Thông cáo phát hành ngay

Việt Nam: Điều luật mới đe dọa quyền được bào chữaLuật Hình sự sửa đổi buộc luật sư tố cáo thân chủ, trừng phạt tự do ngôn luận

(New York, ngày 22 tháng Sáu năm 2017) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Việt Nam cần ngay lập tức hủy bỏ một điều khoản trong bộ luật hình sự sửa đổi có nội dung buộc luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố cáo một số hành vi phạm tội của thân chủ mình với chính quyền. Luật sửa đổi cũng có một số thay đổi tăng nặng mức hình phạt đối với hành vi phê phán chính phủ hoặc nhà nước độc đảng.
“Buộc luật sư phải vi phạm tính bảo mật giữa người bào chữa và thân chủ có nghĩa rằng các luật sư sẽ trở thành chỉ điểm cho nhà nước, và thân chủ sẽ không có lý do gì để tin tưởng luật sư của mình,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Việt Nam coi mọi ý kiến phê phán hoặc phản đối chính phủ hay Đảng Cộng sản là vấn đề “an ninh quốc gia” – điều này sẽ tước bỏ mọi cơ hội bào chữa pháp lý thực sự trong các vụ việc như thế.”
Ngày 20 tháng Sáu năm 2017, Quốc hội Việt Nam thông qua bộ luật hình sự sửa đổi, sẽ có hiệu lực từ ngày mồng 1 tháng Giêng năm 2018. Điều 19, khoản 3 của bộ luật hình sự sửa đổi quy định rằng: “Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.”
Nhiều luật sư Việt Nam đã công khai bày tỏ sự quan ngại của mình về quy định mới này. Ngày 12 tháng Sáu, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi tới Quốc hội một công văn đề nghị hủy bỏ điều khoản trên. Theo công văn này, điều khoản mới có nội dung xung đột với Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi và Luật Luật sư, vốn yêu cầu người bào chữa phải giữ bí mật thông tin về vụ việc mình tham gia bào chữa. Công văn nêu nhận định rằng điều khoản mới này là “một bước thụt lùi so với Bộ luật Hình sự 1999.”
“Các nhà đầu tư và đối tác thương mại nước ngoài của Việt Nam cần hết sức lưu ý về điều luật bắt buộc các luật sư của mình phải trình báo thông tin riêng tư của thân chủ với chính quyền, nếu muốn tránh gặp phiền phức,” ông Adams nói.
Điều cần đặc biệt quan ngại là Điều 19 nhằm vào những người bị truy tố về các tội danh an ninh quốc gia được định nghĩa mơ hồ, như “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79); “phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” (điều 87); “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 88) và “phá rối an ninh” (điều 89). Đáng lẽ phải hủy bỏ những điều luật nói trên, vốn thường được vận dụng để trừng phạt những hành vi thực hiện quyền tự do nhóm họp, lập hội và tự do ngôn luận, giờ đây chính quyền lại bổ sung thêm các hình phạt nặng nề hơn đối với các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền. Trong đó có các khoản mới của các điều 109 (trước đây là điều 79) và điều 117 (trước đây là điều 88) với nội dung “người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ một đến năm năm.” Điều này có nghĩa là một người có thể bị phạt tù tới năm năm vì chuẩn bị phê phán nhà nước hay sắp sửa tham gia một tổ chức chính trị độc lập không được chính quyền phê chuẩn. Nhiều điều luật có nội dung mơ hồ liên quan tới an ninh quốc gia đã thường xuyên được vận dụng để kết án nhiều người chỉ vì họ thực hành các quyền cơ bản của mình, giờ đây lại có thể bị lợi dụng trong nhiều tình huống hơn. Việt Nam cần hủy bỏ và cải cách các điều luật này, chứ không nên nới rộng khả năng áp dụng.
Trong hầu hết các vụ bắt giữ và kết án có động cơ chính trị ở Việt Nam, chính quyền thường áp dụng điều 79 để trừng phạt những người có liên quan tới một nhóm hay một tổ chức không được đảng cộng sản cầm quyền công nhận. Điều 87 thường được áp dụng để trừng phạt những người tham gia các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn. Điều 88 là một công cụ bịt miệng những người bất đồng chính kiến và blogger dám phê phán đảng hay chính phủ. Điều 89 được áp dụng để trừng phạt những nhà hoạt động độc lập vì quyền lợi của người lao động dám tham gia tổ chức các cuộc đình công tự phát.
“Bộ luật hình sự sửa đổi thể hiện tinh thần thiếu cam kết của Việt Nam đối với nỗ lực cải thiện thành tích về nhân quyền yếu kém của mình,” ông Adams phát biểu. “Nếu Việt Nam thực tâm muốn thúc đẩy chế độ pháp quyền, họ cần tạo điều kiện cho các luật sư làm công việc chuyên môn của mình chứ không phải đưa ra các điều luật mới khiến cho luật sư không thể làm việc được.”
Có thể đọc phúc trình “Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động vì nhân quyền: Các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị hành hung” của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại: https://www.hrw.org/vi/report/2017/06/18/305189
Để đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, xin truy cập:

Muốn có thêm thông tin, xin liên hệ:
Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động); hoặc email: adamsb@hrw.org. Twitter: @BradMAdams
Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hay email: siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton
Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406, hay email: robertp@hrw.org. Twitter @Reaproy
HRW gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn