Một lời nhắn gửi (Mênh mông thế sự 47)

Tương Lai

Xem thư anh Cao Huy Thuần mà mông lung trong suy ngẫm về những câu tâm tình anh gửi nhân đọc bài Mênh mông thế sự 46 tôi viết về anh mình nhưng đã liều lĩnh lếu láo “loạn bàn” về một ám ảnh từng chìm sâu trong ký ức: “Hẳn túc trái làm sao đây tá. Hay tiền nhân hậu quả xưa kia” vận dụng vào trường hợp hi hữu lạ lùng liên quan đên một chủ đề bản lĩnh người trí thức.

Bằng một sự tế nhị vốn có, anh thẳng thắn chỉ ra cho tôi điều anh cho là chưa ổn trong nhận thức về triết thuyết Phật mà tôi đã “loạn bàn” ấy: “Chúng ta đã đến cái tuổi buồn tàn thu rồi, cho nên chắc đã đủ sagesse để nói đến chuyện "tiền duyên túc trái". Không phải là tiêu cực hoặc an phận, hoặc cam chịu, résignation đâu. Thấy "tiền duyên" là để mà tích cực nghĩ đến "hậu duyên". Là không phải ngồi im rầu chán. Mà hành động để cải lại”.

Không dừng lại đó Anh nói tiếp: “Chúng ta cũng đã quá già để không suy nghĩ về cái vấn đề vĩ đại muôn đời đặt ra cho triết lý: thế nào là "chết"? Linh hồn bất diệt? Là hết, như mọi vật chất? Ai không theo hai thái cực đó thì phải chiêm nghiệm cùng với "thành phần thứ ba": không phải bất diệt, cũng không phải chấm dứt. Luân hồi không phải là định luật khoa học, nhưng là một thái độ sống. Sống, chứ không phải chết”.

Càng cảm tấm lòng người bạn từ Paris xa xôi đã kịp đọc và chuyển ngay lời chỉnh sửa chỉ sau một đêm bài tôi vừa đưa lên mạng, càng trân trọng quý mến tình cảm và trí tuệ của anh dành cho tôi: “Xa xôi, chợt nhớ anh, nhớ thắm thiết, phải bật ra lời, lâu quá vắng tin” và rằng “Có những cái "muốn" làm anh khổ, có những cái "muốn" khác thì lại làm ta tốt lên thôi. Chẳng lẽ ta là cục đá? ...Thôi nhé, không nên nói nữa, chén trà đang nguội”. Đây là anh láy lại chuyện tôi viết về mẹ tôi qua “Tản mạn chung quanh một ấm trà ” trong Mênh mông thế sự 43.

Vâng, anh Thuần ơi, “không phải bất diệt, cũng không phải chấm dứt”, để hiểu cho thấu cái đó cần phải xác lập một “thái độ sống”. Và đúng vậy, “sống, chứ không phải chết”. Nhưng tôi lại cứ phân vân mà nối kết hai phạm trù sống, chết ấy để mà tin chắc vào cái nằm bên trong cái vỏ huyền bí “không phải bất diệt, cũng không phải chấm dứt” ấy. Duyên do là tình cờ thư anh đến vào ngày 4.10.2016, khiến tôi phải nói lên cái “phân vân” ấy nhân ngày Giỗ năm thứ ba Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cái chủ đề sống chết, bất diệt và chấm dứt lại gọi dậy những suy tư về con người huyền thoại ấy. Năm nay, báo chí bị cuốn vào cơn lốc của ruồihổ nên ngoài Vietnamnet không thấy có bài về Đại tướng, có thể tôi không tìm kỹ.

Nhưng tìm làm gì, cứ theo cách mà Oriana Fallaci, nữ ký giả nổi tiếng thế giới người Italy cách nay nửa thế kỷ từng hài hước diễu rằng, có thể dọa người Mỹ bằng cách thì thào: Giáp đang đến đấy” thì hôm nay đây, những kẻ đang toan tính và thực thi những thủ đoạn bẩn thỉu trong cuộc tranh bá đồ vương chắc cũng sẽ phải tránh né đôi mắt “tựa như hai lưỡi kiếm, đầy quyết đoán, uy nghi” của Đại tướng! Fallaci hình dung Võ Nguyên Giáp là “Ngọn núi lửa phủ tuyết” [cách người Pháp gọi ông Giáp], vì những cơn thịnh nộ và sự im lặng sắt đá… của Giáp”. Bà viết: “Đôi mắt của Giáp! Hẳn đây là đôi mắt thông minh nhất mà tôi từng được thấy… Một đôi mắt long lanh như hai tia sáng, xuyên thấu anh tựa như hai lưỡi kiếm, ánh mắt đầy quyết đoán, uy nghi”. (Bài đăng trên Washington Post, 6/4/1969, in trong cuốn sách Đối thoại với lịch sửInterview with History).

Thế rồi đêm nay, một kỷ niệm ập đến trong nỗi niềm suy tư, tôi như cảm nhận được đôi mắt ấy đang nhìn vào chúng ta. Xin vắn tắt kể lại câu chuyện cách nay đúng 10 năm, năm 2006. Đặt tay trên bàn phím máy tính nhưng không sao gõ được một dòng, trong đầu vẫn cứ nặng trĩu về hình ảnh ông Sáu Dân trên giường bệnh ở Viện Tim và câu chuyện với Lương (lái xe) và Trang (cảnh vệ) ở bậc thềm bệnh viện đang lo cho sức khỏe của ông Sáu.

Định tắt máy tính đi nằm thì chuông điện thoại réo. Giọng anh Huyên ở đầu dây: “Tôi, Huyên đây, nói chuyện được chứ?”. Sau vài câu thường lệ, anh hỏi: “Sức khỏe thế nào, có bay ra Hà Nội được không?”.

Có chuyện gì không anh?”, tôi hỏi lại.

Thì cũng có tí việc muốn gặp anh, liệu ngày mai anh bay ra được không?”, anh đáp. Một thoáng giật mình, tôi hỏi: “Gấp thế hả anh, mà chuyện gì vậy?”.

Thì cứ ra đây đã, chính tôi cũng không thật rõ đâu, anh Văn muốn gặp anh có việc gì đó”. “Thế thì tôi ra ngay chuyến sớm nhất có thể lấy vé vào sáng mai”, tôi khẳng định. “Nhưng, anh Huyên trầm giọng nói, anh tự mua vé, đừng lấy vé chỗ Văn phòng nhé, được chứ?”. Tôi cười: “Chắc là tôi không đến nỗi kiết để không mua nổi chiếc vé máy bay, anh an tâm”.

Đúng 10g30 sáng hôm sau, từ sân bay tôi đến thẳng 36 Hoàng Diệu, anh Huyên đã đợi sẵn để đưa tôi vào vào phòng khách, Đại tướng đang ở đó. Rời ghế Đại tướng đứng dậy bắt tay tôi: “Tốt quá, nom anh khỏe đấy, ngồi uống nước đi”. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Tuy đã biết chắc sức khỏe Đại tướng không có gì đáng ngại, nhưng vẫn cứ có cảm giác lo lo. Mà lo còn vì xen vào đó là việc anh Sáu Dân đang phải nằm Viện vì tim mạch có vấn đề phải theo dõi kỹ bởi bác sĩ chuyên khoa tại Viện Tim Sài Gòn. Rồi câu chuyện trôi đi trong nhịp câu hỏi của Đại tướng và tôi trả lời theo sự hiểu biết của tôi về một số vấn đề mà người hỏi đang quan tâm. Thú thật là tôi cũng có phần ngạc nhiên vì nội dung của những điều Đại tướng quan tâm không có gì quá cấp bách và cũng không là điều tôi đã lưu tâm suy nghĩ, chuẩn bị trong đầu để có thể nói với ông như những lần đã gặp trước đây. Tôi hồi hộp chờ một câu hỏi nào đấy, một vấn đề gì đó vượt khỏi tầm hiểu biết của tôi.

Thế rồi, tôi ngỡ ngàng khi thấy Đại tướng đứng dậy: “Bây giờ tôi có việc, hẹn dịp khác sẽ có nhiều chuyện trao đổi với anh. Tôi vẫn chưa quên cái đề tài mà anh trình bày với tôi ở bãi biển Cửa Lò dạo ấy”. Ông đứng dậy nắm tay tôi bước chậm rãi ra khỏi cửa phòng khách. Dừng lại ở bậc thềm ông nói đủ cho tôi nghe: “Anh vào nói Sáu Dân về nhà mà nằm!”.

clip_image002 clip_image004

Dừng lại ở bậc thềm ông nói đủ cho tôi nghe: “Anh vào nói với Sáu Dân về nhà mà nằm”.

Tôi sững lại, thoáng rùng mình, một cảm giác buốt lạnh chạy suốt sống lưng. Xúc động, tôi nhìn vào mắt ông. Ánh mắt vừa trang nghiêm, vừa hiền hậu hình như cũng đang dành cho tôi. Là tôi cảm thấy thế!

Vâng, thưa Anh, tôi hiểu, tối nay tôi bay vào ngay”.

Tôi không giấu được mắt rớm lệ vì nhịp tim đập mạnh, nghẹn ngào một cảm xúc khó tả. Tôi những muốn ôm chặt lấy Đại tướng khi chia tay. Nhưng rồi kìm lại được, chỉ bối rối nắm thật chặt tay ông và quay đi. Bước mấy bước, tôi ngoái lại, ông vẫn đứng đó với nét cười trìu mến.

Từ trong phòng bước ra, anh Huyên rảo bước đến để đưa tôi ra cổng. Im lặng bước bên tôi, anh chỉ nói: “Thôi anh về nhé, hẹn gặp nhau vào dịp khác anh ở lại được lâu hơn”. Chia tay anh, tôi hiểu rằng câu anh nói qua điện thoại tối qua: “Chính tôi cũng không thật rõ đâu, anh Văn muốn gặp anh có việc gì đó” là đúng như vậy.

Sau này, tuy gặp nhau nhiều lần, tôi không hề thấy anh Huyên nhắc lại chuyện này. Phải chăng đây là nguyên tắc – nguyên tắc trong hành xử của những người đảm trách những công việc liên quan đến những chuyện cơ mật?

clip_image006 clip_image008

Đại tá Nguyễn Huyên, Thư ký của Đại tướng “chính tôi cũng không thật rõ đâu, anh Văn muốn gặp anh có việc gì đó” *

Vậy những chuyện cơ mật ấy có liên quan gì đến nhịp tim của con người không nhỉ? Có liên quan gì đến nhịp tim đập mạnh của người viết những dòng này đang xốn xang trong những suy tư mông lung về thế thái nhân tình. Thì ra, Đại tướng muốn gặp chỉ để dặn một câu. Câu ấy ông cũng chỉ muốn chuyển đến cho chỉ một người. Lặng lẽ, kín đáo nhưng trĩu nặng những âu lo về vận nước qua một lời nhắn gửi không đến mười từ.

Sáng sớm hôm sau đến bệnh viện, bước vào phòng, thấy ông Sáu Dân đang nằm nói chuyện với bác sĩ, tôi dừng lại ở cửa. Ông Sáu cười chào tôi khi bác sĩ rời giường bệnh bước ra. Nắm bàn tay hơi nóng và nhơm nhớp mồ hôi của ông, tôi hỏi thăm sức khỏe, ông cười: “Khá lên rồi”.

Tôi cúi sát vào ông nói khẽ lời nhắn gửi của Đại tướng. Ông hỏi: “Anh ra Hà Nội lúc nào, vừa về à?”. “Vâng”, tôi đáp “và cũng chỉ để chuyển có một câu ấy thôi”. Ông lại cười, bình thản: “Thôi được, hôm nay tôi về. Bấy giờ anh về nghỉ đi, lúc nào thong thả sang tôi nói chuyện, mà chẳng cần vội đâu’.

Chiều hôm ấy ông xuất viện. Hình như đó là quãng tháng 9 năm 2006 tôi không nhớ chính xác. Hai năm sau thì ông ra đi để lại bao dở dang mà mỗi lần gặp phải những bức xúc trong hiện tình đất nước cần một bộ óc một trái tim tầm cỡ Võ Văn Kiệt để đưa ra những quyết sách xoay chuyển tình thế người ta lại xót xa, da diết: “Giá như lúc này có ông Sáu Dân”.

Phũ phàng và đau đớn làm sao cho hai chữ “giá như”, mà vì thế càng day dứt thêm về lời nhắn nhủ, nhắc nhở của Đại tướng đối với Sáu Dân, người kém tuổi ông gần một giáp lại đã ra đi trước ông 5 năm. Rất nhiều lúc vắt tay lên trán một mình mình biết, một mình mình hay về lời nhắn nhủ ấy tôi lại mông lung trong nỗi ám ảnh nhức nhối về cái thế sự du du nại lão hà trong Cảm hoài của người tráng sĩ mài kiếm dưới trăng mong đền nợ nước đầu thế kỷ 15.

Khi Đại tướng cho gọi để chỉ trực tiếp nhắn gửi một câu vỏn vẹn 9 từ, phải chăng ông cũng đang ấp ủ một nỗi “cảm hoài”?

Cảm hoài về thế cuộc nhiễu nhương mà với sự trải nghiệm của chính bản thân, ông hiểu được những hiểm nguy đang treo lơ lửng trên số phận những con người có bộ óc lớn, trái tim lớn ấp ủ những ý tưởng đột phá bứt ra khỏi những giáo điều xơ cứng đang cầm tù cả một dân tộc mà Sáu Dân là một người đang gánh chịu bi kịch ấy. Chính Sáu Dân cũng đã có sự trải nghiệm ấy, ông hiểu ngay ra cái gì đang ẩn sau lời nhắn gửi có lực cảnh báo ghê gớm ấy của một người như Võ Nguyên Giáp.

Lực cảnh báo được nén chặt tận đáy lòng một chữ nhẫn bằng bản lĩnh dám tự khẳng định mình trong cách nhìn, tầm nhìn với sự mẫn tiệp của trí tuệ mà phân tích thời cuộc gắn với vận mệnh dân tộc trên dòng chảy của thời đại, để dám đưa ra những ý tưởng có tầm vóc chiến lược, quyết không dễ dàng chuồi theo dòng chủ lưu đang thắng thế.

Vì thế mà hai bộ óc lớn ấy hiểu được nhau, hai trái tim lớn ấy cùng đập theo một nhịp, cho dù có lúc có cách xử lý tình huống không giống nhau. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chính Võ Nguyên Giáp cũng như Võ Văn Kiệt, cả hai đều hiểu quá rõ mối hiểm nguy ghê gớm của thủ đoạn cài đặt quen thuộc của Bắc Kinh đã trực tiếp thẳng thắn khuyên Nông Đức Mạnh nên thôi trách nhiệm Tổng Bí thư. Đương nhiên là Mạnh không nghe, điều này thì chẳng có gì khó hiểu trong bối cảnh của chuyện nhân sự Đại hội nằm trong một “quy trình” chắp vá nhưng lại rất ngặt nghèo của giải pháp tình thế, đẩy cỗ xe Đảng xuống dốc không phanh, bộc lộ sự phá sản không sao tránh khỏi của một cơ nghiệp xây dựng theo một mô hình đã ruỗng nát và sụp đổ.

Một Tổng bí thư mà nghe đâu ông Phó ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương có nói: “Tôi cảm thấy xấu hổ vì Đảng ta có một tổng bí thư như vậy. Nông Đức Mạnh chỉ có trình độ ở tầm cán bộ cấp huyện”! Nhưng loại cán bộ tầm ấy lại đã lọt vào tầm ngắm của “thiên triều” vì nó thích hợp cho những toan tính thâm hiểm và xảo trá của những triều đại phương Bắc từ Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đến Mao, Đặng Giang, Hồ, Tập.

Chẳng những thế, mãi sau gần 20 năm ngất ngưỡng trên những cái ghế cao nhất, hai nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội, hai nhiệm kỳ Tổng Bí thư, thì nghe đâu khi Mạnh chuẩn bị rời ghế, một Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đến thăm để “tỏ ý sẽ rất vui với người kế nhiệm đã được chuẩn bị”.

Đây chính là điều mà ông Sáu Dân hết sức lo lắng. Ông hiểu rõ giờ đây ông đang phải đương đầu với một thế lực nham hiểm như thế nào, bài học ông đã nhận được từ kinh nghiệm và bản lĩnh của Lê Duẩn, người ông kính phục. Cái thế lực ấy đã chớp lấy cơ hội Nguyễn Văn Linh, người từng bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị mà tìm cách khoét sâu mâu thuẫn, tranh thủ mua chuộc, thao túng để từng bước dẫn tới Hội nghị Thành Đô 1990. Lời cảnh báo của Nguyễn Cơ Thạch đã thành sự thật. Cái thòng lọng “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” đang siết chặt dần vận mệnh của đất nước.

Càng hiểu rõ về cái thế lực mà Võ Văn Kiệt phải đương đầu khi đã lui về trong những năm các đời Tổng bí thư của Đại hội 10 và 11 cho đến ngày ông đột ngột ra đi, càng thấm thía về câu nhắn gửi mang tính cảnh báo của Võ Nguyên Giáp. Một lời cảnh báo chất chứa bao nhiêu ưu tư về thế sự từ những trải nghiệm khắc nghiệt của đường đời đã vắt ngang hai thế kỷ đầy biến động.

Vừa rồi, gặp lại người bạn trí thức đồng hương với ông Sáu Dân, từng hoạt động lâu năm ở nước ngoài về nước dự một Hội thảo về Biển Đông, nhân gợi lại một kỷ niệm về bữa cơm với ông Sáu Dân mời dạo tháng 7. 2006, anh bâng khuâng nói với tôi: “Những điều anh vừa nói khiến tôi nhớ lại cử chỉ và câu nói dạo ấy của ông Sáu Dân: cứ thế này thì chắc là tôi phải nghĩ đến chuyện đề nghị với anh Văn [Đại tướng Võ Nguyên Giáp] cùng đứng ra thành lập một Đảng mới! Anh TL nhớ không, mỗi lần ông Sáu có điều gì tức giận thì mấy ngón tay ông ấy thế này này. Anh chìa bàn tay ra trước mặt tôi, vừa cười vừa nhại lại động tác của ông khi nói câu trên.

Thế rồi hôm nay ngày 4.10.2016, nhớ lại để viết ra mấy dòng về một lời nhắn gửi chưa đến 10 từ trong nỗi u hoài về thế thái nhân tình của cái buổi lạm phát ngôn từ, lạm phát sự bịp bợm và xảo trá. Sự lạm phát ấy càng tăng lên trong sự bấn loạn của cuộc tranh bá đồ vương đang tự phơi bày không cần phải thì thầm úp mở. Mưu đồ thì quá lớn nhưng bộ óc thì quá hạn hẹp, còn trái tim thì mang khuyết tật bẩm sinh, lại đang loạn nhịp.

Liệu có nên không nhỉ nhắc lại nỗi u hoài “thời lai đồ điếu thành công dị, vận khứ anh hùng ẩm hận đa”?

Nhưng, mắc mớ gì mà giữa những biến động như vũ bão của thập niên thứ hai thế kỷ 21 lại gợi đến nỗi u hoài của một tấm lòng trong thiên hạ đầu thế kỷ 15? Vậy mà xem ra những gì đang diễn ra giữa dòng đời bụi bậm nhớp nhúa và trên màn hình mùi mẫn phô diễn những ai đang “thời lai” mà khi đã “diện mục sở thị” thì không chỉ là nỗi u hoài mà còn là sự phẫn nộ.

Trong sự phẫn nộ đó bỗng trào dâng mối ưu tư về vận nước trong cơn bĩ cực đang cần, rất cần những con người có bộ óc lớn, trái tim lớn như Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt.

Bỗng nghĩ đến niềm tâm sự gửi gắm của anh Cao Huy Thuần: “Có những cái "muốn" làm anh khổ, có những cái "muốn" khác thì lại làm ta tốt lên thôi. Vậy thì cái muốn làm ta tốt hơn là gì đây anh Thuần ơi? Phải chăng là muốn có cách nhìn mới về những bước đi của dân tộc theo một xu thế không sao đảo ngược được. Xu thế ấy đang làm bật dậy những sức trẻ đủ khả năng đưa đất nước đi tới.

Vâng, sức trẻ. Vì e không thể đợi như anh nói phải “đủ sagesse để nói đến chuyện”, đây là chuyện vận mệnh đất nước. Sự thông tuệ của tuổi trẻ hôm nay cho thấy họ có cách nghĩ và sự minh triết của thế hệ họ trong thời đại thế kỷ 21 của kỹ thuật số với sự sáng tạo bất ngờ trong hành động. Không hiểu anh thì thế nào, chứ như tôi, vượt ngưỡng “cổ lai hy” gần một giáp rồi, khó mà theo kịp họ đấy. Họ cũng sẽ không “cam chịu, résignation đâu”. Họ đang quyết liệt tạo ra bước đột phá, đưa đất nước vượt qua cơn bĩ cực mà đi tới.

Dòng sông cuộc sống đang dồn vào khúc ngoặt hiểm nghèo, mặt sông sủi bọt dồn váng bẩn vào bờ, nước chảy xiết, sóng trào dâng bởi sức cuộn chảy từ bên dưới bung phá dồn dập, khó mà lường trước những biến động. Cái gì cần tới đang tới. “Vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”**, chẳng phải Lão Tử đã từng nói vậy sao! Không thể khác được, chỉ sớm muộn mà thôi.

23g ngày 4.10. 2016

T. L.

Tác giả gửi BVN.

______________________________

*Tôi vừa gọi điện nói chuyện với anh Huyên, muốn nhờ anh xem trước bài viết, nhưng anh cho biết là mắt anh không đọc được máy tính nên cứ in rồi gửi đến anh qua bưu điện vậy.

** 物窮則變, 物極則反

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn