Các cuộc biểu tình hàng loạt ở Việt Nam phơi trần thế lưỡng nan của Hà Nội đối với Trung Quốc

Tom Fawthrop(*)

Vũ Quốc Ngữ dịch (VNTB)

Các cuộc biểu tình nêu bật những khó khăn trong việc thu hút đầu tư của Trung Quốc trong khi bảo vệ sự độc lập của Việt Nam.

Nhiều cuộc biểu tình lớn xảy ra trên toàn quốc tuần trước, sự kiện làm rung chuyển Việt Nam, nhấn mạnh sự đau đầu của Hà Nội trong việc đối phó với Trung Quốc, hai quốc gia đối đầu ở Biển Đông nhưng cũng là đối tác quan trọng trong thương mại và đầu tư.

Lịch sử quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phức tạp với sự đô hộ của Trung Quốc lên Việt Nam trong 1.000 năm, xung đột và nổi dậy. Cuộc xâm lược cuối cùng của Trung Quốc là cuộc chiến biên giới hai tháng năm 1979.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgqhmgTOr_mBQodXogXWB0_COj9m92eIqSDQitUr3Vq71g92wddl4hFLl10-T6ZS_SM-ZFdZL0c-mMgp6QAhvuJjyKENyHsxR4op2a8FKJ9H2j6III_EbQoCZ4iXXmEIzY5RSQeqj9IXeE/s640/59461e9f-cfbc-41bb-987a-b9e4e92b9cfe.jpeg

Người dân tại Sài Gòn tham gia biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu.

Các cuộc biểu tình gần đây tập trung vào việc phản đối Dự luật Đặc khu kinh tế, một dự luật cho phép thành lập ba đặc khu kinh tế với mục tiêu thu hút đầu tư và cải cách kinh tế. Tuy nhiên, dự luật này được cho là tạo điều kiện giao đất cho nhà đầu tư Trung Quốc, khiến hàng chục nghìn người nổi giận và tham gia vào nhiều cuộc tuần hành trong hai tuần gần đây, với những khẩu hiệu như “Nói Không với Đặc khu kinh tế” và “Không cho Trung Quốc thuê đất, dù chỉ một ngày” và “Đả đảo những kẻ bán nước”. Các cuộc biểu tình bắt đầu ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội rồi lan tới nhiều nơi trong sáu tỉnh và thành phố, trong đó có Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, và Tây Ninh.

Phạm Chí Dũng, một cựu sĩ quan quân đội và hiện là Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nói với tờ The Diplomat: “Dự luật Đặc khu kinh tế bị người dân Việt Nam coi là luật bán nước. Nhiều người đã rất giận dữ. Những nhượng bộ trong đặc khu kinh tế chỉ có ở những nước nghèo và lạc hậu”.

Không nghi ngờ gì nữa ông Dũng nghĩ đến việc hai nước láng giềng nghèo khổ hơn là Lào và Campuchia đã bị thu hút vào việc chấp nhận nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc với hợp đồng thuê đất trong 99 năm.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố xem xét lại thời hạn cho thuê đất 99 năm trong ba địa điểm chiến lược dự kiến làm đặc khu kinh tế. Nhà đầu tư Trung Quốc có thể sẽ là những người hưởng lợi nhất từ điều khoản cho phép nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trong 99 năm. Chính phủ Việt Nam có dự định giảm thời gian thuê đất xuống 70 năm, như tiêu chí đang áp dụng cho 18 khu kinh tế hiện có.

Nguyễn Chí Tuyến, một blogger bất đồng chính kiến ​​tại Hà Nội với 42.500 người theo dõi trên Facebook, không bị ấn tượng bởi lời hứa của Thủ tướng Phúc về việc sửa đổi các điều khoản. “Chúng tôi có một lịch sử đối đầu lâu đời với Trung Quốc, họ luôn muốn xâm lược nước tôi, vì vậy sẽ là nguy hiểm để cho phép họ sử dụng các đặc khu kinh tế để kiểm soát đất nước của chúng tôi,” Tuyến nói.

Ở mặt trận khác, Việt Nam đã lên án việc Trung Quốc quân sự hóa nhiều đảo ở Biển Đông, và tuyên bố chủ quyền đối với một số hòn đảo trong khu vực mà Hà Nội chỉ gọi là Biển Đông chứ không gọi là Nam Trung Hoa.

Chỉ vài ngày sau khi xảy ra nhiều cuộc biểu tình gần đây chống Trung Quốc, vào ngày 14/6, Bộ Ngoại giao của Việt Nam lên án việc Trung Quốc tái triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm (Woody Island), một hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa mà Hà Nội tuyên bố chủ quyền. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam coi việc tái triển khai tên lửa là”một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”.

Mặc dù hai nước có tranh chấp trên biển, và một lịch sử đối đầu phức tạp với quốc gia láng giềng phương Bắc, Chính phủ Việt Nam vẫn hoan nghênh đầu tư từ Trung Quốc để phát triển kinh tế của mình.

Nhưng Dự luật Đặc khu kinh tế vừa được Quốc hội Việt Nam bàn thảo bao gồm một đặc khu kinh tế ở Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh mà nhiều người Việt Nam lo lắng vì quá gần Trung Quốc. Một đặc khu khác là đảo Phú Quốc ở Kiên Giang, nằm đối diện với khu vực ven biển của Campuchia với sự thống trị của nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc.

Những mâu thuẫn vốn có trong một hành động cân bằng giữa cuộc đối đầu trên biển và hợp tác kinh tế trên đất liền, yêu sách cứng rắn về lãnh thổ nhưng thông đồng với các nhà đầu tư Trung Quốc, đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi nhiều nhà trí thức, học giả, và thậm chí một vài đại biểu trong Quốc hội Việt Nam.

Một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất, Nguyễn Quang Dy, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao hiện là học giả và chuyên gia phân tích, công bố một công trình lập luận chống lại các đặc khu kinh tế một vài tuần trước khi các cuộc biểu tình nổ ra. Bài viết cho biết:

Trong khi Bắc Kinh đang quân sự hóa và kiểm soát Biển Đông (như ao nhà của mình), cấm người Việt đánh bắt cá và phát triển dự án khai thác dầu khí ở vùng biển của mình, các đặc khu kinh tế trở thành những miếng bánh hấp dẫn để chúng [Trung Quốc] tiến chiếm...Trong khi lợi ích kinh tế của Việt Nam và chủ quyền ở biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi Trung quốc, quyết định thành lập đặc khu kinh tế mới ở các vị trí quan trọng sẽ là không thể tha thứ cho cho cả lý do an ninh kinh tế và an ninh quốc gia.

Nhiều bộ trưởng trong chính phủ cố gắng quảng bá đặc khu kinh tế với mô hình Singapore thu nhỏ- với môi trường kinh doanh thân thiện hoàn chỉnh và nhiều trung tâm công nghệ cao.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Vũ Quang Việt, cựu cố vấn của Thủ tướng cải cách Võ Văn Kiệt (1992-1995) không ủng hộ dự luật. Những đặc khu kinh tế đó đã đặt “lợi ích nhóm trên thị trường bất động sản và sòng bạc,” ông Vũ lập luận. “Điều thực sự Việt Nam cần là đầu tư công nghệ cao và giáo dục để tăng năng suất, và nền kinh tế tri thức, không phải là các dự án về bất động sản và sòng bạc”.

“Nhóm lợi ích” thường được nhắc đến là tầng lớp doanh nhân hàng đầu hiện nay của Việt Nam, những người đã và đang thông đồng với nhà đầu tư Trung Quốc. Người nông dân nghèo tố cáo tầng lớp doanh nhân này liên kết với quan chức tham nhũng trong chính quyền địa phương để cướp đất đai của họ.

Một số đại biểu trong Quốc hội do Đảng Cộng sản kiểm soát cũng không bị thuyết phục bởi Dự luật Đặc khu. Đại biểu Dương Trung Quốc nói với Quốc hội “dự luật, nếu được phê duyệt, sẽ chỉ có lợi cho các nhà đầu tư bất động sản và các nhà đầu cơ đất đai, chứ không phải các doanh nghiệp công nghệ cao”.

Một trong ba khu vực đặc biệt, đảo Phú Quốc, nằm gần cảng Kep của Campuchia, một cảng biển chính của Sihanoukville, và một vùng đất của Trung Quốc ở Koh Kong. Chuyên gia phân tích Nguyễn Quang Dy nhận thấy nguy cơ rất thực sự đối với an ninh quốc gia: “Trung Quốc rất quan tâm đến Phú Quốc như là mục tiêu tiếp theo”.

Carl Thayer, chuyên gia Australia về các vấn đề Việt Nam, cũng thấy Phú Quốc là một địa điểm chiến lược. “Koh Kong [trên bờ biển Campuchia] nhanh chóng trở thành một vùng đất Trung Quốc. Tầm quan trọng của Phú Quốc nằm ở vị trí của nó ở cuối phía nam của Biển Đông gần với các làn đường xuyên qua eo biển Malacca và Singapore”.

Người dân Việt Nam giận dữ phần nhiều là do sự tức giận tích tụ từ một số hậu quả độc hại từ các dự án đầu tư của Trung Quốc. Sự giận giữ bắt đầu từ dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, với nhiều cuộc biểu tình trên phạm vi toàn quốc vào năm 2009. Vai trò của công ty Trung Quốc và mối đe doạ về môi trường bởi bùn đỏ là nguyên nhân của sự phản đối rộng rãi của giới bất đồng chính kiến và một số quan chức cao cấp của đảng, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tuy nhiên, dự án vẫn được triển khai sau khi một số biện pháp cải thiện môi trường và theo dõi của Bộ Tài nguyên và Môi trường yếu kém của Việt Nam.

Chính phủ rõ ràng đã bị chấn động bởi cuộc biểu tình tuần trước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tìm cách hòa giải, đảm bảo với công chúng rằng “chúng tôi đã nghe rất nhiều trí thức, nhân dân, đại biểu Quốc hội, quan chức và người Việt Nam ở nước ngoài”.

Tuy nhiên trong cùng một tuần khi Thủ tướng bắt đầu lắng nghe, Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng với mục tiêu kiểm soát tự do biểu đạt trên mạng, cho dù vấp phải nhiều sự phản đối.

Nhiều vụ bê bối tham nhũng liên quan đến đầu tư Trung Quốc tạo ra sự tranh cãi trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, trên truyền thông nhà nước kiểm soát, và trên mạng xã hội.

Một nhà xã hội học Việt Nam yêu cầu giấu tên nói “Chính phủ nên chấp nhận sự đa dạng của quan điểm. Lắng nghe xã hội dân sự và trí thức gợi cho chúng ta về thời hoàng kim của Võ Văn Kiệt,” một thủ tướng cải cách vào những năm 1990.

Với suy nghĩ tương tự, chuyên gia về Việt Nam, ông Benedict Kerkvliet, giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Australia, nhận xét, “Chính phủ nên công khai tôn trọng mối quan ngại của nhân dân về chủ quyền quốc gia và nên thành thật về vấn đề này”.

Chính phủ cho đến nay đã từ chối nhìn nhận rằng sự độc lập của đất nước có thể bị đe doạ với việc Trung Quốc đầu tư vào những khu vực đặc biệt.

Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kêu gọi mọi người bình tĩnh, nhưng ông và các nhà lãnh đạo khác bỏ việc đề cập đến Trung Quốc, tại một thời điểm mà Bắc Kinh thể hiện sự tức giận về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.

Cuộc đấu tranh lâu dài cho độc lập

Đấu tranh để duy trì sự độc lập của Việt Nam với quốc gia khổng lồ phía bắc thật không dễ dàng. Kerkvliet nhận xét rằng “Trung Quốc là một thách thức rất lớn và Hà Nội cũng cần phải hợp tác với các nước láng giềng, những quốc gia cũng lo lắng về các hành động hiếu chiến của Bắc Kinh”.

Trong khi một số nước ASEAN cũng có tuyên bố lãnh thổ ở Biển Đông, Việt Nam vẫn là quốc gia chỉ trích nhiều nhất chính sách hiếu chiến của Bắc Kinh. Đây cũng là quốc gia duy nhất đưa ra một số phản đối không quyết liệt đối với việc Trung Quốc kiểm soát nguồn nước ở sông Mekong.

Chính quyền cũ của Philippines đã kiện Trung Quốc lên Toà án Trọng tài Quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Tổng thống hiện nay Rodrigo Duterte lại chú tâm vào việc đảm bảo đầu tư kinh tế.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, sử dụng lịch sử để hậu thuẫn cho tuyên bố này trong khi Việt Nam nói rằng nước này nên kiểm soát các vùng biển ngoài khơi dọc theo bờ biển dài ở phía đông đất nước.

Mặc dù Tòa án Trọng tài Quốc tế bác bỏ tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa, toà án này lại không đả động gì đến việc Trung Quốc đe doạ quân sự với Việt Nam để buộc Hà Nội phải dừng các hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông.

Năm nay, một dự án phát triển dầu và khí đốt trị giá 200 triệu USD do Repsol Tây Ban Nha thực hiện ở khu vực Hoàng đế Đỏ, đã bị đình chỉ vì áp lực của Trung Quốc.

Việc mở rộng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc theo Sáng kiến ​​Một Vành đai-Một con đường của nó có thể vẫn gặp phải một số rào cản ở Việt Nam. Những cố vấn và chuyên gia của Chính phủ Việt Nam mà tôi gặp ở Hà Nội bày tỏ sự thiếu tin tưởng và cho rằng chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông và sông Mekong dựa trên việc làm suy yếu Việt Nam.

Mỗi học sinh Việt Nam đều biết rằng đất nước này đã bị chiếm đóng trong một ngàn năm bởi các hoàng đế Trung Quốc từ khoảng thời gian từ năm 111 trước Công nguyên cho đến năm 938 sau Công nguyên. Sau đó, vào thế kỷ 19, Pháp thành lập đế quốc Đông Dương của họ.

Việt Nam trở thành quốc gia độc lập bằng việc đánh thắng nhiều đạo quân xâm lược của nhiều triều đại Trung Hoa, và người Pháp năm 1954 cũng như người Mỹ năm 1975.

Nhưng chiến thắng khó nhất của Việt Nam sẽ là duy trì sự độc lập của mình khi đối mặt với cuộc tấn công kinh tế hiện nay mà Trung Quốc đang tiến hành trên nhiều mặt trận - khu kinh tế đặc biệt, sông Mekong và Biển Đông.

Các cuộc biểu tình với tinh thần dân tộc của người dân Việt Nam rõ ràng là mâu thuẫn với ban lãnh đạo Hà Nội vốn bị chia rẽ và thiếu một chiến lược rõ ràng để đối phó với sự thống trị khu vực ngày càng gia tăng của người hàngxóm khổng lồ.

T.F.

__________

(*) Tom Fawthrop là một nhà báo tự do và nhà làm phim ở Đông Nam Á.

Nguồn: The Diplomat

VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn