Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng

(bài nằm trong loạt bài về Hà Nội 10 năm mở rộng địa giới hành chính trên trang VnExpress)

Bài: Đức Hoàng - Hoàng Phương - Thanh Lam

Ảnh: Giang Huy - Đỗ Mạnh Cường

Đồ họa: Tiến Thành

Ngày mở rộng Hà Nội, số phận hàng trăm nghìn nông dân Hà Tây và Vĩnh Phúc cũ rẽ ngoặt: đất ruộng bị thu hồi chóng vánh và thành “đất dự án”.

Lời mở đầu

Đó là những ngày mùa hè năm 2008.

Mùa hè ấy, ở Yên Nghĩa, chàng trai Thiện phải cắn răng bán đi hết cơ nghiệp của mình, đi tha hương ở tuổi 21. Đàn trâu 38 con là gia tài mà cậu gây dựng từ năm mười sáu.

Đó là một năm trọng đại: các dự án bắt đầu đổ về vùng đất thuộc Hà Tây cũ này. Cánh đồng ven đô sau một đêm biến thành các dự án xây chung cư, khu công nghiệp, trường đại học… Chín sào ruộng, sinh kế của cả nhà Thiện nằm trong diện quy hoạch. Quê hương không còn đồng ruộng nữa. Thiện phải đi.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\2.jpg

Bản đồ Hà Nội với các ranh giới địa chính cũ.

Mùa hè năm ấy, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, trong những tháng ngày cuối cùng còn quyết định số phận của huyện Mê Linh, ký hàng chục dự án đầu tư chuyển cả nghìn héc-ta đất nông nghiệp thành biệt thự, nhà vườn, khu đô thị... Mùa hè ấy, xe hơi bóng lộn lượn khắp những cánh đồng Mê Linh trong cơn sốt tìm đất như tìm vàng.

Mùa hè năm ấy, Hà Nội mở rộng. Cuộc sống của hàng chục nghìn nông dân Hà Tây và Mê Linh ngoặt sang một trang mới. Cho đến cuối năm 2008, trên địa bàn của “Hà Nội sau mở rộng” có 1.005 dự án tiến hành thu hồi đất. Một nghìn không trăm lẻ năm dự án, với gần 200.000 nông hộ bị ảnh hưởng.

Nhưng mùa hè năm ấy không chỉ tạo ra sự hoang mang trong đời những nông dân bị thu hồi đất. Nó còn hàm chứa rất nhiều trông ngóng đổi thay.

Ở Thanh Trì, một chàng nông dân khác đã gửi gắm hết hy vọng cuộc đời vào “dự án” vừa được vẽ ra trước ngày sáp nhập. Đoán chắc rằng ruộng đồng quê mình sẽ thành khu công nghiệp, Triệu bỏ nghề nông, theo học nghề cơ khí.

Trong tưởng tượng của Triệu, anh sẽ là một trong hàng ngàn công nhân, sáng mặc đồng phục vào xưởng, chiều tan làm, cuối tháng nhận lương. Không lo bố mẹ già phải vùi mặt vào đất quanh năm kiếm non tạ thóc, tối mất ngủ lo ốc bươu vàng, đi đặt bẫy đánh chuột đồng như bao năm nay.

Mười năm trôi qua như một cái chớp mắt.

Triệu giờ sống qua ngày nhờ một cái “xưởng cơ khí” rộng 10 mét vuông trước cửa nhà. Khu công nghiệp chưa bao giờ, và có lẽ sẽ không bao giờ được xây trên mảnh đất Hà Tây cũ này. Ở Mê Linh, trên các dự án mang tên mĩ miều giờ chỉ tìm thấy những đàn bò và đàn vịt. Còn Thiện vẫn chăn trâu trên chính những mảnh ruộng từng bị thu hồi ở Yên Nghĩa.

Trong bài viết này, là câu chuyện của ba vùng đất khác nhau tại Hà Nội sau mở rộng. Số phận của chúng, cũng như hàng chục nghìn nông dân, trở thành nhân chứng cho những dự án được ký trước ngày sáp nhập Thủ đô. Rất nhiều trong số đó sau này được phát hiện là những chữ ký vội vàng, những dự án thiếu thốn các mặt, thậm chí được mô tả là những cuộc “ôm đất”.

Chương 1: Một ngày và một đời

Hà Nội, ngày 1/8/2008.

Đúng 0h, lãnh đạo và lực lượng thanh tra giao thông dỡ tấm biển báo mốc địa giới phân chia Hà Tây - Hà Nội trên đường Nguyễn Trãi, đánh dấu cho ngày Thủ đô hợp nhất.

Cũng đêm ấy, có năm người đàn bà ngồi khóc ở nơi tạm giam.

Họ bị bắt ngày 31/7/2008, bởi hành vi “cản trở các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ cưỡng chế, giải tỏa băng rôn, khẩu hiệu tại Công ty cổ phần thương mại Đức Việt, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi giải phóng mặt bằng theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội” của thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây cũ.

Cả năm người phụ nữ cư trú ở thôn Do Lộ, Yên Nghĩa, Hà Đông bị xử trong một phiên tòa ba tháng sau đó vì tội “chống người thi hành công vụ”. Các hành vi được mô tả trong bản án là “dùng tay xô đẩy”, “ngăn cản không cho vào khu vực tháo dỡ”, “ngồi ì, giằng co với lực lượng cưỡng chế”.

Tang vật thu được từ vụ án gồm một cào làm ruộng; một bát hương; một điếu cày; một tấm cót ép ghi “Nhân dân Do Lộ đòi đất nghĩa trang”; một băng rôn vải đỏ ghi “Đề nghị các cấp giải quyết đúng luật đất đai; một gậy trúc dài 80 cm, đầu to đường kính 2 cm, đầu nhỏ 1 cm; một mảnh phông bạt dứa; ba đoạn tre; một băng vải đỏ dạng khuyên tròn mặt ngoài có chữ “UBND thị xã Hà Đông, thi hành công vụ”.

Năm nông phụ bị kết án từ 6 đến 9 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 1/8/2008. Trong số họ, người có trình độ cao nhất học xong lớp 12, còn lại chỉ hết lớp 3.

Cả năm người phụ nữ đều có một nghề chung: Làm ruộng.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\2(1).jpg

Ông Mô đứng cạnh nghĩa trang cũ và mảnh đất đã bị thu hồi.

Những mảnh ruộng bị thu hồi khi xưa giờ đã trở thành một phần trong “Cụm công nghiệp Yên Nghĩa”.

Mỗi lần có việc phải đi qua cụm công nghiệp, ông Mô đều gắng phóng xe thật nhanh. Ông không nhớ rõ mảnh ruộng nhà mình nằm ở nơi nào giữa những lô, nền dự án đã được phân chia ấy. Điểm chỉ dấu là một cái cột điện đã biến mất. Thay thế vào đó là những khu chung cư thưa người xen lẫn những dự án như thể bỏ hoang mọc đầy cỏ dại.

Ngày đất ruộng bị thu hồi để xây dựng cụm công nghiệp, mở trường dạy nghề, ông Mô chỉ chặc lưỡi “Thôi thì chủ trương của nhà nước…”. Do Lộ không có nghề phụ, chỉ trông chờ vào cánh đồng trồng lúa và rau màu.

Thôi thì xây khu công nghiệp, mở trường dạy nghề, bọn trẻ trong nhà đi công ty chắc cũng đủ sống.

Nhưng đến giờ, khu công nghiệp chỉ lác đác nhà máy, cũng không có trường dạy nghề đâu. Chục năm qua, ông Mô chỉ thấy đất trong làng bị mất dần từ quyết định này đến quyết định khác. Phần đất nông nghiệp còn lại thì trở thành cái gọi là “đất xen kẹt” - tức là đất nông nghiệp nhưng bị kẹp giữa những kết cấu xây dựng khác, không thể dẫn nước tưới tiêu và đành bỏ vậy. Trong số 5 người bị kết án năm ấy, có bà Nhung, vợ ông Mô.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\3.jpg

Mười năm qua, ông Mô vẫn tin việc thu hồi nghĩa trang không thỏa đáng.

Như một thói quen khi có phóng viên tìm đến nhà, ông Mô khuân chồng hồ sơ tập hợp những đơn từ, văn bản chỉ đạo, bài báo nói về lùm xùm đất đai ở Yên Nghĩa. Hồ sơ tích tụ suốt nhiều năm, ông khuân hai lần mới hết.

Những đơn từ đều có chung thắc mắc, về việc chính quyền thu hồi đất nông nghiệp cạnh nghĩa trang ven phía Nam đường Quốc lội 6 cho Công ty Đức Việt thuê. Khu đất ấy người dân vừa canh tác, vừa “để dành” mở rộng nghĩa địa của làng.

Cái nghĩa địa ấy giờ nằm cách mặt đường Quốc lộ vài trăm mét, chi chít mộ to, mộ nhỏ chỉ chực đè lên nhau. Những người làng Do Lộ đã khuất, nằm đó, trông ra mé phải là hai showroom ô tô, trước mặt là một đường tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông. Phía trái nghĩa trang cũ, người ta dựng lên một nghĩa trang mới, bên trong lác đác vài ngôi mộ.

Trong kết luận của thanh tra chính phủ năm 2007, có ghi tên dự án trên mảnh đất diễn ra cuộc giằng co này: “Dự án Trung tâm dạy nghề Đức Việt là dự án của Công ty TNHH Đức Việt”.

Cuộc cưỡng chế đã xảy ra để lấy đất xây cái gọi là “Trung tâm dạy nghề Đức Việt”, nằm ngay mặt đường Quốc lộ 6. Nhưng ngay sau ngày sáp nhập về Hà Nội, ngay sau cuộc cưỡng chế thành công, một showroom ô tô khổng lồ được khởi công xây dựng ở đó. Mấy nông phụ đi tù về chỉ để chứng kiến lễ khai trương tưng bừng của chi nhánh Toyota Hà Đông trên mảnh đất khi xưa, với mặt tiền rộng thênh thang nhìn ra quốc lộ. Dân Do Lộ chỉ có thể chấp nhận rằng, về lý thuyết, mọi cơ sở kinh doanh có tuyển dụng và đào tạo đều mang chức năng “dạy nghề”.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\4.jpg

Bà Út trước cổng nghĩa trang mới của Do Lộ.

Ngồi chơi trong sân nhà ông Mô, bà Út kể về cái thời trước những dự án, trước khi về Hà Nội và quê bà vẫn là mảnh đất thuần nông.

Gia đình bà Út cũng từng sung túc nhờ ruộng đồng. Tám sào ruộng, mỗi năm hai vụ lúa, một vụ màu. Có đồng bãi trồng ngô sắn, bà chăn nuôi thêm. Vợ chồng đủ nuôi ba con khôn lớn.

Con cái lớn lên không còn đồng còn ruộng, đi làm thuê nhà hàng, chạy xe ba bánh. Bao năm nay bà vừa chăm chồng bị tai biến, vừa đi hỏi chuyện đất đai. Theo từ lúc tóc hãy còn xanh, đến giờ đã một đầu tóc bạc.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\5.jpg

Bà Út luyến tiếc thời đất ruộng vẫn nuôi được người nông dân.

Nhà ông Mô bà Nhung, hay rất nhiều nông dân mảnh đất Hà Tây cũ này năm ấy, không còn ruộng, cũng không hề có sinh kế mới. Nhiều thanh niên Yên Nghĩa của thế hệ sau bỗng trở nên ăn chơi vì có chút tiền đền bù. Nhưng tiền đền bù thì giờ đã hết, nghề nghiệp thì đã mất và những “nông dân Hà Nội” có tuổi sau 10 năm sáp nhập nếu không còn sức đi làm việc tay chân, hay có vốn mở cửa hàng, trở nên hoàn toàn thất nghiệp.

Những năm sau này, bà Nhung không còn đi bán rau, bán cà trên chợ Yên Nghĩa nữa. Từ ngày mãn hạn tù, bà ru rú trong nhà không đi đâu. Thấy khách đến, bà mở cửa rồi lẩn ra sau chái cho đến tận lúc người ta về. Cuộc đời của người đàn bà mang tiền án, đã khép lại phía sau đôi cánh cổng, chính từ ngày 1/8/2008.

Sau quy hoạch, những gì Yên Nghĩa còn sót lại là một con đê, một cánh đồng còn xanh tốt chưa bị cắm dự án, còn lại là những mảnh nham nhở của đủ loại đất khác nhau. Đất dự án chưa triển khai, đất nông nghiệp xen kẹt, mọc đủ cỏ xanh tươi nuôi một đàn trâu 300 con.

Năm 2018, sau 21 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân phường Yên Nghĩa không thể cung cấp cho phóng viên thống kê về diện tích đất nông nghiệp không còn được canh tác trên địa bàn.

Chương 2: Khi đàn trâu trở về

Thiện năm nay 31 tuổi, có trong tay một đàn gần trăm con trâu, vài tỷ gửi ngân hàng, một ngôi nhà ba tầng ở phường Yên Nghĩa.

Mỗi buổi sáng, ông chủ Thiện thường đánh chiếc xe bán tải hơn một tỷ đi giao thịt tươi cho các quán ở Hà Đông. Thùng xe dán decan “Thiện trâu” kèm số điện thoại liên hệ. Mui xe được trang trí bằng một cặp sừng. Giao hàng xong, anh sẽ quay về bãi xem đàn trâu ăn cỏ.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\2(2).jpg

Thiện đang buộc lại hàng rào trâu trên đất dự án.

Trưa tháng Năm, hàng chục con đen trũi đằm mình dưới mương nước. Con mương từng dẫn nước cho cả cánh đồng Nghĩa Lộ, giờ hứng nước thải, rồi trở thành vũng đầm giải nhiệt của đàn trâu. Nhiều người đi làm qua đường Yên Lộ mỗi buổi sáng, quen mắt với cảnh đàn trâu nối đuôi nhau qua đường, ăn cỏ cạnh các tòa nhà chung cư. Thi thoảng, họ dừng lại mua thịt trâu tươi mà ông chủ ngả bán ngay ven đường.

6h sáng, chúng sẽ được lùa khỏi chuồng. Một đàn lớn tự chia thành hai đàn nhỏ đi về hai hướng khác nhau. Một đàn ăn cỏ ven đường Yên Lộ. Đàn kia rẽ ngược về khu đất trống của một dự án đã cắm cọc nhiều năm chưa triển khai.

Dăm năm nay, Thiện nổi danh trên báo chí như một gương sáng về cách làm giàu “táo bạo, độc đáo” giữa Thủ đô. Người ta gọi anh là “tỷ phú chăn trâu”, “đại gia chân đất”. Năm 2014, Thiện còn nhận được một tấm bằng “Tôn vinh nhân tài đất Việt”.

Những lời tôn vinh ấy không bàn đến một thực tế, là những mảnh đất cỏ mọc xanh tươi bây giờ để “đại gia chăn trâu” làm giàu, thật ra là những “dự án đầu tư” tham vọng thời Hà Tây mới về cùng Thủ đô. Những mảnh đất ấy, từng là đất nông nghiệp màu mỡ, nhưng bị hoán cải số phận thành “đất dự án”, và bây giờ là đất hoang.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\3(1).jpg

Khung cảnh của những quy hoạch dở dang tại Yên Nghĩa, và đàn trâu của Thiện. “Tiếc đứt ruột, nhưng không còn đồng cỏ nuôi trâu thì phải bán chứ biết làm thế nào”, anh Thiện năm 31 tuổi nói về quyết định của Thiện năm 21 tuổi. Cậu thanh niên Yên Nghĩa khi ấy đã không còn cách nào khác để giữ lại đàn trâu của mình.

Trên những mảnh ruộng xã Yên Nghĩa, tỉnh Hà Tây trước ngày “về Hà Nội”, hàng loạt dự án được thiết lập: một trường đại học 12 héc-ta, một bệnh viện 400 giường, một cụm công nghiệp,… Hơn 400 ha đất được thu hồi cho mục đích “phát triển kinh tế địa phương”.

Mấy trăm triệu tiền bán trâu, Thiện để ở nhà cho bố mẹ, anh chị em tìm sinh kế khác. Còn mình giắt túi 1,5 triệu đồng, khăn gói vào Nam lập nghiệp. Hai năm ở Sài Gòn xoay sở đủ nghề, từ phục vụ bàn, buôn rau quả. Cho đến ngày nhận được cuộc điện thoại từ bố, Thiện đã là một tay buôn thành thạo.

Những năm con trai lang thang ở Sài Gòn, ông Hòe đi mua lại dăm con trâu. Ông tận dụng những khu đất trống chưa xây dựng làm bãi chăn thả. Để rồi nhiều năm không thấy các dự án có động tĩnh, ông liền gọi con trai về. Đó là một ngày đầu thu năm 2010. Thiện nhận được cú điện thoại của bố khi vừa đánh xong một chuyến phụ tùng cho cửa hàng xe máy cũ ở Quận 5. Sài Gòn hôm ấy nắng gắt, Thiện cảm thấy lòng chùng xuống. Cậu nghĩ rất lung. Từng phải bỏ xứ mà đi, giờ về gây dựng từ đầu? Đất đồng không còn nữa biết làm gì để ăn? Sau nửa tháng đắn đo “chọn giữa cha mẹ và công việc”, Thiện khăn gói về nhà.

Trên mảnh đất trống là một khu chuồng nhốt trâu, hai cái lán nhỏ cho hai người chăn trâu thuê ngủ và một nơi quây tôn để Thiện cất xe hơi. Tổ hợp công trình mọc trên mảnh đất anh thuê lại từ đất ruộng chưa bị thu hồi, từ năm 2010. Mảnh đất kẹt giữa những lô đã thành dự án, không canh tác được nữa. Người chủ cũng đã bỏ xứ đi làm thuê. Nghề nông trở lên xa lạ với người Yên Nghĩa.

Những “cánh đồng treo” đầy cỏ trở thành nguồn sống nuôi trâu nhà anh. Chỗ này là đất nông nghiệp xen kẹt, chỗ kia là đất dịch vụ chưa có ai tới ở, nơi khác lại là đất của “cụm công nghiệp” - nơi mà trên lý thuyết đặt những nhà máy gia công hoành tráng. Cắt ở dự án này, nó lại mọc ở dự án khác, cứ thế quay vòng. Chín sào ruộng từng bị thu hồi nằm trong cụm công nghiệp, có đám giờ đã thành đồng cỏ, bãi chăn mà ngày ngày đàn trâu vẫn ăn.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\4(1).jpg

Gần 10 năm nuôi trâu trên đất dự án bỏ hoang đã giúp Thiện có một cơ nghiệp.

“Người mua trâu, dự án sinh cỏ. Chỉ sợ không có sức mà cắt”, Thiện ví von về thứ lộc trời bất tận hưởng.

Nhận định của ông chủ chăn trâu dường như đã được tính toán kỹ dựa vào cả kinh nghiệm lẫn thực tế. Bất chấp những cuộc thu hồi đất đầy quyết tâm, đất Yên Nghĩa vẫn để cỏ mọc một thập kỷ qua.

Chương 3: Qua cơn mê

Mê Linh hè 2008, một mùa hè ngột ngạt hơn mọi năm.

Tháng Tư đã có đợt nắng nóng đầu tiên mở màn cho gần chục đợt kéo dài và gay gắt suốt mùa hè. Người có tuổi như bà Kết thấy trong người lúc nào cũng như say nắng. Mùa hè năm ấy, Hà Nội trở thành tỉnh nóng nhất Đồng bằng sông Hồng. Cùng lúc, Thủ đô cũng là điểm nóng nhất trên nghị trường Quốc hội khóa XII với đề án mở rộng địa giới hành chính.

Cái nắng oi ả của mùa hè không cản trở được những người ngồi trong xe hơi có điều hòa mát lạnh đi hỏi thăm vị trí những lô đất nền đẹp nhất Mê Linh. Đến cái quán nước chè con con của bà Kết cũng đầy “cò” bâu chờ khách.

“Nghe người ta kháo nhau chỗ này sẽ mọc lên đô thị, chỗ kia sẽ xây chung cư”, bà Kết bây giờ thi thoảng vẫn kể về cơn sốt đất ở Mê Linh trong buổi giao thời khi có ai hỏi đến. Dọc đường Quốc lộ 23 kéo dài từ Thanh Lâm, về tới Đại Thịnh, Tiền Phong la liệt những biển bán đất dân tự treo.

Từ đầu làng tới cuối ngõ, đâu đâu cũng râm ran chuyện đất cát như người ta phấn khởi khi U23 Việt Nam vào chung kết. Bà Kết tiếc rẻ khi thấy giá đất tăng vù vù. Giá mà bốn sào ruộng không nằm trong vùng quy hoạch khu hành chính huyện từ mấy năm trước thì bà đã bán hoặc được đền bù khối tiền.

Mùa hè ấy, Mê Linh về Hà Nội. Bà Kết lần thứ hai trở thành công dân Thủ đô.

D:\Downloads\BVN\28-7\1.png

Đàn vịt trên đất dự án bỏ hoang tại Mê Linh.

Sáng sớm lùa đàn vịt ra đồng, đập vào mặt cậu bé Thịnh năm ấy là những chiếc ôtô bóng loáng đậu ở đầu làng. Trong làng, đi đâu Thịnh cũng nghe người lớn nói chuyện đất cát, đền bù. Những người đàn ông, đàn bà ăn mặc lịch sự, tay khoác túi hoặc đeo kính đen bước xuống từ xe hơi. Họ đi xem đất.

Sau hè, trên những thửa ruộng xanh mướt bắt đầu dựng lên những tấm biển to đùng. Trên đó xuất hiện hình ảnh những tòa nhà đẹp đẽ, tên chủ đầu tư, những con số quy hoạch mà một cậu học hết lớp Bảy như Thịnh không hiểu.

Mùa hè ấy khép lại tuổi thơ của rất nhiều đứa bé Nội Đồng trạc tuổi Thịnh. Chúng không còn thả trúm lươn trên đồng làng. Đồng bãi chăn trâu, thả diều, đá bóng cũng thu hẹp dần, cho đến khi biến mất sau những hàng rào dây thép gai khoanh vùng quy hoạch.

“Toàn bộ dự án đô thị và nhà ở nằm trên đất Đại Thịnh này đều được ký vào thời điểm Mê Linh còn ở Vĩnh Phúc, nhiều nhất là những năm 2007 - 2008. Còn dự án phục vụ quốc kế dân sinh thì hầu như không có”, ông Nguyễn Đa Bảy khẳng định.

Vị Chủ tịch xã Đại Thịnh nói rồi bấm ngón tay, điểm mặt từng dự án của An Phát, CEO, Vinalines… Để chắc chắn hơn, ông chìa ra bản sao các quyết định thu hồi đất hoặc cho phép đầu tư dự án và chỉ vào ngày ký. Toàn bộ đều được ký vào những tháng nửa đầu năm 2008, trước thời điểm sáp nhập Thủ đô chỉ ít ngày.

Theo số liệu của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh cung cấp, chỉ trong tháng 7/2008, có ít nhất 18 dự án đã được ký liên tiếp, với hơn 680 héc-ta đất nông nghiệp được quy hoạch thành khu đô thị, nhà vườn, biệt thự.

Trong số này, có những cuộc phê duyệt có thể đem ra làm hình mẫu cho công tác cải cách hành chính. Năm văn bản để dự án ra đời, được ký trong hơn 10 ngày làm việc, để mọi thứ xong xuôi trước ngày sáp nhập.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\3(2).jpg

“Ruộng nhà em kia kìa, chỗ thẳng cái cống đi lên độ 50 mét, bên tay trái ấy”, Thịnh ngồi trên bãi chăn vịt, chỉ về hướng đoàn xe tải chạy qua giữa cánh đồng, cuốn bụi mù mịt trong nắng chiều. Nhiều năm rồi, Thịnh vẫn nhớ ruộng nhà mình nằm ở đâu.

Cậu ngồi trên bãi đất trống đối diện một dự án nhiều năm không triển khai, nơi có mảnh ruộng nhà mình và trông một đàn vịt. Mương nước kẹt giữa khu đất quy hoạch và con đường đất trở thành đầm cho lũ vịt con bơi lội trong nắng hè.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\4(2).jpg

Thịnh ngồi trong lều canh vịt của mình.

Trên dòng mương nhỏ, người ta tranh thủ thả cá. Con mương thực chất là nơi đất trũng nằm cạnh dự án, dùng để tiêu nước mỗi khi trời mưa. Thịnh xin người ta chăn vịt ở đấy.

Gần mười năm, Thịnh chăn bò, rồi chuyển sang chăn vịt trên các khu dự án treo ở Thanh Lâm, xã bên cạnh. Thịnh ở Mê Linh, cũng như Thiện ở Yên Nghĩa, vẫn đang làm nông trên chính mảnh đất từng là chân ruộng nhà mình.

Cuối năm ngoái, người ta lấy đất làm dự án tiếp. Thịnh bán đàn vịt đi, lờ lãi cũng được dăm chục triệu. Không còn vịt, Thịnh quay về với lựa chọn như những thanh niên khác trong thôn, xin vào công nhân dán tem nhãn điện thoại ở khu công nghiệp cách nhà sáu cây số, làm 12 tiếng mỗi ngày, kiếm hơn chục triệu mỗi tháng. Được nửa năm, cậu xin nghỉ vì “không tự do tự tại, thà về chăn vịt còn hơn”.

Theo thống kê sơ bộ của ông chủ tịch, khoảng một phần tư đất nông nghiệp của bốn thôn thuộc xã này đã chuyển đổi để phục vụ dự án của doanh nghiệp lẫn nhà nước. Riêng Nội Đồng - thôn nằm ven đường quốc lộ mất khoảng 40% đất nông nghiệp.

Nếu nhìn từ trên vệ tinh xuống Mê Linh, sẽ rất dễ phát hiện ra xã Tiền Phong. Những con đường nhìn từ trên cao đã được vẽ thành những tổ hợp hình học tuyến tính cao. Đất đó dự án người ta đã giải phóng và phân lô. Địa phương bé xíu trên bản đồ này có tổng cộng 15 dự án nhà ở được phê duyệt trong năm “bàn giao con dấu” ấy.

Nhưng chưa một dự án nào thành hình. 15 dự án nhà ở ấy, chỉ đồng nghĩa với người dân mất đất sản xuất.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\5(1).jpg

Các dự án treo tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh

Hai năm làm chủ tịch xã, ông Bảy chưa bao giờ nhìn thấy mặt những chủ đầu tư. Các dự án cắm cọc đã mười năm giờ vẫn bất động. Thậm chí, có dự án phục vụ quốc kế dân sinh, bệnh viện đa khoa nghìn giường giờ vẫn bỏ không. Nhiều hồ sơ dự án giờ phủ bụi trong tủ tài liệu của xã.

Mười năm nhìn lại câu chuyện của quê hương mình, ông chủ tịch vẫn tiếc cuộc sống của những năm 2003 đổ về trước. Khi dự án chưa về, người dân trồng lúa, làm hoa đi chợ bán, nhà có của ăn của để, không giàu nhưng bình yên. Thế rồi dự án về làm xáo trộn cả làng quê. Dân kháo nhau vừa có tiền bán đất, vừa được nhờ cậy dịch vụ, buôn bán, giải quyết vấn đề lao động. Bà con phấn khởi chờ ngày dân trí được mở mang.

Nhưng bao nhiêu năm trôi đi, những khu đất ấy vẫn một mặt bằng ấy. Theo lời ông miêu tả, đi sâu vào các dự án sẽ thấy rất nhiêu khê. Có nơi xây vài công trình như lô cốt thời Pháp, có nơi chỉ trồng vài cây, đổ đất sỏi cho có lệ. Có chủ dự án vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã phải vào tù. “Nơi cắm biển dự án toàn là bờ xôi ruộng mật của Đại Thịnh xưa. Các đại gia chỉ nhảy vào xí đất đẹp, rồi để đó không làm gì”, ông chủ tịch tiếc nuối.

Xã nhiều lần kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nếu dự án làm thì cho ra làm, không thì trên phải thu hồi, chứ dân bỏ ruộng ra rồi đất lại bỏ hoang, nhiêu khê quá. Chủ dự án chỉ thuê vài bảo vệ, mấy người nhổ cỏ thì giải quyết được gì cho sức lao động của địa phương, trong khi ruộng đất không còn?

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\6.jpg

Khung cảnh những dự án treo tại Mê Linh.

Lãnh đạo xã than phiền, nhiều dự án lúc san lấp mặt bằng đã bít mương máng khiến nước không có chỗ tiêu. Đến mùa mưa là dân lo ngay ngáy. Có dự án làm mương thoát thì nước lại chảy ngược về đồng. Năm ngoái sau đợt mưa dồn dập, nước đổ về ngâm đồng ruộng suốt mấy ngày, dân phải chụp ảnh từng sào rau để chờ đền bù.

Mỗi dịp tiếp xúc cử tri, dân bức xúc khi các xã khác được đầu tư kênh mương nội đồng đâu vào đấy. Đại Thịnh động một nhát cuốc xuống là vào đất dự án.

Đất đai hạ nhiệt, qua cơn sốt lại vào cơn mê. Những người chủ dốc tiền túi năm nào có khi giờ còn chẳng biết mảnh đất nền mình từng mua nằm ở đâu trong những dự án vẫn nằm trên giấy. Cò đi hết, phố huyện cũng đìu hiu. Khu đô thị với chung cư, siêu thị, bể bơi…sau bao năm bà Kết cũng không thấy nó mọc. Chỉ còn quán nước của bà ở lại, mấy hàng tạp hóa với vài quán game dăm ba lượt thanh niên ra vào.

“Ruộng không còn. Đám trẻ thì đi công ty, người già lại đi bốc phân gio, trồng hoa thuê cho làng bên cạnh, chăn bò, chăn vịt “, bà Kết tổng kết về những phận người làng mình khi cơn sốt đất quét qua.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\7.jpg

Đàn bò được chăn thả trên mảnh đất được quy hoạch là "khu đô thị mới".

Dọc Quốc lộ 23 về đầu đại lộ Võ Văn Kiệt, các dự án ôm chặt lấy tuyến đường kéo dài từ Thanh Lâm về qua Đại Thịnh, tới tận Tiền Phong.

Trên đất dự án vẫn là ruộng đồng, vườn hoa xen lẫn vài tòa nhà không người nằm trên khu đất bỏ hoang lau lách trổ bông trắng muốt. Chỉ một cây số quốc lộ chạy qua xã Tiền Phong, hai bên đường cắm khoảng tám tấm biển dự án. Chủ tịch Bảy tiết lộ, mỗi lần đại biểu Quốc hội về tiếp xúc, nghe cử tri Tiền Phong nói rát tai về tình trạng treo của các dự án.

Cậu thiếu niên năm nào giờ đã là người đàn ông trưởng thành, có vợ và hai con. Những tấm biển quy hoạch thì vẫn nằm trơ gan ở đó.

Chương 4: Cuộc quy hoạch Thắng Lợi

Triệu học hết lớp 12 trường huyện rồi ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Song tám sào ruộng cuối đồng quanh năm ngập úng, trả về mỗi vụ non tấn thóc, không thể là sinh kế cho gia đình 5 người mãi.

Thế rồi cơ hội đổi đời nhen nhóm từ nơi gọi là “khu công nghiệp Phụng Hiệp”, một dự án tầm cỡ quốc gia được người dân địa phương truyền tai nhau thời điểm bấy giờ. Cơ khí chế tạo, lắp ráp điện tử, chế biến thực phẩm sẽ là những ngành chủ đạo của khu công nghiệp vài trăm héc-ta, vốn đầu tư tính bằng chục triệu đô.

Năm 2005, người thanh niên 21 tuổi Lê Văn Triệu của thôn Hạ Giáp, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín bắt tay thực hiện một “dự án” có ý nghĩa quyết định với cả cuộc đời mình: đi học nghề cơ khí.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\2(3).jpg

Anh muốn làm việc trong KCN khi nó hoàn thành. Lớp thanh niên trong bốn xã Thắng Lợi, Dũng Tiến, Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên - những địa bàn có đất ruộng thuộc vùng quy hoạch dự án, hồi ấy cũng hồ hởi đón đầu cơ hội đổi đời kia theo cách tương tự.

Trong suốt khoảng thời gian 2 năm rưỡi học nghề, con đường 7km từ nhà Triệu đến trường Công nhân cơ điện II, với anh luôn là một hành trình của hy vọng. Anh tưởng tượng ra cảnh từ đoạn đồng trũng ngập kia một ngày sẽ mọc lên những nhà máy xí nghiệp. Anh sẽ là một trong hàng ngàn công nhân, sáng mặc đồng phục vào xưởng, chiều tan làm, cuối tháng nhận lương. Không lo bố mẹ già phải vùi mặt vào đất quanh năm kiếm non tạ thóc, tối mất ngủ lo ốc bươu vàng hay đến kỳ lúa trổ đi đặt bẫy đánh chuột đồng cắn hạt như bao năm nay.

Tháng 10 năm 2007, UBND Hà Tây phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN Phụng Hiệp do Công Ty cổ phần SIMCO Sông Đà làm chủ đầu tư, với diện tích 175 hec-ta trong giai đoạn 1. “Từ mâm cơm nhà đến quán nước, già trẻ gái trai ai cũng bàn luận rôm rả chuyện khu công nghiệp. Hồi đấy vui lắm”, Triệu kể lại.

Người dân ở đây đã bắt đầu lên kế hoạch cho những khoản tiền đền bù ruộng đất mà họ hy vọng sẽ sắp được nhận. Người định sửa sang cửa nhà, người phát triển kinh tế tư nhân. Dự án lên trang. 35 nghìn con người hồ hởi đợi chờ.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\3(3).jpg

Triệu đi trên cánh đồng trũng, nơi có dự án "khu công nghiệp" chưa bao giờ được khởi công.

Năm ấy, Triệu “lên hà Nội” học tiếng hai tháng tại một trung tâm sau trường Đại học Bách khoa. Trong tưởng tượng của chàng trai trẻ, khi chủ đầu tư SIMCO Sông Đà triển khai giải phóng mặt bằng, Triệu lấy tiền đền bù đất đi xuất khẩu lao động sang Qatar làm cơ khí. Hai năm sau, hết hợp đồng lao động và có vốn kha khá, Triệu sẽ về quê lấy vợ, xây nhà rồi vào làm công nhân khi KCN đã hoàn thành. Nhưng đấy là cuộc đời bằng phẳng của Triệu trên kịch bản anh vẽ ra 10 năm trước, một kịch bản có hướng phát triển phụ thuộc phần lớn vào dự án KCN Phụng Hiệp. Trên thực tế, “kế hoạch 10 năm lần 1” này của Triệu bị phá sản. Khu công nghiệp ấy chưa bao giờ được xây dựng.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\4(3).jpg

Triệu giờ sống bằng xưởng cơ khí nhỏ mở tại nhà.

“Cái làm mình buồn nhất không phải là công sức tiền bạc học nghề”. Triệu kể lại bằng vẻ bất cần nhưng có chút nuối tiếc. Anh tiếc cho những kế hoạch dở dang và kỳ vọng ngây thơ của mình thời còn trẻ.

Dân xã Thắng Lợi và khu quanh đó còn tiếp tục bàn tán về dự án chưa bao giờ thành hình ấy thêm một thời gian lâu nữa. Nhưng thay vì sự hồ hởi ban đầu, họ bắt đầu hồ nghi, rồi sau đó là bế tắc vì những dự định không thể thành. Bây giờ thì họ đã không còn muốn nhắc nhớ gì về nó. Họ học cách lên “kế hoạch 10 năm lần 2” và những lần tiếp theo, độc lập với dự án tầm cỡ quốc gia này.

Triệu giờ đã là cha của 2 đứa trẻ. Xưởng cơ khí anh làm ở khoảng sân chưa đầy 10m2 trước nhà là kế sinh nhai “tàm tạm” cho cả gia đình. Bạn bè Triệu cùng học nghề thời ấy, người lông bông, người đi tứ phương làm thuê, làm mướn, người lên làm ở Quất Động, cụm công nghiệp có số phận sáng màu hơn, cách đó vài cây số.

Trong câu chuyện của một cuộc quy hoạch không thắng lợi trên địa bàn xã Thắng Lợi, không chỉ có Triệu cùng lớp thanh niên khi ấy chịu một tuổi thanh xuân lỡ dở. Cánh đồng 175 hec-ta, cũng chưa tìm được lối thoát cho mình.

Trong báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội hàng năm ở Thắng Lợi, có một loại thông tin, tuy không nằm trong các chiến lược quốc gia, nhưng không bao giờ thiếu: số lượng chuột hại mùa màng bị diệt. Năm 2016, con số này là khoảng 24.400 con, gần gấp 3 lần số dân của xã.

Sở dĩ đây là một thông số quan trọng, vì nó có ảnh hưởng khá nhiều đến năng suất lúa vốn đã không lấy gì làm cao của địa phương này.

Cuối năm 2012, tức là 5 năm sau cuộc đợi chờ không kết quả vào khu công nghiệp Phụng Hiệp, Ủy ban xã thực hiện dồn điền đổi thửa, mong tự cứu lấy mình.

Xã gửi kiến nghị lên Thành phố Hà Nội xin chuyển đổi sang mô hình kinh tế trang trại, với một suy nghĩ đơn giản nhưng logic: nếu không làm khu công nghiệp nữa thì hủy dự án, làm gì miễn để tăng hiệu quả kinh tế cho địa phương.

Họ chưa bao giờ nhận được hồi âm.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\5(2).jpg

Nghề cơ khí vẫn nuôi sống Triệu, nhưng không theo cách mà anh đã tưởng tượng.

“Bây giờ chỉ cần nhìn thấy cử tri xã Thắng Lợi, Đại biểu Quốc hội đã nói ngay: Biết rồi, biết là sẽ kêu cái gì rồi” - ông Trương Công Phượng, Phó chủ tịch xã mô tả.

Kế hoạch chuyển đổi mô hình kinh tế cho cánh đồng úng trũng không thực hiện được do bị chồng chéo với quy hoạch khu công nghiệp Phụng Hiệp là lời giải thích duy nhất xã nhận được từ thành phố. Vế quan trọng hơn của câu hỏi là “vậy bao giờ khu công nghiệp Phụng Hiệp được triển khai?” chưa có ai trả lời cho họ.

Trong thời gian đó, để chứng minh phần nào sự quan tâm của mình đến cái “nửa chừng xuân bị dang dở” của xã Thắng Lợi, từ năm 2014, UBND Hà Nội triển khai cho địa phương này một dự án trồng lúa chất lượng cao.

Cứ mỗi tơ mơ sáng, một đội quân già chục phụ nữ trung niên sẽ túa ra từ khắp các ngõ xóm của địa phương này. Họ sẽ đạp xe đạp đôi chục cây số với những bao gạo “chất lượng cao” trên gác ba ga, đi thả gạo cho các quán ăn, nhà hàng, trường học lân cận. Họ được gọi với cái tên “đội quân hàng xáo”. Họ cũng chính là những người chịu trách nhiệm đầu ra cho dự án nông nghiệp cấp thành phố vừa kể bên trên. Đó có lẽ cũng là dự án “khởi sắc đáng kể nhất của địa phương trong suốt 10 năm qua”, theo lời ông Phượng.

Chương 5: Cuộc rà soát 10 năm

Những người như Triệu sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi, rằng tại sao trên đất Hà Tây năm 2008 ấy vẫn còn những cánh đồng đã được quy hoạch dở dang, ách tắc chưa triển khai như Thắng Lợi quê anh, mà Ủy ban tỉnh Hà Tây năm ấy còn ký duyệt thêm hàng trăm dự án nữa. Với một tốc độ chưa từng có.

Một thống kê của Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định rằng riêng trên đất Hà Tây trong năm 2008 có 441 dự án xây dựng với tổng diện tích hơn 48 nghìn héc-ta.

Không phải tất cả đều thất bại và trở thành đất hoang, nhưng những thất bại đều rất ấn tượng. “Siêu khu đô thị Thạch Thất” của chủ đầu tư Nam Cường được Ủy ban Hà Tây cho phép xây dựng vào ngày 26/7/2008 - tức là 5 ngày trước sáp nhập - với tổng quỹ đất hơn 800 héc-ta. Bốn năm sau, Nam Cường trả lại đất cho thành phố.

Hoặc “không gian sống lý tưởng” của công ty AIC tại Mê Linh rộng hơn 90 héc-ta, được Vĩnh Phúc cấp phép vào ngày 21/7/2008. Sau 10 năm vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, huyện Mê Linh “đã nhiều lần có văn bản đôn đốc nhưng chủ đầu tư không triển khai”. “Bệnh viện y học cổ truyền tư nhân An Việt” ở Yên Nghĩa có quy mô 500 giường, được giao đất cũng năm 2008 và thu hồi 5 năm sau đó.

D:\Downloads\BVN\25-7\Phận người sau những cuộc ôm đất vội vàng - VnExpress_files\2(4).jpg

Những chân dung người nông dân "đổi đời" sau những đại dự án ngày sáp nhập về Thủ đô.

Trong suốt 10 năm sau ngày sáp nhập, Hà Nội liên tục phải thực hiện công tác thanh tra, rà soát và thu hồi hàng trăm dự án xây dựng thiếu hiệu quả hoặc không thể triển khai ở Hà Tây, Vĩnh Phúc. Nhưng đến giờ hệ quả của những tờ quyết định năm ấy vẫn chưa giải quyết xong. Đất dự án vẫn bỏ hoang, không thể chuyển đổi lại thành đất ruộng.

“Không ít chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc chỉ có mục đích „ôm đất‟ khiến nhiều dự án được phê duyệt, giao đất hàng năm trời nhưng vẫn chỉ là bãi trống” - Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái nói trong một hội thảo năm 2009.

“Chưa chặt chẽ” là cách ông Soái mô tả quy trình, thủ tục phê duyệt và thẩm định nhiều dự án tại Hà Nội thời điểm đó.

Trong lúc chờ Hà Nội đi tìm lại sự “chặt chẽ” trong phê duyệt dự án, Thiện,

Thịnh và Triệu vẫn chỉ mong được chăn trâu, chăn vịt và thả cá trên những mảnh ruộng xưa cũ. Sau bao biến động, họ chỉ muốn được yên ổn làm nông. Như chưa bao giờ có ngày mở rộng, chưa bao giờ có “dự án hứa hẹn” và chưa bao giờ có những ngày hè năm 2008.

Nguồn: https://vnexpress.net/interactive/2018/ha-noi-nam-2008-nhung-cuoc-om-dat-voi-vang-3765299

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn