BRICS: Trung Cộng chạy đua với Mỹ

Ngô Nhân Dụng

Đầu tuần này, Tập Cận Bình tổ chức họp thượng đỉnh BRICS, biểu diễn một màn liên minh kinh tế nhằm giành ảnh hưởng với nước Mỹ trên toàn thế giới. BRICS gồm các nước Brazil, Russia, India, China và South Africa.

Người đầu tiên đặt ra cái tên BRIC vào năm 2001 là Jim O’Neill, nhà phân tích tài chánh của ngân hàng Goldman Sachs. Công ty này muốn gọi vốn khi lập một quỹ đầu tư nhắm vào bốn quốc gia “đang lên” và rất có triển vọng. Họ đặt ra cái tên đó chỉ cốt nghe dễ nhớ, hấp dẫn các nhà có của góp tiền cho họ đầu tư và quản lý, kiếm chút huê hồng. Không ai nghĩ rằng bốn nước này sẽ trở thành một liên minh kinh tế!

Nhưng Cộng Sản Trung Quốc đã nảy ra ý kiến đó. Năm 2008, Trung Cộng được mời đến dự cuộc họp thượng đỉnh G8, tám cường quốc kinh tế ở Hokkaido, Nhật Bản, nhưng phải đóng vai “khách” ngồi bên ngoài! Họ cảm thấy sỉ nhục bèn tính chuyện lập một diễn đàn trong đó mình đóng vai quan trọng.

Năm 2009, Trung Cộng mời Brazil, Nga và Ấn Độ lập một liên minh kinh tế, rồi chấp nhận dùng cái tên BRIC. Có Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ rồi, chưa có Châu Phi! Năm 2010, BRIC mời South Africa vô, thêm một chữ S. Tên BRIC nghe giống như chữ BRICK, tiếng Anh nghĩa là hòn gạch. Người Trung Hoa thích cái gì cũng cho “vàng” vô, nên dịch là “Gạch Vàng”, Kim chuyên quốc gia (金砖国家).

Đây là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đứng cái tổ chức họp BRICS, họp tại thành phố Hạ Môn, là nơi trước đây ba mươi năm Tập đã làm Thị trưởng. Hội nghị cũng là dịp cho ông tự đánh bóng vai trò của mình với một hội nghị quốc tế, trước ngày Đại hội đảng vào cuối Tháng Mười.

Cộng Sản Trung Quốc muốn dùng cuộc họp BRICS để phô trương sức mạnh và ảnh hưởng trong kinh tế thế giới; đúng vào lúc mà Chính phủ Mỹ muốn rút vào trong, đã xóa hoặc đang dọa xóa bỏ nhiều hiệp ước thương mại, để quay về lo riêng cho nước Mỹ.

Nhìn bên ngoài, BRICS là một khối kinh tế lớn: Quy tụ 43% dân số toàn cầu tạo ra 23% Tổng sản lượng nội địa (GDP) thế giới. Ngay từ khi thành hình, Trung Cộng đã đóng vai chính, lôi kéo các nước kia họp lại để tạo lực lượng.

Cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2007 đã khiến ảnh hưởng của Mỹ suy giảm, Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil đều muốn nhân dịp đó giành quyền lên tiếng về “luật chơi kinh tế thế giới”, không để bị lép vế trong những tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà các nước này đều thua kém so với Mỹ và Châu Âu.

Tham vọng của BRICS là mở rộng và liên kết với những tổ chức liên quốc khác mà Nga và Trung Cộng đã lập ra. BRICS đã thành lập một tân Ngân hàng Phát triển, ngân hàng này mới cho một số dự án vay tiền ở Ấn Độ, Nga và Trung Quốc, tổng cộng $1.4 tỷ. Hiện nay Tập Cận Bình đang mời mọc các nước tham dự kế hoạch “Nhất đới nhất lộ” kéo dài từ Trung Quốc đi vòng hai đường, trên biển và trên bộ, đến tận Châu Âu. Trung Cộng cũng lập Ngân hàng Phát triển hạ tầng (AIIB), một Khối Hợp tác kinh tế vùng, đều theo đuổi giấc mộng bành trướng ảnh hưởng. Trung Cộng và Nga tập họp với các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, rồi mời cả Ấn Độ tham dự. Khối Thượng Hải đã mở rộng mục tiêu từ hợp tác kinh tế sang các lãnh vực an ninh.

Trong cuộc họp BRICS tuần này, nhiều nước khác được mời tới quan sát, là Tajikistan, Egypt, Mexico, và Thái Lan; có thêm cả đại diện Guinea, Indonesia, với mục đích mở rộng BRICS. Trong khi Mỹ xé bỏ thỏa hiệp TPP, dọa xé NAFTA, đòi xét lại thỏa hiệp thương mại tự do với Nam Hàn, thì tất cả các cuộc tập họp của Tập Cận Bình đều nhắm giựt lấy ảnh hưởng ở nơi nào ông Donald Trump không thèm ngó tới.

Nhưng nếu BRICS được người Trung Hoa nhìn như một khối gạch nung (chuyên, 磚) thì dù họ gọi là Gạch bằng Vàng, Kim chuyên, những quan sát viên bên ngoài đã thấy khối gạch này không được vững.

Giới đầu tư quốc tế rất bén nhạy khi chọn nơi đem tiền tới góp vốn hoặc cho vay. Trong thế giới này, triển vọng của kinh tế khối BRICS đã hết hấp dẫn. Năm 2015, công ty Goldman Sachs đã lẳng lặng trả lại tiền cho thân chủ, đóng cửa quỹ đầu tư vào khối BRICS mà chính họ đã đặt tên.

Vết nứt rạn đầu tiên mà người ta thấy rõ là năm quốc gia trong khối này không chia sẻ hoặc ràng buộc với nhau về bất cứ lý do nào, địa dư, lịch sử, văn hóa; không có nhu cầu liên kết kinh tế mà cũng không chung với nhau cách nhìn về tương lai. Họ không có nhu cầu kết hợp lại, ngoài mục đích chính trị!

Trong BRICS, Trung Quốc đóng vai trò quá lớn, với Tổng sản lượng nội địa (GDP) lớn hơn bốn nước kia cộng lại. Trung Quốc đứng hàng đầu trong thương vụ mua bán với mỗi nước khác, nhưng chính bốn nước này thì mạng giao thương rất mỏng manh. Sau tám năm liên kết trong khối BRICS, giao dịch của Brazil chỉ đạt tới 1% khối lượng ngoại thương của Ấn Độ. Số hàng mà Nga bán qua Ấn thì chỉ bằng 2% tổng số hàng Nga xuất cảng; trong đó chỉ có nửa phần trăm (0.6%) bán qua Brazil.

Với quan hệ kinh tế mỏng manh như vậy, trong thực tế, các nước trong khối này không được lợi ích bao nhiêu. Tất cả chỉ là những vệ tinh chạy chung quanh Trung Cộng! Nhưng mối nguy lớn nhất cho cả khối BRICS là Ấn Độ với Trung Quốc đối nghịch nhau trên rất nhiều mặt trận, cạnh tranh kinh tế chỉ là một.

Trong tháng qua, biên giới Trung - Ấn đã căng thẳng, một lần nữa, khi quân đội hai nước đối đầu trước mặt nhau. Biến cố xẩy ra tại cao nguyên Doklam trong vùng ba biên giới, mà vương quốc Bhutan coi là thuộc lãnh thổ của họ.

Quân đội Trung Cộng đã mở một xa lộ tiến đến sát biên giới với Bhutan, xâm phạm vào địa phận nước này. Từ thế kỷ trước, Ấn Độ vẫn đóng vai trò bảo trợ cho Bhutan. Vì vậy quân đội Ấn được đưa lên, chính thức đứng ra cản đường không cho quân Trung Cộng tiếp tục. Hai nước hầm hè nhau trong mấy tháng trời, Chính phủ hai bên tố cáo lẫn nhau, không bên nào chịu nhường.

Chỉ một tuần trước khi khai mạc Hội nghị BRICS, Trung Cộng mới chịu nhượng bộ, với mục đích mời được Thủ tướng Narendra Modi qua Hạ Môn tham dự! Quân Trung Cộng chấp nhận ngưng không tiếp tục mở đường nữa, quân Ấn Độ rút về vị trí cũ.

Tập Cận Bình đã chịu lùi một bước, chỉ vì muốn cuộc họp BRICS có bề ngoài hoàn mỹ, cho dân Trung Hoa và cả thế giới nhìn vào.

Nhưng trong cuộc thỏa thuận này, hai bên nói khác hẳn nhau. Báo chí Ấn Độ coi đây là một cuộc tương nhượng. Còn báo, đài Trung Quốc thuộc Đảng Cộng sản thì hô ầm lên là quân Ấn Độ đã phải rút lui vì sợ!

Những vụ đụng độ biên giới Ấn - Trung đã diễn ra từ năm 1962 tới nay, là một lò than âm ỷ không biết bao giờ sẽ bùng trở lại. Hai quốc gia đều trên một tỷ dân, nằm hai bên rặng núi Himalayas. Ấn Độ thù nghịch với Pakistan, trong khi nước này là đồng minh của Trung Cộng. Cả ba nước đang nhòm ngó tạo ảnh hưởng ở Afghanistan và vùng Trung Á. Trong khi đó, quan hệ kinh tế giữa năm nước rất mong manh, khiến cho khối BRICS không thể nào là Miếng Gạch bền vững như Vàng mà báo, đài Trung Quốc mô tả.

Khối BRICS sẽ tồn tại đến bao giờ? Không ai đoán trước được. Cái tên BRIC là do một công ty đầu tư và ngân hàng của Mỹ đặt ra. Trong quá khứ, các công ty tài chánh vẫn đặt ra những cái tên tắt để “chiêu hàng” giống như BRIC. Thí dụ, MINT là tên gọi bốn nước Mexico, Indonesia, Nigeria, và Turkey, PIGS gồm tên các nước lâm nạn trong cuộc khủng hoảng tín dụng ở Châu Âu là Portugal, Italy (có lúc nhường chỗ cho Ireland), Greece, và Spain. Số phận BRICS sẽ tùy thuộc nhu cầu kinh tế, thương mại.

Những “giấc mộng” bành trướng khác của Tập Cận Bình cũng mong manh không kém. Trên đường bộ, những nước Trung Á đều lo ngại Trung Cộng sẽ dùng kế hoạch Nhất đới nhất lộ để gây ảnh hưởng kinh tế và chính trị. Nga cũng lo lắng khi một nước da vàng xâm lấn vào vùng ảnh hưởng của mình, mà Nga vẫn thao túng từ thời Nga hoàng đến thời cộng sản. Trên đường biển, các nước Đông Nam Á, ngoài Cambodia, đều lo lắng bị Trung Cộng lấn áp.

Trung Cộng hiện nay chỉ mong lợi dụng được tình trạng Chính phủ Mỹ đang bỏ qua không quan tâm đến chính trị thế giới. Nhưng chính sách đó cũng sẽ không kéo dài mãi mãi.

N.N.D.

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/brics-trung-cong-chay-dua-voi/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn