Khi điểm chuẩn vào ngành Sư Phạm quá thấp

Thanh Trúc, phóng viên RFA

clip_image002

Một giáo viên dẫn học sinh lớp Một vào lớp tại một trường tiểu học ở Hà Nội vào ngày 5 tháng 9 năm 2014. AFP photo

Mức điểm chuẩn môn thi [vào] sư phạm năm nay tại một số trường Cao đẳng địa phương ở Việt Nam được hạ xuống bằng mức điểm sàn khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn là chuẩn thấp như vậy thì làm sao mà bảo đảm chất lượng giáo viên đứng lớp trong tương lai.

Bản tin trên trang mạng Zing.vn hôm thứ Hai 7 tháng Tám cho thấy nhiều trường Cao đẳng địa phương [ở] Việt Nam quyết định mức điểm chuẩn đậu vào sư phạm chỉ trong khuôn khổ 9 đến 10 điểm mà thôi.

Nói một cách khác, đối với nhóm 3 môn thi bắt buộc vào Sư phạm thì mỗi môn chỉ cần 3 điểm, 3 môn gộp lại thành 9 hay 10 điểm là được chấm đậu vào ngành sư phạm.

Vẫn theo tin từ Zing.vn, vào khi mặt bằng điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia cao khiến điểm chuẩn nhiều ngành tăng đến mức kỷ lục, thì ngược lại ngành Sư phạm có vẻ như đi một bước lùi với điểm chuẩn được kéo xuống ngang bằng điểm sàn, do đó thi vào hệ Cao đẳng chỉ cần 3 điểm mỗi môn là coi như trúng tuyển.

Đó là chuyện đã xảy ra ở Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh theo kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia đối với các môn [ngành] Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh, Sư phạm Ngữ Văn.

Tương tự như vậy, trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai lấy 9,5 là điểm chuẩn hệ chính qui, trong lúc Cao đẳng Sư phạm Hải Dương lấy điểm chuẩn trên tất cả ngành học là 10.

Điểm đáng nói là không chỉ Cao đẳng Sư phạm có điểm chuẩn được báo chí gọi là thấp lè tè mà cả bậc Đại học cũng lấy điểm chuẩn trúng tuyển ngang bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục Đào tạo  mà thôi. Đó là trường hợp Đại học Hà Tĩnh hay Đại học Thái Nguyên chẳng hạn. Hai trường đại học này lấy mức chuẩn 15,5 cho tất cả các ngành học khác trừ ngành Sư phạm Mầm Non.

Nhiều người trong nước, hằng quan tâm đến vấn đề giáo dục và đào tạo, đã cho rằng điều này vô tình đồng nghĩa với sự coi nhẹ lãnh vực giáo dục cũng như lãnh vực đào tạo những nhà giáo, những thầy cô đúng nghĩa và có phẩm chất trong trường lớp.

Từ Hà Nội, nhà giáo Phạm Toàn, người chủ trương nhóm Cánh Buồm với mong muốn thực hiện những cuốn sách giáo khoa theo đúng phương pháp sư phạm, đúng tiêu chuẩn đào tạo của ngành giáo dục, nói rằng theo ông hiểu việc hạ điểm chuẩn trúng tuyển vào Sư phạm tại nhiều trường là vì:

Hạ xuống là bởi vì không có người trên điểm chuẩn, không có người giỏi hơn thì họ phải hạ xuống cho có đủ số lượng sinh viên để được tài trợ. Có “quota” cho một cái trường, anh phải có đủ số sinh viên học sinh thì anh mới được ngân sách nhà nước cấp cho từng này. Bây giờ muốn có đủ số lượng thì phải hạ điểm chuẩn xuống.

Cái nguy hiểm cho tương lai ngành sư phạm Việt Nam, nhà giáo Phạm Toàn nhận định tiếp, chính là chả biết làm cách nào để có sinh viên giỏi:

Vấn đề cực kỳ lúng túng là tạo ra những người giỏi, nhưng nói như thế thì bi quan quá. Nếu đào tạo những em học sinh dưới điểm chuẩn ấy thì phải có một chương trình khác để đào tạo các giáo sinh ấy, thế nhưng hàng chục năm rồi họ có thay đổi giáo trình họ có thay đổi cách đào tạo đâu.

Bây giờ nói học sinh thi vào thì nó là nạn nhân chứ không phải tác nhân. Chính trường Sư phạm phải thay đổi cách huấn luyện, thay đổi cách đào tạo thì còn gỡ lại được, nhưng các trường Sư phạm làm gì có trình độ để mà thay đổi cách đào tạo.

Không một tổ chức nào có sáng kiến để làm một việc cũ với những điều kiện mới, họ không có động lực, không có biện pháp kỹ thuật để đào tạo những đầu vào. Họ biết rõ là không đầy đủ nhưng họ cứ mặc kệ, không ai chịu trách nhiệm cả. Trong một không gian hình cầu thì không có đường thẳng được, trong hệ thống thế thì càng ngày nó càng đi xuống. Nếu một hệ thống giáo dục tốt được triển khai bây giờ thì cũng mất 70 đến 100 năm.

Hạ thấp trình độ giáo viên tương lai?

Đối với nhà nghiên cứu văn hóa kiêm dịch giả Đinh Gia Hưng, Đại học Kinh tế Đà  Nẵng, đang dịch cuốn sách The Philosophy Of Education của  tác giả Richard Pring từ Anh ngữ ra Việt ngữ, chuyện hạ mức điểm chuẩn các môn thi Sư phạm từ 15,5 xuống còn  9 hay 10 điểm có nghĩa là hạ thấp giá trị của chính trường tiếp nhận cũng như hạ thấp giá trị của thầy cô giáo xuất thân từ trường đó:

Xét về các khối ngành thì quan trọng nhất của giáo dục vẫn là ngành Sư phạm. Mấu chốt của ngành Sư Phạm là nó đẻ ra những bậc thầy và các phẩm chất kéo theo nữa. Nếu nói về điểm không thì đã có sự vô lý bởi vì tôi nghĩ những người theo ngành Sư phạm luôn phải là những người giỏi. Bây giờ có biện minh gì đi nữa thì mặt bằng này cũng rất là thấp so với các ngành khác và cái này khó đảm bảo được chất lượng chung của những học sinh thi vào Sư phạm. Tôi cũng chưa thể lý giải tại sao người ta lại chọn điểm thấp hơn so với các năm, nhưng để gọi là mặt bằng thấp hơn thì về mặt giáo dục là có vấn đề rồi.

Trong giáo dục, giảng viên Đinh Gia Hưng của Đại học Kinh tế Đà Nẵng phân tích tiếp, thang điểm rất quan trọng vì nó phản ảnh khả năng học vấn, kiến thức và trình độ văn hóa của học sinh Trung học Phổ thông:

Nếu cho rằng điểm thấp vẫn có thể vào được Sư phạm thì đó là các nhà quản lý người ta nói vậy, nhưng về mặt đảm bảo chất lượng của sư phạm mình thừa biết điểm cao phản ảnh trình độ giáo dục ở phổ thông, không thể lấy điểm thấp để vào học bậc Cao đẳng hay Đại học được. Tôi không biết tại sao họ làm như vậy.

Sự sống còn của nền giáo dục Việt Nam, từng bị giới trí thức và các học giả trong nước đánh giá đang xuống cấp trầm trọng, nằm ở chỗ các lãnh đạo đầu ngành phải thay đổi tư duy, phải xác định đúng mục tiêu là đào tạo những nhà mô phạm để có thể uốn nắn dạy dỗ người khác.

Vẫn theo lời ông, giáo dục chính là vì con người và cuộc sống của con người, nếu ngành Sư phạm bị coi nhẹ, bị rẻ rúng, thì cũng có nghĩa là tước đi nhân cách hay chức năng cao quí của giáo viên trong tương lai.

T.T.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-we-have-good-teacher-with-low-pedagogy-scores-tt-08082017114209.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn