Tự do báo chí, giấc mơ không có thật trong chế độ độc đảng ở Việt Nam (1)

Quốc Phương BBC Tiếng Việt

Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang

Ảnh: VOA TIẾNG VIỆT – Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang

"Nói về tự do báo chí ở Việt Nam là một câu chuyện dài và nhiều nỗi buồn. Tôi nghĩ rằng kể từ khi nền "báo chí cách mạng" ra đời, báo chí đã luôn được chính quyền coi là công cụ để định hướng dư luận, giải thích đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước cho nhân dân, tóm lại, báo chí đã, đang và sẽ luôn luôn là công cụ trong chế độ cộng sản.

"Báo chí Việt Nam chưa bao giờ được hưởng tự do. Điều đó gây ra nhiều vấn đề, chẳng hạn vấn đề trình độ, kỹ năng của người làm báo. So với đồng nghiệp phương Tây, báo chí Việt Nam kém chuyên nghiệp hơn. So với kỳ vọng và đòi hỏi của xã hội, báo chí "hụt hơi" không theo kịp. Về cơ bản, ở Việt Nam không có nhà báo lớn, tầm cỡ thế giới.

"Và điều tồi tệ nhất hiện nay đã xảy ra là, báo chí Việt Nam chưa kịp chuyên nghiệp hoá thì đã tha hoá. Một số đông nhà báo, cơ quan báo chí trở thành công cụ cho nhiều nhóm lợi ích khác bên cạnh nhóm lợi ích lớn "truyền thống" là đảng Cộng sản. Nhiều người làm báo trẻ cũng nhiễm đủ thói hư tật xấu và hỏng nghề trước khi trở thành nhà báo đúng nghĩa.

"Nói về tự do báo chí ở Việt Nam, tôi khá bi quan. Tôi cho rằng chừng nào còn tồn tại chế độ độc đảng cai trị thì Việt Nam còn không thể có tự do báo chí".

Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang

Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh

Ảnh: GETTY IMAGES - Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy ra Tòa

Việt Nam ký đủ các công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự, trong đó có tự do báo chí, ngôn luận và tư tưởng, nhưng không có một tổ chức tự do được thành lập để bảo vệ các quyền này và tương tự Việt Nam còn thiếu các cơ chế để đảm bảo thực thi các điều luật liên quan, một cựu quan chức lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC hôm 09/5/2019 từ Sài Gòn.

Việt Nam nên có sự cách mạng đối với báo chí nhà nước và thả tự do cho những nhà báo bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của nhân dân trước khi nói đến có tự do báo chí và hội nhập quốc tế, một nhà báo độc lập cũng từ Sài Gòn chia sẻ thêm.

Nhà nước Việt Nam cần có dũng khí để 'từ bỏ độc quyền báo chí', mở đường cho các thành phần khác được tham gia làm báo chí mà nói một cách ngắn gọn nhất tức là cần phải có báo chí tư nhân, một luật gia từ Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam nêu quan điểm với Bàn tròn thứ Năm từ London.

Hôm thứ Năm, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói với Tọa đàm của BBC:

"Ở Việt Nam thì rõ ràng, nói về chữ nghĩa, luật lệ, các Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự, quyền này, quyền kia, thì Việt Nam tham gia và ký kết hết và nói thế nào là cũng đã thể hiện vào trong luật pháp Việt Nam về cơ bản. Nhưng chữ nghĩa pháp luật Việt Nam, họ thường có cái đuôi viết lửng lờ.

"Cho nên nếu chỉ ra, các hội nghị quốc tế vẫn chỉ ra được tất cả Hiến pháp cũng quy định, rồi luật lệ cũng quy định này kia, nhưng mà điều quan trọng nhất mà cần đòi hỏi là phải có những tiếng nói mà có tổ chức, tạm gọi là một lực lượng gì đấy, để mà họ bảo vệ được quyền đó. Ở Việt Nam không có tổ chức đó.

"Nếu Việt Nam có một tổ chức mà tự do, chẳng hạn như thành lập một tập đoàn báo chí mà hoạt động độc lập, mà có quyền với chính nó và chịu trách nhiệm trước pháp luật, thì tình hình Việt Nam có thể mở ra; cho nên Việt Nam gọi là tổ chức lập hội, thì cho đến bây giờ vẫn chưa lập hội [độc lập] được, và chưa có luật biểu tình, mà cái đó là cái mà người ta rất là khao khát sáu, bảy chục năm nay mà vẫn chưa thực hiện được, còn lập hội cũng thế, biểu tình cũng thế, rồi tự do ngôn luận, tự do báo chí.

"Thế nào là tự do ngôn luận và thế nào là tự do báo chí? Đọc ra thì đó là câu chuyện ấu trĩ tưởng ai cũng biết, nhưng rõ ràng vấn đề làm nó như thế nào? Thế nào là tự do báo chí? Tự do báo chí thì có tin người ta cứ đưa và người ta chịu trách nhiệm về nguồn tin đó. Ở Việt Nam thì không đơn giản. Đưa phải có định hướng, đưa phải có chỉ đạo. Tức là đưa mà trái ý, thì người đưa mà có thẩm quyền đi đứt trước."

'Coi chừng vi phạm pháp luật'

Luật sư Trần Quốc Thuận

Luật sư Trần Quốc Thuận từng giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam

"Tôi nói là còn có khả năng bị phạt tiền, rồi tù tội vân vân. Cho nên tất cả những cái đó đòi hỏi luật lệ phải chi tiết và nó đòi hỏi đảm bảo điều luật ấy phải được thực hiện, thì ở Việt Nam không có đảm bảo đó. Đó là cái không biết chừng nào sẽ có? Điều luật mà không có, viết ra cứ lửng lờ như thế, thì thế nào là tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận như nói là gặp nhau trong quán nhậu mình phát biểu, thì cái đó có phải tự do ngôn luận không?

"Hay tự do ngôn luận là có quyền lập diễn đàn phản biện lại? Còn bây giờ như tôi biết là các tổ chức Mặt trận, các tổ chức đoàn thể có quyền là giám sát và phản biện. Nhưng sự giám sát và phản biện, người ta lại ngoáy vô cái chỗ là phản biện là phản biện những dự thảo văn bản của Đảng, của nhà nước, của luật pháp, như vậy thì gọi là góp ý, chứ sao gọi là phản biện được? Sao lại sài chữ nghĩa như thế được? Phản biện "dự thảo văn bản" - thì phản biển dự thảo văn bản là thế nào? Từ 'góp ý' chứ làm sao gọi là 'phản biện' được?"

Tôi chỉ có hai đề nghị ngắn thôi. Một là nên bỏ ngay khái niệm 'báo chí Cách mạng', mà nên đổi ngược lại là cách mạng báo chí. Và điều thứ hai, chính quyền Việt Nam phải có sự thay đổi, trả tự do cho những người đấu tranh cho tự do báo chí và lo cho quyền lợi của người dân - Tiến sỹ Phạm Chí Dũng

"Có quyền phản biện những chủ trương mà đưa ra không thiết thực, thì người ta có quyền phản ứng, chống lại không? Thì ở Việt Nam là không được, làm cái đó coi chừng vi phạm pháp luật.

"Cho nên cái gọi là giám sát, phản biện cũng lửng lờ. Còn giám sát là thông qua tổ chức Mặt trận Tổ quốc, chứ không có phản biện độc lập. Nếu ai không đồng ý cái gì, lên tiếng độc lập, thì cái đó cũng là không an toàn mà phải qua hệ thống tổ chức, như vậy hệ thống tổ chức, họ lọc hết. Làm sao mà có thể phản biện trung thực được? Cho nên ở Việt Nam chữ nghĩa nó có nhưng mà không có cơ chế đảm bảo thực hiện các quyền đó, không có cái luật như thế. Thì đó là điều cần phải đòi hỏi ở Việt Nam."

Cũng từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập, nêu quan điểm với Bàn tròn:

"Tôi chỉ có hai đề nghị ngắn thôi. Một là nên bỏ ngay khái niệm 'báo chí Cách mạng', mà nên đổi ngược lại là cách mạng báo chí, nói theo tác phẩm của nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc, "cách mạng là cách cái mạng", vì báo chí nhà nước Việt Nam, về sinh mạng báo chí đã không còn, cho nên dùng từ cách mạng báo chí đúng hơn nhiều so với 'báo chí Cách mạng.'

Tiến sỹ Phạm Chí Dũng

Ảnh: BBC/BÀN TRÒN THỨ NĂM TỪ LONDON - Tiến sỹ Phạm Chí Dũng tham gia hội luận BBC từ Sài Gòn

"Và điều thứ hai, chính quyền Việt Nam phải có sự thay đổi, trả tự do cho những người đấu tranh cho tự do báo chí và lo cho quyền lợi của người dân, giống như là chính quyền Myanmar vừa phải trả tự do cho hai phóng viên Reuters. Đó là những Trần Huỳnh Duy Thức trước đây, hoặc là những Đỗ Công Đương sau này. Những người viết về quyền lợi của người dân, bảo vệ cho quyền lợi của người dân nhưng bị chính quyền 'quy chụp', bị công an 'quy chụp' và đã xử tù rất nhiều năm.

"Ví dụ như Trần Huỳnh Duy Thức bị 16 năm tù giam, Đỗ Công Đương ở Bắc Ninh cũng bị 5 năm tới 6 năm tù giam, thì đó là điều vô cùng bất công và nếu như là không thay đổi thì đừng có nói những gì là tự do báo chí, đừng có nói chuyện mà hội nhập quốc tế ở Việt Nam".

'Nên có báo chí tư nhân minh bạch'

Từ Hà Nội, PGS. TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam (Vusta) phát biểu:

Nói một cách ngắn gọn là cần phải có báo chí tư nhân một cách minh bạch, rõ ràng và có một sự kiểm soát bằng khung pháp luật chuẩn, để đảm bảo là người dân Việt Nam được hưởng một sản phẩm của tự do báo chí thực sự - PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao

"Theo tôi, như anh Phạm Chí Dũng nói là cách mạng báo chí, thì theo tôi điều cơ bản nhất cần phải làm, đó là nhà nước, chúng ta phải đủ dũng cảm, dũng khí từ bỏ sự độc quyền về báo chí.

"Có nghĩa là phải để tất cả các thành phần khác tham gia làm báo và trên cơ sở cạnh tranh về thông tin, về chất lượng đưa tin, cũng như về nội dung.

"Bên cạnh đó có một hành lang pháp lý rất rõ ràng để xử lý những hành vi vu khống, hay những hành vi đưa tin trái sự thật và gây hậu quả.

PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao

Ảnh: OTHER - PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, tham gia Hội luận từ Hà Nội

"Nhưng nói một cách ngắn gọn là cần phải có báo chí tư nhân một cách minh bạch, rõ ràng.

"Và phải có một sự kiểm soát bằng khung pháp luật chuẩn, để đảm bảo là người dân Việt Nam được hưởng một sản phẩm của tự do báo chí thực sự".

Bình luận qua bút đàm với Bàn tròn về Tự do báo chí và tự do ngôn luận này, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang từ Việt Nam gửi cho BBC:

"Nói về tự do báo chí ở Việt Nam là một câu chuyện dài và nhiều nỗi buồn. Tôi nghĩ rằng kể từ khi nền "báo chí cách mạng" ra đời, báo chí đã luôn được chính quyền coi là công cụ để định hướng dư luận, giải thích đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước cho nhân dân, tóm lại, báo chí đã, đang và sẽ luôn luôn là công cụ trong chế độ cộng sản.

"Báo chí Việt Nam chưa bao giờ được hưởng tự do. Điều đó gây ra nhiều vấn đề, chẳng hạn vấn đề trình độ, kỹ năng của người làm báo. So với đồng nghiệp phương Tây, báo chí Việt Nam kém chuyên nghiệp hơn. So với kỳ vọng và đòi hỏi của xã hội, báo chí "hụt hơi" không theo kịp. Về cơ bản, ở Việt Nam không có nhà báo lớn, tầm cỡ thế giới.

"Và điều tồi tệ nhất hiện nay đã xảy ra là, báo chí Việt Nam chưa kịp chuyên nghiệp hoá thì đã tha hoá. Một số đông nhà báo, cơ quan báo chí trở thành công cụ cho nhiều nhóm lợi ích khác bên cạnh nhóm lợi ích lớn "truyền thống" là đảng Cộng sản. Nhiều người làm báo trẻ cũng nhiễm đủ thói hư tật xấu và hỏng nghề trước khi trở thành nhà báo đúng nghĩa.

"Nói về tự do báo chí ở Việt Nam, tôi khá bi quan. Tôi cho rằng chừng nào còn tồn tại chế độ độc đảng cai trị thì Việt Nam còn không thể có tự do báo chí."

Từ Hà Nội, một nhà nghiên cứu muốn giấu tên bình luận với BBC:

"Liên quan đến cải cách tư pháp (luật hình sự, tố tụng hình sự...) và xây dựng hệ thống pháp luật (luật tự do thông tin, luật báo chí), có thể thấy Luật tự do thông tin tiếng Việt là "luật về quyền tiếp cận thông tin", tuy nhiên, kết quả không được như mong muốn.

"Việc ra được luật tự do thông tin là vô cùng quan trọng. Theo tôi, lúc này cần thay đổi luật hình sự để không bắt bớ nhầm. Còn luật tự do thông tin và luật báo chí, thì có thể chưa cần sửa ngay lập tức so với ưu tiên kia, nhưng cần thực thi cho tốt. Trước mắt cần ra luật biểu tình để khỏi bàn chuyện bắt người vận động biểu tình, nói nôm na là như vậy.

"Và đặc biệt, tôi thấy Việt Nam cần bỏ điều trong luật hình sự "lợi dụng quyền dân chủ... để chống phá nhà nước", đây là tội danh họ đã gán cho ông blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và ngoài ra, cũng cần bỏ một số tội như "lật đổ chính quyền nhân dân" nữa. Việt Nam không phải là một số nước khác, cho nên luật cũng vẫn cần tính đến văn hóa.

"Tóm lại theo tôi, nên chú ý đến luật tự do thông tin, luật báo chí, luật hình sự, luật nhân quyền và nên chú ý chất lượng thực thi luật, chú ý đến các bất cập trong luật nữa," ý kiến chuyên gia này trao đổi thêm với BBC sau Tọa đàm.

Q.P.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48220287

(1) Đầu đề do BVN đặt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn