Vì sao Đảng có thể ‘chủ động ban hành Luật Biểu tình?’

Phạm Chí Dũng

Tháng Mười năm nay, Ủy ban Pháp luật Quốc hội Việt Nam bất ngờ đề nghị cơ quan hành pháp xem xét sớm trình dự án Luật Biểu tình để “đảm bảo quyền công dân và tạo hành lang pháp lý cho việc khiếu nại, tố cáo đông người”. Đây là lần thứ hai chính thức và lần thứ ba trong năm có yêu cầu về “trả nợ” này.

Thống nhất của bất nhất

Quốc hội Việt Nam giống như một thể thống nhất của rất nhiều bất nhất. Chỉ tính riêng các luật liên quan mật thiết đến quyền con người như Luật về Hội, Luật Biểu tình, cơ quan được xem là “tối cao về quyền dân” này đã gánh món nợ suốt gần một phần tư thế kỷ qua kể từ Hiến pháp “đủ thứ tự do” năm 1992.

Trong suốt chiều dài bất nhất trên, Luật Biểu tình là quá tiêu biểu của màu sắc dân túy “cho – không cho – lại cho – lại không cho…”.

Trong năm gần nhất – 2016, vào đầu năm Quốc hội còn “quyết liệt” yêu cầu Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phải trình Dự luật Biểu tình, nhưng kết quả bẽ bàng sau đó là chính Thủ tướng Dũng đã chỉ đạo “không trình” để rốt cuộc vụ việc lặn không sủi tăm – gần tương tự tình cảnh “biến mất” âm thầm đến kỳ lạ của ông Nguyễn Tấn Dũng trong và sau Đại hội 12 của đảng cầm quyền.

Trong khi Quốc hội như ngủ vùi giữa hai kỳ bầu bán và tuyên thệ không mệt mỏi vào tháng Ba và tháng Bảy năm nay, chẳng còn thấy một đại biểu nào của khóa trước và khóa sau nhắc tới Luật Biểu tình, nhất là khi Bộ Công an – cơ quan vừa có chức năng “đàn áp biểu tình” của dân vừa được giao soạn thảo văn bản luật này – vẫn chẳng chịu trình ra dự luật nào cho phép công dân xuống đường.

Chỉ sau cuộc biểu tình bảo vệ môi trường lên đến hàng chục ngàn người diễn ra vào tháng Năm năm 2016 tại Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thành khác, mới xuất hiện một số ý kiến trong nội bộ Đảng cho rằng trước sau gì cũng phải ban hành Luật Biểu tình, bởi nếu không có luật thì “làm sao quản được nó” (ý nói quản lý người biểu tình).

“Đã kêu là phải ra Luật Biểu tình đi. Không có luật mà nó cứ kéo đi rần rần thế này thì lấy gì mà xử nó?” – có người thuật lại lời than vãn của một quan chức trong một cuộc họp “sơ kết” sau những cuộc biểu tình “cá chết Formosa” vào tháng Năm, 2016.

Nhưng bàn tới bàn lui mà vẫn không một quan chức có trách nhiệm nào dám đưa đầu ra “quyết”. Hiện tượng tâm lý chính trị học này cho thấy chính quyền quá lo sợ trước làn sóng biểu tình ở nhiều vùng đất nước của quá nhiều người dân đói nghèo bất chấp có Luật Biểu tình hay không.

“Xuống đường, rồi muốn ra sao thì ra”

Quả thế, đói quá lâu sẽ hết đói. Phong trào biểu tình miền Trung năm 2016 là một hiện tượng sinh học quên phắt cảm giác đói luật.

Cuối cùng, bánh vẽ Luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Cuối cùng, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Từ năm 2015 đến nay, hàng loạt cuộc biểu tình đông đảo bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, phản đối chính sách không cho nhận trợ cấp một lần ở Sài Gòn, và “cá chết Formosa” trên một diện tích trải rộng của quốc gia… là bằng chứng bất cần về tâm thế “xuống đường, rồi muốn ra sao thì ra” của nhiều người dân không còn gì để mất.

Khác nhiều với không khí thụ động vào những năm trước, càng về sau này càng đã chứng kiến sự chuyển biến tâm thế của lớp dân chúng chịu thiệt hại lớn – từ đòi quyền tự do biểu tình theo đường ray Hiến pháp sang tâm thế vượt qua sợ hãi để tự thể hiện một nhu cầu đã bị dồn ép vào tận chân tường.

Từ tháng Sáu, 2016 đến nay, phong trào biểu tình miền Trung đã bùng nổ và vượt thoát những chế áp của hàng rào cảnh sát, quân đội, để nếu muốn thì hoàn toàn có thể “san bằng Formosa”. Tuy nhiên, các linh mục vẫn giữ cho khối biểu tình tinh thần ôn hòa.

Ngày 2 Tháng Mười, 2016 đã biến thành cao điểm chưa phải là đỉnh điểm. Một cuộc biểu tình “chiếm Formosa” lên đến hàng chục ngàn giáo dân Kỳ Anh đã bùng nổ trước cửa và trên tường thành nhà máy Formosa Hà Tĩnh. Đây là cuộc biểu tình quy mô nhất, chuyên nghiệp nhất và hiệu quả nhất mà lực lượng giáo dân – ngư dân tổ chức được ở miền Trung. Thậm chí lần đầu tiên người dân chứng kiến lực lượng sắc phục cảnh sát cơ động phải cởi áo vứt nón bỏ chạy trước khí thế ngùn ngụt từ đám đông phẫn nộ.

Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn, không cần biết đến nội bộ chính quyền “còn nhiều ý kiến khác nhau về dự Luật Biểu tình…”

Trong khi đó, công an chẳng biết phải làm gì để “siết” nữa. Từ lâu, những đòn phép đối phó với phong trào biểu tình dân oan từ năm 2007 và biểu tình chính trị từ năm 2011 đã được tung ra hết: trên hết là thói trấn áp và “biện pháp nghiệp vụ” của ngành công an, sau đó là Luật Giao thông đường bộ, Luật Hình sự về “gây rối trật tự công cộng”, kể cả những điều luật khắc nghiệt chính trị như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (258), “tuyên truyền chống nhà nước” (88), “lật đổ chính quyền nhân dân” (79) đã từ lâu được dùng để áp chế giới bất đồng chính kiến nhưng chỉ khiến tiếp biến “bắt một sinh mười”.

Chỉ vài ngày sau cuộc biểu tình “chiếm Formosa” của dân chúng Kỳ Anh, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bất ngờ đề nghị cơ quan hành pháp xem xét sớm trình dự án Luật Biểu tình để “đảm bảo quyền công dân và tạo hành lang pháp lý cho việc khiếu nại, tố cáo đông người”. Đây là lần thứ hai chính thức và lần thứ ba trong năm có yêu cầu về “trả nợ” này.

Lẽ nào Quốc hội, mà ai cũng hiểu rằng đứng sau đó là Đảng “cầm tay chỉ việc”, lại mong muốn có Luật Biểu tình vì “nợ nhân dân đã quá lâu?”

Không còn dừng được!

Một khi nỗi bức bối và phản ứng của dân đã vượt giới hạn của chính quyền, não trạng giới cầm quyền bắt đầu thay đổi sang một hướng đối phó mới.

Ngoài động tác bắt bớ để răn đe, phương tiện “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” còn lại là Luật Biểu tình.

Giới dư luận viên – vốn hung hăng nhất trong giọng điệu “ra luật để có cớ quậy à?” cùng những chiến dịch lên án và mạt sát dân oan khiếu kiện, người dân biểu tình chống Trung Quốc – lúc này lại đang vội vã đánh tiếng: “Cần lắm Luật Biểu tình”.

“Chính vì không có luật nên mới xảy ra bạo loạn, gây rối và ta lúng túng trong xử lý” – một luận điểm ngày càng chiếm đa số trong giới quan chức phải chường mặt ra đường trước đám đông phẫn uất.

Cuộc biểu tình của hàng vạn giáo dân – ngư dân miền Trung vào năm 2016 hẳn đã gieo vào nội bộ Đảng nỗi sợ hãi khôn tận: hai dự luật về hội và tín ngưỡng tôn giáo bất chợt được những quan chức giấu mặt nào đó nhét vào hàng loạt nội dung hoàn toàn ngược ngạo với các quyền tự do lập hội và tự do tôn giáo mà đã hiển thị trong Hiến pháp “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Một khả năng tréo ngoe có thể xảy ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2017: không phải giới đấu tranh nhân quyền và người dân, mà chính quyền mới là chủ thể “mót” Luật Biểu tình nhất.

Phải có Luật Biểu tình. Có luật mới “xử được nó!”

Đó có thể là lý do để bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội – sẽ “gật” với Luật Biểu tình như môt định chế luật bổ sung bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho dù chỉ mới vào tháng Tám, 2016, chính bà Ngân đã bác dự luật này với lý do “làm rối loạn đất nước” mà sau đó bị dư luận chỉ trích ghê gớm.

Chỉ có điều, ra luật rồi nhưng có “quản” được hay không lại là một chuyện khác hẳn. Đói quá lâu đã hết đói. Formosa Hà Tĩnh đã biến thành giọt nước tràn ly khiến các cuộc biểu tình không cần luật của dân nghèo và nạn nhân chính sách ở Việt Nam sẽ không bao giờ dừng được nữa.

P.C.D.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/binh-luan/vi-sao-dang-co-chu-dong-ban-hanh-luat-bieu-tinh/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn