Trung Quốc và tham vọng nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông

NAM QUỲNH

https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2018/05/82997fd366964336bec63e6f538eb7f0.jpg

Họa hình một nhà máy điện hạt nhân di động trên Biển Đông của Tập đoàn Điện nguyên tử Trung Quốc - Ảnh: cgnpc.com.cn.

Kể từ năm 2020, cuộc chơi trên Biển Đông có thể sẽ rất khác, với việc Trung Quốc đưa vào vận hành các nhà máy điện hạt nhân di động đầu tiên của họ. Chương trình này được cho là sẽ đóng vai trò to lớn trong kế hoạch bành trướng của nước này trên Biển Đông.

Vào tháng 4/2016, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đã đưa tin là Trung Quốc sẽ xây dựng đến 20 nhà máy điện hạt nhân di động (Floating Nuclear Power Plant – FNPP) để phục vụ nhu cầu năng lượng trong nước lẫn các đảo.

Báo này cũng dẫn lời của một chuyên gia hải quân Trung Quốc rằng các nhà máy này có khả năng cung cấp một nguồn điện ổn định cho các hải đăng, hoạt động khử muối nước biển, công tác cứu hộ, vũ khí phòng vệ, sân bay và hải cảng trên các đảo của Trung Quốc nằm trong khu vực biển Hoa Nam (South China Sea – tức Biển Đông).

“Bình thường chúng ta phải đốt dầu hay than để lấy điện. Bởi vì có khoảng cách xa giữa quần đảo Nam Sa và đất liền Trung Quốc cùng với việc thời tiết và điều kiện biển thay đổi, nên việc vận chuyển nhiên liệu là một vấn đề. Đó là lý do tại sao nhà máy điện hạt nhân trên biển là rất quan trọng”, vị chuyên gia cho biết.

Quần đảo Nam Sa (Nansha Islands) là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa. Hiện khu vực quần đảo này đang có đến sáu nước cùng tranh chấp chủ quyền là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines, và Brunei.

Trung Quốc bắt đầu xây đảo nhân tạo trên các khu vực vốn là bãi đá ngầm trong khu vực quần đảo Trường Sa từ năm 2014. Việc xây đảo nhân tạo này đã bị Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại La Haye (Hà Lan) tuyên phán quyết là “gây ra thiệt hại không thể bù đắp cho môi trường biển và vi phạm các quy định của UNCLOS về chống ô nhiễm môi trường biển”.

Theo trang tin Power Technology, vào tháng 10/2017, các kỹ sư Trung Quốc đã công bố là nước này sẽ đưa vào hoạt động các nhà máy điện hạt nhân di động đầu tiên trên Biển Đông vào năm 2020.

Để hiểu rõ hơn về loại nhà máy điện hạt nhân di động này, hãy cùng sang Nga.

Nhà máy điện hạt nhân di động Akademik Lomonosov

Tin về nhà máy điện hạt nhân di động đầu tiên trong lịch sử của Nga, Akademik Lomonosov, được hạ thủy tại cảng St. Petersburg đã bắt đầu được báo chí Việt Nam đề cập trong vài ngày qua.

Akademik Lomonosov là một thuyền lớn dài 144,4m với lượng giãn nước 21.500 tấn. Thuyền này mang hai lò phản ứng hạt nhân dạng KLT-40S có công suất sản xuất điện tối đa 70 Megawatt. Công suất này được cho là sẽ cung cấp đủ nhu cầu điện cho khoảng 200.000 người, tức là tương đương với dân số thành phố Bắc Giang.

Akademik Lomonosov cũng có khả năng khử muối nước biển để tạo nước ngọt cho các nhu cầu của con người. Công suất khử muối của thuyền này vào khoảng 240.000 mét khối nước một ngày, ngang bằng với tổng công suất của bốn nhà máy nước cấp nước cho toàn thành phố Đà Nẵng.

Dạng thuyền Akademik Lomonosov không thể tự di chuyển mà phải được kéo bằng các thuyền khác.

Akademik Lomonosov là nhà máy điện hạt nhân di động đầu tiên được Nga thiết kế, xây dựng, và đưa vào hoạt động. Công trình này được khởi công từ năm 2007 và hoàn thành năm 2010 với tổng chi phí xây dựng và lắp đặt vào khoảng 480 triệu đô-la Mỹ.

Những người ủng hộ FNPP cho rằng dạng nhà máy điện hạt nhân này vừa có chi phí xây dựng và lắp đặt rẻ hơn các nhà máy điện hạt nhân trên bờ, lại vừa an toàn hơn.

Bởi vì các nhà máy này có thể được di chuyển, đặt xa các khu dân cư trong đất liền, và nằm sẵn ngoài biển nơi luôn có nước lạnh để bơm vào làm nguội các lò hạt nhân. Việc mất chất làm nguội dẫn đến nóng chảy lò hạt nhân được xem là nguyên nhân sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật năm 2011. Việc nổi trên mặt biển ngoài khơi cũng giảm nguy cơ bị sóng thần tấn công gây thiệt hại.

Theo tạp chí The Economist, hai lò phản ứng hạt nhân KLT-40S của Akademik Lomonosov được thiết kế dựa trên một mẫu lò phản ứng hạt nhân từng được dùng trên các tàu phá băng hạng Taymyr (chiều dài 152m, lượng giãn nước 21000 tấn).

Các tàu phá băng Taymyr thường phải hứng chịu điều kiện thời tiết bão táp trong các miền băng giá, nên thiết kế lò phản ứng hạt nhân này được xem là giúp cho các lò của Akademik Lomonosov có khả năng chống chịu điều kiện thời tiết xấu ở Bắc Băng Dương.

Mặt khác, để an toàn hơn, The Economist cho biết rằng đơn vị quản lý của Nga sẽ cho buộc neo nhằm cố định nhà máy nổi này cách bờ biển 200m, phía sau một đê chắn sóng có khả năng chặn bão và sóng thần.

https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2018/05/floatingnpp-rosatom.jpg

Họa hình tàu Akademik Lomonosov khi neo đậu – Ảnh: bellona.org

Thảm hoạ môi trường tiềm tàng

Mặc cho các thông tin trên, các dự án xây dựng FNPP của Nga trong nhiều năm qua đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ các tổ chức bảo vệ môi trường về các rủi ro của các dự án này.

Trong một báo cáo khá chi tiết năm 2004, phân hiệu Nga của tổ chức vận động bảo vệ môi trường quốc tế Green Cross cáo buộc các nhà máy điện hạt nhân di động của Nga là một hiểm họa môi trường và an ninh hạt nhân.

Theo Green Cross, các FNPP luôn có rủi ro bị khủng bố quốc tế tấn công (để cướp nguồn nguyên liệu uranium làm vũ khí) và rủi ro trục trặc kỹ thuật gây ra thảm họa hạt nhân làm hại người dân và hủy hoại môi trường (như đã từng xảy ra tại Nga trong thảm họa Chernobyl).

Green Cross cho rằng vấn đề cốt lõi nằm ở “văn hóa an toàn hạt nhân thấp” (low safety culture) của nhà nước Nga và ngành công nghiệp hạt nhân nước này. Các dự án xây dựng hạt nhân do quân đội Nga phụ trách tương tự như các dự án FNPP thường không được công khai giải trình, không được thanh tra độc lập, và không có được sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan dân sự.

Cụ thể, các báo cáo viên của Green Cross cho rằng, bất kể các quy định pháp lý và hiệp ước quốc tế, “văn hóa an toàn hạt nhân” trong các cơ quan nhà nước Nga trên thực tế được xây dựng dựa trên nguyên tắc bất thành văn: “nếu không mang lại hậu quả cá nhân nào cho các sếp, thì không có vấn đề gì.”

Trong một nghiên cứu chuyên sâu khác trên tạp chí Luật và Chính Sách Khu Vực Thái Bình Dương, luật sư Douglas Steding phân tích rằng chính các cơ chế luật quốc tế về hạt nhân cũng không cung cấp được các hình thức kiểm soát hiệu quả rủi ro môi trường và rủi ro an toàn hạt nhân trong trường hợp các dự án FNPP.

Theo ông Steding, cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chỉ có thể đưa ra các tiêu chuẩn và nguyên tắc chung cho các nước thành viên, nhưng không có công cụ chế tài cần thiết.

Công ước Viên về bồi thường thiệt hại hạt nhân không có khả năng ép Nga chi trả bồi thường trong trường hợp một FNPP gặp sự cố. Các quy định về chống ô nhiễm môi trường biển trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) cũng không kèm theo các chế tài xử lý vi phạm hiệu quả.

Ông Rashid Alimov, từng phụ trách các dự án năng lượng của tổ chức Hòa Bình Xanh(Greenpeace) chi nhánh ở Nga cũng bình luận với tờ The Economist rằng vị trí ngoài khơi của các FNPP khiến việc thanh kiểm tra nhằm đảm bảo các quy định an toàn trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, theo ông Julius Trajano – một chuyên gia về năng lượng hạt nhân của trường Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore), các lợi thế an toàn của FNPP cũng chỉ ở mức tương đối: khi xảy ra sự cố, nguồn nước làm nguội thì có nhưng nhà máy vẫn sẽ gặp vấn đề vì không có sẵn các nguồn điện dự phòng như các nhà máy điện hạt nhân trong đất liền. Việc xử lý sự cố cũng sẽ gặp trở ngại vì vị trí xa xôi của các “nhà máy nổi”.

Đồng thời, các chất thải phóng xạ từ sự cố hoàn toàn có thể trôi theo dòng nước biển vào bờ làm hại các khu dân cư. Như vậy, FNPP có thể làm giảm rủi ro ô nhiễm đất liền nhưng làm tăng rủi ro ô nhiễm môi trường biển, và vẫn có rủi ro đe dọa con người.

https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2018/05/peter-1.jpg

Các nhà hoạt động của Greenpeace biểu tình chống FNPP ở Nga – Ảnh: greenpeace.org

Rủi ro từ các nhà máy hạt nhân di động của Trung Quốc

Hoàn cầu Thời báo cho biết Trung Quốc đang phát triển hai mẫu thiết kế nhà máy điện hạt nhân di động trên biển: một dạng nổi và một dạng chìm.

Mỗi nhà máy được cho là sẽ tốn tầm hơn 470 triệu đô-la Mỹ để chế tạo và sẽ có thời gian hoạt động tối đa là 40 năm.

Theo phân tích năm ngoái của tờ The Economist, các nhà thiết kế FNPP Trung Quốc muốn đặt các nhà máy này trên các vùng biển đủ sâu để tránh được rủi ro sóng thần. Tuy nhiên điều này có nghĩa là các nhà máy này sẽ đối mặt các trận bão mạnh ngoài khơi xa Biển Đông (vốn có thể tạo ra các cơn sóng cao hơn 20m).

Các lò phản ứng hạt nhân Trung Quốc sẽ sử dụng không phải là các lò kiểu “phá băng” KLT-40 được cho là lỳ lợm của Nga, mà là các lò ACPR100 do Trung Quốc bí mật tự phát triển, dựa trênthiết kế công nghệ hạt nhân AP1000 của Westinghouse Electric Company – một công ty điện hạt nhân Mỹ.

Việc thiết kế các FNPP cũng do Trung Quốc hợp tác tiến hành cùng một công ty Anh quốc là Lloyd’s Registers. Tờ The Economist ghi nhận các chuyên gia của công ty này đã đưa ra được một số giải pháp cho các nhà máy nổi của Trung Quốc chống chọi bão táp trên Biển Đông, cũng như giải quyết các rủi ro va chạm tàu thuyền khác.

Một chuyên gia của Lloyd’s Registers cho biết rằng các tư vấn thiết kế của họ sẽ giúp các FNPP Trung Quốc chống chọi được “bão táp trong 10.000 năm”.

N.Q.

Tạp chí LUẬT KHOA

https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2018/05/150415_johnson_01.jpg

Đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), nơi 64 chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận Hải chiến Trường Sa 1988 – Ảnh: Asia Maritime Transparency Initiative and Digital Globe.

Như vậy, có ít nhất hai hàm ý quan trọng cho Việt Nam từ các diễn biến phát triển công nghệ điện hạt nhân di động nêu trên của Trung Quốc:

Thứ nhất, Trung Quốc vẫn đang thúc đẩy việc bành trướng trên Biển Đông một cách bài bản với mục tiêu lâu dài, có dựa trên ứng dụng công nghệ cao.

Các nhà máy điện hạt nhân di động FNPP từ năm 2020 trở đi có khả năng cao sẽ trở thành một trong những lá bài chiến lược của Trung Quốc, giúp nước này duy trì một nguồn cung cấp năng lượng ổn định cho các hoạt động xây đắp và bảo vệ các đảo nhân tạo trên khu vực quần đảo Trường Sa.

Như tạp chí Popular Science nhận xét, các FNPP sẽ cần các đoàn thủy thủ đông đảo và cần các lực lượng vũ trang bảo vệ an ninh nghiêm ngặt. Đây có thể trở thành một cái cớ cho Trung Quốc nâng cao mức độ hiện diện của các lực lượng vũ trang trên biển của họ trong các vùng tranh chấp.

Thứ hai, Việt Nam sẽ sớm phải đối mặt với các rủi ro môi trường và rủi ro an toàn hạt nhân đến từ các FNPP Trung Quốc ngoài khơi Biển Đông.

Không có gì bảo đảm các nền tảng công nghệ và thiết kế Anh – Mỹ nêu trên sẽ giúp cho các FNPP Trung Quốc hoạt động lâu dài mà không hề tạo ra bất kỳ rủi ro nào cho môi trường môi sinh tại các vùng biển và miền duyên hải Việt Nam.

Trung Quốc có “văn hóa an toàn hạt nhân” cao hơn Nga không? Có ít nhất một nhà khoa học hạt nhân người Trung Quốc cho rằng không.

Nhà khoa học He Zouxiu trả lời phỏng vấn tờ The Guardian vào năm 2015 cho biết rằng Trung Quốc khi đó đang mở rộng phát triển các nhà máy điện hạt nhân “một cách điên rồ”. Trung Quốc “không đầu tư đủ vào việc kiểm soát an toàn hạt nhân”, và có nhiều rủi ro trong ngành năng lượng hạt nhân Trung Quốc, bao gồm “tham nhũng, năng lực quản lý và ra quyết định kém”.

Các nhà làm chính sách Việt Nam cần sớm nghiên cứu xem các cơ chế luật pháp quốc tế hiện nay đã và đang được phát triển và cập nhật kịp thời để giải quyết các vấn đề đã được các chuyên gia quốc tế nêu ra khi họ công kích các FNPP của Nga hay chưa.

Tài liệu tham khảo:

China warned over ‘insane’ plans for new nuclear power plants (Emma Graham-Harrison – The Guardian)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn