15 văn kiện hợp tác Việt - Trung gây nhiều tranh cãi

Cát Linh, phóng viên RFA

clip_image002

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh ngày 13 tháng một năm 2017. AFP photo

Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là quốc gia được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chọn làm nơi bắt đầu cho chuyến đi công vụ đầu năm 2017, từ ngày 12 đến ngày 15/1/2017. Chuyến đi kết thúc với 15 văn kiện hợp tác được ký kết giữa hai quốc gia. Tính chất và nội dung của 15 văn kiện này đang tạo ra nhiều tranh luận trong và ngoài nước.

Tiêu cực

Chuyến đi thăm được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo và miêu tả là nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lơi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Ngay khi đặt chân đến Bắc Kinh, chiều ngày 12/1, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký kết 15 văn hiệp hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nội dung cụ thể được nêu trong 15 văn kiện chưa được loan báo, ngoại trừ những tiêu đề chính. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho rằng đây là những văn kiện không minh bạch, và mang tính chất tiêu cực.

“Chúng tôi đánh giá là đại tiêu cực. Và chúng tôi yêu cầu phải công khai từng văn kiện, từng câu từng chữ rõ ràng và quốc hội phải xem xét, nghiên cứu, rồi phê phán, chỉ ra chỗ nào được, chỗ nào không được, chỗ nào đúng chỗ nào sai”.

Việc ký kết nhiều văn kiện trong một chuyến đi công vụ giữa Việt Nam và Trung Quốc được ông Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh đã từng diễn ra rất nhiều lần, trong nhiều lĩnh vực, từ quân sự đến chính trị, đến đào tạo cán bộ, kinh tế... Nhưng riêng lần này, ông nhận định đó là “những ký kết phi pháp”.

“Vì không ai cho phép và không có cái luật nào là anh Tổng Bí thư dẫn một đoàn đi ký kết những văn kiện như vậy được. Ông Trọng đang làm một việc trái luật. Ngay cả điều 4 của Hiến pháp cũng không có khoản nào qui định anh được làm việc này. Cái này là cách làm của Đảng Cộng sản Liên Xô cũ. bây giờ nó đã giải tán rồi? Phương thức ấy vẫn sử dụng là không đúng”.

Ghi điểm về ngoại giao

clip_image004

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) đến Bắc Kinh hôm 12/1/2017. AFP photo

Tiến sĩ Vũ Cao Phan, Phó chủ tịch hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc nhấn mạnh tuy phản ứng của nhiều người cho rằng bản thông cáo chung của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng về cuộc thăm viếng Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không chứng minh sự tiến triển gì.

Nhưng với cá nhân ông có nhận định khác, đặc biệt về hình thức ngoại giao:

“Trong thông cáo đó, giọng điệu thoải mái hơn, nhìn vấn đề được đề cập cụ thể hơn. Ngoài ra thì tôi có thể cho rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đều ghi được điểm về mặt ngoại giao”.

Tiến sĩ Vũ Cao Phan nhận thấy qua chuyến đi thăm này, Việt Nam đã tỏ ra không kém cạnh, không thua thiệt với các nước đã chìa bàn tay với Trung Quốc, đã bước theo kịp tình hình chung của khu vực. 15 văn kiện hợp tác vừa được ký kết đã chứng tỏ Việt Nam cũng tạo được một điểm nhấn sau Malaysia và Philippines.

Và ngược lại, sau quan hệ nồng ấm với Philippines và Malaysia thì Trung Quốc rất cần chứng tỏ cũng làm được như vậy với Việt Nam, là nước có nhiều quan hệ nhất với Trung Quốc, cả về được lẫn chưa được.

Với ghi nhận của Tiến sĩ Vũ Cao Phan thì Trung Quốc đánh giá quan hệ với Việt Nam là quan trọng nhất. Do đó, với 15 văn kiện này, Trung Quốc đã ghi được điểm trong công tác ngoại giao sau khi thắt chặt quan hệ với các nước khác trong khu vực.

Đối lập với nhận định này, ôngNguyễn Khắc Mai cho rằng 15 văn kiện hợp tác ấy như một bước tiếp theo của 16 chữ vàng với 4 tốt, điều mà theo ông là lâu nay đã bỏ đi và xã hội xem đó là một sự “đầu hàng nhục nhã”.

“Riêng cá nhân tôi đây là một đại hoạ chứ không phải mối lo nữa. 16 chữ thực chất là cái thòng lọng mà Tàu buộc vào Đảng Cộng sản Việt Nam, chính phủ, chính quyền Việt Nam và cả dân tộc Việt Nam nữa. vẫn chiếm đảo, xây dựng đảo, uy hiếp đường hàng không hàng hải của Việt Nam”.

Hai vấn đề quan trọng vẫn không tiến triển

clip_image006

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) hội đàm tại Bắc Kinh ngày 12 tháng 1 năm 2017. AFP photo

Cá nhân Tiến sĩ Vũ Cao Phan không quan trọng về số lượng của văn kiện được ký kết là 15 hay con số nào khác sẽ được ký kết thêm. Điều ông đưa ra làm vấn đề chính chưa được giải quyết và đặt nền tảng xây dựng một cách hoà bình, bình tĩnh, hữu nghị, đó là kinh tế và Biển Đông. Theo ông, đây cũng chính là hai vấn đề nổi bật nhất trong quan hệ giữa hai nước.

“Tóm lại đứng về mặt ngoại giao và hình thức thì ta có thể nhìn như thế. nhưng về chất lượng của chuyến đi với hai vấn đề quan trọng giữa Việt Nam - Trung Quốc là kinh tế và Biển đông thì tôi thấy không tiến triển”.

Đây cũng là nhận định của Giáo sư Nguyễn Khắc Mai khi nói về những nội dung mà ông đánh giá là tiêu cực của 15 văn kiện hợp tác.

“Những cam kết về kinh tế là rất dở hơi, vẫn kéo dài và nâng giá…”

Theo phân tích của Tiến sĩ Vũ Cao Phan, mặc dù phía Trung Quốc đã nhấn mạnh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã vượt qua Malaysia để đứng đầu Đông Nam Á, nhưng thực tế thì không như thế.

“Trong cái đứng đầu ấy thì Trung Quốc vẫn giữ lợi thế là Việt Nam vẫn phải nhập siêu trầm trọng. Đầu tư vào Việt Nam không tương ứng với quan hệ thương mại. Trong một chục nước đứng đầu đầu tư vào Việt Nam thì Trung Quốc xếp gần cuối”.

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài đưa ra vào năm 2016, 10 nước có vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Quần đảo Virgin, Hồng Kong, Malaysia, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Thái Lan. Trung Quốc xếp thứ 9 trong bản thống kê xếp hạng.

Tiến sĩ Vũ Cao Phan đề cập thêm đến việc đầu tư không hiệu quả như vấn đề gang thép Thái Nguyên, phân đạm Ninh Bình.

“Về mặt kinh tế, tôi cho rằng không ghi được điểm nhấn nào ngoài việc Trung Quốc đưa vào thông cáo chung nói về kết hợp 2 con đường 1 vành đai và 1 con đường 1 vành đai”.

“Nhất đới nhất lộ” là cách gọi mà báo chí Trung Quốc nhắc đến rất nhiều khi nói về chiến lược thương mại với Việt Nam. Phía Việt Nam thì đề cập đến điều này qua cách nói “Một con đường, một vành đai”. Chính sách này cũng đã gây không ít tranh cãi cho cả báo chí phương Tây với tên gọi “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” hoặc “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”.

Tuy nhiên với “Hai con đường một vành đai” thì đây là lần đầu tiên được đưa vào văn kiện hợp tác giữa hai nước Việt - Trung từ sau thoả thuận với Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải. Mặc dù Tiến sĩ Vũ Cao Phan cho biết Trung Quốc cũng đã nhiều lần nhắc đến, nhưng phía Việt Nam không hưởng ứng trong suốt nhiều năm qua.

“Tôi phải đặt câu hỏi là Việt Nam có muốn duy trì “Hai con đường một vành đai” hay không vì chỉ có phía Trung Quốc đưa ra? Về kinh tế là thế. Về Biển Đông thì càng không”.

Ông khẳng định quan điểm của mình là phải có đàm phán về Biển Đông, ngay cả những vấn đề có thể hợp tác được như quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa, là vấn đề Trung Quốc đã thực hiện đàm phán với Philippines ở quần đảo Scarborough.

Mặc dù nội dung chi tiết của 15 văn kiện hợp tác Việt Trung chưa được hơn 90 triệu người dân Việt Nam tường tận, thế nhưng với những phân tích của các nhà quan sát cùng với phản ứng của người dân trong nước, có vẻ như họ vẫn đang thấy sợi dây liên đới chặt chẽ giữa 15 văn kiện hợp tác và 16 chữ vàng, 4 tốt.

C.L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/good-n-not-good-in-15-coop-agreements-of-vn-cn-01192017094714.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn