Đổi mới II: Pháp quyền và tính chính danh của Nhà nước ở Việt Nam

Lê Vĩnh Triển & Kris Hartley(*)

clip_image002

Việt Nam có cơ hội để xác định một mô hình phát triển tự do hóa thế hệ tiếp theo.

Sự phát triển kinh tế Việt Nam kể từ những cải cách của Đổi Mới 1986 là một mô hình tiến bộ đối với các nước thành viên ASEAN khác. Từ năm 2000, tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam đã đạt mức bình quân 6,4%, đưa quốc gia này trở thành quốc gia đạt ngưỡng thu nhập trung bình với tốc độ ấn tượng. Là thị trường mới nổi, với lộ trình chính sách nhất quán, cùng các tham vọng kinh tế làm cho Việt Nam trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, là nguồn tài trợ cho sự tiến bộ nhanh chóng qua các giai đoạn phát triển.

Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa tiềm năng kinh tế của Việt Nam còn có thể được đẩy mạnh hơn nữa bằng cách tăng cường các biện pháp chống tham nhũng. Chống tham nhũng là việc rất quan trọng để đảm bảo tính chính danh của các đảng chính trị và các thể chế nhà nước, nhưng những nỗ lực đó trở nên yếu đi nếu không có luật pháp nhất quán và minh bạch.

Quan sát các bài học từ các con hổ châu Á Hàn Quốc và Đài Loan, Việt Nam có cơ hội - hơn ba mươi năm sau khi bắt đầu Đổi Mới - để triển khai một thế hệ cải cách mới - tạm gọi là “Đổi mới II” nhằm giới thiệu một mẫu hình dân chủ hóa từng bước kiểu Việt Nam nhằm chống tham nhũng và tăng cường tính chính danh của thể chế. Một nỗ lực như vậy sẽ củng cố sự tin tưởng của xã hội dân sự đối với chính phủ và thúc đẩy mong muốn đầu tư từ nước ngoài cũng như trong nước.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của Châu Á là bằng chứng cho thấy phát triển kinh tế và chính phủ độc đảng không phải là hai thứ không thể tương thích. Ví dụ, ở Hàn Quốc của Park Chung-Hee (đến năm 1979) và Quốc Dân Đảng của Đài Loan (trước năm 1991), hay Trung Quốc và Việt Nam ngày nay, người ta có thể đạt được những phát triển nhanh chóng dưới sự cai trị của một đảng. Các ách tắc trong lưu thông tài sản là mục tiêu được nhắm đến để xử lý thông qua các cải cách thị trường và được luật hóa bởi những đầu óc thực tế ở cấp cao chính phủ. Như vậy, dân chủ hoá không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với thị trường tự do, nhưng nó có thể dẫn tới những cải cách nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Thực thi pháp quyền nghiêm ngặt hơn, vốn là cách tiếp cận đã được sử dụng để tự do hóa thị trường, cũng có thể được sử dụng để cải thiện quản trị nhà nước.

Ở Việt Nam, tăng trưởng từ việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên giá rẻ và nhàn rỗi đã đến hồi kết thúc, quốc gia này bây giờ phải chấp nhận các mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Bất chấp các tổn hại về môi trường, tự do hóa thị trường đã tạo điều kiện cho việc huy động nguồn lực cho tăng trưởng, nhưng thu nhập tài chính phần lớn lại vào túi giới có ưu thế kinh tế và chính trị. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho tham nhũng, vấn nạn mà nhiều người giờ đây đều nhận thấy là phải được loại trừ. Tự do hoá thị trường đã không đi kèm với việc áp dụng minh bạch và nhất quán pháp quyền trong đời sống chính trị. Trong khi một số ít được hưởng đặc quyền, sự tăng trưởng nhỏ giọt xuống phía dưới vẫn giúp giữ cho số đông nghèo khó vừa đủ thỏa mãn để không phải nổi giận trước thực tế tham nhũng lộ liễu. Liệu cách tiếp cận “thị trường hiệu quả” vốn đã giải phóng tiềm năng kinh tế trong các cải cách mở cửa của Việt Nam lần đầu có thể giúp tự do hoá các hệ thống chính trị trong một cuộc cải cách lần nữa hay không?

Thị trường chính trị hiệu quả

Mặc dù có những tiến bộ kinh tế đáng kể, Việt Nam vẫn là một nhà nước chuyên chế do một đảng chính trị kiểm soát. Việc vận dụng các nguyên tắc pháp quyền về cơ bản tùy ở lòng hảo tâm của các nhà lãnh đạo đảng, chứ không dựa trên hệ thống thể chế công bằng và phi chính trị. Theo khái niệm pháp quyền, pháp luật được đặt trên quyền lực và phải được thể chế hóa thành một công cụ kiểm soát các lợi ích cá nhân có khả năng mang tính cướp đoạt, tham nhũng. Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình được thực thi nghiêm túc để đảm bảo công lý và uy tín của nhà nước. Việc kiểm soát, đánh giá được thực hiện lần nữa bên ngoài phạm vi chính quyền qua hình thức báo chí độc lập và sự tự do phản đối của công chúng. Các thể chế chính thức và phi chính thức này thực thi đồng bộ để kiềm chế tham nhũng. Nhưng ở các nước độc đảng, hệ thống kiểm soát quyền lực không hoàn chỉnh.

Vào đầu những năm 1980, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) nhìn nhận vấn đề hiệu quả kinh tế một cách trung thực và nhận ra rằng tính chính danh của mình trở nên bấp bênh bởi những thất bại của kế hoạch hóa tập trung. Tự do hoá kinh tế sau đó mở lối cho đầu tư, cũng đồng thời cho tham nhũng. Kết quả là các sáng kiến chống tham nhũng được Đảng cho ra đời. Tuy nhiên, về lý thuyết điều này đã dẫn đến một thế lưỡng nan, đó là hoặc bưng bít thông tin bằng cách cản trở quá trình xét xử và kiểm duyệt báo chí, hoặc công khai các phát hiện tham nhũng và đối diện với nguy cơ tổn hại tính chính danh. Trong kịch bản thứ hai, khi phản ứng giận dữ của công chúng phá hỏng hình ảnh của đảng thì vẫn có thể được giải quyết bằng các công cụ đàn áp - đó là sự mạnh tay của cảnh sát, đồng thời trấn áp các phát biểu. Các cá nhân tham nhũng sẽ được bao che và bảo vệ hay được chuyển sang các vai trò thấp hơn mà không bị truy tố.

Sự thông đồng phổ biến kiểu này khiến các nhóm lợi ích trở nên ăn sâu và củng cố mạng lưới các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các cá nhân, tổ chức và các nhóm có lợi ích liên quan. Về lâu dài, ngay cả những nỗ lực chống lại tham nhũng thực tâm cũng thất bại vì tình trạng mất lòng tin bắt nguồn từ thói quen ưa bí mật, phe cánh và bảo kê chính trị. Khi việc chống tham nhũng thất bại, pháp quyền, độc lập tư pháp, và tự do báo chí là cần thiết cho việc đưa thông tin đến cử tri và nhà đầu tư. Như vậy, tính chính danh của các thể chế nhà nước, chứ không phải là của các đảng phái chính trị, nên là mục tiêu cao nhất của tự do hóa chính trị.

Các mô hình tự do hóa chính trị ở Châu Á

Việt Nam ngày nay chia sẻ những điểm tương đồng với Hàn Quốc và Đài Loan trước khi dân chủ hóa. Với sự cạn kiệt của nguồn thu từ lao động giá rẻ, duy trì tăng trưởng kinh tế trở nên khó khăn. Thúc đẩy tiềm năng sáng tạo và khởi nghiệp kinh doanh của công dân có thể giúp một quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, hiện tượng mà các nước đang phát triển đạt đến mức tới hạn của thu nhập nhưng dưới mức của các nước phát triển. Hàn Quốc và Đài Loan đã tránh được cái bẫy này, đồng thời đã dân chủ hoá các thể chế chính trị vào giữa những năm 1980 bằng cách ­thực thi các hệ thống chính trị đa đảng và pháp quyền. Những cải cách chính trị như vậy đã giúp cả hai nước có được sự tin cậy quốc tế đối với các cơ hội đầu tư, và bước vào những giai đoạn phát triển cao hơn. Mặc dù Hàn Quốc lẫn Đài Loan đều không phải là các quốc gia cộng sản trước khi tự do hoá chính trị, nhưng cả hai quốc gia này đều là những ví dụ cho sự chuyển đổi chính trị. Có thể nói, Việt Nam hiện vẫn không phải là quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản đúng nghĩa tuyệt đối, trừ tàn tích đáng kể là các doanh nghiệp nhà nước - vốn trơ lỳ không hiệu quả, nợ nần tràn ngập, và thiếu hấp dẫn trên thị trường chứng khoán.

Những cải cách của Đổi Mới đã đưa Việt Nam lên một tầm vóc kinh tế chưa có tiền lệ, tạo cơ hội cho ĐCSVN có thêm vài thập niên của tính chính danh và sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, trong chính trị cũng như trong kinh tế, các xu hướng có tính chu kỳ. Với Đổi Mới II, ĐCSVN có thể tái khẳng định tính chính danh của các thể chế nhà nước và tạo cho đảng một di sản của chủ nghĩa thực dụng và chính sách trọng dụng nhân tài - vốn được Đảng Nhân dân Hành Động Singapore (PAP) ưa dùng. Tiềm năng tăng trưởng kinh tế cũng sẽ được củng cố khi các nhà đầu tư từ các nước phát triển (và đa đảng) quan tâm đến các thể chế nhà nước bền vững hơn là tính hợp pháp ngày càng suy yếu của một đảng chính trị dễ bị tổn thương.

Việc nhắm vào các quan chức cấp cao một cách công khai không nên là đặc điểm quan trọng nhất của các nỗ lực chống tham nhũng. Cách thức chống tham nhũng kiểu nhắm vào cá nhân đó nặng tính biểu diễn hơn thực chất, và phản ánh sự áp dụng luật pháp tạm thời (tùy tiện) vốn từ lâu định hình kiểu cai trị độc đảng. Chống tham nhũng không nên là hàng loạt cuộc tấn công cá nhân ồ ạt và lộn xộn, mà nên là một sự chuyển đổi mang tính hệ thống và tỉnh táo. Các cải cách sâu sắc giúp thể chế hóa các tiến trình pháp lý để việc loại bỏ các quan chức tham nhũng là khách quan về mặt chính trị. Bản thân quy trình nhất quán xuyên suốt các các trường hợp sẽ tránh được việc bắt bớ do lợi ích chính trị hay thù hận cá nhân. Nó cũng giúp chính quyền tránh được việc triển khai bộ máy trấn áp, thường là phương sách cuối cùng và là dấu hiệu của sự tuyệt vọng.

Những nỗ lực như vậy là một khía cạnh của Đổi Mới II. Nhìn chung, quyền tự do vận động và lập hội chính trị - cho phép tổ chức các đảng chính trị - cần được đảm bảo, ngay cả trong một hệ thống do một đảng duy nhất chi phối. ĐCSVN đã tạo ra một tiến trình phát triển đầy ấn tượng và mang tính lịch sử, và là tác giả tạo ra các chính sách mới và sáng tạo, Đảng có thể tự tin về tính chính danh và khả năng cạnh tranh của mình - ngay cả trong một môi trường chính trị cởi mở. Việc xoá bỏ những hạn chế, lộ liễu hay trá hình đối với báo chí và quyền tự do phát biểu là cần thiết để cổ vũ một giai đoạn chính trị cởi mở - giai đoạn xác nhận lại sự lãnh đạo của Đảng thông qua thảo luận tự do các ý tưởng. Sự cạnh tranh dưới nhiều hình thức sẽ khuyến khích đổi mới và cải tiến. Việt Nam có thể đạt được về mặt chính trị những gì quốc gia này đã có về mặt kinh tế: những hệ thống hiệu quả và thực dụng để cải thiện chính kết quả vật chất

Trong thời đại mà các đảng chính trị trên thế giới đang xem lại chính mình, dung nạp chủ nghĩa dân túy và hành xử phi lý, tính hợp lý của các định chế nhà nước bền vững sẽ thay thế các lợi ích cục bộ do một đảng chi phối. Việt Nam có cơ hội để khẳng định một mô hình phát triển tự do hóa thế hệ tiếp theo, cho lợi ích của người dân Việt Nam và cho sự tiến bộ của ASEAN.

L.V.T. - K.H.

__________

(*) Lê Vĩnh Triển là giảng viên Khoa Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Kris Hartley là giảng viên Khoa Quy hoạch vùng và thành phố, Đại học Cornell.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2017/09/14/doi-moi-ii-phap-quyen-tinh-chinh-danh-viet-nam/

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên The Diplomat.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn