Wikipedia tiếng Việt phục vụ cho ai?

Bài 2 (tiếp theo và hết)

Lê Tùng Phan

Trong bài trước, tôi đã giới thiệu trường hợp của hai bài “Mai Thái Lĩnh”, “Nhóm Thân hữu Đà Lạt” trên Wikipedia Tiếng Việt. Bài thứ nhất đã tồn tại từ năm 2014, đến ngày 31/12/2016 bị cặp bài trùng Motnghindong11-Diepphi sửa đổi nội dung và dán nhãn “nghi ngờ độ nổi bật, nguồn không đáng tin cậy”. Gần đây, có người phát hiện nội dung “không tử tế” nên tìm cách biên tập lại, thế nhưng một số thành viên Wikipedia “có đầy đủ tiêu chí đề cử” đã ngăn cản và cuối cùng “biểu quyết xóa bài”, thậm chí xóa hoàn toàn không còn vết tích. Bài thứ hai mới được viết vào sáng sớm ngày 31/3/2017 ngay lập tức đã bị treo rất nhiều “biển cấm”, từ clk (chất lượng kém), dnb (độ nổi bật, notability) cho đến gây tranh cãi về tính trung lập (neutrality), v.v.

Nhưng “chiến dịch sửa đổi nội dung”, thay nội dung tốt (nội dung do những người đầu tiên soạn thảo) bằng nội dung xấu (nội dung rút ra từ hồ sơ của các cơ quan nội chính) không chỉ dừng lại ở hai trường hợp nói trên. Lần theo dấu vết, chúng ta có thể tìm ra ít nhất 4 nhân vật bất đồng chính kiến sau đây đã bị cặp bài trùng Motnghindong11-Diepphi thực hiện hành vi phá hoại:

1) Ông Lê Hồng Hà: (1926 - 2016)

Ông Lê Hồng Hà là một trong ba người dính vào vụ án “làm lộ bí mật Nhà nước” trong thời gian 1995-1996: Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà và Nguyễn Kiến Giang. Xuất thân là một đại tá công an, ông bị kết án ở mức cao nhất (2 năm tù giam). Cái cớ để đưa ra xét xử là “thư của ông Võ Văn Kiệt (lúc đó là Thủ tướng Chính phủ) góp ý cho Bộ Chính trị”. Hai mươi năm sau (2015), lá thư đó đã được công bố trên báo chí chính thống và được nhiều người đánh giá là “vẫn còn giữ nguyên giá trị thời sự sau 20 năm”.[1] Còn nguyên nhân thật sự khiến ông Lê Hồng Hà bị tù là do ông đã cộng tác với ông Nguyễn Trung Thành (cựu Vụ trưởng vụ bảo vệ Đảng) trong việc đòi xem xét lại vụ án “xét lại chống Đảng” năm 1967[2].

Trong phần phụ lục của bài trước, tôi đã chép lại bài “Lê Hồng Hà” trên trang Wikipedia Tiếng Việt. Đọc những dòng chữ tựa như một bản cáo trạng lên án một kẻ “phản động” chống lại Đảng và Nhà nước, chúng ta thấy cực kỳ vô lý! Những dòng chữ đó dứt khoát không thể là nội dung ban đầu của bài viết, mà đã bị sửa chữa, thay thế.

Nếu xem phần lịch sử sửa đổi, chúng ta có thể thấy đó chính là nội dung mà Motnghindong11 đã nhét vào Wikipedia lúc 21:25 ngày 31/12/2016 và chỉ vài giờ sau đó (23:44 cùng ngày), Diepphi đã “sốt sắng” dán nhãn {{dnb}} (nghi ngờ độ nổi bật, nguồn một chiều).

clip_image002

Điều đáng nói là những dòng chữ mang tính vu khống, phỉ báng này đã xuất hiện trên Wikipedia tiếng Việt vào ngày 31/12/2016, nghĩa là nửa tháng sau khi nhà bất đồng chính kiến Lê Hồng Hà qua đời (ngày 15/11/2016). Theo tôi, nếu ở một đất nước có tự do, gia đình ông Lê Hồng Hà đã có thể kiện Wikipedia Tiếng Việt ra tòa về tội phỉ báng, vu khống một người đã khuất.

2) Nhà văn Hoàng Tiến (1933 - 2013): Xuất thân là bộ đội, đến cuối đời lại trở thành nhà văn bất đồng chính kiến. Trong số các bài viết của ông, bài được công chúng biết đến nhiều nhất có lẽ là bài “Tiếng vỗ tay trong một đám tang”[3] viết năm 2002, tường thuật lại một cách sống động tang lễ của Tướng Trần Độ - một người cộng sản ly khai đã bị chính các “đồng chí” của mình đối xử tệ bạc ngay cả khi đã nằm xuống. Có lẽ vì bài viết này mà vào ngày 2/2/2013, đến lượt tang lễ của ông Hoàng Tiến lại bị an ninh gây khó khăn.[4]

Wikipedia Tiếng Việt đã nói gì về ông Hoàng Tiến? Tôi chỉ xin trích lại một số câu trong phần “Quan điểm”:

- Hoàng Tiến là nhà văn có quan điểm tư tưởng cực đoan, quá khích, cho mình là có tài, bất mãn vì không được trọng dụng. Ngay từ những năm 1963, Hoàng Tiến có tác phẩm “Xương tan”(sic), nội dung phê phán chế độ ta và đã bị dư luận lên án.

Từ năm 1996 đến nay, do sự tác động, lôi kéo của số bất mãn, chống đối chính trị, Hoàng Tiến thường xuyên liên kết, tụ tập với số này lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để hoạt động chống đối. Hoàng Tiến đã biên soạn nhiều tài liệu có nội dung xấu, kích động chống Đảng và Nhà nước tán phát trong và ngoài nước. Hoàng Tiến đã cộng tác với nhóm “Thông luận” ở Pháp, đài RFA (Châu á tự do).

Ông cùng nhóm khởi xướng Tuyên bố 8406, sau đó làm Tổng biên tập Bán nguyt san T Do Ngôn Lun trên mạng kích động các đối tượng tham gia ký tên vào “Tuyên ngôn thế kỷ 21” của Nguyễn Gia Kiểng nhằm công khai hoá “Đảng Dân chủ” do Nguyễn Gia Kiểng, Bùi Tín, Vũ Văn Mẫn tái hợp ở Pháp.

Hoàng Tiến cũng được nhóm ông Hoàng Minh Chính chọn lựa làm Tổng Biên tập tờ tin chống tham nhũng của "Nhóm dân chủ", nhưng chưa đi vào hoạt động đã bị xử lý.

Tuy nhiên sự nghiệp đấu tranh dân chủ của ông Hoàng Tiến nổi đình đám nhất là vụ cãi cọ tay đôi nhiều năm liên tiếp gây náo loạn phong trào với ông Nguyễn Thanh Giang. Ông Giang thì cho ông Hoàng Tiến cay cú, tiểu nhân, không được ông Thanh Giang sắp xếp cho gặp dân biểu Loretta Sanchez nên thù ông Giang. Còn ông Hoàng Tiến thì tố ông Giang đủ điều, từ vụ viện sĩ 100 USD, gian lận tiền bạc, nhất là định ỉm đi tiền giải thưởng nhân quyền của Trần Dũng Tiến khi ông này đang ở tù… đều được ông Lê Thanh Tùng tổng hợp trong bài viết dài hàng chục trang. Cuộc cãi vã kéo nhau lên các tranh tin hải ngoại khiến nhiều người công khai can ngăn hai ông vì đại cục.”

Đọc những dòng chữ khó nghe mang tính phỉ báng này, thật khó tin những người đã soạn thảo bài “Hoàng Tiến” trên Wikipedia đã viết như thế về một nhà bất đồng chính kiến. Vậy thì ai đã sửa chữa bài viết lúc đầu, biến nó thành một bài viết dị dạng?

Chỉ cần đọc phần “lịch sử sửa đổi” cũng có thể thấy ngay đó là cặp bài trùng Motnghindong11 (lúc 18:59 ngày 31/12/2016) và Diepphi (lúc 00:49 ngày 1/1/2017):

clip_image004

Gia đình hay bạn bè ông Hoàng Tiến có quyền kiện Wikipedia tiếng Việt về tội vu khống, phỉ báng hay không?

3) Ông Nguyễn Thanh Giang:

Những tin tức gần đây cho biết sức khỏe của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ngày càng sa sút [5]. Nếu ông còn khỏe, tôi tin rằng ông không thể không nổi giận khi biết người ta đã xuyên tạc, bôi bẩn ông trên Wikipedia tiếng Việt.

Từ đầu năm 2017 đến nay, bài “Nguyễn Thanh Giang” đã bị sửa đổi bởi cặp bài trùng Motnghindong11-Diepphi:

clip_image006

Do hành động sửa đổi ám muội đó, phần “quan điểm” đã trở thành một bản cáo trạng lên án Nguyễn Thanh Giang như một tội phạm chính trị:

Năm 1992, Nguyễn Thanh Giang tự ra ứng cử đại biểu Quốc hội khoá IX nhưng không được đưa vào danh sách bầu cử. Tiếp đó, Nguyễn Thanh Giang đã công khai ủng hộ quan điểm của Nguyễn Xuân Tụ, Tiêu Dao - Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Trần Độ và tham gia vào hoạt động chống đối Đảng, Nhà nước ta của số bất mãn, cơ hội chính trị.

Tháng 3/1998, Công an tỉnh Bình Phước đã lập biên bản đối với Nguyễn Thanh Giang cảnh cáo về hành vi lưu giữ và tán phát trái phép các tài liệu có nội dung chống chế độ như: phê phán, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê nin, CNXH; phê phán cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta là không đáng có; phủ nhận vai trò của Đảng và Bác Hồ... Ngày 04/3/1999, Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP. Hà Nội đã bắt, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Thanh Giang, thu giữ được 30 tập tài liệu có tiêu đề góp ý xây dựng Đảng của Nguyễn Trung Trực và một số đối tượng phản động lưu vong ở bên ngoài.

Nguyễn Thanh Giang viết nhiều tài liệu phê phán Đảng, Nhà nước, đòi tự do, dân chủ, đòi bỏ Hiến pháp 1992. Nguyễn Thanh Giang đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ với số chống phá Nhà nước và thường xuyên trả lời phỏng vấn các đài phát thanh, báo chí bên ngoài phê phán Đảng, Nhà nước ta. Nguyễn Thanh Giang đã cùng Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương biên soạn, tán phát tài liệu chống đối, dự định công khai hoá tổ chức chính trị đối lập; biên soạn, tán phát cuốn “Suy tư và ước vọng” chống chế độ gồm tập hợp nhiều bài viết của bản thân và các đối tượng cơ hội chính trị khác.

Ngày 11/8/2001, Nguyễn Thanh Giang đã tổ chức cho số cơ hội chính trị gặp Chánh văn phòng và trợ lý Hạ nghị sĩ Richas Armey tại nhà riêng của mình để trả lời phỏng vấn, xuyên tạc tình hình Việt Nam. Nguyễn Thanh Giang sử dụng địa chỉ Internet để chuyển và nhận tài liệu trong, ngoài nước và thường xuyên liên lạc với Nguyễn Gia Kiểng để nhận và chuyển tài liệu có nội dung xấu, thống nhất với Nguyễn Gia Kiểng lấy ngày 27/12 (ngày cắm mốc biên giới Việt - Trung) là “Ngày uất hận - mất đất”. Tháng 2/2002, Nguyễn Thanh Giang đã viết bài với thái độ gay gắt, phản đối Bộ Văn hoá-Thông tin ra quyết định tịch thu cuốn “Suy tư và ước vọng” cùng một số tài liệu của Trần Độ, Trần Khuê, Vũ Cao Quận... Trong năm 2002, Nguyễn Thanh Giang cùng với các đối tượng cầm đầu trong "Nhóm dân chủ" công khai tiến hành hoạt động chống đối như nhiều lần tổ chức tụ họp dự định ra đời tổ chức chính trị đối lập, xuyên tạc, đả kích đám tang ông Trần Độ, phiên toà xét xử Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn.

4) Ông Hồ Hiếu:

Ông Hồ Hiếu là một trong những thành viên của “Câu lạc bộ Những người kháng chiến cũ”, quy tụ xung quanh ông Nguyễn Hộ (1916-2009). Nhưng khi đọc Wikipedia Tiếng Việt, ta thấy nhiều chỗ rất khó hiểu:

- Trong bài “Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến”, có đoạn viết: “Nguyên tên ban đầu của tổ chức này là Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ, một tổ chức tự phát với mục đích tương tế ái hữu cho những người từng tham gia các cuộc kháng chiến trước đây, vốn đang tìm cách hòa nhập với xã hội sau chiến tranh. Một số thành viên nòng cốt, là những đảng viên cộng sản hay cựu chiến binh như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, Nguyên Phong Hồ Hiếu, đã đứng tên nộp đơn hoạt động lên chính quyền Việt Nam từ năm 1985, nhưng mãi đến tháng 5 năm 1986, Câu lạc bộ mới chính thức được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép hoạt động.

- Cũng trong bài nói trên, có đoạn viết: “Nhiều đảng viên cao cấp tỏ thái độ phản ứng trước quyết định này. Hầu hết trong số họ bị cách chức và bị khai trừ ra khỏi Đảng. Các lãnh đạo của Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ cũng cùng chung số phận, nhiều hội viên cốt cán như Tạ Bá Tòng, Hồ Văn Hiếu, Ðỗ Trung Hiếu, Lê Ðình Mạnh đều bị bắt giam, hoặc bị quản thúc tại nhà riêng.”

- Trong bài “Nguyễn Hộ”, có đoạn viết: “Năm 1986 ông là một trong những người thành lập Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến cũ cùng các ông La Văn Lâm, Đỗ Trung Hiếu, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Tạ Bá Tòng và thượng tướng Trần Nam Trung. Tờ báo Truyền thống Kháng chiến của nhóm này ra mắt số đầu tiên vào tháng 9 năm 1988 nhưng sau đó vì quan điểm bị cho là chỉ trích chính quyền nên báo buộc phải đình bản. Tổ chức này năm 1989 cũng bị chính quyền giải tán.”

Ba đoạn trích dẫn trên cho thấy rõ sự mâu thuẫn. Trong bài “Nguyễn Hộ”, hoàn toàn không có tên ông Hồ Hiếu nhưng lại nêu tên hai ông Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng. Đọc bài “Một thời lịch sử với Nguyễn Hộ”[6] được trích dẫn dựa theo đài BBC (xem chú thích số 2), ta thấy ông Nguyễn Hộ nói rõ: hai ông Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng đã hùa theo phe ông Nguyễn Văn Linh để đàn áp nhóm bất đồng chính kiến. Mặt khác, Nguyên Phong Hồ Hiếu và Hồ Văn Hiếu được nhắc đến ở hai đoạn trên, chính là Hồ Hiếu chứ không ai khác (ông Hồ Hiếu tên thật là Hồ Văn Hiếu, còn Nguyên Phong Hồ Hiếu là bút danh). Đó là chưa kể đến chuyện Wikipedia chỉ có bài “Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến” chứ không có bài “Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ”, làm lẫn lộn giữa tổ chức của các cựu cán bộ, đảng viên do Đảng lập ra với nhóm bất đồng chính kiến của ông Nguyễn Hộ .

Chúng ta có thể đọc “bản cáo trạng” nhân vật Hồ Hiếu mà Motnghindong11 đã tuồn vào Wikipedia tiếng Việt với những dòng như sau:

Từ năm 1987, Hồ Hiếu đã làm nhiều thơ, hò vè châm biếm lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đả kích chế độ hiện hành, kêu gọi nhân dân, đặc biệt là sinh viên, học sinh đấu tranh chống chế độ, đòi "đổi mới", "công khai hoá, dân chủ hoá"...

Thời gian này ông cùng với các ông Nguyễn Hộ, ông Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu và Lê Đình Mạnh đứng ra thành lập Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ ở TP.HCM nhằm thu hút cựu chiến binh, cán bộ lão thành cách mạng trên toàn quốc tham gia và trở thành nơi để các thành viên lên tiếng chỉ trích đường lối, chính sách, lối đối xử tàn tệ đối với trí thức, cựu chiến binh, đòi cải tổ thể chế, đòi bầu cử tự do...

Năm 1990, Hồ Hiếu chủ động vận động thành lập Ban Liên lạc sinh viên, học sinh, tạo dựng lực lượng ủng hộ quan điểm đổi mới của một số người đứng ngoài sự lãnh đạo của Đảng. Trong các hoạt động trái phép của Ban Liên lạc sinh viên, học sinh như ra các bản tin, tổ chức toạ đàm, hội thảo... Hồ Hiếu luôn đóng vai trò tích cực. Hồ Hiếu đã chủ động bố trí cho Ban liên lạc tiếp xúc với thành phần chống Đảng, Nhà nước. Hồ Hiếu còn chủ động tổ chức Dương Thu Hương gặp gỡ, tiếp xúc Ban Liên lạc SVHS, tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng, kích động chống chế độ XHCN.

Ngày 23/4/1990, Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành bắt một số đối tượng có hành vi hoạt động gián điệp và tuyên truyền chống chế độ XHCN, trong đó có Hồ Hiếu, song Hồ Hiếu chỉ bị xử lý nội bộ. Năm 1990, Hồ Hiếu bị khai trừ khỏi Đảng, đến tháng 7/1992 bị buộc thôi việc.

Sau khi được tha, bị xử lý kỷ luật, nhất là sau sự kiện Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Hồ Hiếu càng bộc lộ rõ tư tưởng chống đối, núp dưới danh nghĩa "Câu lạc bộ kháng chiến cũ" chủ trương đấu tranh đòi đa nguyên, đa đảng. Hồ Hiếu là cộng sự đắc lực cho Nguyễn Văn Trấn trong việc viết và tán phát tài liệu có nội dung chống đối. Ông này đã nhiều lần công khai phát biểu tham luận chống đối Đảng và Nhà nước ta tại diễn đàn của Câu lạc bộ Bách Việt.

Hồ Hiếu cũng đã liên hệ với một số tổ chức chống Nhà nước ở hải ngoại âm mưu tập hợp lực lượng chống phá Đảng, Nhà nước. Trong nhiều cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm ông Hồ Hiếu phát biểu phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, cho rằng sự lãnh đạo độc quyền của Đảng là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước, chà đạp lên dân chủ, nhân quyền. Do đó cần phải bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, loại bỏ độc quyền lãnh đạo của Đảng, đổi tên Đảng, tên nước và định hướng XHCN. Hồ Hiếu có quan hệ chặt chẽ với các nhóm chống Đảng, Nhà nước ở Lâm Đồng, Hà Nội...; viết nhiều tài liệu chống Đảng và chuyển ra nước ngoài như "Kỷ sang canh", "Một số suy nghĩ về việc nước non trước tình hình mới"..để đăng trên các trang mạng.

Tháng 3/1998, Chi cục Thuế TP Hồ Chí Minh yêu cầu đóng thuế nhà, Hồ Hiếu đã viết "Đôi lời thỉnh nguyện" gửi các đ/c lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, nói xấu Đảng và Nhà nước, cho rằng Nhà nước cắt xén của nhân dân, bóp nghẹt đời sống nhân dân, nhân dân thực chất không có quyền hạn gì chỉ còn lại quyền cư trú, làm ăn nhưng những quyền tối thiểu này cũng bị uy hiếp.

Cuối năm 2002, Hồ Hiếu đã mua hàng chục cuốn "Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh" của phát hành tại Dòng Chúa cứu thế 38, Kỳ Đồng, TP Hồ Chí Minh tán phát cho nhiều đối tượng xấu.

Sở dĩ có những mâu thuẫn lộn xộn nói trên là do có người đã tìm cách loại bỏ tên Hồ Hiếu ra khỏi Wikipedia Tiếng Việt. Nhưng dùng công cụ tìm kiếm, chúng ta vẫn có thể tìm ra trang wiki “Hồ Hiếu”, trong đó nội dung đã bị thay đổi và dán nhãn dnb (nghi ngờ độ nổi bật, nguồn 1 chiều). Tác giả của phiên bản dị dạng đó không ai khác hơn là Motnghindong11 (21:37 ngày 31/12/2016) và diepphi (23:42 ngày 31/12/2017).

clip_image008

Điều khó hiểu là trong khi các thành viên của Wikipedia Tiếng Việt tỏ ra khó khăn đối với việc biên tập các bài “Mai Thái Lĩnh”, “Nhóm Thân hữu Đà Lạt” thì ngược lại, họ đã tỏ ra rất “rộng lượng” đối hành vi của những kẻ phá hoại như cặp bài trùng Motnghindong11-diepphi. Còn về phía những người chịu trách nhiệm quản lý Wikipedia Tiếng Việt, tại sao họ không biết đến những trường hợp như thế này?

Đã đến lúc ông Jimmy Wales và Wikimedia Foundation cần thanh tra các hoạt động của Wikipedia Tiếng Việt để đánh giá xem phiên bản này có phục vụ đúng mục đích, tôn chỉ của Wikipedia hay không?

Theo chúng tôi, nếu không nhìn thấy sự khác biệt về bản chất giữa thể chế dân chủ tự do và các thể chế độc tài (nhất là độc tài toàn trị), nếu không điều chỉnh lại các quy tắc hoạt động sao cho phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam thì không chóng thì chầy, Wikipedia Tiếng Việt sẽ trở thành một mảnh đất nuôi dưỡng các thế lực phi dân chủ, phản dân chủ.

Sài Gòn 5/4/2017

L. T. P.

Tác giả gửi BVN.


[1] “Lê Đăng Doanh, “Thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị còn nguyên giá trị thời sự sau hai mươi năm”, Diễn đàn 08/08/2015”.

[2] Vụ án Xét lại, phần 3: Đừng kêu oan cho người khác, RFA 2013-10-23: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-anti-party-revisio-case-3-ml-10232013133916.html

[3] Hoàng Tiến, Tiếng vỗ tay trong một đám tang:

https://anhbasam.wordpress.com/doc-gia-viet/hoang-tien-tieng-vo-tay-trong-mot-dam-tang/

[4] An ninh gây khó khăn cho tang lễ nhà văn Hoàng Tiến, RFA 2013-02-02: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/sec-forces-involved-with-dis-funeral-gmin-02022013112753.html

[5] Tôi muốn sống thêm một ít năm nữa để đóng góp cho phong trào dân chủ, 21/2/2017

http://ntuongthuy.blogspot.com/2017/03/tien-si-nguyen-thanh-giang-toi-muon.html

[6] Một thời lịch sử với Nguyễn Hộ, BBC Vietnamese

http://www.bbc.com/vietnamese/lg/forum/2009/07/090706_nguyenho_blog.shtml

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn