Một thời bát nháo (Kỳ 1)

Nguyễn Đình Cống

Các trí thức VN đã đi buôn lậu và làm cửu vạn quốc tế như thế nào.

1- KHUNG CẢNH
Đó là thời kỳ từ năm 1976 đến năm 1990. Từ 1976, sau một thời gian ngắn kết thúc chiến tranh, thống nhất lãnh thổ, làm cho hàng chục triệu người vui sướng, được nhận họ, nhận hàng thì đất nước rơi vào tình cảnh kiệt quệ. Miền Bắc phong trào hợp tác xã nông nghiệp đã làm bần cùng hóa nông dân và xã hội. Miền Nam công cuộc cải tạo tư sản đã phá nát mọi doanh nghiệp. Khắp nơi cấm chợ ngăn sông. Rồi đem quân qua Campuchia và chiến tranh biên giới phía Bắc. Các trí giả thi nhau phán đoán lúc nào tình hình kinh tế sẽ xuống đến tận đáy để rồi từ đó ngoi lên. Người này đoán 1980, kẻ khác cho là đến 1982. Nhưng rồi đến 1984 sự khủng hoảng vẫn tiếp diễn. Mọi người phải lo tự cứu trước khi Trời cứu. Người ta làm đủ mọi việc có thể kiếm được miếng ăn và nghĩ ra nhiều mưu mẹo để vá sửa quần áo rách. Nhiều gia đình nuôi lợn trong khu vệ sinh tại các tầng cao của các khu nhà tập thể. Bà vợ của một giáo sư tâm sự: chồng ốm không lo bằng lợn ốm.

Trong tình hình bi đát sắp chết chìm đến nơi thì một vài chiếc phao cứu sinh xuất hiện, trong đó có khoán hộ trong nông nghiệp và xuất khẩu lao động. Với các lao động phổ thông thì sang Liên xô và các nước XHCN Đông Âu. Với các trí thức như bác sĩ và thầy giáo thì đi Châu Phi làm chuyên gia y tế và giáo dục (tại các nước Angiêri, Cônggô, Ănggôla, Mađagasca). Gia đình tôi, con gái đi lao động ở Bungari (1985-88), tôi đi làm chuyên gia giáo dục tại Angiêri (1986-89). Bài này viết về một số chuyên gia đó. Viết theo một số ghi chép và trí nhớ còn giữ lại được sau hơn một phần tư thế kỷ.

Thời gian đầu, từ năm 1982, việc đi chuyên gia Châu Phi là quyền lợi kết hợp nghĩa vụ. Mọi việc về hợp đồng, chế độ, nghĩa vụ, tổ chức, tuyển chọn, v.v. đều do Phòng Hợp tác chuyên gia của Bộ lo. Công việc và sinh hoạt của chuyên gia tại mỗi nước do một Tùy viên của sứ quán ở nước đó quản lý. Lương nước ngoài trả tạm thời do chuyên gia giữ, nhưng cuối cùng được bao nhiêu đều phải nộp vào quỹ ở Sứ quán, do người của Bộ Tài chính quản ( * ). Tiền lương mỗi chuyên gia được hưởng do Nhà nước qui định, gồm 2 phần. Một phần bằng tiền địa phương, vừa đủ tiêu dùng hàng ngày ở mức trung bình. Một phần nữa được thanh toán bằng ngoại tệ với mức 80 đến 100 đô la mỗi tháng. Những chuyên gia như thế được gọi là “chuyên gia nghĩa vụ”. Chính phủ dùng số tiền thu được từ lương của chuyên gia để góp vào việc trả nợ, nghe nói rằng đó là nợ vay của một số nước Châu Phi để chi dùng cho cuộc chiến tại Campuchia.

Sau này, từ 1990 trở đi một số khá đông chuyên gia không còn phải làm nghĩa vụ nữa, lương nước ngoài trả bao nhiêu họ được hưởng gần trọn vẹn (phải đóng thuế thu nhập và một vài loại phí dịch vụ).

Trong tình trạng kiệt quệ của thời kỳ những năm 80 thế kỷ trước, mỗi gia đình có thêm được 100 đô la mỗi tháng là đã thoát được cảnh túng quẩn, nhưng hình như các chuyên gia nghĩa vụ không có ai thỏa mãn với thu nhập đó mà đều tìm cách kiếm thêm bằng nhiều cách, chủ yếu bằng buôn lậu và làm cửu vạn. Mà là buôn lậu và làm cửu vạn giữa các nước, đó là buôn lậu quốc tế, làm cửu vạn quốc tế theo đúng nghĩa đen. Khi nghe nói các trí thức, trong đó có khá đông tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đi buôn lậu và làm cửu vạn thì nhiều người không tin, cho là chuyện bịa, nhưng thật sự là đúng như vậy. Thì chính tôi và các bạn bè là các giáo sư, tiến sĩ đều đã buôn lậu và làm cửu vạn như thế. Ngoài các chuyên gia thì nhiều người Việt có điều kiện đi nước ngoài hoặc từ đó trở về đều kết hợp buôn bán một thứ gì đó (ngày nay người ta gọi là hàng xách tay) hoặc làm cửu vạn giữa các nước.

2- BUÔN LẬU SANG CÁC NƯỚC

Định nghĩa: Buôn là việc mua để bán một thứ gì đó nhằm kiếm tiền. Buôn lậu là buôn một cách lén lút, không khai báo, trốn thuế. Buôn lậu quốc tế là buôn lậu từ nước này qua nước khác. Như vậy dù chỉ mua vài cái áo, vài chai rượu, vài tút thuốc lá từ nước này mang sang nước khác bán để kiếm tiền cũng đúng là buôn lậu quốc tế. Khi nghe đến buôn lậu quốc tế người ta thường hình dung ra những món hàng hóa có giá vài trăm ngàn đô la, vài triệu đô la trở lên chứ có ai đi buôn các món hàng chỉ có giá trị vài chục đô. Thế mà các bác sĩ, các giáo sư VN chủ yếu buôn lậu quốc tế chỉ với các món hàng từ vài chục đến vài trăm đô, rất ít người, rất ít khi có món hàng đến ngàn đô. Họ buôn lậu chỉ là kết hợp, là tranh thủ, vừa buôn vừa run sợ. Kết thúc một chuyến mà kiếm được vài chục đến vài trăm đô tiền lời là mừng vô cùng. Việc kết hợp buôn lậu được thực hiện theo cả hai chiều đi và về.

Ngoài lần đi đầu tiên và lần về cuối cùng, chuyên gia nghĩa vụ được phép nghỉ, về nước, mỗi năm một lần. Mỗi lần đi hoặc về thường phải chuyển máy bay tại một nước Châu Âu. Mỗi lần như vậy họ thường không đi ngay mà ở lại vài ngày để mua bán hoặc ở lâu hơn để làm cửu vạn. Cũng có lúc họ chuyển máy bay thêm một lần nữa ở Thái Lan, lúc này họ tranh thủ mua hàng.
Trước mỗi lần đi các chuyên gia cần thu thập thông tin “Sang nước ấy thì nên mang hàng gì”. Hồi ấy chưa phổ biến điện thoại di động và email nên thông tin chủ yếu bằng truyền miệng. Ở Liên xô có thể bán quần bò, áo phông, rượu thuốc Sâm Quy Tinh, kính râm, đồng hồ đeo tay hiệu Seiko của Nhật hoặc đồng hồ điện tử, v.v. Sang Châu Phi thì mang áo kimono, hàng thổ cẩm, các đồ thủ công mỹ nghệ như dây chuyền và nhẫn bằng bạc, các tượng nhỏ bằng gốm và sừng, thậm chí các loại mũ nan, v.v. Cũng có thể mua hàng từ Liên xô và Đông Âu mang sang Châu Phi như rượu, khăn mu soa, búp bê gỗ, v.v.

Để bán hàng ở Liên xô và Đông Âu chỉ cần liên hệ với một đường dây người Việt sở tại rồi giao toàn bộ để họ đem bán đến tận tay người mua dùng. Ở các nước Châu Phi không có sẵn các đường dây như vậy của người Việt, phải trông cậy vào các mối quan hệ với người địa phương biết buôn bán. Chuyên gia giáo dục dựa vào gia đình các sinh viên, chuyên gia y tế dựa vào đồng nghiệp hoặc gia đình bệnh nhân. Thỉnh thoảng một vài nơi cũng xuất hiện một số “cò”. Họ cũng là chuyên gia, có khả năng buôn bán và quan hệ với dân buôn sở tại. Những cò này làm môi giới bán hàng và làm dịch vụ lậu đổi tiền (đổi tiền địa phương ra đô la).
Việc bán hàng phần lớn xảy ra bình thường nhưng thỉnh thoàng gặp sự cố. Đó là do thông tin đã quá lạc hậu hoặc sơ suất. Một món hàng trước mấy tháng bán rất chạy, nay bỗng trở nên ế ẩm, hoặc tai hại hơn là bị hải quan phát hiện, tịch thu hàng và truy cứu trách nhiệm. Điều này các giáo sư đi công tác hoặc dự hội thảo dễ bị vướng vào hơn là các chuyên gia. Xin kể 2 câu chuyện.

(1) Sao anh giỏi thế

Tháng 6 năm 1987 giáo sư H. được mời sang Liên xô dự hội thảo khoa học và báo cáo công trình nghiên cứu. Trước khi đi, việc chuẩn bị báo cáo ông chỉ làm nhoáng trong 2 buổi là xong. Ông để nhiều tâm sức cho việc thu thập thông tin thị trường, mượn tiền để mua hàng và sắp xếp va li. Ông sang trước 4 ngày. Ba ngày đã trôi qua mà những đường dây ông được giới thiệu đều từ chối nhập hàng, vì thứ đó hiện nay rất khó bán, các đường dây đều còn và không có mối tiêu thụ. Ngày thứ tư, bụng cồn cào như lửa đốt. Chưa bán được hàng thì còn tâm trí nào mà dự hội thảo, nói gì đến báo cáo, báo chồn. Ông bỗng nhớ đến Toàn, một sinh viên cũ đang làm nghiên cứu sinh. Ông gọi điện thoại và chỉ sau 2 giờ Toàn đến nhà khách sứ quán. Sau câu chuyện vui mừng thầy trò gặp nhau, ông tỏ ý nhờ Toàn tìm mối tiêu thụ hàng ông mang sang. Toàn vui vẻ nhận lời, cho rằng việc đó quá dễ, anh đang rất cần hàng đó. Trước khi đi người quen tính toán cho GS sẽ bán được khoảng từ 700 đến 750 đô, lãi được gần 200 đô và quan trọng hơn là có tiền để mua hàng mang trở về. Sau 3 ngày không bán được ông chỉ mong kiếm được 650 đô là quá tốt. Thế mà Toàn không hề hỏi GS định bán bao nhiều, rút ví ra đưa ngay 800 đô. GS mừng rơi nước mắt. Được tin Toàn nhập hàng của GS, một số người ở các đường dây đến hỏi Toàn nguồn tiêu thụ, khen Toàn “Sao anh giỏi thế”. Toàn chỉ vào một đống dưới gầm giường, giải thích: Đấy, hàng của GS mang sang vẫn còn đấy, dây nào tiêu thụ được thì anh biếu không.

(2) Mất chì nhưng gỡ được chài

Tháng 8 năm 1989, tôi kết thúc nhiệm kỳ chuyên gia 3 năm. Sau khi về Hà Nội nghỉ hè tôi trở lại Angiêri để làm nốt một số việc và thanh toán với sứ quán trước khi về hẳn. Tôi bay sang Mascơva, đi tàu hỏa đến Praha để bay sang Angiê. Ngoài một số hàng mỹ nghệ và kimono mang từ nhà tôi còn mua thêm ở Praha vài trăm chiếc mu soa. Nhẩm tính, nếu tất cả trót lọt sẽ kiếm được khoản lời trên 150 đô. Theo lịch, chuyến bay sẽ đến nơi vào 23 giờ 15 và vào 24 giờ Hải quan đổi kíp. Đoán rằng lúc đó nhân viên hải quan chuẩn bị kết thúc kíp trực, chắc là mỏi mệt, không khám xét kỹ nên tôi không chịu khó ngụy trang chu đáo. Không ngờ chuyến bay bị trễ, máy bay hạ cánh lúc quá nửa đêm. Đến nơi thì kíp hải quan mới vừa đến thay, họ đang hăng hái, khám xét kỹ. Thế là tôi bị tạm giữ toàn bộ số hàng, nhét đầy vào một túi du lịch. Mặc dầu tôi khai đó chỉ là những thứ tôi mua để làm quà tặng cho bạn bè (thực ra là nói dối), nhưng họ không tin. Họ cấp cho một biên lai thu giữ để xử lý. Nếu sau 3 tháng mà không trình bày được lý do chính đáng thì số hàng bị tịch thu. Tạm thời túi du lịch được giữ trong kho hải quan. Về trường nơi công tác, tôi nhờ các bạn người Angiêri có quen biết Hải quan xin giùm, nhưng không được. Nếu bị mất toàn bộ số hàng thì đúng là “mất cả chì lẫn chài”. Nhưng tháng 10 tôi đã làm xong mọi việc cần thiết và về nước, đã lấy lại được một phần trong số hàng bị giữ, xem như chỉ mất chì còn giữ được chài (chuyện này rất hay, xin kể sau vì bài đã hơi dài, tạm dừng).

Các kỳ sau: Buôn lậu từ nước ngoài về Việt Nam; Làm cửu vạn giữa Đông Âu và Liên xô; Những cái chết bi thương và bí ẩn; Vài chuyện lạ có thật…

( * ) Trong thời gian tôi ở Angiêri, cán bộ sứ quán quản lý chuyên gia là GS. Nguyễn Xuân Đặng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Bộ Đại học, nguyên Hiệu phó trường ĐHXD; cán bộ của Bộ Tài chính phụ trách thanh toán thu nhập và lương của chuyên gia là ông Thái Bá Minh.

N.Đ.C.

Nguồn: https://www.facebook.com/ngdinhcong/posts/1330618470292738

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn