Những người bạn trẻ quanh tôi

Tuấn Khanh thực hiện

clip_image002

Kỳ 1

NHÀ HOẠT ĐỘNG TRẺ ĐINH THẢO: “TÔI MUỐN TÌM MỘT PHIÊN BẢN KHÁC CỦA MÌNH”

Phỏng vấn Đinh Thảo, thành viên của nhóm vận động nhân quyền cho Việt Nam, nhân chương trình bán định kỳ / Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát UPR 2017.

clip_image003

Ngày 10 tháng 10/2017, là lúc Đinh Thảo cùng các thành viên trong nhóm của mình kết thúc cuộc hành trình vận động cho nhân quyền của Việt Nam. Chuyến đi dài và có vẻ nhiều mệt mỏi.

Người ta nhìn thấy Thảo xuất hiện tại trong một phiên điều trần của Liên Hợp Quốc, đại diện cho người Việt Nam và đọc một bản báo cáo về những gì đang diễn ra ở quê nhà. Có chút căng thẳng trong giọng tường trình của cô gái ra đi từ Hà Nội, với hy vọng làm một cái gì đó khác hơn, nhiều hơn. Thậm chí là dấn thân hơn những ngày cô còn đi vòng bờ hồ biểu tình chống chặt cây xanh hay vận động cho những người không là cộng sản tự ứng cử quốc hội của Việt Nam.

Chính trị ập đến với Thảo bằng hiện thực cuộc sống. Thảo nói rằng khi cô trò chuyện ở một lớp học tiếng Anh, và sốc khi “được nghe về những điều mà lâu nay hoàn toàn không hay biết. Từ đó, tôi ngày ngày lên mạng và ngấu nghiến đọc tất cả những gì có thể đọc được về chính trị xã hội Việt Nam từ truyền thông lề trái”.

Thảo cũng có một công việc và một cuộc đời yên ả ở Hà Nội. Yên ả như cái tên mà bạn bè gọi yêu là Thảo "Gạo", nhưng rồi có cái gì đó thôi thúc khiến cô muốn bước chân hẳn vào các hoạt động vì con người. Và Đinh Thảo đã chọn một cuộc đời khác. “Sau khoảng 1 năm hoạt động, tôi nhận thấy rằng thực sự rất khó để có thể cùng lúc hoạt động và lại hoàn thành công việc của mình. Tôi biết mình không thể duy trì tình trạng đó lâu hơn nữa nên tôi đã quyết định rời Việt Nam đi học (2016) về xã hội dân sự để mong mình có nhiều kiến thức và kỹ năng hơn, để khi trở về có thể toàn tâm toàn ý hoạt động cho con người và đất nước mình”.

Thảo nói rằng cô hài lòng vì những điều mình chọn, dẫu nó nhọc nhằn hơn, thậm chí hiểm nguy hơn. Đơn giản vì cô thì thấy mình thật sự sống trong cuộc đời của mình. “tôi tin rằng bất cứ ai nếu được trao cơ hội thì cũng sẽ tìm được phiên bản tốt hơn của chính mình”, Thảo viết vài dòng tâm tình như vậy.

Cuộc vận động cho nhân quyền Việt Nam là chương trình hành động lớn đầu tiên của Thảo, xuyên suốt nhiều quốc gia Châu Âu và kéo dài? Đó là chuyến đi như thế nào?

Vâng, với Thảo thì lần đầu, nhưng từ năm 2014, thì riêng tổ chức VOICE đã từng mở một cuộc vận động UPR như vậy tại Úc, Mỹ và Châu Âu và đã rất thành công. Năm 2017, VOICE lại tiếp tục mở thêm một cuộc vận động nữa để đẩy mạnh sự chú ý của quốc tế nhân giữa kỳ của chương trình Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát UPR (4 năm một lần). Đây là một bước đệm để hướng tới chương trình UPR 2019.

Chuyến vận động năm nay được chuẩn bị khá lâu, và sẽ bắt đầu từ Berlin (15/9) và sau đó sang đến Geneva (Thụy Sỹ), Stockholm (Thụy Điển), Oslo (Na Uy), Brussels (Bỉ), Praha (Cộng hòa Sec)… dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 10/10 này.

Thảo tham gia chuyến đi này cùng bao nhiêu người?

Vâng, nhóm của Thảo đi vận động cũng chỉ có 3 người. Đó là Thảo, từ Bỉ và chị Anna Nguyễn (giám đốc chương trình của VOICE, luật sư từ Úc). Có cả chị Lê Thị Minh Hà, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Vinh, tức Anh Ba Sàm, từ Việt Nam.

Chuyến đi này, Thảo sẽ có những hoạt động cụ thể như thế nào?

Có 2 phần trong cuộc vận động này. Phần thứ nhất là cập nhật về tình hình của Việt Nam qua chương trình UPR lần trước. Tức là năm 2014, Việt Nam có chấp nhận 182 khuyến nghị từ hơn 100 nước. Dựa trên những điều đó, nhóm vận động sẽ đi gặp nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế để làm rõ Việt Nam đã làm được gì cũng như chưa làm được gì, hoặc có tồi tệ hơn? Còn phần thứ hai, là nhấn mạnh về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cũng như về vấn đề tù nhân lương tâm tại Việt Nam.

Cụ thể hơn, là Thảo sẽ phát đi các qua thư ngỏ, các hồ sơ báo cáo hay chỉ là tổ chức biểu tình để gây sự quan tâm?

Trong chuyến đi này, thì nhóm đã chuẩn bị một hồ sơ báo cáo giữa kỳ UPR, đồng thời cũng có những thông tin mới cập nhật về Việt Nam sẽ được gửi cho những bên mà mình đến gặp. Nhưng chính yếu vẫn là những bài phát biểu mô tả thực trạng hoặc trả lời cho các bên mà mình được quyền trình bày về tình hình nhân quyền Việt Nam. Quan trọng là thông qua các cuộc gặp trực tiếp như vậy, mọi thứ sẽ dễ chia sẻ và cảm thông hơn qua sự trình bày của mình.

Chuyến đi vận động này, có sự có mặt của chị Lê Thị Minh Hà, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Vinh. Điều này có nghĩa phần nói về các tù nhân lương tâm sẽ được nhấn mạnh?

Vâng, sự có mặt của chị Hà là một câu chuyện, là một nhân chứng về vấn đề tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Tù nhân lương tâm là một vấn đề lớn và bao quát, nhưng với một câu chuyện cụ thể và được mô tả sống động từ chị Hà thì những bên tiếp xúc với nhóm vận động sẽ có sự chia sẻ tốt hơn.

Nhưng cần phải nói là câu chuyện tù nhân lương tâm là phần quan trọng của chuyến đi này.

Chương trình vận động này kéo dài một tháng, tức là một chương trình có hẹn trước với các nơi, và đã được phép gặp mặt phía nhà nước, cá nhân… mà mình định đến?

Dạ, không hẳn là vậy. Một số hoạt động trong chiến dịch thì cần ghi danh xin trước và chờ, hoặc phải được mời. Tuy nhiên cũng có nhiều hoạt động mà mình cần tự tìm đến ngẫu nhiên để gặp. Do vậy thời gian của cuộc vận động là hoàn toàn do mình chủ động. Nói chung là một kế hoạch tổng thể mà mình phải tự hoạch định và ước lượng về tác động có được, mỗi nơi, mỗi người là một nỗ lực khác nhau, cùng phối hợp.

Thảo có thể cho biết lý do Thảo và nhóm vận động lựa chọn 6 nước nói trên để tiếp cận?

Vâng, cả 6 quốc gia mà nhóm chọn đi qua đều có những mối quan tâm khá đặc biệt về tình hình Việt Nam. Chẳng hạn như Đức, là một quốc gia có quan hệ ngoại giao và đối tác kinh tế rất quan trọng với Việt Nam. Nhưng sau vụ Trịnh Xuân Thanh, nước Đức trở nên chú ý hơn về vấn đề pháp quyền ở VN, và coi rằng vấn đề pháp quyền ở Việt Nam là điều đáng báo động. Mà chúng ta có thể thấy thông qua cách mà họ phản ứng trong suốt thời gian qua.

Với tầm vóc của nước Đức, việc đến và xin trao đổi, nói chuyện về tình hình pháp quyền, nhân quyền ở Việt Nam là điều có thể tác động tốt.

Còn ở Thụy Sỹ, là nơi đặt trụ sở của  Liên Hiệp Quốc nên việc mình đến đây đa phần là gặp các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.

Thụy Điển và Na Uy là các quốc gia lâu nay vẫn ủng hộ nhân quyền nói chung, một cách mạnh mẽ. Cả hai quốc gia này không chỉ quan tâm và giúp Việt Nam, mà còn giúp cho nhiều quốc gia khác trên thế giới về nhân quyền, về chuyển đổi dân chủ… Các cơ quan, tổ chức chức mà phái đoàn sẽ gặp tại đó chắc chắn sẽ cho cảm giác như đó là những người bạn của những người hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam vậy.

Còn ở Bỉ, là nơi đặt trụ sở của liên minh Châu Âu cũng như nhiều tổ chức NGO lớn khác. Liên minh Châu Âu là một trong những đối tác quan trọng bậc nhất với Việt Nam nên vận động ở đó cũng rất quan trọng.

Riêng ở Cộng hòa Sec (Tiệp Khắc cũ), đây là một đất nước từng có một quá khứ cộng sản. Họ đã bước sang một thể chế dân chủ và sau một thời gian ngắn, Cộng hòa Sec được xem là quốc gia có nền kinh tế ổn định và phát triển mạnh. Quốc gia này cũng có nhiều chương trình giúp đỡ cho các nước còn độc tài, độc đoán và xây dựng các phát triển về mặt nhân quyền. Cộng hòa Sec cũng là một trong những quốc gia có nhiều các tổ chức dân sự xã hội đầy kinh nghiệm trong việc hoạt động về chuyển đổi và phát triển xã hội mà nhóm vận động cũng cần học hỏi.

Một điều không thể không nói đến là cả 6 nước này đều đưa ra các khuyến nghị thực tế và quan trọng cho việc thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam trong kỳ kiểm điểm UPR năm 2014.

Với mọi nỗ lực, Thảo cùng với mọi người trong chuyến đi chỉ mong mỏi sẽ có những thay đổi tốt đẹp cho quê hương mình. Hy vọng ngày ấy không xa. Và hy vọng người Việt Nam rồi sẽ không còn cần đến những chuyến đi vận động cho nhân quyền như vầy nữa.

(Ghi lại / tháng 10-2017)

Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/4111

***

Những người bạn trẻ quanh tôi

Kỳ 2

NHÀ HOẠT ĐỘNG TRẺ LÊ HỒNG PHONG: “TÔI CHỌN LÀ NGƯỜI TỰ DO”

Phỏng vấn Lê Hồng Phong, đang theo học các khóa về xã hội dân sự tại Phi Luật Tân. Phong là một trong những thành viên của nhóm Thức Followers, vận động cho chuong trình có tên “Bầu Cử Tự Do Và Quyền Tự Quyết Cho Dân Tộc Việt Nam”, nhằm kêu gọi Nhà nước Việt Nam tổ chức cuộc Trưng cầu dân ý về bầu cử tự do và đa đảng hóa hệ thống chính trị Việt Nam.

clip_image004

Lê Hồng Phong là như cái tên mà gia đình người bạn trẻ này đã đặt theo người Tổng bí thư thứ 2 của đảng Cộng sản Đông Dương, mà Phong tâm sự, là xuất phát từ sự ủng hộ đảng Cộng sản Việt Nam của gia đình mình. “Tôi sinh ra trong gia đình bên nội lẫn ngoại đều có người từng tham gia chiến đấu và làm việc dưới lá cờ đỏ sao vàng trong và sau chiến tranh Việt Nam”, Phong tâm tình như vậy.

Lẽ ra hôm nay Phong đang có một cuộc sống an nhàn, tương lai vững chắc nếu theo nếp của gia đình. Nhưng người thanh niên sinh năm 1990 tại Bình Dương ấy lại hình thành trong mình những cảm nhận mới mẻ về thế giới sống quanh mình. Anh băn khoăn trước những bất công trong xã hội và nghĩ đến sự đổi thay.

Chiều lòng gia đình, Phong cũng tham gia cuộc thi công chức của tỉnh. Nhưng phần làm bài, Phong lại viết tất cả những suy nghĩ của mình về hiện trạng xã hội, về ước mơ một Việt Nam dân chủ hóa và pháp quyền trong tương lai. Dĩ nhiên, đó là một bài thi thất bại, nhưng đó cũng là bước ngoặt trong đời mà Phong chọn con đường dấn thân, tìm hiểu để góp sức thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa cho Việt Nam, xây dựng Việt Nam là thật sự là một quốc gia đáng sống, mà Phong ấp ủ.

*

1. Câu chuyện của Phong thật thú vị. Nhưng hãy thử nhớ lại, cụ thể là những điều gì tác động đến những suy nghĩ và hành động của bạn vậy?

Đó là một quá trình thay đổi lâu dài. Ngay từ nhỏ tôi vẫn thường được ba mẹ nhắn nhủ rằng: “Ráng học đi sau này làm quan làm tướng, ba mày xin cho vô làm nhà nước cho đỡ cực cái thân, học dở là làm cu-li…”.  Không chỉ ba mẹ, mà chung quanh tôi, dường như người có tiền luôn đúng; sống chỉ nên biết bản thân mình…

Tôi thì từ nhỏ tôi đã không hứng thú xem, nghe chương trình TV liên quan đến nhà nước, đảng Cộng sản mà ba tôi hay mở thì luôn làm tôi chán ngấy. Tôi thật sự không thích trở thành một người đảng viên đảng cộng sản Việt Nam để làm trong Nhà nước như cha tôi và như những người thường hay lặp đi lặp lại những câu nói, phát biểu nhàm chán trên TV. Cho nên tôi chỉ muốn khi lớn lên sẽ làm một nhà nghiên cứu khoa học hoặc là một cầu thủ bóng đá.

Từ việc theo dõi đời sống, rồi tôi lại nhìn rộng ra, nhận thấy rằng xã hội Việt Nam hầu như chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải cạnh tranh nhau để càng giàu có càng tốt, bằng mọi giá chạy theo vật chất. Người ta thờ ơ những chuyện tiêu cực xảy ra với con người và xã hội xung quanh họ. “Theo đuổi ước mơ, đam mê và những giá trị đạo đức” như tôi thì bị xem là thứ suy nghĩ của người tâm thần, người thất bại, người đứng ngoài lề xã hội,…

Một trong những bước ngoặt của tôi, là ngày tôi gặp thầy P. Trong một tiết học, thầy nói mọi người kéo rèm cửa lại để thầy chiếu phim “Hải chiến Hoàng Sa”, “Hải chiến Trường Sa”, “Chiến tranh biên giới với Trung Quốc”,… rồi thầy giảng và nói về một lịch sử có thật của Việt Nam. Và tôi cũng bắt đầu tìm hiểu.

Trước đây, tôi luôn ngờ vực những thứ trên mạng bị gọi là “phản động”, nhưng rồi tìm thấy những điều mới mẻ để nhận ra sự thật. Rằng biểu tình, đa đảng không phải là làm loạn, Tâm trạng của tôi tức giận, thù hằn vì đất nước mình có bao nhiêu điều tốt đẹp đang mất đi. Rồi chuyển sang bình tĩnh lại, lớn khôn hơn. Tôi hiểu ra rằng chẳng ai cướp mất cái gì của mình cả. Tự do, dân chủ là không miễn phí, muốn có nó thì chính mỗi người phải hành động giành lấy nó, để xứng đáng có được nó.

2. Khi trước khi đi Phi Luật Tân để tham gia học các khóa về Xã hội dân sự, bạn đã có các hoạt động gì ở Việt Nam đáng nhớ không?

Kỷ niệm đầu tiên đó là tôi đi cùng một nhóm bạn ở Bình Dương đi thăm mộ ông Ngô Đình Diệm ở Lái Thiêu vào ngày 2/11/2014. Chúng tôi đến đó từ lúc 9h sáng nhưng đã thấy cả khu vực xung quanh đó rất ồn ào, công an sắc phục, cảnh sát giao thông, dân quân và cả những người thường phục lúc nào cũng cầm máy quay trên tay để quay lại bất cứ ai có mặt ở đó. Sau đó tất cả bị giải tán. Chuyến đi ấy giúp cho tôi thấy rõ chính quyền hiện tại vẫn chưa thật tâm muốn hòa giải dân tộc. Nếu họ thật tâm thì họ chẳng thực hiện những hành động như thế, họ không nên tỏ ra “sợ sệt” những người có cảm tình với chính thể Việt Nam Cộng Hòa như vậy.

Tiếp theo, là lần đầu tiên tôi xuống đường biểu tình. Một sáng đẹp trời ngày 1/5/2016, tôi biểu tình đòi minh bạch thông tin thảm họa biển miền trung do Formosa gây ra. Tôi thấy mình không cô đơn. Tôi nhận ra xã hội Việt Nam còn đầy những con người cùng chung chí hướng, suy nghĩ quan tâm và đau đáu hiện trạng xã hội đã tìm thấy nhau, cùng nhau xuống đường thực hiện quyền và trách nhiệm công dân. Đoàn người nối đuôi nhau biểu tình, bày tỏ chính kiến trong ôn hòa và trật tự. Rồi tôi đã chứng kiến cảnh những người thường phục có ngón tay đeo nhẫn nhựa có màu dạ quang cố tình gây rối, kích động bạo lực để lực lượng mặc sắc phục đánh đập, áp giải những người đi biểu tình lên những chiếc xe cơ động, xe bus chờ sẵn kế bên. Nhưng cuối cùng trong tâm trí tôi, những hình ảnh bạo lực xấu xí đó vẫn phải nhường chỗ cho hình ảnh của một cô gái nhỏ nhắn ôm bó hoa hồng lớn cùng nụ cười rạng rỡ để tặng từng đóa cho từng người của lực lượng sắc phục. Hình ảnh bạo lực dù đã xảy ra mạnh bạo, xấu xí ra sao cũng không thể làm tôi thôi hết niềm tin vào sức mạnh của chân lý, lẽ phải, của sự thật và của quyền lực nhân dân. Còn nhiều nữa, mà tôi không thể kể hết. Từng kỷ niệm đó đã khiến tôi quyết tâm hơn trên con đường mình chọn.

3. Nhưng gia đình của bạn vốn là thành phần ủng hộ đảng cộng sản. Họ đã có phản ứng thế nào về lý tưởng của bạn?

Như mọi người đã sống qua các thời kỳ của nhà nước cộng sản. Ba mẹ tôi lo sợ và thường tránh không nói về những vấn đề như vậy. Tôi hiểu đa số người dân Việt Nam cũng giống ba mẹ tôi, đều còn nặng nề tư duy thần dân của quân chủ, phong kiến.

Tôi đã giấu gia đình, nghỉ việc để đi học tại VOICE – Manila, Philippines, nhằm trở thành một nhà hoạt động xã hội ủng hộ Dân chủ, Nhân quyền.Tôi để lại một lá thư 9 mặt giấy trong phòng, trình bày tất cả suy nghĩ, lý tưởng và lý do tôi lựa chọn lý tưởng đó.

Thời gian đầu gọi về nhà thì ba lúc nào cũng buồn, giận, còn mẹ thì khóc. Nhưng bây giờ sau 7 tháng thì lần đầu tiên tôi đã thấy mẹ tôi cười, khi tôi khoe bây giờ tôi nấu ăn gần bằng mẹ. Tôi rất nhớ nhà. Tôi sẽ về Việt Nam gặp ba mẹ, nhưng không phải bây giờ, tôi sẽ về khi tôi đã đủ khả năng để theo đuổi lý tưởng góp sức xã hội phát triển tốt hơn.

4. Hãy nói về công việc và Dự án hoạt động của bạn lúc này. Bạn mong mỏi gì vào dự án mà bạn đang theo đuổi?

Tôi và nhóm Thức Followers (https://www.facebook.com/ThucFollowers)  đang chạy chiến dịch “Bầu Cử Tự Do Và Quyền Tự Quyết Cho Dân Tộc Việt Nam”. Đây là chiến dịch dài hạn thu thập 100.000 chữ ký cho thư thỉnh nguyện tại http://www.civilrightvn.org. Đó là thư thỉnh nguyện của những người Việt Nam có mong muốn yêu cầu Nhà nước Việt Nam tổ chức cuộc Trưng cầu dân ý về bầu cử tự do và đa đảng hóa hệ thống chính trị Việt Nam. Sau khi đạt được 10.000 chữ ký đầu tiên, Thức Followers sẽ gửi thư trình bày Liên Hiệp Quốc về sự vận động thu thập chữ ký đòi quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam và sau đó cập nhật tiến trình. Bởi chiến dịch này phù hợp với Công ước về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký với Liên Hiệp Quốc từ năm 1977, cũng như hiến chương LHQ cũng nói đến “quyền được tự do chọn chính thể” của người dân.

Nhiều người cho rằng việc ký tên này là vô ích, không đủ sức thay đổi cái gì cả. Nhưng cũng như xây một ngôi nhà, nó cũng cần phải có những viên gạch đầu tiên để góp vào hàng ngàn viên gạch khác để tạo nên thành quả. Một giọng nói chắc chắn yếu ớt, nhưng nếu tất cả cùng lên tiếng thì sẽ tạo nên sức mạnh mong muốn. Thay đổi xã hội không thể một sớm một chiều mà chúng ta phải kiên trì hành động. Còn nếu không hành động thì sẽ chẳng có gì xảy ra.

Điều đáng mừng là có khá nhiều bạn trẻ thể hiện mong muốn tổ chức Trưng cầu dân ý giống như chúng tôi. Cho dù họ chưa dám lộ mặt, công khai tên tuổi, nhưng họ đã cho chúng tôi niềm tin lớn lao cho sự thành công của chiến dịch này.

5. Bạn có đủ niềm tin và hy vọng nên công việc hay lý tưởng mình theo đuổi không?

Việt Nam chắc chắn sẽ chuyển đổi sang dân chủ, đa đảng, tôi có niềm tin rất lớn vào điều đó. Thế giới ngày một phẳng và Việt Nam và các nước bảo thủ độc tài hiếm hoi còn lại không thể đứng ngoài dòng chảy thời đại ấy.

Cái tôi mong mỏi nhiều hơn ở tương lai đó là người Việt thật sự có hòa giải dân tộc sau khi có được Dân chủ, và tất cả các bên cùng nhìn về những giá trị, lợi ích chung của quốc gia và dân tộc, để mà đóng góp xây dựng nước Việt Nam tốt đẹp, nhân bản hơn.

(TK ghi)

Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/4134

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn