Tắc và ngập do mưa

Nguyễn Đình Cống

Hà Nội và TP HCM nổi tiếng vì ngập lụt. Năm nay nghe nói Huế cũng đã tham gia vào. Ở TP HCM thì ngoài mưa ra còn có nguyên nhân triều dâng. Riêng Hà Nội chỉ có nguyên nhân duy nhất là mưa. Trước đây mưa lớn, kéo dài mới ngập; người ta tìm nguyên nhân, thực hiện các giải pháp làm thêm kênh chỗ này, đặt trạm bơm chỗ kia. Thế nhưng bây giờ hễ mưa hơi to một chút là ngập.

Vì sao vậy? Vì những giải pháp chống ngập dựa trên một số phán đoán chưa hoàn toàn chính xác và đầy đủ về nguyên nhân, nên kém phát huy tác dụng. Người ta thấy rằng mưa xuống, nước tập trung vào các con đường, theo các lỗ thoát ở hai bên mép đường, vào đường thoát cấp 1, từ đó dẫn đến đường thoát cấp 2, cấp 3… và cuối cùng ra các kênh thoát chính, vào hồ, ra sông. Thực tế ở rất nhiều khu dân cư của Hà Nội việc thoát nước mưa đầu tiên không phải theo các lỗ hai bên mép đường mà qua những lỗ trên nắp hố ga, xuống hố rồi theo đường thoát cấp 1, đó là các ống cống đường kính khá bé.

Thỉnh thoảng người ta phải mở nắp hố ga để vét đất, cát đọng trong đó. Nhưng ở Hà Nội ít thấy người ta làm việc đó. Thế là chỉ sau một số năm vận hành các ống cống chứa đầy cát. Để khắc phục đầu tiên người ta đào lên, súc rửa rồi lắp lại. Việc này vừa tốn kém mà rồi lại bị tắc. Thế là người ta nghĩ ra làm mương nổi. Các đường nội bộ trong khu dân cư được đào lên, làm một mương, trên có nắp. Xem đó là đường thoát cấp 1. Nước từ mặt đường lọt qua các kẻ hở giữa các nắp để xuống mương. Cách này có ưu điểm là dễ khắc phục khi bị tắc, nhưng lại phát sinh chuyện khác. Một số hộ dân lợi dụng mương đó để làm nơi thoát nước sinh hoạt. Thế là mùi hôi thối từ nước bốc qua các kẻ hở giữa các nắp. Để khắc phục mùi hôi người ta dừng xi măng bịt kín các khe hở, thế là bịt luôn đường thoát nước từ bề mặt vào đường thoát cấp 1, nước bị đọng lại trên bề mặt, chờ thoát dần theo đường khác.

Ngay ở trong nội đô, nước từ mặt đường, chảy qua các lỗ thoát hai bên, vào đường thoát cấp 1. Đường thoát này thường không lớn nên dễ bị đất cát lấp kín dần, làm cho lưu lượng giảm. Mà khi lưu tốc nước chảy bị giảm thì việc lắng đọng của đất cát càng dễ hơn. Thế là càng ngày khả năng thoát của đường cấp 1 càng giảm. Ngoài ra chỉ một vài chiếc lá hoặc túi ni lông chặn ngay ở lưới chắn rác của lỗ thoát thì nước không chảy vào được. Ngay như đường thoát cấp 2 dọc đường vành đai 3 của Hà Nội, khi vừa làm xong thì trong ruột của nó đã chứa một lượng khá lớn cát và phế thải xây dựng.

Nếu chỉ lo làm kênh to, đặt máy bơm lớn ở đoạn cuối mà quên mất bỏ qua việc thu gom nước ở đoạn đầu thì rồi chẳng có nước đâu mà bơm, không có nước đâu mà chảy vào kênh to. Đề nghị để chống ngập do mưa cho Hà Nội và TP HCM thì một việc hết sức quan trọng là chống tắc ngay từ đường thoát cấp 1, thường xuyên nạo vét, đó là nơi xung yếu nhất. Sau đó mới giải quyết đến các đường thoát cấp 2 cấp 3 và cấp cuối cùng.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn