Lứa sinh viên chuyển tiếp chế độ: Một thời ‘ấu trĩ tả khuynh trong sáng’

Kiều Phong

Hồi đó, ông Lý Chánh Trung - giáo sư ở Văn khoa nói lần đầu tiên trong đời đào 1 mét khối đất thì thấy mình vĩ đại ghê lắm!!!

Quân Bắc Việt đánh vào Đà Nẵng, đánh lên Ban Mê Thuột, nhưng sinh viên ở Sài Gòn vẫn đi học bình thường. Cho đến một hôm, bỗng tự nhiên nghe thấy bom nổ, mấy ông thầy nháo nhác đi về, lái xe hơi chạy về nhà. Hóa ra hôm đó là ông Nguyễn Thành Trung (phi công) ném bom Dinh Độc lập.

Hồi đó có một ông giáo sư dạy triết học Phương Đông là thầy Nguyễn Duy Cần, bây giờ sách vở của ông có in lại một ít như Thuật yêu đương, sách Học làm người, vân vân, nói như đinh đóng cột rằng các nước lớn dụng thuyết an dân lên Việt Nam, đại khái là miền Nam giữ được từ Nha Trang vào. Nhưng sau đó mọi thứ đã cho thấy ngược lại. Quân đội Bắc Việt thống nhất đất nước, sự kiện 30 tháng Tư khung cảnh hôm ấy cho đến nay chưa có phim nào dựng lại, đó là một khung cảnh vừa bi tráng và vừa đặc biệt rất khó tả. Lúc đó máy bay trực thăng của Mỹ, loại máy bay đó rất to của Hải quân Mỹ, bay từ Hạm đội 7 ở ngoài biển vào. Ngày hôm đó máy bay đầy trời, đi vào lấy người, chở những người di tản đi. Máy bay bay khắp bầu trời Sài Gòn, sau đó quân đội của Sài Gòn ở những vùng xung quanh rút vào, họ vừa đi vừa bắn súng loạn xạ, sau đó mới gửi quần áo xuống, quăng đầy đường. Lúc đó anh nào tham lam có khi kiếm được nhiều tài sản lắm, ví dụ như thời đó xe Honda được bỏ lại đầy ngoài đường. Sau đó thì đất nước bước sang một cuộc sống mới. Sinh viên Sài Gòn có những người chưa hiểu gì về cách mạng, cũng không dính líu gì đến chế độ cũ, nhiều anh chị còn có bố mẹ có cảm tình với cách mạng. Tâm trạng của một số thanh niên mới lớn ấy, thành thực mà nói, chẳng khác nào được sinh lại một lần nữa.

Sài Gòn, 29 tháng Năm 1975, học sinh sinh viên biểu tình chống “văn hóa đồi trụy phản động” như là một phần của chiến dịch đốt sách ở Nam Việt Nam. Ước tính có hàng chục ngàn quyển sách và băng thu đã bị đốt cháy kể từ khi chiến dịch bắt đầu vào ngày 21 tháng Năm. Tất cả các nhà sách đều bị đóng cửa bởi sắc lệnh cấm bán sách và băng ghi được sản xuất trong thời gian của chế độ cũ.

Mới đầu, các sinh viên Sài Gòn học chuyển tiếp không được học về chuyên môn, tất cả bắt buộc phải học về chính trị. Các sinh viên lần đầu tiên tiếp xúc với “cách mạng”, thành ra rất say mê tìm hiểu, sau này nhiều người trong số đó nghĩ lại năm 1975 thì đã không thể hiểu nổi tại sao thời đó mình say mê sách của Karl Marx và Tuyên ngôn của Chủ nghĩa cộng sản như vậy, càng đọc càng thích. (Bây giờ chẳng ai còn có can đảm mà đọc mấy tác phẩm đó nữa.) Sau đó, những sinh viên này được đi thực tập-thực tế rất nhiều chứ không phải vẻn vẹn mấy tuần như bây giờ. Có chủ trương cho sinh viên, nghệ sỹ đi để hiểu giá trị của lao động nên nhiều điều máy móc của chế độ mới lòi ra. Ví dụ như có người nói, có người nghệ sỹ như Đặng Thái Sơn chẳng hạn, đi lao động thì không nên, bởi những bàn tay của nghệ sỹ rất là quý, đi đào đất thì làm sao mà giữ được cái bàn tay để đánh đàn? Chẳng hạn như thế. Hồi đó, ông Lý Chánh Trung - giáo sư ở Văn khoa nói lần đầu tiên trong đời đào 1 mét khối đất thì thấy mình vĩ đại ghê lắm!!! Các sinh viên mới đầu đi thực tập chính trị, đi tăng gia sản xuất, chiến đấu bài trừ “văn hóa đồi trụy”…

Một thời ấu trĩ tả khuynh. Thí dụ như hồi đó nhạc Trịnh Công Sơn bi lụy quá, buồn bã quá, văn học chế độ cũ cũng có gì đó không thích hợp với cuộc sống mới đều bị giảm thiểu. Đó là thời ấu trĩ tả khuynh nhưng với rất trong sáng. Trong lớp văn ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, có những cô nữ sinh hết sức xinh đẹp, nhưng chỉ vì mặc áo pull thôi mà đã bị phê bình là tiểu tư sản. Các cô này sợ quá, phải chuyển qua mặc áo bà ba và quần đen mới là trong sáng cho đúng theo quan điểm của “cách mạng”. Những nam sinh nào có gia đình khó tính, sống theo văn hóa phương Đông hóa ra lại được lợi. Ngay trong thời Á-Âu lẫn lộn, bố mẹ họ ép con mặc quần ống bóp chứ không cho con mặc quần ống loe, sau 1975 bỗng dưng lại hợp thời trang và được đánh giá là thành phần thanh niên chưa bị tha hóa (nhà nước Hà Nội cho rằng chủ nghĩa hiện sinh đã làm bại hoại thanh niên Sài Gòn đã làm cho thanh niên mặc quần loe và sống buông thả).

Nhiều sinh viên miền Nam đi ra học tiếp ở ngoài Bắc. Một số đi vào Cung Văn hóa Lao động Việt-Xô để xem văn nghệ, chỉ có một hai bạn gì đó được vào, còn mấy bạn khác thì do ăn mặc không phù hợp, mặc quần ống loe nên rốt cục không được vào xem. Có cô sinh viên Sài Gòn ra mặc một quần tây màu trắng dạo phố, bị người Hà Nội xã hội chủ nghĩa nhìn như thể nhìn một sinh vật lạ. Ngoài Bắc chẳng ai dám mặc quần tây kiểu như thế, chủ yếu là mặc lụa đen truyền thống. Sau này dần dần hai miền ăn mặc mới giống nhau.

Miền Bắc hồi đó, chạy xe đạp không nhảy lên đạp ngay như nam ngày nay mà phải đẩy đẩy đẩy đẩy rồi nhảy lên, hình như bắt chước Trung Quốc. Có anh sinh viên Sài Gòn ra Quảng Ninh- Hạ Long đi thực tế, lên xe đạp ngồi bị người ta nhìn ghê lắm. Sau này anh đó hỏi thì mới biết chỉ có trẻ con mới ngồi hai bên, còn người lớn phải ngồi sau xe đạp phải ngồi một bên mới lịch sự.

Trịnh Công Sơn và du ca phản chiến

Ngoài ra còn có chuyện bất đồng ngôn ngữ giữa hai miền. Xem lại trước 1954 do chưa chia cắt đất nước nên hai miền mặc dù xa xôi nhưng ngôn ngữ vẫn giống nhau, cách ăn mặc, xe cộ giống nhau. Người ta ngạc nhiên thấy miền Bắc trước 1954 trẻ con cũng uống sữa Gi-gô, một loại sữa mà lon bằng nhôm rất tốt và bền, bây giờ có những người của miền Nam cũ vẫn còn giữ được, dùng để đựng cơm và thức ăn vào lon này mang đi làm. Sau 1954, do đất nước chia cắt, thành ra dùng từ khác nhau giữa hai miền. Sau 1975, đài truyền hình có trục trặc thì ghi là “Vì sự cố kỹ thuật, chương trình tạm gián đoạn trong giây lát”, người miền Nam không hiểu “sự cố” là gì cả, bởi vì trong Nam dùng từ “lý do kỹ thuật” chứ không dùng từ “sự cố kỹ thuật”. Ngoài ra, trong Nam ít dùng chữ “hiện đại” mà dùng chữ “tối tân”, ví dụ như vũ khí của Mỹ là vũ khí tối tân chứ không nói là hiện đại. Người Nam ra miền Bắc, ngoắc xe người ta, miệng xin “quá giang” mà người Bắc lại ngơ ngác không hiểu “quá giang” là gì. Rồi ngay cả cách gọi cái cốc, cái ly, cái dĩa, cái nĩa ... ở hai miền cũng rất khác nhau.

Gay cấn nhất là công cuộc sinh viên Sài Gòn được sắp xếp đi đánh tư sản mại bản. Sinh viên đi đánh tư sản mại bản, tức là cho đi học tập rồi ghi chép thống kê gì đó, nửa đêm lên xe quân đội chở đi vòng vòng, sau đó cho tập trung chỗ biệt thự nào đó, mấy ông chỉ huy dặn ai hỏi thì nói là đi đám cưới. Cuối cùng đêm khác cũng nhảy lên xe quân đội chở qua Chợ Lớn, có nhóm sinh viên chiếm được một nhà máy dệt, nhóm khác lại chiếm một nhà ông chủ tư sản, nhốt người ta lại trong nhà, không cho người ta đi đâu kể cả đi chợ. Nghe đồn, có khi còn phát hiện ra họ giấu vàng ở dưới mấy chậu cây. Những sinh viên may mắn hơn thì đi thực tế ở vùng Trị An, gần ra trường thì đi xây nhà cho những người cơ nhỡ, những người già ở Bình Dương. Hồi đó miền đất đó còn hoang vắng, còn suối rừng.

Trong trường đại học, các sinh viên cũng có lao động bắt buộc. Ngày nay các em mới vào trường Đại học Văn khoa Sài Gòn (nay là Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM ở Đinh Tiên Hoàng trung tâm Quận 1) sẽ thấy thấy mấy cây ngọc lan, những cây đó tính ra là 41 năm tuổi rồi. Khóa trước 1975 có Khoa Văn, Khoa Ngoại ngữ, có Khoa Sử, Khoa Địa, họ trồng mấy cây đó, rất nhiều. Hồi đó cây ngọc lan có nhiều, sau này bị chết đi một số lớn. Nguyên nhân: lúc khó khăn, công đoàn nhà trường đã tổ chức nấu nước mắm, sau đó cô đặc lại làm nước mắm kem gì đó, hơi nước mắm bốc lên làm chết mấy cây ngọc lan, có lúc lại nấu cồn, thành ra có khi nghe mùi nước mắm, có khi nghe mùi cồn. Thời khó khăn, thời ấu trĩ nhưng rất là trong sáng.

Thời chuyển tiếp đó sinh viên ăn uống rất gian khổ. Trong lớp có chức lớp phó đời sống bên cạnh chức lớp phó học tập (nhiều sinh viên thắc mắc không hiểu vì sao mình học giỏi mà không được làm lớp phó học tập mà phải làm lớp phó đời sống, còn cô kia học kém hơn được làm lớp phó học tập). Lớp phó đời sống nhận tiêu chuẩn rồi phân cho các bạn trong lớp. Hồi đó lớp văn do nhiều ngành, trước 1975 trường Đại học Văn khoa chỉ cần ghi danh(*), không cần phải thi đầu vào nên rất đông. Sau 1975 một số ngành không có lại bị bắt học văn, ví dụ như các sinh viên học triết khoa, sau 1975 không có triết khoa nên phải học văn, cũng như bên tâm lý, báo chí cũng phải chuyển sang học văn. Sau 1975, sinh viên luật khoa thì phải học kinh tế. Với một sự xáo trộn như vậy, chế độ bao cấp sinh ra chức lớp phó đời sống, mỗi tháng phân cho mỗi bạn được bao nhiêu thịt, bao nhiêu xà bông, bột giặt. Ngoài ra, còn có thuốc lá nữa, hồi đó biết hút thuốc là thì nhận tiêu chuẩn thuốc lá, thuốc lá đen, thuốc lá Đà Lạt. Cơm thì ăn thức ăn độn, hồi đó học ở ngoài Bắc, bữa nào có cơm thì hạnh phúc ghê lắm. Bình thường, khẩu phần ăn chỉ có bột mì, cho nên có câu lục bát đến sượng lòng:

“Mỗi ngày hai cục bột mì

Bốn năm đại học còn gì là xuân”.

Ăn mì hoặc ăn bánh ngô, bánh bắp, bữa nào có được con cá chiên thì đó là một bữa thịnh soạn. Nghĩ công bằng thì, ăn theo kiểu ăn độn hồi đó lại có điều hay hay, ăn độn nhiều rau củ quả này kia hơn bây giờ. Bây giờ chúng ta ăn thịt cá nhiều quá lại gây ra cái bệnh khác.

Gian khổ nhất là giai đoạn đất nước bị cấm vận, thế giới không còn nước nào chơi với Chính phủ Hà Nội, nhất là khi họ đem quân đánh sang Cam-pu-chia để tiêu diệt Pôn-pốt. Sự đói kém ám ảnh mọi nhà, lương thực bị siết chặt. Các trí thức Sài Gòn đi miền Tây về đem gạo nhiều nhiều cũng sợ bị tịch thu. Nhiều người đi xuống miền Tây mua ổ mỡ, họ lấy mỡ đó đem về Sài Gòn nấu ăn, chứ không dám mua ổ thịt về Sài Gòn, bởi không thể qua trạm Tân Hương-Tiền Giang khét tiếng khó khăn. Trong trường đại học, một số ngành học phải ngưng lại. Ví dụ như ngành tiếng Nhật Bản chẳng hạn, sinh viên ngành tiếng Nhật phải sang ngành Trung Quốc. Đến thời kỳ “Đổi mới”, đất nước mới dần dần ổn định lại.

Đây là nhắc lại để nhớ một thời đã qua. Các giáo sư đi học trong hoàn cảnh xã hội-lịch sử giai đoạn chuyển tiếp 1975 kể lại cho các sinh viên nghe về thời kỳ bao cấp. Họ kể lại với một sự quả quyết rằng: Lứa thanh niên ăn sung mặc sướng sau này không thể hình dung nổi thời đó.

K.P.

__________

Ghi chú:

(*) Gọi là ghi danh vào trường, nhưng trước đó đã phải có bằng tú tài-tấm bằng rất chất lượng, là niềm tự hào cho bất kỳ ai giành được nó trong thời Chính quyền Sài Gòn. Vào được trường rồi, mỗi lần thi cử là nhiều người thi rớt và phải chuyển trường vì không có sức theo học.

Bài báo dựa trên tư liệu của một sinh viên triết khoa thời chuyển tiếp chế độ Chính phủ Sài Gòn sang Chính phủ Hà Nội. Hiện ông là giáo sư văn khoa, đang sống và giảng dạy tại Sài Gòn.

VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn