“Phải đền bù cho nhà đầu tư”: Bộ Quốc phòng thách thức dư luận?

Thiền Lâm

(VNTB) - Phát ngôn của Thứ trưởng Trần Đơn đã vô trách nhiệm và sai luật, nếu đối chiếu với nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật quốc hội Nguyễn Đức Kiên: hợp đồng xây dựng sân golf TSN là vô hiệu.

clip_image001

Thứ trưởng quốc phòng Trần Đơn nói sai luật hay cố tình không hiểu luật?

Bộ Quốc phòng đã báo cáo Chính phủ, nếu Chính phủ quyết định thu hồi thì bất kỳ lúc nào cũng được”, nhưng “Vấn đề là cần tính đến phương án đền bù, giải quyết cho nhà đầu tư ra sao cho hợp lý” - Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nói “thòng” ở hội nghị quán triệt, triển khai kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương về quản lý sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra tại TP.HCM vào sáng ngày 8/8/2017.

Cho đến nay, đã có thể khẳng định quan điểm của Quân ủy trung ương, đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng, đang nghiêng về phương án “trả sân golf cho sân bay Tân Sơn Nhất”.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Bởi nếu không chịu trả sân golf cho sân bay, chính phủ sẽ không biết đào đâu ra ít nhất 9,3 tỷ USD để bồi thường trong phương án “mở rộng sân bay TSN về phía Nam”, tức phải giải tỏa các khu dân cư ở ba quận Tân Bình, Gò Vấp và Phú Nhuận.

Không chịu trả sân golf cho sân bay cũng không thể được, vì dự án sân bay Long Thành - mục tiêu của nhóm lợi ích ODA và giao thông - vẫn nguyên trạng trên giấy mà không biết tìm đâu ra gần 18 tỷ USD để xây dựng. Ngay cả 18 ngàn tỷ đồng để bồi thường giải tỏa dân cu xung quanh dự án này còn chưa biết tìm đâu ra…

Trong bối cảnh “thù trong giặc ngoài” đầy rẫy như thế, sân bay TSN lại kẹt cứng với tần suất ngày càng dữ dội. Ngày càng nhốn nháo cảnh hành khách phải bỏ taxi để xách hành lý chạy bộ cả cây số vào sân bay vì sợ muộn giờ bay.

Vô hình trung, ý đồ ban đầu “chuyển sân bay TSN về sân bay Long Thành” của nhóm lợi ích giao thông và ODA đã gần như phá sản. Giờ đây, chỉ còn sân bay TSN và Bộ Chính trị không còn cách nào khác là phải chọn sân bay này, ít nhất từ đây đến năm 2025.

Tuy nhiên, cái cách “Vấn đề là cần tính đến phương án đền bù, giải quyết cho nhà đầu tư ra sao cho hợp lý” mà Thứ trưởng quốc phòng Trần Đơn đặt ra lại có vẻ giống hệt một “gợi ý” của ông Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng giao thông vận tải, cũng là người mà tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017 đã khăng khăng “không thể mở rộng sân bay về phía Bắc” (tức về hướng sân golf TSN), mà do vậy ông Nghĩa đã bị dư luận phản ứng kịch liệt.

Vậy nếu đền bù cho nhà đầu tư đã xây dựng sân golf TSN, tức cho Công ty cổ phần Long Biên của Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh, kinh phí bồi thường là bao nhiêu?

Không thấy Thứ trưởng Đơn nói ra con số nào. Tuy thế, cũng có thể cho rằng phát ngôn của Thứ trưởng Đơn đã vô trách nhiệm và sai luật, nếu đối chiếu với nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật quốc hội Nguyễn Đức Kiên: hợp đồng xây dựng sân golf TSN là vô hiệu.

Mà đã vô hiệu thì chỉ có giải tỏa trắng chứ không bồi thường gì cả.

Phải chăng Thứ trưởng quốc Phòng Trần Đơn, không biết có “đại diện” cho một nhóm lợi ích nào, đã như thách thức dư luận theo cách ‘muốn lấy sân golf thì lấy đi, nhưng đã xây bao nhiêu thì phải bỏ ra chừng đó tiền mà đền”. Và nếu theo đúng phương châm “quân đội làm kinh tế sân golf” như thế thì còn rất lâu hoặc chẳng bao giờ có chuyện “sân golf trả về sân bay”.

T.L.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn