, tôi thấy mình bỗng như trở thành một người tiền sử, tách biệt ra khỏi thế giới văn minh và rời xa trách nhiệm với xã hội của mình còn đang rên xiết ngoài kia.

Trên chuyến xe đi, tôi đã nghĩ, rồi năm nay tôi sẽ viết một cuốn sách với tựa, Thiên đường cuối cùng, một tiểu thuyết chính luận thời cuộc như những bước chân hữu hạn rệu rã còn lại để kết thúc cho một chuyến phiêu lưu đầy ảo tưởng và tuyệt vọng của một nhóm người mà luôn chắc mẩm rằng như mình luôn đang ở đỉnh cao của quyền lực và trí tuệ.

Tôi lại phải đặt bút viết, như để xoa dịu mình và làm lành lặn đời - mà vốn dĩ và đang ngày càng dầy lên những xây xước cùng những tổn thương được tạo nên bởi những cú đánh chí mạng, từ sự tàn nhẫn của con người ta mà họ trót đối đãi với nhau. Và tôi đã phải thốt lên trong đau đớn, rằng, trí thức rồi cũng trở nên ngu si và đần độn, và người dân dễ bị lừa phỉnh hơn bất cứ thứ gì khác nếu ở nơi mà nó tồn tại lại thiếu vắng thông tin, hoặc chỉ được phép di chuyển một chiều tư tưởng. Vì mỗi người sẽ chỉ như những con trâu buộc chặt vào và quẩn quanh sau luỹ tre làng của mình mà không thể biết bên bờ kia bụi rậm có ai và đang xảy ra những gì. Và vì vậy, họ chẳng có lý do nào để khiến mình phải bận tâm hay màng sự đến xã hội và cuộc đời vô minh bất nhiệm ngoài kia, bởi mớ cỏ tươi ngon (mà có thể tẩm độc) đã được kẻ khác dọn sẵn mỗi khi đến bữa ợ lên mà không còn gì để nhai lại nữa.

Tôi viết, vì 300.000 đồng hỗ trợ cho ngư dân vùng thảm hoạ biển chết mà rồi chúng còn sẵn tâm ăn chặn 50 nghìn coi như là một sự đối trừ nghĩa vụ sang ngang mà người ta không hiểu nó là gì (!). Mà trước đó ít lâu, hẳn người ta còn chưa quên, cũng lại những kẻ táng tận lương tâm giành giật và cướp lấy cho kỳ được một phần nông phẩm trong số chút ít cân gạo hỗ trợ cho những mảnh đời đang lúc cơ cực nhất.

Tôi viết vì bỗng nhiều người trẻ bị chết, từ tai nạn sông nước đến cả cái cách mà họ bị giết dã man rồi bị đem vứt xác đi chỉ vì 300.000 đồng nhỏ mọn. Tôi viết, vì một đám trẻ chỉ cần chọc cười bằng một clip vui nhộn mà bỗng chốc lại trở thành tâm điểm tấn công của ngành giáo dục và khủng khiếp hơn là cả việc công an nhanh chóng vào cuộc khiến các em trở nên sợ hãi, bất an. Tôi viết, vì một cậu thanh niên trưởng thành 18 tuổi dự thi đại học lại phải để một sinh viên tình nguyện áo xanh dắt tay qua đường như một đứa trẻ mới chập chững tập đi. Nền giáo dục của sự thiếu hụt về dẫn dạy kỹ năng sống, đã đe doạ và đưa đẩy con người ta đến những hiểm nguy mà người ta không thể tự mình lường trước hay sẵn có phương cách để đối phó nếu nó xảy ra.

Tôi viết, vì ngân khố mỗi ngày mỗi cạn, nợ nần mỗi ngày mỗi cao, mà rồi càng ngày càng nhiều con số thất thoát, hoang phí và tham nhũng, đục khoét được đào xới lên mà hiển hiện đến mức hãi hùng chưa từng có.

Tôi viết, vì một dự án “siêu dự án” như Formosa, với khả năng tàn phá môi trường kinh hoàng, mà hậu quả nhãn tiền như đã vừa thấy, lại được nhanh chóng cấp phép triển khai và đi vào hoạt động chỉ trong vỏn vẹn chưa đầy một tháng làm thủ tục. Điều đó làm tôi kinh hoàng và cả choáng váng nữa, vì tôi không thể tưởng tượng được việc Luật Đầu tư đã bị phá vỡ và hoàn toàn trở nên vô nghĩa trước dự án này.

Hàng vạn, triệu ngư dân, họ có thể bám biển suốt đời để tìm kiếm, đánh bắt và kể cả là gìn giữ mà có thể đánh đổi đến mất mạng vì công cuộc mưu sinh đó, nhưng với họ, biển mới là nơi sinh ra và cũng là nơi nuôi dưỡng họ, là quê hương và cội nguồn của họ. Biển mang lại niềm tự hào, sự gắn bó máu thịt hơn là những kiểu suy nghĩ hời cạn mà cho rằng nó chỉ như một nơi của nghề kiếm ăn đơn thuần vậy. Ngư dân, diêm dân, người kinh doanh du lịch, dịch vụ từ biển và hải sản, tất thảy giờ đã chịu chung một số phận như nhau, đều không biết mai này, mà chỉ đơn giản là mỗi sáng mọc lên thôi, người ta phải lo sẽ ăn bằng gì, sống bằng gì và cuộc đời những đứa trẻ sẽ trở nên cằn cỗi, héo rũ ra sao? Bỏ xứ tha hương mà đi, có đành lòng không? Hay họ lại một lần nữa quyết tâm bám trụ lại biển, dẫu nó đang chết trong tĩnh lặng, mà đòi hỏi một ai đó phải chịu trách nhiệm với thảm cảnh này và với cuộc sống của chính họ nữa?

Mắt Biển, vẫn còn vời vợi nỗi đau. Nhưng chắc chắn, những đôi mắt ấy vẫn luôn dành để trông coi bờ cõi và biển đảo của mình, như là máu thịt ngay từ khi họ được sinh ra vậy.

Và chỉ khi biết đau một nỗi đau chung của đồng loại, thì lúc đó người ta mới cùng biết vì Tổ quốc mà yêu thương nhau.

Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1767624626814648&set=a.1390494051194376.1073741831.100007013826421&type=3&theater

Video bài viết của Luật sư Lê Văn Luân qua diễn đọc Nghê Lữ: https://www.youtube.com/watch?v=1WQAMdRGSKQ&sns=fb

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn