Cách mạng Dân chủ: thành công và thất bại - Phần 4

Đoàn Hưng Quốc

[phần 1, phần 2, phần 3]

Phần 3 của loạt bài này đã tóm tắt về tiến trình dân chủ ở nhiều quốc gia trong vòng 20 năm gần đây. Phần 4 sẽ so sánh xem mô hình nào trong số đó có thể xảy đến tại Việt Nam kèm theo những thuận lợi và khó khăn như thế nào.

Giả định một trong hai biến cố có thể phát sinh: tiến trình chuyển đổi ôn hòa và trật tự tương tự Miến Điến 2010, hoặc quần chúng nổi dậy lật đổ nhà cầm quyền như ở Ai Cập 2011 và Ukraine 2004.

Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy tiến trình dân chủ hoá sẽ tuần tự diễn tiến tại Việt Nam lý do vì thành phần lãnh đạo trong đảng cầm quyền không chấp nhận đổi mới chính trị, khác với Tổng thống Then Sein trước đây ở Miến Điện. Về phần phong trào tranh đấu cũng chưa hội tụ được một khuông mặt đại diện có tầm vóc như bà Aung San Suu Kyi. Một khác biệt quan trọng nửa là giới quân phiệt Miến Điện muốn thoát ra khỏi lệ thuộc Bắc Kinh điển hình với quyết định đơn phương đình chỉ dự án xây đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc đề xướng vào năm 2011; trong khi đó tại Việt Nam đảng cầm quyền không hề có ý định thoát Trung trái lại còn trông nhờ vào Bắc Kinh để duy trì độc quyền chính trị và lợi ích kinh tế.

Trường hợp thứ nhì xảy ra khi quần chúng nổi dậy lật đổ nhà cầm quyền như tại Ai Cập 2011 hay Ukraine 2004. Không ai biết được điều này có sẽ xảy đến hay không hoặc vào lúc nào, nhưng dấu hiệu cho thấy ý thức cùng nổi bất mãn trong quần chúng ngày càng tăng nên có thể trở thành mồi lửa châm thùng thuốc nổ vào một thời điểm bất ngờ. Cho nên bài viết này chỉ nhằm tìm hiểu kinh nghiệm quá khứ chớ không phải tiên đoán cho tương lai.

Cả hai cuộc cách mạng ở Ai Cập 2011 và Ukraine 2004 đều không thành công. Riêng Ai Cập mang đậm nét văn hóa Hồi Giáo đặc thù nên người viết thiết nghĩ Ukraine là trường hợp gần giống nhất so với Việt Nam.

Việt Nam hiện giờ và Ukraine trước đây đều là hai quốc gia cộng sản. Phong trào quần chúng và xã hội dân sự chỉ manh nha nên đất nước chưa xây dựng được truyền thống và cơ chế sinh hoạt chính trị đối lập. Cả hai xứ lại nằm bên cạnh các láng giềng xấu vốn áp đảo về kinh tế - chính trị - quân sự kèm theo tham vọng bành trướng. Hơn thế các nhà cầm quyền Nga-Trung đều quyết tâm ngăn cản không cho thành hình một đất nước dân chủ giàu mạnh ngay sát biên giới họ. Ukraine còn có lợi thế phía Tây gần với các cường quốc Âu Châu so với Việt Nam bị cô lập từ bờ biển phía Đông sang biên giới phương Tây và Bắc.

Thử mường tượng một cuộc nổi dậy quần chúng làm thay đổi nhà cầm quyền cộng sản. Lực lượng tranh đấu không có truyền thống sinh hoạt đảng phái nên chia rẽ và thiếu khả năng lèo lái xã hội vốn đang bị phân hoá trầm trọng. Chính quyền dân cử lại phải thừa hưởng nền hành chánh, an ninh và quân đội thối nát vốn bị dân chúng căm ghét. Dư luận đòi hỏi phải có giải pháp tức thời đền bù cho những nổi uất hận tràn dâng như đất đai bị chiếm đoạt, môi trường bị hủy hoại cũng như vấn đề tù cải tạo, đánh tư sản năm 1975 và chiến dịch cải cách ruộng đất vào thập niên 50. Facebook từng là công cụ hữu hiệu nhằm vận động quần chúng chống nhà nước toàn trị nhưng cũng dễ trở thành kênh thông tin kích động luồng dư luận quá khích và cục bộ. Trung Quốc sẽ dùng mọi thủ đoạn để phá hoại nền kinh tế kể cả các biện pháp quân sự uy hiếp vùng biên giới hay chiếm đóng biển đảo. Mỹ-Nhật-Úc không hiện diện trực tiếp tại Việt Nam, họ chỉ can thiệp đủ để đất nước không rơi vào tay Hoa Lục và khiến Bắc Kinh sa lầy trong các mưu toan chính trị, còn việc đặt nền móng dân chủ phải hoàn toàn tùy thuộc nơi người Việt.

Diễn tiến nếu xảy ra như vậy rất giống như cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine 2004: lực lượng dân chủ thiếu đoàn kết tạo điều kiện cho các đại gia (oligarch) và tham nhũng hoành hành, tâm lý chia cách giữa hai miền Đông thân Nga và Tây thân Âu Châu ngày thêm sâu sắc. Nhà nước do dân bầu đánh mất niềm tin, cánh thân Mạc Tư Khoa thắng cử nhưng sau đó Tổng thống Yanukovich bị truất phế vào năm 2014. Chính trị không ổn định, kinh tế phụ thuộc vào Nga tạo cơ hội cho Tổng thống Putin chiếm mất bán đảo Crimea và chia cắt một phần đất nước. Tây phương chỉ giúp đỡ giới hạn như Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nói thẳng thừng vào tháng 12/2015 rằng trách nhiệm tùy thuộc nước Ukraine đừng để đánh mất cơ hội cuối cùng này: “You got one last chance. Don’t screw it up”.

Cách mạng vẫn sẽ xảy đến khi nào quần chúng quyết định giọt nước tràn ly và đứng lên đòi thay đổi, nhưng tiến trình dân chủ có thành công hay không do khả năng lèo lái đất nước của thành phần tranh đấu. Nhiệm vụ của những nhà dân chủ, đoàn thể chính trị và xã hội dân sự là tìm học kinh nghiệm quá khứ để sửa soạn hành trang cho tương lai dù không biết được bao giờ là lúc khởi hành mà cũng không thể có phép mầu nào cho mọi vấn nạn do nhà cầm quyền toàn trị gây nên trong suốt 70 năm; trau dồi lòng khiêm tốn nhân nhượng để đoàn kết mà không đánh lỡ mất cơ hội lịch sử thêm một lần nửa.

Đ.H.Q.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn