Tại sao Trump có thể nói dối dài dài?

Lee McIntyre, Newsweek, November 20, 2018

Trần Ngọc Cư dịch

Khi Trump nói dối, ông làm vậy không phải để khiến người ta chấp nhận điều ông nói là có thật, mà để chứng tỏ ông có đủ quyền lực để nói điều đó.

Hầu hết các nhà chính trị thường nói dối. Hoặc, chúng ta nghi như vậy.

Thậm chí nếu chúng ta có thể tìm ra một ví dụ hiếm hoi về một nhà chính trị chỉn chu, lương thiện – có lẽ như cựu Tổng thống Jimmy Carter chẳng hạn – câu hỏi đặt ra là, ta sẽ nghĩ gì về các ngài Tổng thống còn lại?

Và nếu hầu hết các chính khách đều nói dối, thì tại sao một số người Mỹ lại nghiêm khắc với Tổng thống Trump như thế?

Theo báo Washington Post, Trump đã nói dối đến 6.420 lần từ khi lên làm Tổng thống. Trong bảy tuần lễ trước ngày bầu cử giữa kỳ, trung bình mỗi ngày ông trí trá đến 30 lần.

Như vậy là nhiều, nhưng phải chăng nó cũng không khác về mức độ và dạng thức với các chính khách khác cho lắm?

Từ góc nhìn của một nhà triết học nghiên cứu về chân lý và tín lý như tôi, vấn đề có vẻ không đơn thuần như vậy. Và dù cho hầu hết chính khách đều nói dối, điều này không làm cho mọi dạng thức dối trá trở nên bình đẳng với nhau.

Nhưng tính khác biệt trong hành vi trí trá của ông hình như được tìm thấy, không phải trong số lượng hay mức độ của những điều ông láo khoét, mà trong cung cách ông sử dụng dối trá để phục vụ một ý thức hệ chính trị theo mô thức độc tài.

Tôi vừa viết một cuốn sách, nhan đề “Hậu-Chân lý” [Post-Truth] về những gì sẽ diễn ra khi “các sự kiện lựa chọn” [alternative facts] thay thế cho các sự kiện có thật [actual facts], và khi các cảm tính có trọng lượng hơn bằng chứng. Nhìn từ quan điểm này, gọi Trump là một chú Cuội sẽ không nắm bắt được mục tiêu chiến lược cốt lõi của ông.

Bất cứ một chính khách nghiệp dư nào cũng có thể dính vào tội nói dối. Nhưng Trump đang dấn thân vào “hậu-chân lý”.

Các tự điển tiếng Anh Oxford đã bầu chọn “post-truth” là từ trong năm [word of the year] vào tháng Mười Một 2016, ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Căn cứ vào sự tăng vọt 2000 phần trăm của việc sử dụng từ này – do biến cố Brexit và cuộc vận động bầu cử Tổng thống Mỹ – các tự điển này đã định nghĩa post-truth là “liên quan tới hoặc chỉ các tình huống trong đó sự kiện khách quan không mấy ảnh hưởng tới việc tạo dư luận bằng những gì nhắm vào cảm tính và tín lý cá nhân” [relating to or denoting circumstances in which objective facts are less influential in shaping public opinion than appeals to emotion and personal belief].

Nói cách khác, ý thức hệ có ưu tiên cao hơn thực tế.

Khi một cá nhân tin rằng tư duy của mình có thể uốn nắn được thực tế, chúng ta gọi đó là “tư duy ma thuật” [magical thinking] và có lẽ chúng ta bắt đầu lo lắng về sức khỏe tâm thần của anh ta. Khi một quan chức chính phủ dùng ý thức hệ để khuynh loát thực tế, thì đấy là một điều gần như tuyên truyền, và nó đặt chúng ta trên con đường tiến tới chủ nghĩa phát xít.

Như nhà triết học Jason Stanley tại Đại học Yale lý luận, “Điểm then chốt là, chính trị Phát xít tập trung vào việc nhận diện kẻ thù, tranh thủ sự đồng tình của phe nhóm cùng chí hướng và lợi ích [the in-group / phe ta] (thường là nhóm đa số), và chà đạp chân lý, đồng thời thay vào đó bằng quyền lực”.

Ta hãy xét đến trường hợp điển hình của Trump khi gần đây ông nhất định không chịu huỷ bỏ hai cuộc mít tinh vận động bầu cử diễn ra cùng ngày với vụ thảm sát [người Do Thái] tại Thành phố Pittsburgh. Ông nói rằng việc này căn cứ vào sự kiện là Thị trường Chứng khoán New York vẫn mở cửa sau ngày 11/9/2001[biến cố 9/11].

Điều này không đúng sự thật. Sàn giao dịch New York đóng cửa sáu ngày liền sau ngày xảy ra vụ khủng bố 9/11.

Thế thì, đây có phải là một nhầm lẫn? Một sự láo khoét? Trump không tỏ ra đã xử lý như vậy. Trên thực tế, sau đó cùng ngày, ông vẫn lặp lại sự trí trá của mình thêm một lần nữa.

Khi một chính khách nói dối bị bắt quả taổng, thường thường ông ta có một chút lo lắng, có lẽ một chút hổ thẹn và chờ đợi hậu quả.

Trump thì không. Sau khi nhiều nhà bình luận vạch rõ cho ông biết rằng trên thực tế, sàn giao dịch New York đã đóng cửa dăm bảy ngày sau vụ 9/11, ông chỉ phớt lờ, chẳng thèm nhận lỗi – nói chi đến chuyện sửa sai.

Tại sao Trump thường làm như vậy?

Trọng điểm của nói dối là thuyết phục một người nào đó tin rằng một điều giả trá là có thật. Nhưng trọng điểm của post-truth là cả-vú-lấp-miệng-em [domination].

Như ký giả Masha Gessen và nhiều nhà báo khác tranh luận, khi Trump nói dối, ông ta làm như thế không phải để một người nào đó chấp nhận điều ông nói là thật, nhưng để chứng tỏ ông có đủ quyền lực để nói điều đó.

Trump từng quyết đoán, “Tôi là Tổng thống, các bạn đâu phải là Tổng thống”, như thể một địa vị chính trị cao như chức vị Tổng thống phải gắn liền với đặc quyền tạo ra một thực tế cho riêng ông. Điều này  giải thích vì sao Trump không mấy bận tâm là liệu sẽ có một video hay một bằng chứng nào đó phản bác ý kiến của ông hay không. Khi bạn đã là boss [ông chủ] rồi, thì nói dối có sao đâu?

Liệu chúng ta có nên lo ngại về bước nhảy vọt từ chỗ chỉ nói dối đến post-truth hay không?

Thậm chí nếu tất cả các nhà chính trị đều nói dối, tôi vẫn tin rằng post-truth báo trước một cái gì độc hại hơn. Trong tác phẩm mạnh mẽ của ông, cuốn On Tyrany [Bàn về Bạo chúa], nhà sử học Timothy Snyder viết rằng “hậu chân lý là tiền phát xít” [post-truth is pre-fascism.] Đấy là một chiến thuật thường thấy trong “các chế độ độc tài có bầu cử” [electoral dictatorship] – ở đó một xã hội vẫn giữ được tấm bình phong tuyển cử mà không cần đến các định chế hay sự tin tưởng của người dân để đảm bảo một nền dân chủ thật sự. Chiến thuật này được dùng trong các thể chế độc tài như tại Nga của Putin hay tại Turkey của Erdogan.

Trong vấn đề này, Trump đang học theo sách vở của các nhà độc tài, với các đặc tính như: các nhà lãnh đạo thường xuyên láo khoét, sự bào mòn các định chế phục vụ lợi ích công cộng và sự củng cố quyền lực. Bạn khỏi cần thuyết phục một ai tin rằng bạn đang nói thật khi bạn có thể chỉ việc quyết đoán ý chí của bạn đối với họ và khống chế được thực tế của họ.

Lee McIntyre là Học giả Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Triết lý và Lịch sử Khoa học của Đại học Boston

T.N.C. dịch

Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn